“Chúng tôi không biết.”

Sau khi Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ, “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” họp bàn với nhau để chủ ý ghép Chúa Giêsu vào tội “lộng  quyền” nhằm giết Chúa Giêsu. Họ bàn bạc và sắp xếp với nhau một câu hỏi, để câu trả lời của Chúa Giêsu cũng chính là lời kết tội Ngài. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ?”. Đây là một câu hỏi “tà tâm” nhằm tấn công Chúa Giêsu, chứ không phải là một câu hỏi “thành tâm” thực sự muốn biết năng quyền của Chúa để suy phục Ngài.

Chúa Giêsu dùng phương pháp của các Rabbi Do Thái, trả lời câu hỏi bằng cách lý luận và đặt ngược lại bằng một câu hỏi khác. “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta ?” Đây không chỉ là một câu trả lời nhanh trí theo kiểu loài người mà thôi. Thật ra câu trả lời của Chúa Giêsu mang ý nghĩa rằng : “Hãy nói cho ta biết, chính các ngươi nghĩ thẩm quyền của ta từ đâu ?

Với câu trả lời của Chúa Giêsu tình thế đối thoại bị đảo ngược, thay vì khó khăn đến với Chúa Giêsu để rồi Ngài sẽ bị kết án, thì giờ đây khó khăn đến với “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục”. Họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu nói theo kiểu Thánh Vịnh 7,17 thì họ bị mắc vào cái bẫy mà chính họ đặt ra. Quả là : “Hại người chẳng hóa hại thân, gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”. Câu hỏi của Chúa Giêsu dồn họ vào thế buộc họ phải trả lời. Tuy nhiên, họ đã không tìm được câu trả lời nào có lợi cho họ. Họ bèn trả lời một cách vô trách nhiệm :  (c.33).

Có thật “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” “không biết hay chỉ là né tránh sự thật ? Họ đã nghe biết nhiều về Gioan, nhưng họ không tin Gioan vì họ sợ, nếu tin Gioan thì họ sẽ phải tin cả Chúa Giêsu nữa. Họ không dám nói ra điều đó cho dân chúng vì dân chúng tin ông Gioan, và “ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ”. Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, nỗi sợ phải đối diện với sự thật và lương tâm đã khiến họ trả lời bằng một câu trả lời vô trách nhiệm : “Chúng tôi không biết.”.

Trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, cũng có lúc chúng ta hành xử giống như thế. Nhiều khi chúng ta muốn thoái thác trách nhiệm, chúng ta thường trả lời “tôi không biết”. Có lúc chúng ta ngại ngần giúp đỡ ai thoát cảnh khó khăn, chúng ta ngại dừng lại sợ mất thời giờ, chúng ta ngại phải chia sẻ gánh nặng với ai đó, chúng ta thường chọn câu trả lời “tôi không biết”. Nhiều những lúc chúng ta gặp những câu hỏi :

Bạn có biết làm như thế là sai luật Chúa không ?”,

“Bạn có biết điều bạn làm đã đưa đến việc chia rẽ Hội Thánh không ?”,

“Bạn có nghĩ cách hành xử của bạn lương tâm không cho phép không ?”,

“Bạn có hiểu cách sống của bạn làm cho gương mặt của Chúa Giêsu méo mó không?”…v.v.

Thường thì để né tránh sự thật, không muốn đối diện với lương tâm, không muốn thay đổi bản thân, chúng ta cũng chọn câu trả lời như những người thuộc Thượng Hội Đồng Do Thái hôm nay : “Chúng tôi không biết.”. Dường như với câu trả lời “chúng tôi không biết” là trách nhiệm của chúng ta khép lại cho đến lúc chấm hết. Đây là câu trả lời dễ dàng không gặp khó khăn nào. Nhưng, đây cũng là câu trả lời đóng lại cuộc đàm thoại, sự thật không được vén mở, tương quan không được nới rộng giữa những người thuộc Hội Đồng Do Thái giáo và Chúa giêsu. Giả sử  “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” có câu trả lời khiêm tốn chân nhận sự thật, ắt hẳn Chúa Giêsu sẽ mở cho họ một chân trời mới. Tương quan giữa họ và Chúa Giêsu trở nên rộng mở và họ nhận biết được bao điều mới lạ nơi Chúa.  

Suy niệm Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhiều bài học. Sống trong Hội Thánh, nhiều lúc chúng ta thích tỏ ra là người có trách nhiệm, bằng cách đặt những câu hỏi cho nhiều người. Đôi khi những câu hỏi ấy ngầm tấn công và dồn người khác vào thế bí kiểu của các người trong Thượng Hội Đồng Do Thái hôm nay. Nhưng rồi sau đó khi gặp vấn đề cần phải trả lời bằng trách nhiệm thực tế, lúc ấy chúng ta tảng lơ bằng cách nói : “tôi không biết”.

Ước gì chúng ta đến với Chúa qua Hội Thánh bằng sự thành tâm. Ước gì chúng ta sống có trách nhiệm với Chúa với chính mình và với người khác. Hãy khiêm tốn xin Chúa chỉ dạy :

Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi để có được sự tự do khi trao đổi với nhau ?

Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật, dù khi chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá ?

Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu ?

Lạy Cha,

Xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Chúa hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

Xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất.

Amen.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.