Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh cho một người bị băng huyết và một em bé con ông Giairô được sống lại, Chúa quay trở về Nagiarét nơi mà Ngài đã được cha mẹ giáo dục, lớn lên và sống nghề thợ mộc… Rời bỏ quê mẹ ra đi một thời gian dài, Ngài đã làm những phép lạ tại Nagiarét như ở Caphanaum và khi không được như ý, họ còn muốn ám hại Ngài bằng cách đưa lên tường thành xô xuống.
Những người đồng hương khinh bỉ và không thiết nghe Lời Chân Lý của Ngài. Thái độ của họ ngược hẳn lại với những người đến nghe Chúa ở Caphanaum. Hoặc là lần đầu Chúa trở về Nagiarét. Trước những Lời Giáo Huấn của Chúa, họ cũng ngạc nhiên vì không thấy Ngài đi học ở trường nào mà làm sao có những lời lẽ không ngoan mới lạ. Họ cũng thấy được những dấu kỳ lạ của Chúa nhưng họ cho đó là nhờ quyền lực của Bêendêbun.
Mặt khác, thấy Ngài là con bác thợ mộc, họ không thể ngờ được giữa bụi đất lại có kim cương. Họ không thể hiểu được nơi Chúa có Hai Bản Tính. Họ không thể nhận ra yếu tố Thiên Chúa và con người, hữu hạn và vĩnh cửu, trời và đất, hạnh phúc và đau khổ giao hòa lại trong một thực tại duy nhất. Đó là điều làm cho họ vấp phạm.
Chúng ta cũng ngạc nhiên tại sao một dân tộc đã được mạc khải, đã được các tiên tri loan báo, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế để đón nhận Đấng Cứu Thế; Nhưng khi Chúa đến thì họ lại từ chối. Từ chối và còn hơn nữa là đem hủy diệt đi. Như dụ ngôn những người làm vườn nho hung ác. Họ bảo rằng Nagiarét có gì là tốt đâu. Khi Chúa đến thật để chết cho họ thì họ đứng lại nơi đàng thứ VIII để gọi là nhỏ nước mắt cá sấu khóc người “vô danh.”
Nghĩ tới họ, chúng ta cũng nghĩ tới chúng ta hôm nay. Có thể có những lần chúng ta suy nghĩ băn khoăn:
– Tại sao giáo lý của Chúa lại được diễn tả bằng những ngôn từ nhân loại mà phải tin?
– Tại sao một lời nói của vị chủ tế có thể làm bánh hoá nên Mình Thánh Chúa?
– Tại sao một lời tha tội tha vạ được?
– Ơn sủng lại được ban bằng những nghi thức bên ngoài như nước, như dầu, như bánh…?
Chúng ta đã quên rằng Giáo Hội của Chúa lập ra có hai phương diện siêu nhiên và nhân loại.
– Về phương diện siêu nhiên có Chúa Kitô, có Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa Cha làm nền tảng.
– Về phía nhân loại có con người cộng tác như hàng giáo sĩ, giáo dân.
Điều rõ ràng rằng nơi đâu có con người, nơi ấy có lầm lỗi. Nhưng Giáo Hội của Chúa sẽ được tẩy luyện tinh ròng. Nhưng không phải ngay lập tức. Giáo Hội được ví như một con thuyền vượt khơi. Rất có thể bị sóng gió bão táp, có thể bị rò trong mạn thuyền nữa. Nhưng nhất định con thuyền sẽ về được tới bến cứu độ. Vậy khi chúng ta nhìn vào con thuyền Giáo Hội chúng ta nhớ hai phương diện ấy.
Dưới khía cạnh con người. Chúa sẽ thử thách xem Giáo Hội có trung thành với Ngài không. Vậy thì chúng ta đừng thấy số gương mù trong Giáo Hội mà nản lòng. Nếu có gương mù thì đó là cần có như Chúa đã xác định. Nhưng điều chúng ta cần phải làm là biết mà tránh đi, đừng có đi vào chỗ lầy lội đó.
Người kia đã nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh tầm thường con người thợ mộc. Có thể hôm nay chúng ta không hơn được bao nhiêu vì không những coi Chúa như vậy mà còn cố ý gán cho Chúa như thế nữa. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn như nhìn một bông hồng có gai có hoa. Nhìn ra Thiên Chúa trong bề sâu của Giáo Hội.