Mới đọc đoạn Tin Mừng Lu-ca hôm nay (Lc 14,1.7-14), tôi có cảm tưởng Đức Giêsu quả là một nhà mô phạm đang say sưa giảng dạy một bài học về cách xử thế, điều mà các loại sách ‘học làm người’, bắt đầu từ cuốn ‘Giáo Khoa Thư’ mà tôi đã học từ tấm bé, vẫn thường dạy. Thế nhưng, điều tôi phải xác tín là: đây đích thực là một bài Tin Mừng mà nội dung Đức Giêsu đang đề cập tới là xác định mối tương quan mỗi người chúng ta cần có đối với Thiên Chúa là Cha; phải chăng bài học đó mới chính là điều mà Đức Kitô Giêsu đã phải cất công xuống thế làm người để có thể dạy dỗ loài người chúng ta?
Hình ảnh bàn tiệc hay được Đức Giêsu dùng để chỉ Nước Trời hay Nước Thiên Chúa; bàn tiệc này được bày biện sao cho mọi người có thể tham dự, từ những kẻ được mời (là dân Do Thái), cho đến bàn dân thiên hạ: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc”. Nếu bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước đã cho chúng ta thấy chỉ những người đi qua được cửa hẹp của lòng khiêm cung mới được vào dự tiệc, thì bài Tin Mừng tuần này cũng đề cập tới điều tương tự: trong bàn tiệc đó, chỗ cao nhất sẽ dành cho ai nhận mình là kẻ khiêm hạ nhất.
Ngoài nghi vấn: ai sẽ được cứu rỗi, ta cũng thường nghe thấy nhiều người ưu tư về chỗ của họ trên thiên đàng. Để giải đáp vấn nạn sau này, câu trả lời hợp lý và lô-gích nhất sẽ là: phải làm nhiều việc lành phúc đức để có công trước mặt Chúa; ai càng giầu công nghiệp thì trên thiên đàng chỗ càng cao. Điều này từ lâu đã từng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhiều người công giáo trung thành giữ đạo, đọc kinh tối sớm, ăn chay hãm mình, tập tành các nhân đức… và làm nhiều việc thiện. Họ mong thu tích cho được thật nhiều công nghiệp, hầu chiếm được chỗ cao chỗ trọng trên thiên đàng mai ngày.
Tôi không biết tư tưởng đó đúng đến đâu trong suy nghĩ của Đức Giêsu, nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã tuyên bố chắc nịch: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên!” Như vậy Người khảng định: cho dầu lập công đức có cần thiết tới mấy đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn phải là sở đắc được một lòng khiêm cung chân thành: ai không có lòng khiêm tốn thì không thể vào dự bàn tiệc Nước Trời, còn nếu có vào được đi nữa thì cũng sẽ bị giáng xuống chỗ thấp nhất mà thôi; tại sao lại thế nhỉ?
Đơn giản là vì: Nước Trời tự bản chất, chính là lòng thương xót cứu độ được Thiên Chúa từ nhân ban nhưng không cho hết thảy mọi người. Tự mình con người không ai xứng đáng vào vương quốc đó, kể cả những người được thiên hạ coi là lành thánh, là hoàn hảo nhất. Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng không phải là cái gì có thể mua tậu được bằng tiền bạc cũng như bằng các việc lành việc thiện, hay bằng bất cứ nhân đức nào do con người nỗ lực luyện tập mà có. Giá cả duy nhất để có thể mua Nước Trời chính là: khiêm cung đón nhận; chính vì thế mà, ai càng hạ mình khiêm tốn đón nhận bao nhiêu, thì càng lãnh hội trọn vẹn Nước Trời bấy nhiêu.
Hình ảnh mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sử dụng thật chính xác lắm thay: thiên đàng là hồng ân tình yêu của Thiên Chúa được đổ đầy vào những cái ly cái cốc là tâm hồn mỗi người; ly của ai càng sâu bao nhiêu (khiêm hạ bao nhiêu) thì càng đón nhận được nhiều bấy nhiêu. Hình ảnh này giải thích ngay cả trường hợp của Đức Maria: dù nhận được muôn điều cao cả trọng đại, nhưng Mẹ vẫn luôn xưng mình là tôi tớ thấp hèn nhất của Thiên Chúa. Nói đúng ra, Ma-ri-a được nên cao trọng vô song cũng chỉ ‘vì’ Ma-ri-a đã có lòng khiêm hạ thẳm sâu hơn hết thảy mọi người: Ma-ri-a trở nên cao trọng trước hết trong ánh sáng chói lọi của Tin Mừng mà thôi.
Đúng vậy, chỉ có lòng khiêm hạ mới làm ta hiểu và thâm nhập được vào lòng thương xót Thiên Chúa ban cho nhưng không, để rồi từ đó nẩy sinh ra thứ phục vụ bác ái thuần khiết nhất. Nhiều người vẫn nghĩ rằng: qui luật ngàn đời ‘Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’ cũng sẽ được áp dụng cho phần thưởng trên thiên quốc, thế nhưng theo Đức Giêsu thì qui luật này không áp dụng cho Tin Mừng cứu độ. Chỉ những ai đã từng khiêm tốn đi thật sâu vào trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa từ nhân, người đó mới có khả năng “đãi tiệc… mà mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù… Họ không có gì đáp lễ”. Và chỉ có ai làm được như thế, tức là thực hành bác ái phục vụ phản ảnh lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, thì mới xứng đáng được nghe lời khen thưởng của ông chủ từ nhân: Anh mới thật có phúc: vì anh sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Như vậy thì khiêm hạ không những là nhân đức nền tảng của đời sống thiên liêng tu đức trên đó ta xây dựng mọi nhân đức khác, như đã từng được khảng định trong tu đức học; khiêm hạ trong Tin Mừng, khi được diễn tả bằng lòng thống hối chân thành, sẽ là điều kiện và thái độ thiết yếu cho tất cả những ai đón nhận ơn cứu độ. Phải chăng đây mới đích thực là một TIN MỪNG lớn lao hơn hết cho toàn nhân loại, đặc biệt cho những con người tội lỗi và yếu đuối như chúng ta: “ơn cứu độ chỉ được ban cho những tâm hồn khiêm cung mà thôi!”
Lạy Chúa, xin hãy dạy con: ‘tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu’. Tuy nhiên để có thể làm được các điều ấy, con cần nhận được lòng thương xót vô biên mà Chúa đã ban tặng khi cứu độ con cách nhưng không, bất chấp những yếu đuối và bất xứng của con. Xin cho con hằng biết chiêm ngắm Thập Giá, để nhờ đó con có được lòng khiêm hạ chân thành; để rồi trong thấp hèn nhỏ bé của mình, con sẽ cất tiếng ca ngợi tình yêu thương xót của Chúa đến muôn đời. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty