(10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy,
như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy
và ở lại trong tình thương của Người.
(11) các điều ấy, Thầy đã nói với anh em
để niềm vui của Thầy ở trong anh em,
và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
(12) Ðây là điều răn của Thầy:
anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
(13) Không ai có tình thương lớn hơn
tình thương của người hy sinh
mạng sống mình cho bạn hữu.
(14) Anh em là bạn hữu của Thầy,
nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.
Làm môn đệ của Chúa, trước hết là phải ở lại trong Chúa.
Làm sao để ở lại trong Chúa?
Câu trả lời đơn giản là giữ những điều răn của Chúa.
Vậy điều răn của Chúa là gì?
Thưa đó là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Bài cầu nguyện hôm nay, chúng ta cùng xin Chúa cho chúng ta ơn biết yêu và dám yêu. Để từ đó, tình yêu của Thiên Chúa được lớn lên và sinh hoa trái trong chúng ta.
Yêu trước hết là dâng tặng. Một tình yêu luôn thức tỉnh thì không cần người ta xin, nghĩa là chúng ta luôn quan tâm đến người khác, hiểu ý người khác, và tỏ lòng quan tâm đó ra bên ngoài. Người dâng tặng cần hết sức tinh tế, không để người khác quỳ lụy mà xin mình, là người đi bước trước. Tuy nhiên, phải khôn ngoan để đoán xem người kia cần gì, lúc nào là lúc thích hợp nhất để trao ban. Người dâng tặng là người biết đặt trọng tâm không nơi mình, nhưng nơi người khác, xem ước muốn của người khác trọng hơn mình.
Yêu cũng còn có nghĩa là cho. Cho là chấp nhận mình nghèo đi, vì cho mà không nghèo đi thì đó không thật là cho. Cao đẹp hơn là cho chính cái tôi đang cần. Không chỉ cho của cái vật chất, mà cả thời giờ, hiểu biết và chuyên môn của tôi. Hơn nữa, tôi cần phải biết cách cho. Cho mà không coi mình là chủ của quà tặng, cho cách âm thầm. Có thể một ai đó nói rằng “tôi nghèo quá, tôi không có gì để cho. Tôi là người tàn phế, tôi chỉ làm khổ người khác, chẳng cho ai được cái gì, và chẳng giúp ai được cái gì”. Ngay chính trong hoàn cảnh tàn phế, bất lực, tôi cũng có khả năng cho đấy chứ! Tôi cho người khác cái cơ hội để người khác có thể cho. Chính thái độ đơn xơ, đón nhận. Chính thái độ hiền hòa chịu những hạn chế của thể xác cũng là một điều lớn lao mà bạn đang cho những người quanh bạn.
Yêu là tha thứ. Tha thứ là cho đi ở mức độ cao nhất. Tha thứ không phải là công bằng. Đôi lúc sự đòi hỏi công bằng làm hạn chế khả năng tha thứ của chúng ta. Có người nói “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh nếu anh không công khai xin lỗi tôi.” Tha thứ là một mặt của tình yêu, một tình yêu không điều kiện thì sẽ mang đến sự tha thứ không điều kiện. Khi tôi tha thứ cho người khác, đó là dấu hiệu cho thấy tôi đã mở lòng đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa rồi. Bạn biết không, tha thứ là điểm đặc biệt làm nên sự khác biệt giữa tử đạo và các anh hùng liệt sĩ. Các vị tử đạo, đứng trước những người đang hành hình mình, cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những người đang bách hại. Trong khi những vị liệt sĩ, có thể đến chết vẫn mang trong mình mối hận thù dân tộc.
Yêu là xin. Xin thì khó hơn cho. Xin là thú nhận mình cần người khác, mình nghèo nên phải lệ thuộc. Xin là kính trọng người khác, tin vào sự quảng đại của họ. Xin là cho người khác niềm vui được tặng ban. Xin là cho ai đó thấy họ hiện hữu trên đời. Xin là thú nhận mình nghèo trước Thiên Chúa và trước anh chị em.
Cuối cùng, yêu là biết từ chối. Tương quan bạn bè cần phải đơn xơ, thẳng thắng, không quanh co. Thà bị coi là ích kỷ hơn là giả vờ bác ái nếu thấy mình không nên cho và không thể cho. Con người thì giới hạn, chúng ta không thể có mặt khắp nơi và giúp mọi người trong cùng một lúc. Vậy phải biết từ chối dù đau khổ. Càng thẳng thắng, người khác càng dễ nói thẳng cho ta những nhu cầu của họ. Từ chối đòi hỏi sự can đảm, vì từ chối đòi ta nhận định và bình tâm chọn lựa, làm việc này phải bỏ việc kia. Từ chối là tự do trong tình yêu.
Xây dựng tình yêu được gói gọn trong lời khuôn vàng thước ngọc Chúa đã dạy chúng ta “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Đây là một thái độ tích cực trong tình yêu. Chúng ta có thể tưởng tượng một chút để hiểu câu nói này. Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác: cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…Sau đó, tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong, vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng. Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau, thì thế giới đó là địa đàng, nơi ấy sự dữ không còn đất đứng. A-men!
RADIO VATICAN