Đức Giêsu xuống trần gian để thực hiện sứ vụ của Ngài. Sứ vụ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Con đường để thực hiện Tình Yêu là Thập Giá. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo về cuộc Vượt Qua của Ngài. Một lần nữa Ngài nói về cuộc xuất hành ấy sau khi Ngài đã tỏ lộ vinh quang trên núi Tabor và chữa lành một trẻ bị kinh phong. Giũa một Mêsia uy quyền, đầy sức mạnh vinh hiển và một Mêsia phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá là một Mầu Nhiệm mà các môn đệ không hiểu được.
“Đang lúc họ còn bỡ ngỡ về những việc Đức Giêesu đã làm, thì Ngài tiên báo với các ông một sự thực về sứ vụ của Đấng Mêsia. Ngài nhắc nhở các ông chú ý, lắng tai nghe cho kỹ từng lời của Ngài, vì Ngài biết: các ông sẽ khó đón nhận: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c.44). Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các bạn hữu của mình về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ trải qua. Tuy rằng “bí mật về Đấng Mêsia” luôn được che giấu nhưng những lời nói và các phép lạ của Ngài đã chứng minh điều đó. Người Do Thái nhận ra, nhưng vì do cứng lòng mà họ không chấp nhận hoặc trong đầu họ đã vạch sẵn một mẫu Đấng Mêsia theo kiểu người đời. Đó là một anh hùng cưỡi ngựa chiến, binh giáp đầy đủ, oai hùng giải phóng dân tộc, chứ không là một vị mục tử hiền lành cưỡi con lừa con, tay cầm nhành lá tiến về Giêrusalem để chịu đóng đinh và chịu chết.
“Con Người sắp bị nộp…” Đây là một cách nói thông dụng dân Do Thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân mà tránh không nêu danh Người. Cái chết của Chúa Giêsu có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi, nhưng vẫn không nằm ngoài ý định Mầu Nhiệm của Thiên Chúa “khi vào trần gian, Chúa Giêsu nói: Chúa không ưa lễ toàn thiêu… này con xin đến để thi hành ý Chúa” hoặc “lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”
“Nhưng các ông không hiểu lời đó…” (c.45a). Cũng như lần trước, các môn đệ chẳng hiểu lời giáo huấn này. Đây là chủ đề về “sự ngu muội” của các ông trước cuộc khổ nạn, trước cái chết đau thương nhục nhã trên Thập Giá. Nhưng Đức Giêsu vẫn nói, vẫn đề cập đến, nhằm dẫn dắt họ hiểu ra sứ vụ thực của Đấng Mêsia như trong sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo. Lần này, sự khép lòng của các môn đệ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài”. Họ tránh né cuộc trao đổi về những thử thách, đau khổ ấy. Như thế, chúng ta biết rằng: thật là khó khăn khi phải trực diện với cái chết.
Đời sống của người Ki tô hữu cũng không thiếu những Thập Giá. Đôi khi chúng ta chán nản, muốn buông xuôi, vứt bỏ Thập Giá. Vì thế, có một số người theo đạo vì gạo, vì được ơn này ơn kia. Và khi gặp thử thách, đau khổ, bệnh tật lại muốn bỏ Chúa, chối đạo. Lúc đó, chúng ta cần nhắc nhở nhau: hãy nhìn lên Thánh Giá, nơi đó có Đấng yêu mến chúng ta đang mời gọi lòng trung thành của chúng ta. Ngài sẽ tiếp sức để chúng ta bước trọn con đường Tình Yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy ở cùng chúng con và nâng đỡ Thập Giá hằng ngày cho chúng con. Chúa biết chúng con yếu đuối, bất trung, nhưng chúng con yêu Chúa và muốn trở thành con cái Chúa, nhất là chúng con muốn đi theo Chúa trong Thánh ý mà Chúa đã muốn nơi chúng con, Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể.