1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Chúa là Thiên Chúa trung tín,
Mãi mãi chung thủy với lời hứa của mình.
Xin Chúa hãy củng cố đức tin của chúng con,
Để cùng với Chúa Giêsu, chúng con có thể luôn giữ lòng tín thác vào Chúa
Cho dù có những thành kiến, chế giễu hoặc mâu thuẫn.
Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin vững chắc
Rằng Chúa không bao giờ thay đổi lời giao ước với chúng con
Trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Gioan 10:31-42
Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”
Người Do Thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng: ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
3. Suy Niệm
– Chúng ta đến gần Tuần Thánh, lúc chúng ta tưởng niệm và nhớ lại về Cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bắt đầu từ tuần thứ tư Mùa Chay, các văn bản của bài Tin Mừng hằng ngày gần như độc quyền được trích từ sách Tin Mừng Gioan, hai chương nhấn mạnh đến mối căng thẳng bi thảm giữa việc mặc khải tăng dần lên; một phía, Chúa Giêsu cho thấy mầu nhiệm về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa lòng tăng dần lên của người Do Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với sứ điệp của Chúa Giêsu. Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ cho rằng đó là lòng trung thành với Thiên Chúa. Họ nhân danh Thiên Chúa mà chối từ Chúa Giêsu.
– Trong cách này, thánh sử Gioan trình bày cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và giới thẩm quyền tôn giáo không chỉ là một việc gì đó đã xảy ra trong quá khứ xa xưa. Nó cũng là tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra ngày nay. Nhân danh Thiên Chúa, một số người tự biến mình thành những trái bom và giết người khác. Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta, các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của Abraham, người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh chấp lẫn nhau, trong suốt dòng lịch sử. Chương trình đại kết thì thật là khó khăn giữa chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết. Nhân danh Thiên Chúa, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm mỗi ngày. Mùa Chay là thời gian quan trọng để cho chúng ta dừng lại và tự vấn: Hình ảnh nào về Thiên Chúa mà tôi có trong lòng?
– Ga 10:31-33: Người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu. Người Do Thái chuẩn bị lượm đá để giết Chúa Giêsu và Chúa lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Họ trả lời rằng: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Họ muốn giết Chúa Giêsu vì Người phạm thượng. Luật đã ra lệnh rằng những kẻ như thế phải bị ném đá.
– Ga 10:34-36: Kinh Thánh gọi tất cả mọi người là con cái Thiên Chúa. Người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu bởi vì Người nói mình là Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời đúng theo lề luật của Thiên Chúa. “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng: ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”
– Một cách khác thường, Chúa Giêsu nói “sách luật của các ngươi”. Chúa đã có thể nói rằng: “Lề Luật của chúng ta”. Tại sao Người lại nói theo cách này? Ở đây, một lần nữa xuất hiện sự chia rẽ bi thảm giữa người Do Thái và Kitô hữu, anh chị em, con cái của cùng tổ phụ Abraham, họ đã trở thành kẻ thù không đội trời chung cho đến nỗi mà các Kitô hữu nói rằng “sách luật của các ngươi”, như thể nói không phải là sách luật của chúng tôi.
– Ga 10:37-38: Ít ra là tin vào các việc tốt lành. Chúa Giêsu lại nói về các việc mà Người đã làm và đó là những việc mặc khải về Chúa Cha. “Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha.” Đây cũng là những lời mà Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly (Ga 14:10-11).
– Ga 10:39-42: Một lần nữa, họ lại muốn giết Chúa Giêsu, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Không có dấu hiệu của sự chuyển đổi. Họ tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu lộng ngôn và nhất quyết đòi giết Người. Không có tương lai cho Chúa Giêsu. Cái chết của Người đã được định đoạt, thế nhưng giờ của Người chưa đến. Chúa Giêsu đi ra và sang bên kia sông Giođan, nơi mà trước kia ông Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa. Chúa giúp người ta nhận thức được cách Thiên Chúa cư xử trong lịch sử. Người ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng mà Gioan đã công bố.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Người Do Thái nhân danh Thiên Chúa mà lên án Chúa Giêsu, nhân danh hình ảnh mà họ có về Thiên Chúa. Đôi khi, tôi đã có nhân danh Thiên Chúa mà lên án một ai đó và tôi đã có khám phá ra rằng mình đã nhầm lẫn chưa?
– Chúa Giêsu tự nhận mình là “Con Thiên Chúa”. Trong kinh Tin Kính, khi tôi tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tôi đã tuyên xưng đức tin của mình theo nội dung nào?
5. Lời nguyện kết
Lạy CHÚA là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con;
Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
Là khiên mộc, là Đấng Cứu Độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
(Tv 18:2)
Dòng Cát Minh biên soạn.