Hôm nay Chúa Giêsu dạy cách đối xử với kẻ thù ghét mình:
– Khuynh hướng tự nhiên là ghét kẻ thù ghét mình.
– Cựu Ước cũng không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.
– Còn Chúa Giêsu dạy:
a/ Hãy yêu thương kẻ thù;
b/ Hãy làm ơn cho kẻ thù;
c/ Hãy cầu nguyện cho họ.
Suy gẫm
1. Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng: con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau nhưng gần đây ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là bạo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì hận thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức được rằng báo thù không phải là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.
2. Trong ngôn ngữ của Kitô hữu không nên có tiếng “kẻ thù của mình,” vì Kitô hữu không được thù ai cả; chỉ có tiếng “những kẻ thù ghét mình” thôi. Và sứ mạng của Kitô hữu là cải hóa những người ấy.
Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ: yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.
3. Có hai người kia đều bị bắn tên. Người thứ nhất bình tĩnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, và ngày sau khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào mình mẩy của mình, đã thế khi gặp người thân anh còn đâm họ bị thương nữa.
Mũi tên chính là lời công kích của kẻ khác. Người khôn cư xử như người thứ nhất, nghe xong bỏ đi. Kẻ dại cư xử như người thứ hai cứ lập đi lập lại lời công kích đó và còn thuật lại cho người thân, làm cho bản thân mình và người thân thêm đau đớn vô ích.
4. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau của sự tha thứ và được tha thứ.
Thật vậy chỉ một thoáng vô tình tôi đã có thể trở nên một đối tượng xấu xa trong cái nhìn của tha nhân. Tâm hồn tôi sẽ ra sao khi bị nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, xa cách, khinh bỉ? Có lần tôi cũng đã nhìn tha nhân bằng đôi mắt ấy.
Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn “cảm hóa” của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối: “Bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn quảng đại. Một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu; để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án, yêu thương thay cho hận thù, đem niềm vui nâng đỡ cho hy vọng, xóa tan nỗi buồn tuyệt vọng đơn côi, để trong mọi nơi mọi lúc và cả trong lúc nhục nhã đớn đau vì tha nhân, con vẫn bình tĩnh can đảm và thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).Cha Carôlô
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con khao khát được Chúa ngự đến tâm hồn. Chúng con cũng khao khao được trở nên giống Chúa trong yêu thương mọi người. Chúa cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Xin giúp chúng con cũng đối xử tốt với tất cả mọi người. Xin sửa dạy chúng con khỏi tính hẹp hòi, ích kỷ để chúng con sống quảng đại và luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu, để chúng con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất lẫn nhau; tha thứ thay cho kết án; yêu thương thay cho hận thù; đem niềm vui nâng đỡ thay cho thái độ hạ bệ và kết án anh em. Xin dạy chúng con biết xây dựng tình người, tình bằng hữu hơn là nóng giận phá đổ tình người. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm an bình từ những nghĩa cử yêu thương, vị tha của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, luôn nói tốt, nghĩ tốt cho mọi người, ngay cả khi bị làm nhục, chúng con vẫn can đảm thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền