Bài giáo lý của ĐTC về Dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô
“Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa và mở rộng con tim cho tha nhân“
Ông nhà giầu không bị kết án vì các của cải của mình, nhưng vì đã không có khả năng cảm thương và cứu giúp Ladarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hằng tuần trong tháng 5 năm 2016.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển ý nghĩa dụ ngôn ông nhà giầu và ông Ladarô nghèo. Ngài nói: cuộc sống của hai người này xem ra chạy trên hai đường rầy song song: các điều kiện sống của họ đối nghịch nhau và hoàn toàn không truyền thông. Cửa nhà của ông nhà giầu luôn luôn đóng kín đối với người nghèo nằm bên ngoài, tìm ăn vài thứ thừa từ bàn của ông nhà giầu. Ông này mặc quần áo sang trọng, trong khi ông Ladarô người đầy vết thương; ông nhà giầu ăn tiệc rộn ràng mỗi ngày, trong khi Ladarô chết đói. Chỉ có chó tới liếm các vết thương của ông. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: “Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42-43). ĐTC nhận định như sau:
Ông Ladarô diễn tả tiếng kêu của các người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
Chúa Giêsu nói rằng một ngày kia ông nhà giầu chết: người nghèo và người giầu chết, họ đều có cùng số phận. Tất cả chúng ta đều chết. Không có luật trừ cho điều này. Và khi đó ông nhà giầu hướng tới tổ phụ Abraham khẩn nài ngài với tên gọi là “cha” (cc.24.27). Như vậy, ông đòi là con của người, thuộc dân Thiên Chúa. Thế nhưng trong cuộc sống ông đã không cho thấy sự chú ý nào tới Thiên Chúa, trái lại ông đã lấy chính mình làm trung tâm của mọi sự, đóng kín trong thế giới sang trọng và phung phí của ông. Khi loại trừ Ladarô, ông đã không để ý gì đến Chúa, cũng như lề luật của Ngài. Không biết đến người nghèo là khinh dể Thiên Chúa! Chúng ta phải học cho kỹ điều này: không biết tới người nghèo là khinh dể Thiên Chúa!
Có một đặc điểm cần ghi nhận trong dụ ngôn: đó là người giầu không có tên, chỉ có tính từ người giầu thôi, trong khi tên của người nghèo được lặp lại tới 5 lần và “Ladarô” có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Ông Ladarô nằm trước cửa, là một lời nhắc nhở sống động cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa, nhưng ông nhà giầu không tiếp nhận lời nhắc nhở ấy. Ông sẽ bị kết án không phải vì của cải của ông, mà bởi vì ông đã không có khả năng cảm thương đối với Ladarô và cứu giúp Ladarô.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phần hai của dụ ngôn chúng ta thấy ông Ladarô và ông nhà giầu sau khi chết (cc.22-31). Trong cuộc sống bên kia tình hình đảo ngược: ông Ladarô nghèo được các thiên thần đem lên trời gần tổ phụ Abraham, còn ông nhà giầu trái lại bị ném xuống giữa các cực hình. Khi đó ông nhà giầu hướng mắt lên và trông thấy tổ phụ Abraham ở xa xa, và ông Ladarô bên cạnh. Xem ra ông trông thấy Ladarô lần đầu tiên, nhưng các lời ông nói phản bội ông: “Lậy cha Abraham – ông nói – xin thương xót con và gửi Ladarô – ông đã biết Ladarô mà – xin gửi Ladarô nhúng ngón tay vào nước và nhỏ trên lưỡi con cho mát, bởi vì con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”.
Bây giờ ông nhà giầu nhận ra Ladarô và xin ông ta trợ giúp, trong khi còn sống ông giả bộ không biết tới ông ấy. Có biết bao lần – biết bao lần – biết bao người giả bộ không trông thấy các người nghèo! Đối với họ không có người nghèo.
Trước đây ông từ chối ông Ladarô cả thức ăn thừa từ bàn của ông, mà giờ đây ông muốn ông ta cho mình uống nước. Ông còn tin là mình có thể ỷ vào quyền vì điều kiện xã hội trước kia của ông. Khi tuyên bố không thể nhận lời xin của ông chính tổ phụ Abraham cống hiến chià khóa của toàn trình thuật: người giải thích rằng các điều lành điều ác đã được phân chia để bù trừ sư bất công trên trần gian, và cánh cửa chia cách ông nhà giầu và người nghèo trong cuộc sống đã biến thành “một vực thẳm”. Cho tới khi ông Ladarô còn ở dưới cửa nhà mình, thì ông nhà giầu có khả thể cứu rỗi: mở toang cửa ra và trợ giúp ông Ladarô… nhưng giờ đây khi cả hai người đã chết, tình trạng đã trở thành không thể sửa chữa được nữa. Thiên Chúa đã không bao giờ được gọi vào cuộc một cách trực tiếp, nhưng dụ ngôn cảnh giác một cách rõ ràng: lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với người lân cận; khi thiếu điều này, thì điều kia cũng không tìm ra chỗ trong con tim khép kín của chúng ta, không thể vào được. Nếu tôi không mở toang cửa con tim ra cho người nghèo, thì cánh cửa ấy cũng đóng kín đối với cả Thiên Chúa nữa. Và điều này thật là kinh khủng!
Tới đây ông nhà giầu nghĩ tới các anh em ông có nguy cơ kết thúc như ông, và ông xin cho ông Ladarô có thể trở lại trần gian để cảnh cáo họ. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời: “Họ có ông Môshê và các ngôn sứ, hãy lắng nghe các vị”. Rồi ĐTC khẳng định:
Để hoán cải, chúng ta không được chờ đợi các biến cố lạ lùng, nhưng phải mở lòng cho Lời Chúa mời gọi chúng ta yêu thương Thiên Chúa và người lân cận. Lời Thiên Chúa có thể làm sống lại một con tim khô cằn, và chữa lành nó khỏi mù quáng. Ông nhà giầu đã biết Lời Chúa, nhưng đã không lắng nghe, ông đã không đón nhận nó trong tim, không để nó vào trong con tim, không lắng nghe nó, và vì thế đã không có khả năng mở mắt và cảm thương người nghèo. Không có sứ giả và sứ điệp nào có thể thay thế người nghèo mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời, bởi vì chính nơi họ mà Chúa Giêsu đến găp gỡ chúng ta: “Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy là đã làm cho chính Thầy” (Mt 25,40), Chúa Giêsu nói. Như thế, trong việc lật ngược các số phận mà dụ ngôn miêu tả, dấu ẩn mầu nhiệm ơn cứu rỗi của chúng ta, trong đó Chúa Kitô kết hiệp nghèo túng với lòng thương xót. Anh chị em thân mến, khi lắng nghe Phúc Âm chúng ta tất cả, cùng với các người nghèo của trái đất, chúng ta có thể hát lên với Mẹ Maria: “Nguời đã lật đổ ngai của các kẻ quyền thế, kẻ mọn hèn Người đã nâng cao; Người đã ban của đầy dư cho kẻ đói nghèo, người giầu có đã đuổi về tay không” (Lc 1,52-53).
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.