– Lậy Ngài, nếu Ngài muốn.
– Ta muốn.
Thế là anh chàng bị bệnh phong cùi được chữa lành.
Xưa nay chưa một ai chế ra được thuốc chữa phong cùi. Và cũng chưa một người cùi nào được chữa lành do con người. Thế giới hôm nay với nền văn minh y khoa vượt bực cũng chỉ mới chế ra được thuốc cầm chân bệnh phong cùi. Có nghĩa là, nếu ai đó không may mắc chứng bệnh hiểm nghèo này, thì phải dùng thuốc cho đến chết để cầm chân và không cho căn bệnh lây lan, hoặc tàn phá cơ thể của mình hơn nữa.
Nhưng khi ý muốn con người hòa nhập với ý muốn của Thiên Chúa, thì mọi sự, kể cả bệnh phong cùi hiểm nghèo vô phương chữa trị kia cũng vẫn được chữa lành. Thánh Máccô, trong trình thuật của ngài hôm nay, cho thấy, người mang bệnh cùi kia không uống một viên thuốc nào, và cũng không phải tốn công tìm thầy, tìm thuốc, nhưng chỉ một câu: “Ta muốn anh khỏi bệnh” (Mc 1:41) của Chúa Giêsu là lập tức anh đó được khỏi bệnh.
Cũng cùng một câu văn, Thánh Máccô đã ghi rằng trước khi Chúa Giêsu nói câu “ta muốn”, thì Ngài thật sự cảm thấy xúc động: “Xúc động vì thương xót, Chúa Giêsu giơ tay ra, động đến anh ta” (Mc 1:41). Vậy trong phạm vi Do Thái thời Ngài, và ngay bây giờ trên thế giới còn có biết bao người cùi, nhưng họ vẫn không được chữa lành. Không lẽ Ngài đã không còn “xúc động vì thương xót” nữa sao?
Câu trả lời có thể được tìm thấy trong hai trường hợp: Mặc dầu Ngài rất xúc động và xót thương, nhưng những trường hợp Ngài không chữa lành, vì Ngài có mục đích riêng của Ngài. Cái mà ta gọi là Ngài “muốn”. Hoặc Chúa thật sự bị bó tay không chữa lành được, và đây là do con người “muốn”. Trường hợp đối với những bệnh nhân phong cùi tâm linh.
Thật vậy, ở bất cứ trường hợp nào, để được chữa lành luôn luôn đòi hỏi phải có hai yếu tố: Chúa muốn và con người muốn. Chỉ có Chúa muốn không mà thôi thì vẫn chưa đủ làm nên phép lạ. Cần phải có ý muốn của con người. Con người có muốn thấy phép lạ hay không. Chúa Giêsu giữ nguyên tắc này rất kỹ. Suốt thời gian rao giảng Tin Mừng và ngay cả bây giờ, Ngài vẫn không phá lệ. Bất cứ ai nếu muốn có phép lạ, nếu muốn Ngài chữa lành đều phải “muốn”, và dĩ nhiên, cũng phải được Ngài “muốn”. Nguyên tắc này đã được ghi rõ trong Tin Mừng. Chính Thánh Máccô sau biến cố người cùi này, đã ghi nhận về trường hợp người đàn bà bị bệnh loạn huyết để được khỏi bệnh, bà cũng phải “muốn” mình được chữa lành, và bà cũng phải được Chúa “muốn” chữa lành. Vì thế, khi bà mon men chạm đến gấu áo Chúa Giêsu, thì lập tức bà được khỏi bệnh, và Chúa Giêsu đã nói với bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con. Hãy về bằng an và khỏi bệnh” (Mc 5:34). Đức tin của bà chính là lòng muốn. Chính là muốn một cách mãnh liệt sẽ được Chúa Giêsu chữa lành.
Trong đời sống tâm linh cũng như đời sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng muốn mình bình an, hạnh phúc, hiểu và yêu mến Thiên Chúa. Phần Ngài, Ngài cũng muốn nhìn thấy chúng ta bình an, hạnh phúc, biết và yêu Ngài như Ngài đáng yêu. Thế nhưng tại sao trong rất nhiều trường hợp, và có lẽ hầu hết là thế, chúng ta vẫn thấy mình bất an, không hạnh phúc. Vẫn thấy mù mịt và không mến nổi Chúa.
Chúa muốn. Ta muốn. Thật vậy, ở phần đầu của trình thuật, Thánh Máccô đã ghi nhận trường hợp phép lạ xẩy ra là có sự cộng tác của hai ý muốn: Ý muốn người bị phong cùi và ý muốn của Chúa Giêsu. Nhưng ở đoạn kết, thì cũng chính người phong cùi ấy lại làm hỏng chuyện của Chúa, vì anh ta đã “không muốn” điều Chúa “muốn”. Chúa muốn anh ta cứ im lặng mà tạ ơn Thiên Chúa đã cho mình khỏi bệnh. Nhưng anh ta lại muốn “lớn tiếng” ca rao quyền năng Thiên Chúa. Sự đối chọi ấy đã làm làm cản trở công việc truyền giáo của Ngài. Tin Mừng đã ghi: “Người này ra đi và bắt đầu công khai phổ biến tin này khiến Chúa Giêsu không thể vào thành một cách công khai được” (Mc 1:45).
Chúa muốn. Ta muốn. Làm sao để Chúa và ta muốn cùng một cái, cùng một lúc, và cùng giống nhau. Kinh nghiệm cho thấy rằng, phần đông là con người thích làm theo ý muốn mình, và ít khi hoặc không thích ý muốn của Thiên Chúa. Và trong tất cả những gì xẩy ra ngoài ý muốn của hai bên ấy, là vì con người đã không biết Chúa muốn gì?! Ngược lại, con người luôn luôn tò mò muốn biết Chúa đang làm gì cho mình. Dĩ nhiên, khi muốn biết điều này, chúng ta nghiêng về ý muốn là Chúa phải hành động như ý của chúng ta.
Trường hợp người cùi được chữa lành đã muốn lớn tiếng công khai nói về phép lạ, và hành động của anh ta làm cản bước tiến, làm cho Chúa không thể hành động một cách như ý Ngài muốn, cũng cho chúng ta thấy rõ một điều nữa là trong khi hành động vì yêu mến Chúa, vì muốn làm sáng danh Ngài, chúng ta phải rất cẩn thận và coi chừng, nếu không thay vì “ý Cha thể hiện”, thì lại là “ý con tọai nguyện”. Lúc đó cũng là lúc chúng ta làm hỏng chuyện, làm cản bước tiến của Chúa.
Nhưng làm sao biết được lúc nào Chúa muốn, và cái gì Chúa muốn. Các nhà tu đức và đạo đức học đã cho chúng ta một nguyên tắc để dò biết Chúa muốn gì và đâu là ý muốn của Ngài, đó là: Những cái Chúa muốn thường khác với những cái ta muốn. Đây là cái làm nên thánh giá, và mầu nhiệm thánh giá cũng chính là ở điểm này. Tuy nhiên, cũng các nhà tu đức và đạo đức học lại cho biết thêm rằng: Khi ta ôm hôn ý muốn của Chúa, cũng là lúc chúng ta thấy được hân hoan, bình an, và hạnh phúc!
Ngoài ra, trong tâm lý sống, sự va chạm và khác biệt trong ý muốn, chắc chắn sẽ xẩy ra giữa ta và Chúa, con người cần phải bắt chước Mẹ Maria “ghi nhận và suy nghĩ trong lòng” (Luc 2:51). Và cũng như Chúa Giêsu, là làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Chính Ngài đã làm như vậy khi đứng trước ý muốn của Cha Ngài dù ý muốn ấy Ngài không thích: “Lậy Cha, nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26:39). Nói một cách khác, Ngài đã ôm hôn ý muốn của Chúa Cha.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà cũng không làm gì hơn là theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Giêsu mà cũng không hiểu nổi hết ý Con. Cả hai Đấng đã tỏ ra hàng phục ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu thì chấp nhận uống chén Cha trao. Mẹ Maria thì ghi nhận những gì mình chưa biết mà cầu nguyện và suy nghĩ để làm theo. Như vậy, phần chúng ta, chúng ta sẽ hành động như thế nào mỗi khi mình muốn mà Chúa không muốn, hoặc sẽ ra sao mỗi khi Chúa muốn mà mình không muốn.
Noi gương khiêm nhường của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và bắt chước Thánh Augustine, chúng ta hãy thưa lên với Chúa trong những trường hợp ý muốn ta khác với ý muốn Ngài, hoặc ý muốn Ngài không hợp với ý muốn ta rằng: “Lậy Chúa, xin cho con biết Chúa và biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa, và biết con để con chê ghét chính mình con”.
T.s. Trần Quang Huy Khanh (Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ)