CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Có hai bé trai, một công giáo, một em không công giáo nhặt được một quả lựu đạn. Mang về ra sau vườn, em công giáo đi tìm cưa để cưa trái lựu đạn. Em không công giáo ngồi ngắm nghía, không biết táy máy thế nào, quả lựu đạn nổ chết banh xác. Người ta vỗ tay kêu Chúa phạt thằng không có đạo phá phách. Có một chị kia, muốn cho có vòng eo thon thả, sáng sáng người ta đi lễ thì chị đi đánh cầu lông, chạy bộ để thể dục thể thao..chẳng may ngày kia đi sớm trời đang tối gặp anh chàng chạy xe không có đèn, tông một phát chết ngay tại chổ, người ta bảo Chúa phạt cái tội đỏng đảnh không chịu đi lễ mà chỉ biết lo cho thân xác. Hai bà ngoài chợ cải nhau chuyện mua bán, một bà bỏ về, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi rủa băng qua đường quên không nhìn xe, một chiếc xe tải lao tới không kịp thắng, tông dẹp lép đầu. Bà ngồi trong chợ vỗ tay kêu: “Đấy, Chúa phạt cái tội ăn gian mà còn cải”. Cách đây đã hơn 2000 năm, những người đồng thời với Chúa Giêsu cũng suy nghĩ như thế khi họ nghĩ những người Galilê bị quan Philatô giết chết. Và mười tám người khác bị tháp Silôê đổ xuống đè chết chắc đã ăn ở thất đức, tội lỗi nên mới bị Chúa trừng phạt như vậy, đồng thời họ vui mừng vì thấy mình không rơi vào tình trạng của những người cùng khốn đó.
Thế nhưng, quan niệm của Chúa Giêsu thì khác, Ngài đã đánh đổ quan niệm cũ sai lầm trong Do thái giáo, coi những người chết vì bệnh tật, tai nạn, bị đàn áp… là những người tội lỗi – Rồi Ngài khẳng định rằng nếu không sám hối và sinh hoa kết quả – mà cứ chai lì ra, thì sẽ chịu hậu quả khốc liệt hơn những người chết trong hai biến cố trên.
Như vậy, sám hối trở về với Chúa không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn về tội đã phạm, sám hối không chỉ là xa tránh sự dữ, không chỉ là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, trái lại sám hối cũng còn có nghĩa là không được như cũ mà phải tốt hơn, nhân đức hơn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Sám hối là hãy lo chuyện mình bằng cách ăn năn và cải thiện đời sống của mình, đừng mất giờ lo chuyện suy diễn xấu cho người khác, kẻo gây khổ thêm cho họ và cho những người thuộc về họ, đồng thời cũng gây thêm tội và thêm hậu quả xấu cho chính bản thân mình.
Như cây vả trong bài tin mừng hôm nay, cây vả không sinh trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan, nhưng tội của nó là làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái, thì cũng tương tự, có thể chúng ta không làm điều xấu, chẳng làm hại ai, nhưng cây vả đời ta, cuộc sống của mỗi người chúng ta không chỉ có lo sao cho to cành xanh lá, trơn tru, nhẳn nhụi là đủ, nhưng còn phải sinh hoa kết trái. Đạo Kytô không chỉ là lo tránh tội, nhưng còn là tích cực phát huy điều thiện, điều tốt. Sống đạo không chỉ là đừng kết án người khác, mà còn là cố gắng cho đời mình đơm hoa kết trái. Sống đạo không phải chỉ đến ngồi lê la bên ngoài nhà thờ, cố chờ cho xong một ván lễ như để trả nợ đời, sợ mắc tội trọng, bị Chúa phạt, nhưng sẽ làm cho mỗi thánh lễ Chúa nhật trở thành giây phút tràn trào niềm vui. Niềm vui của hội ngộ, niềm vui của bàn tiệc ân phúc, niềm vui của những người được ơn đổi mới vì được diện kiến Thiên Chúa yêu thương.
Thế nên, hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà giải tội xưng thú tội lỗi mình… mà còn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới dồi dào hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới con người và xã hội, mùa nở hoa kết trái tình thương, mùa thực thi việc lành phúc đức… nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt y như vậy hoặc có thể “năm tới sẽ bị chặt đi”. Thời gian gần đây, không hiểu tại sao người ta chết bất đắc kỳ tử, chết không kịp ngáp… nhiều quá. Quả thực, không ai biết mình sẽ còn sống bao lâu, và cũng không ai biết được khi nào mình hết sống. Trong một năm qua bao nhiêu bạn bè người thân của ta giờ này đã ra người thiên cổ. Nhưng chúng ta còn được sống bình an tới giờ này, thì đó là do tình yêu của Thiên Chúa, bởi thế chúng ta hãy biết tri ân Ngài vì lòng thương xót ấy, đồng thời chúng ta cũng phải biết tận dụng tối đa thời gian được gia hạn, đặc biệt thời gian của Mùa Chay thánh này để hoán cải làm phát sinh nhiều hoa trái đạo đức thánh thiện hơn. Amen.
Lm. Paul Nguyễn Nguyên