Niềm vui của lòng thương xót

Câu hỏi gợi ý

(Trích bài suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Chay 04 của Lm. GB.Nguyễn Ngọc Thế SJ.)

1. Phần đầu tiên của dụ ngôn là việc xầm xì của người Pha-ri-sêu và các kinh sư về Chúa Giê-su: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đây là một thói xấu dễ làm thương tổn đến người khác. Trong tông chiếu năm thánh Lòng Thương Xót, ĐTC. Phanxico viết: “Bao nhiêu tai hại do lời nói gây ra một khi chúng được thúc đẩy bởi những cảm xúc của sự ghen tương và đố kỵ! Nói xấu người khác đặt chúng ta dưới thứ ánh sáng xấu xa, làm xói mòn uy tín của người khác và biến họ thành con mồi cho các ý tưởng ngẫu hứng của tin đồn”. Bạn hãy thử xét mình xem, bạn có thói quen nói xấu về người khác không? Bạn có hùa theo người khác để làm tổn thương người khác và làm xót mòn uy tín của người khác không?

2. Qua dụ ngôn của lòng thương xót, chúng ta nhận ra Chúa Giê-su luôn nhìn đến những “phận hèn mọn”, những người bị mọi người xa lìa và bỏ rơi. Những người tưởng là không còn gì để cứu chữa, thì Chúa lại đến với họ. Bạn có trải nghiệm nào về việc Chúa Giê-su đã nhìn đến bạn, một phận người hèn mọn và tội lỗi? Bạn hãy dành thời gian và cầu nguyện với trải nghiệm đó một lần nữa. Quan trọng là bạn khám phá sâu hơn khuôn mặt thương xót vô
bờ của Chúa Giê-su, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng luôn coi bạn là người quan trọng với Ngài.

3. Trong dụ ngôn người Cha nhân hậu, bạn thích nhân vật nào nhất? Người cha, người con thứ, người con cả? Tại sao bạn lại thích nhân vật đó? Bạn có nét nào giống nhân vật đó?

4. Hình ảnh hồi tâm sám hối ăn năn của người con đưa lại cho bạn sứ điệp gì?
Sám hối là gì đối với bạn trên hành trình Đức Tin? Bạn có thường xuyên sám hối không? Phần đầu của mỗi Thánh Lễ, chúng ta đều bắt đầu với phần sám hối và xin ơn lòng thương xót của Chúa.

5. Hình ảnh của người con cả đưa lại cho bạn sứ điệp gì? Bạn có nét nào của người con cả không?

6. Cuối cùng hình ảnh của người Cha có ý nghĩa gì đối với bạn? Trong hành trình Đức Tin của bạn cho đến hôm nay, có bao giờ bạn cảm nghiệm được Chúa thương xót bạn như người Cha nhân hậu đối với hai người con trong dụ ngôn không? Hãy dành thời gian để nhìn lại đời bạn, và qua đó khám phá ra “dấu ấn” của lòng thương xót mà Cha trên trời dành cho bạn.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.