Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.
Viên đại đội trưởng ở đây là người coi một trăm quân. Ông đã nghe đồn về khả năng chữa bệnh của Chúa Giêsu. Nhưng ông chẳng hề dám gặp mặt Ngài, vì ông biết mình là dân ngoại, bị người Do Thái coi là nhơ uế. Bởi tình thương đối với anh nô lệ mà ông yêu quý, ông đã mạnh dạn nhờ các kỳ mục Do Thái xin Đức Giêsu đến nhà ông để cứu sống anh nô lệ đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3). Sau khi nghe kể lại những điều tốt đẹp viên sĩ quan Rôma này đã làm, Đức Giêsu liền lên đường đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).
Khi Chúa Giêsu còn trên đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý. Ông chẳng những thấy mình không đáng đến gặp mặt Ngài mà còn không đáng đón Ngài vào nhà mình nữa, căn nhà vẫn bị coi là ô uế của một người dân ngoại (c. 6). Ông muốn ngăn Ngài lại trước khi Ngài đến nhà ông, nên đã sai một số bạn hữu ra gặp Ngài trên đường (c. 6). Nơi ông bùng cháy một niềm tin mạnh mẽ. Ông tin rằng chẳng cần Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết. Chỉ cần Ngài nói một lời cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).
Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Chúa Giêsu. Đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh. Là một sĩ quan trong quân đội Rôma ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền. “Tôi bảo người này: “Đi !” là nó đi; bảo người kia: “Đến !” là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này !” là nó làm.” (c. 8). Lệnh được ban ra là phải thi hành. Viên đại đội trưởng tin rằng lời của Đức Giêsu cũng thế. Chỉ cần một lời cũng đủ làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui. Đức Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy. Khó lòng tìm thấy lòng tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9). Ngài đã không đến nhà viên sĩ quan, chẳng gặp mặt ông, cũng chẳng nói lời nào. Chỉ biết là sau đó anh nô lệ đã được khỏi (c. 10).
Ông là một người khiêm nhượng. Ông biết rất rõ rằng, một người Do Thái chính thống bị luật pháp của họ cấm bước chân vào nhà một người dân ngoại. Ông cũng biết rõ rằng, một người Do Thái chính thống sẽ không cho phép một người dân ngoại bước chân vào nhà mình hay là tiếp xúc với người đó. Chính vì thế mà ông không dám đích thân đến với Chúa Giêsu, nên đã nhờ các bạn người Do Thái của mình đi gặp ngài. Đúng là con người đã quen chỉ huy này có một sự khiêm nhu lạ lùng trước sự cao cả thật.
Đâu đó trong cuộc đời ta cũng đã gặp những người như viên sĩ quan Rôma. Họ có thể là mẫu mực cho các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác. Nhiều con người hôm nay, có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan, nhưng vẫn ngại chưa dám mời Chúa vào nhà, chưa dám trực tiếp gặp mặt Chúa, chỉ dám nói chuyện với Ngài qua trung gian. Nhưng họ có thể đã mang trong mình một niềm tin kiên vững và đã có kinh nghiệm về sự chữa lành kỳ diệu của Ngài. “Tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời…” Có khi chúng ta đã đánh mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa. Có khi chúng ta chẳng tin mấy vào quyền năng của Lời Ngài. Xin có được lòng tin đơn sơ như một người dân ngoại.
Ông đã đến với lòng tin cậy hoàn toàn như thể ông nhìn lên và thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi biết Ngài có thể làm việc này”. Giáo Hội thật có lý khi mượn chính lời ông mỗi khi cử hành “mầu nhiệm đức tin”: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” (Lc 7,7)
Ta thấy ông là một con người đáng cho chúng ta noi gương bắt chước. Ông không có đạo nhưng quả thực ông còn tốt hơn rất nhiều người có đạo xưa cũng như nay. Xin Chúa cho chúng ta được biết sống tốt, khiêm nhường như ông, nhất là có đức tin mạnh mẽ như ông để chúng ta cũng được Chúa khen như ông.
“Xin Ngài chỉ nói một lời”. Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: “Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị”. Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Nguyện xin Chúa, Ðấng nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban sức mạnh, để chúng ta can đảm sống và nói lời Ngài, nhờ đó những người xung quanh nhận ra phép lạ của Ngài.
Huệ Minh