Lectio Divina – Gioan 5:1-16

1) LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU

Lạy Chúa, Ngài đã làm thoả cơn khát của chúng con trong cuộc sống bằng nước thanh tẩy. Xin tiếp tục biến đổi hoang mạc trong cuộc sống khô khan của chúng con thành thiên đường của niềm vui và bình an, để chúng con có thể sinh hoa trái của sự thánh, công bằng và tình yêu. Lạy Chúa, xin nghe lời nguyện của chúng con nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2) BÀI ĐỌC – GIOAN 5, 1-16

1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem.

2 Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang.

3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,

4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).

5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.

6 Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”

7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”

8 Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và đi!”

9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát.

10 Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!”

11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!'”

12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi’?”

13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.

14 Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”

15 Anh ta đi nói với người Do Thái: Ðức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh.

16 Do đó, người Do Thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.

3) SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay miêu tả Chúa Giêsu chữa lành cho người tàn tật đã đợi đến 38 năm để có ai đó giúp đem anh ta xuống hồ để được chữa lành! Ba mươi tám năm! Trước sự vắng mặt hoàn toàn này của tình liên đới, Chúa Giêsu làm gì? Ngài vi phạm giới luật của Ngày Sabát và chữa lành người tàn tật. Ngày nay, ở những nước nghèo, sự trợ giúp những người bệnh tật vẫn đang thiếu, con người cũng chịu chung sự thiếu thốn về tình liên đới. Họ sống trong sự bị bỏ rơi hoàn toàn, mà không có bất kỳ sự giúp đỡ hay tình liên đới từ bất kỳ ai.

Ga 5, 1-2: Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Nhân dịp lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Ở đó, gần Đền thờ là một cái hồ với năm hành lang. Vào thời điểm đó, việc thờ phượng trong Đền thờ cần nhiều nước vì vô số các con vật bị hiến tế, đặc biệt trong suốt những ngày lễ lớn. Đấy là lý do vì sao, gần ĐềnThờ có nhiều bể để chứa nước mưa. Một vài cái có thể chứa đến hơn ngàn lít nước. Gần đó, bởi vì sự dồi dào của nước, có một khu tắm công cộng, nơi đám đông những người bệnh tật tụ tập đợi sự giúp đỡ hoặc được chữa lành. Khoa khảo cổ học đã chỉ ra rằng trong cùng khu vực của Đền Thờ, có một nơi các kinh sư dạy lề luật cho các học trò. Bên này, dạy lề luật của Thiên Chúa. Bên kia, sự bỏ rơi người nghèo. Nước đã thanh tẩy Đền Thờ, nhưng đã không thanh tẩy được con người..

Ga 5, 3-4: Tình trạng của người bệnh. Những người bệnh này đã bị thu hút bởi nước của khu tắm. Họ đã nói rằng một thiên thần sẽ khuấy nước lên và khi nước khuấy lên, ai xuống trước sẽ được khỏi. Nói cách khác, những người bệnh bị thu hút bởi một niềm hy vọng sai lầm. Cũng như vé số ngày nay. Chỉ một người trúng giải! Phần đông trả tiền và không trúng gì cả. Cách chính xác, trong tình huống này, tại khu tắm công cộng, Chúa Giêsu gặp những người bệnh tật.

Ga 5, 5-9: Chúa Giêsu chữa người đàn ông bệnh tật vào Ngày Sabát. Rất gần với nơi mà sự chấp hành Lề Luật của Thiên Chúa được dạy, một người tàn tật đã ở đó 38 năm, đợi chờ ai đó giúp đem anh ta xuống hồ để được chữa lành. Chi tiết này cho thấy sự thiếu thốn hoàn toàn của tình liên đới và sự chấp nhận của việc bị loại trừ! Con số 38 ám chỉ khoảng thời gian của một thế hệ (Thời gian chúng ta đi từ Cađê Bácnêa cho đến khi chúng ta qua thung lũng Derét là ba mươi tám năm – Đnl 2:14). Nó là cả một thế hệ đã không thành công trong trải nghiệm về tình liên đới, hay lòng thương xót. Tôn giáo vào thời đó, không có khả năng để chỉ ra sự chào đón và khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa. Đối diện với bi kịch này Chúa Giêsu vi phạm luật của Ngày Sabát và chăm sóc cho người đau ốm rằng: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy liền vác chõng và bắt đầu bước đi giữa mọi người.

Ga 5, 10-13: Đối thoại giữa người được khỏi bệnh với người Do Thái. Ngay sau đó, vài người Do Thái đã đến và chỉ trích người đang vác chõng vào ngày Sabát. Người này không biết ai đã chữa cho ông. Ông không biết Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đi ngang nơi người nghèo và người đau ốm thì thấy ông; Ngài nhận thấy tình trạng bi đát của ông và chữa cho ông. Ngài không chữa cho ông để cải chánh ông, cũng không làm thế để ông tin vào Thiên Chúa. Ngài chữa cho ông vì Ngài muốn giúp ông. Ngài muốn ông trải nghiệm một ít tình yêu và tình liên đới thông qua sự giúp đỡ của Ngài và nhận lấy tình yêu.

Ga 5, 14-16: Người ấy gặp lại Chúa Giêsu. Vào Đền thờ, giữa đám đông, Chúa Giêsu gặp người ấy và nói với ông: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”. Vào thời điểm đó, người ta đã nghĩ và nói rằng: “Bệnh tật là sự trừng phạt từ Thiên Chúa. Thiên Chúa trừng phạt mày!” Khi ông được chữa bệnh, ông phải giữ cho mình không phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! Nhưng trong sự ngây thơ của ông, ông đến kể cho người Do Thái rằng Chúa Giêsu đã chữa ông. Người Do Thái bắt đầu cật vấn Chúa Giêsu vì sao Người lại làm vậy trong ngày sabát. Phúc Âm ngày mai chúng ta rõ phần tiếp theo.

4) CÂU HỎI CÁ NHÂN

• Tôi đã bao giờ kinh nghiệm tương tự như tình huống này của người đau ốm: ở đó trong thời gian dài mà không một sự giúp đỡ? Làm thế nào tình huống này liên hệ đến sự giúp đỡ người đau ốm tại nơi bạn đang ở? Bạn có nhận ra được bất kỳ dấu chỉ nào của tình liên đới không?

• Điều này dạy chúng ta điều gì trong hôm nay?

5) LỜI NGUYỆN KẾT

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,

dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì (Tv 46,1-3)

Magdalene Nguyen (Chuyển ngữ từ Dòng Cát Minh Nam)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.