Khi đọc đoạn Tin Mừng Lu-ca 7:11-15, hầu như độc giả nào cũng được tác động bởi cụm từ “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương” (c.13). Trong Tân Ước, chúng ta có thể tìm thấy cụm từ “chạnh lòng thương” nhiều lần. Mỗi lần cụm từ “chạnh lòng thương” được nhắc tới, thì luôn kèm theo một phép lạ. Và mỗi phép lạ được xảy ra đều mang một ý nghĩa trong từng hoàn cảnh và thời điểm khác nhau (Mt 14:14; 9:36; Mc 1:41; 6:34).
“Chạnh lòng thương” không có nghĩa là sự thương hại hay tội nghiệp (pityorsympathy), vì những ý nghĩa này chỉ mang tính “cảm xúc” (feeling).
“Chạnh lòng thương” (compassion, mercy) mang một ý nghĩa rất khác, đó chính là “Lòng nhân từ, bao dung và tình xót thương”.
“Chạnh lòng thương” là hành động được diễn tả bởi đức ái.
Việc Chúa Giêsu làm cho con trai bà góa sống lại không đến từ lòng thương hại, nhưng đó là hành động đến từ cõi lòng bao dung, nhân hậu của Thiên Chúa. Chúa thấu hiểu được nỗi đau khổ khi thấy bà đang tiễn đưa người con trai duy nhất đi chôn. Mặc dù người trong thành đến chia sẻ, cảm thông và cùng với bà tiễn đưa con mình, nhưng nỗi đau khổ của bà chẳng hề vơi, bà vẫn khóc. Bà khóc vì bà chỉ có một người con duy nhất, nay đã chết. Bà khóc vì tương lai của bà sẽ ra sao khi bà không còn điểm tựa nào trong cuộc đời.Bà chẳng nói một lời, chẳng kêu xin tha thiết, nhưng nước mắt và sự thinh lặng của bà là tiếng nói hùng hồn để động lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su và thúc đẩy Ngài chủ động hồi phục sự sống. Vì thế, vừa thấy bà,“Chúa chạnh lòng thương”. Chúa thấu hiểuhoàn cảnh của một bà mẹgóa trong văn hóa Do-thái. Khi cõi lòng thấu hiểu được nỗi lòng, Chúa Giê-su đến bên cạnh bà và nói: “Bà đừng khóc nữa”. Rồi Chúa truyền cho người thanh niên trỗi dậy và Người trao lại người con trai cho bà.
Hành động “trao cho bà” cũng mang một ý nghĩa rất sâu xa. Theo lẽ thường, một khi người thanh niên đã được cho trỗi dậy, thì anh ta có thể tự mình đến với mẹđược chứ.Nhưng trong trường hợp này, chúng ta thấy nổi lên hình ảnh tự tay Chúa trao lại người con cho bà mẹ. Hành động “trao lại cho bà” được thánh sử Lu-ca sử dụng muốn diễn tả Chúa trao lại sự sống không chỉ cho anh thanh niên mà còn cho cả bà mẹ nữa. Chúa trao lại con trai cho bà nghĩa là Chúa trao lại cho bà một điểm tựa và một tương lai vững chắc.
Mặc dù Tin Mừng không kể gì đến việc bà bày tỏ niềm tin hay nói một lời cám ơn, Lu-ca cũng chẳng đề cập gì về việc bà và con bà có loan báo phép lạ mà họ vừa nhận được hay không? Lu-ca chỉ kết thúc câu chuyện: “Lời này được đồn ra trong khắp cùng miền Giu-đê và vùng lân cận” (c.7). Vậy ai là người đi loan báo những lời này? Phải chăng là đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ nhãn tiền? Hay chính đời sống lặng lẽ, âm thầm của bà mẹ góalại có sức lan tỏa mạnh hơn cả lời nói? Biết đâu bằng một lối sống chứng tá âm thầm như men trong bột của bà lại làm cho “Lời ấy được đồn ra khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận” (c.17)?
Họ tôn vinh quyền năng Thiên Chúa: “Một Ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân người” (c.16)
Khi chứng kiến phép lạ Chúa Giê-su làm cho anh thanh niên trỗi dạy, mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân người”.
Trong Tin Mừng Lu-ca, nhiều lần Chúa Giê-su được ví như ngôn sứ E-li-a. Chẳng hạn khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng tại Na-za-ret (4:26), Ngài làm cho dân chúng phải phẫn nộ (4:28), nhiều người tưởng rằng ông E-li-a mới xuất hiện (9:8,19). Và trong câu chuyện làm cho con trai bà góa thành Na-in sống lại,Chúa Giê-su cũng được ví như một ngôn sứ.
Đối chiếu với Cựu ước, chúng ta nhận thấy câu chuyện Chúa Giê-su hồi phục sự sống cho con trai bà góa thành Na-in có rất nhiều điểm tương đồng và song song với câu chuyện ngôn sứ Elia làm cho con trai bà góa thành Zareptha được sống lại (1Vua 17:8-24). Chẳng hạn như: Trong cả hai câu chuyện, ngôn sứ là người đi bước trước đến để gặp bà góa tại cửa thành (1 Vua 17:10; Lc 7:12); Cả hai bà góa đều chỉ có một người con trai duy nhất nhưng đã chết; Cả hai bà cùng khóc lóc khổ đau; Cả hai câu chuyện đều có những từ giống nhau khi người con trai được hồi phục và trả về cho mẹ mình (1V 17:24; Lc 7:15); Và trong cả hai câu chuyện, người chữa lành được loan báo như một Đấng có uy quyền (1V 17:24; Lc 7,16).
Ngoài những điểm tương đồng trên, chúng ta còn tìm thấy những điểm giống nhau giữa Chúa Giê-su và ngôn sứ Ê-li-a trong những đoạn Kinh Thánh khác:Ngôn sứ Elia và Chúa Giê-su cùng ăn chay 40 ngày trong sa mạc (1V 19,8; Lc 4,2); Chúa Giê-su làm phép lạ cho 5000 người ăn cũng tương tự như phép lạ lương thực của ngôn sứ Elia (1V17:7-16); Như ngôn sứ Elia, Chúa Giê-su cũng ra lệnh cho sóng gió phải im lặng(1V 17,1; 18:41-45; Lc 8:22-25); Cả hai đều là người của cầu nguyện và cả hai đều được rước lên trời (2V 2,11; Lc 9,51).
Sau khi khám phá những điểm tương đồng trên, vấn đề đặt ra: Vậy Chúa Giê-su có phải là ngôn sứ Elia mới xuất hiện không? Đã ba lần trong Tin mừng Lu-ca, Chúa Giê-su từ chối mình là E-li-a (7,27; 9;54, 61-62). Thực ra, Lu-ca không chỉ trình bày Chúa Giê-su như một ngôn sứ trong Cựu ước, nghĩa là Ngài đến để hoàn thành vai trò ngôn sứ cách trọn vẹn, nhưng Lu-ca còn muốn nhấn mạnh Chúa Giê-su là một ngôn sứ của thời đại mới, một vị Ngôn Sứ của ơn cứu độ, Đấng đã nhập thể để tỏ bày quyền năng và lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.
Lu-ca đã thành công khi trình Đức Giê-su là vị Ngôn Sứ trung gian để chuyển tải lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người, một vị ngôn sứ của lòng bao dung, luôn đứng về phía người nghèo để thấu cảm và bênh vực họ. Một vị ngôn sứ trở thành máng chở lòng xót thương giữa Thiên Chúa và con người!
Phạm Phúc, FMA