Tin mừng hôm nay (Ga 21,1-14) là trình thuật Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ biển Tibêria. Các môn đệ đã được một mẻ cá đầy – điều các ông không hề nghĩ tưởng đến, vì các ông đã nhọc công suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Một mẻ cá được 153 con, toàn cá lớn. Theo khoa sinh vật học thời bấy giờ, chỉ có 153 loài cá. Mẻ cá đầy này là biểu trưng cho “tất cả, toàn thể”. Mỗi con cá là biểu trưng cho một dân tộc. Toàn thể nhân loại gồm 153 dân tộc. Tất cả đều đã “chui vào lưới” của Phêrô. Nhờ vâng phục Đức Giêsu, các môn đệ đã lưới “được tất cả, được toàn thể”. Sau này, các môn đệ sẽ là những người đi lưới “người” – toàn thể người – cho Thiên Chúa. Đây là lần hiện ra thứ ba của Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Tin mừng Chúa nhật 3 Phục sinh cho thấy hai khuôn mặt nổi bật : của Phêrô, vị Tông đồ trưởng và của Gioan, người được Đức Giêsu yêu mến nhất.
* Trước đó mấy tuần, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ : “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy”. Và Phêrô đã phản kháng : “Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,31-33). Nhưng ít giờ sau, Phêrô đã chối Đức Giêsu 3 lần, vì sợ hãi. Trong cuộc hội ngộ trên bờ biển hôm nay, phản ứng của Phêrô “khoác áo vào… nhảy xuống biển” đã ngầm bộc lộ sự dằn vặt, mặc cảm vì quá khứ. Nếu đọc tiếp đoạn Tin mừng này thêm 4 câu nữa, chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu 3 lần hỏi Phêrô : “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” và Phêrô đã khiếm tốn đáp lại 3 lần : “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và Đức Giêsu đã trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên cho Phêrô. Phêrô là hình ảnh của một người nhận ra chính mình là bất xứng, “là mình trần “, thế nên ông đã đón nhận được Đức Giêsu và đã được giao trách nhiệm làm thủ lãnh Giáo hội. Bất cứ ai muốn đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời mình cũng phải khiêm tốn nhận mình là bất xứng, là thiếu sót để Thiên Chúa lấp đầy cho.
* Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Thầy mình trước tiên, bởi vì quá khứ đau thương của cuộc khổ nạn đã không làm ông tuyệt vọng. Sự vắng mặt của Đức Giêsu không làm tan biến tình yêu vốn đã sâu sắc của Gioan với Thầy mình trước kia. Trong khi những người khác chưa nhận ra, Gioan đã nhận ra rồi “Ông thấy và Ông tin” (Ga 20,8). Ngược lại với Tôma, người muốn được nhìn thấy, muốn được sờ tận tay mới tin được, thì Gioan không cần những chứng cớ hiển nhiên đó. Đức tin và tình yêu đã làm cho Gioan nhận ra Đức Giêsu. Gioan là hình ảnh những người có tình yêu sâu sắc. Họ dễ dàng nhận ra Đức Giêsu hiện diện trong cuộc đời, dù trải qua nhiều đau khổ. Bất cứ ai muốn nhận ra Đức Giêsu – Thiên Chúa tình yêu – thì cũng phải “mến Chúa, yêu người”.
Phải chăng chúng ta nhận ra mình như Phêrô
và yêu mến Thiên Chúa như Gioan ?
Lạy Thiên Chúa, Chúa chúng con
Xin cho chúng con phát hiện Chúa trong thế giới,
nhận thấy Chúa qua mọi biến cố trong lịch sử chúng con.
Xin mở rộng tinh thần chúng con tìm kiếm Tình yêu Chúa.
Xin uốn nắn lưỡi chúng con xưng tụng Thánh Danh Chúa.
Xin hướng dẫn tay chúng con xây dựng vương quốc Chúa.
Vì Chúa ở trong nỗ lực chúng con đi tìm.
Chính Chúa làm sinh động cuộc tìm kiếm.
Chúa ngự trong cuộc sống chúng con.
Chính Chúa ban cho cuộc sống
ý nghĩa đích thực – Lẽ sống duy nhất.
Vì Chúa là mục tiêu duy nhất.
Yêu mến Chúa thêm một chút,
để tiến dâng Chúa lời chúc tụng vẻ vang nhất.
Hân hoan thêm một chút,
để đem đến cho muôn loài khuôn mặt thật
là Tôn Nhan Chúa.
Lm An Phong