Ga 17, 20-26
Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy dỗ các Tông Đồ phải biết sống yêu thương, đoàn kết, và phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản đời sống huynh đệ. Hôm nay, Chúa lại cầu nguyện tiếp cho các ông với một lời cầu mà các nhà thần học xem là lời cầu nguyện táo bạo và độc đáo, vì Ngài “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha“. Như thế thì chẳng khác gì Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho chúng ta nên bằng Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa.
Không có vị sáng lập tôn giáo nào lại có được một lời cầu xin cao siêu như thế. Nhưng Chúa Giêsu còn tiếp: “Để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con và Con sai chúng“. Đây vừa là lời cầu vừa là lời thức tỉnh chúng ta. Đời sống chúng ta phải là một đời sống chứng nhân cho Chúa. Nghĩa là cuộc sống của chúng ta phải làm sao cho người khác thấy được chúng ta đã được Chúa Giêsu sai đến, và chính Chúa Giêsu là người được Thiên Chúa Cha sai đi. Dù chúng ta có tài hùng biện, giảng những bài rất hay về Chúa Kitô, xây những ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy, viết những sách rất thâm thúy… nhưng tất cả những điều này sẽ vô ích nếu chúng ta không thật sự là chứng nhân của Chúa Kitô. Chúa đã không cầu xin: Xin Cha cho chúng nó khỏe mạnh, cho chúng nó giảng đạo thành công và diễn thuyết hùng hồn, như lời cầu chúng ta thường xin. Nhưng Chúa đã xin: Cho chúng nên một…. để thế gian tin rằng Cha đã sai Con…
Trở nên một, sống yêu thương, bác ái, từ bỏ những đam mê trần tục để sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa, đó là điều Chúa cầu xin cho mỗi người chúng ta. Chính cuộc sống hiệp nhất là bằng chứng chúng ta được Chúa sai đi như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu.
Cha đã nói với chúng con về ông Gandhi, một nhà chính trị nổi tiếng của Ấn Độ mà mọi người trên thế giới đều biết. Ông đã nói một câu bất hủ đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu“. “Tại sao ông Gandhi yêu Chúa mà lại không yêu những người thuộc về Chúa?“ Ông trả lời: “Tôi không yêu người Kitô Hữu vì họ không giống Chúa Kitô“. Thật là một câu triết lý. Chúng ta, những Giám Mục, linh mục, giáo dân, liệu có giống Chúa Kitô hay không ? Và đặt giả thuyết nếu bây giờ một người giáo dân hay lương dân nói rằng: Tôi yêu mến Đức Giêsu nhưng tôi không yêu Cha này vì Cha ấy không giống Đức Kitô. Chúng ta sẽ nghĩ sao về câu nói đó?
Một người nóng tính, làm gì cũng nóng tính. Người dại dột, làm gì cũng dại dột. Người can đảm, làm gì cũng can đảm… Và Chúa Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa nên chỉ làm những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, nên cả cuộc sống của Chúa Giêsu đều là yêu thương. Vì thế, là môn đệ của Chúa Giêsu, và muốn được xứng với tên gọi ấy, chúng ta cũng phải biết sống yêu thương người khác như Ngài, yêu một cách trọn vẹn, vô điều kiện.
Khi suy ngắm về bài Phúc Âm hôm nay, một nhà chú giải Thánh Kinh đã mời gọi mọi người hãy chú ý đến chữ “như“. Chữ “như“ xem có vẻ bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa thật thâm sâu của nó. “Nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha“. “Yêu như Thầy đã yêu thương các con“. Chữ như ở đây đòi hỏi chúng ta phải giống Chúa.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống sắp đến, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta được biết sống chữ “như“ của bài Phúc Âm hôm nay, để những ai yêu mến Chúa Giêsu, họ sẽ không phải thất vọng nói lại lời của Gandhi, nhưng cũng hết lòng yêu mến chúng ta vì chúng ta thật sự đang sống giống như Chúa Giêsu. Amen.
ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận