Yêu thương là cho đi, càng cho nhiều là dấu càng thương nhiều, cho tất cả là dấu một tình thương không bờ bến. Con người ngày nay, có khuynh hướng tích lũy của cải cho mình hơn là chia sẻ với người khác. Có một thì muốn hai, có hai thì lại muốn dư dật đầy tràn. Có rồi lại muốn thêm nữa. Muốn bao nhiêu cho đủ, đổ bấy nhiêu cho vừa được lòng ham muốn. Ca dao tục ngữ có câu, “nhân dục vô nhai”, lòng tham vô đáy. Chính vì không có đáy nên khi được đổ bao nhiêu thì cũng không vừa. Tuy nhiên, muốn đầy hay không là tùy vào ý muốn của con người. Lòng muốn của con người rất khác biệt nhau. Năm đồng đủ nuôi cho người này một ngày, nhưng lại thiếu hụt cho người kia. Thiếu hụt là tùy vào sự chi tiêu của mỗi người. Nếu tôi chỉ muốn ăn một bữa cơm thanh đạm, thì năm đồng sẽ đủ nuôi tôi một ngày. Trái lại, nếu tôi muốn ăn những món cao lương mỹ vị, thì năm đồng chỉ có thể mua được một món tráng miệng.
Mỗi lần cho đi là một sự mất mát. Vì khi cho đi, thì phải tích ra một phần của mình để trao ban cho người khác. Muốn cho thì phải có trước đã. Không ai cho điều gì mà mình không có. Khi muốn biếu người khác một cái gì, thì bạn cũng phải đi mua hoặc có sẵn rồi mới đem biếu cho người ấy. Biếu tình thì cũng phải có tình mới biếu được, tuy rằng, chúng ta thật sự không thấy sự hiện diện của tình. Nhưng tình được diển đạt qua cách cho và những cử chỉ khi trao ban.
Khi cho đi mà chúng ta đòi người đáp trả thì sẽ cảm thấy mất mát. Nó mất mát khi người được cho không đáp ứng được sự khát mong của ta. Người ta thường nói, “có qua có lại mới toại lòng nhau.” Nhưng nếu có qua mà không có lại thì sẽ chọi đầu nhau. Chính vì khi chúng ta đòi hỏi sự qua lại đó mà không được thỏa mãn, chúng ta sẽ cảm thấy đó là một điều mất mát. Vẫn biết rằng, cho đi tặng lại là một cách đối xử với nhau rất tốt. Nhưng thử hỏi, nếu muốn cho đi mà để đáp đền lại một cái gì đó thì có công gì? Và thiết nghĩ, nếu cho đi thì phải trả lại, thì những người nghèo nàn ăn xin ở các xó đường làm sao nhận được những của bố thí? Họ đâu có của cải để đền đáp.
Muốn cho đi mà không bị mất mát thì hãy cho đi không tính toán, không điều kiện, không cần đền ơn. Khi rộng tay trao ban một điều gì đó, chúng ta không mong được người khác đáp đền, thì chúng ta mất mát cái gì? Khi lòng ước muốn của chúng ta không bị giới hạn bởi sự cho đi tặng lại thì có đâu mà mất mát. Hơn thế nữa, khi cho đi mà không đòi đáp trả, chính là lúc chúng ta ban tặng vì “Yêu Thương.” Yêu thương thì không đặt trên điều kiện, không đắn đo tính toán hơn thiệt. Như vậy mới gọi là yêu thương thật. Trái lại, khi bạn yêu tha nhân vì cái này hoặc cái kia, thì đâu phải là yêu thương chân thật.
Sách Tông Đồ Công Vụ viết, “Cho đi hơn là nhận lãnh.” Đây chính là muốn nhắc nhở chúng ta cho đi không cần đáp trả. Khi cho đi thì chúng ta không mang ơn người khác, nhưng người khác mang ơn mình. Kẻ nhận lấy cách hay cách khác, dù vật đó có nhỏ mọn đến đâu thì cũng phải mang ơn người cho.
Nếu ai trong chúng ta cũng biết trao ban, cho đi không tính toán không vụ lợi, thì làm sao có sự ích kỷ xuất hiện. Xã hội ngày nay làm sao có nhiều kẻ nghèo nàn ăn xin lang thang ngoài phố chợ. Làm sao có những người ganh đua nhau đến bị thương đổ máu. Nếu trong cuộc sống, ai cũng biết nghĩ cho người khác hơn chính mình, thì cuộc sống rất là êm đẹp biết bao. Còn gì vui sướng cho bằng chia sẻ miếng cơm manh áo cho người đang thiếu thốn. Còn gì hạnh phúc cho bằng hy sinh cho người mình yêu. Chúng ta hãy nhìn lên gương lành của Chúa Giêsu, Ngài đến thế gian để trao ban chính mình cho chúng ta, và ước mong bạn và tôi bước theo con đường đó. Biết cho đi hơn là nhận lãnh, biết sẵn sàng hy sinh giúp đỡ cho những ai đang cần đến sự hổ trợ. Theo Thánh Phanxicô, “Vì khi hiến thân, chính là lúc nhận lãnh.” Không những chúng ta được đáp đền bằng những phúc lành thiêng liêng ở đời này, mà còn được nhận lãnh cuộc sống vinh phúc ở đời sau.
Tầm Xuân, CMC