Tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn?

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt.13,10-17) gây không ít thắc mắc cho người đọc vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi.

Thực ra ở đây Chúa Giêsu chỉ trích một câu của ngôn sứ Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.

Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn, nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước trời hơn, càng sống Lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn.

Suy gẫm

1. “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”: rất nhiều lần tôi nghe Chúa nhưng cũng như vịt nghe sấm. Lời Chúa được ban dư tràn cho tôi chẳng khác như nước đổ lá môn. Tại vì tôi nghe mà không chú ý, không suy gẫm, không có thiện chí tìm lương thực thiêng liêng cho mình.

2. “Vì lòng dân này đã ra chai đá”: Muốn nghe Lời Chúa cho có hiệu quả thì phải nghe bằng tấm lòng, như đứa con nghe tiếng của mẹ, như những người yêu nhau lắng nghe tiếng của nhau.

3. Có 3 cách đọc Lời Chúa:

Coi Lời Chúa như dầu gió: khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khỏe bạn.

Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan: tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.

Coi Lời Chúa như quả đào: vừa mát, vừa ngọt, vừa bổ dưỡng.

4. Kitô giáo là đạo từ trời xuống, vì những giáo lý và niềm tin Kitô do chính Thiên Chúa truyền xuống. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chính là mạc khải về Thiên Chúa cho con người.

Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và là ai người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được nghe.”

Ước gì chúng ta được vào số những người mà Chúa Giêsu cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

Cầu nguyện: 

Ước gì chúng ta được vào số những người mà Chúa Giêsu cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.