—
Thưa anh chị em,
Chúa Nhật Truyền Giáo năm 2015 sẽ diễn ra trong bối cảnh của Năm Đời Sống Thánh Hiến, là một dịp truyền cảm hứng hơn nữa để cầu nguyện và suy tư. Vì nếu mỗi người lãnh nhận Phép Rửa đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu trong việc rao truyền đức tin như một ân huệ nhận được, thì nơi nam nữ thánh hiến điều này càng đòi buộc hơn. Có mối liên hệ rõ ràng giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ. Ước muốn theo Chúa Giêsu cách mật thiết, đáp lại lời mời gọi của Chúa vác thánh giá và đi theo Ngài, bắt chước sự thánh hiến của Ngài cho Chúa Cha và việc phục vụ vì tình yêu đến hy sinh mạng sống của Ngài cho chúng ta đã khai sinh đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Toàn thể sự sống của Chúa Kitô mang đặc tính truyền giáo, vì vậy tất cả những ai theo Ngài cách mật thiết cũng phải có phẩm chất truyền giáo này.
Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo, đó cũng chính là chiều kích nội tại cho mọi hình thức của đời sống thánh hiến, không thể bỏ qua và giảm đi hay làm biến dạng đặc sủng của mình. Là một nhà thừa sai không phải là đi cải đạo hay đề ra chiến lược; sứ vụ truyền giáo nằm ở “nồng cốt” của đức tin, là điều cần thiết cho những ai lắng nghe tiếng nói thì thầm của Chúa Thánh Thần: “Đến” và “Ra Đi”. Những ai bước theo Chúa Kitô nên những vị thừa sai thì không thể yếu nhược, vì họ biết rằng Chúa Giêsu “đi với họ, nói với họ, thở với họ. Họ cảm nhận được Chúa Giêsu sống với họ giữa công cuộc truyền giáo” (Evangelii Gaudium – EG, 266).
Truyền giáo là sự say mê Chúa Giêsu và đồng thời cũng là niềm say mê dân của Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy tình yêu sâu thẳm của Ngài dành cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Đồng thời, chúng ta nhận ra rằng tình yêu này tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu mở rộng để ôm lấy dân Thiên Thiên Chúa và tất cả nhân loại. Chúng ta một lần nữa nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để đến gần với dân yêu dấu của Ngài hơn (x. số 268, EG) và tất cả những ai tìm kiếm Ngài với một tâm hồn chân thành. Trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu “ra đi “, chúng ta đọc thấy nội dung và những thách đố mới luôn hiện diện trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Mọi thành phần trong Giáo Hội đều được mời gọi công bố Tin Mừng bằng chính đời sống chứng tá của họ. Một cách đặc biệt, những người nam nữ thánh hiến được mời gọi để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ đi đến những vùng ngoại vi, đến với những người mà Tin Mừng chưa được rao giảng.
Kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Ad Gentes là một lời mời gọi cho tất cả chúng ta cùng đọc lại tài liệu này và suy tư về nội dung của nó. Công Đồng kêu gọi một sự thúc đẩy mạnh mẽ truyền giáo trong những Cộng đoàn Đời Sống Thánh Hiến.
Đối với các cộng đoàn chiêm niệm, Thánh Theresa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng các nhà truyền giáo xuất hiện như một ánh sáng mới; chị nói đến một lối mới mẽ và truyền cảm hứng suy tư dựa trên mối liên hệ sâu sắc giữa đời sống chiêm niệm và truyền giáo.
Đối với những tu đoàn hoạt động, sự thúc đẩy truyền giáo được nảy lên từ Công Đồng đã bắt gặp một sự cởi mở ngoại thường cho sứ mạng ad gentes [đến với muôn dân], thường kèm theo với sự cởi mở đối với các anh chị em từ các vùng đất và các nền văn hóa gặp gỡ nhau trong việc rao giảng Tin Mừng, đến mức mà ngày nay người ta có thể nói nhiều về một “interculturalism” [chủ thuyết hội nhập văn hóa] trong đời sống thánh hiến.
Do đó, có một nhu cầu cấp thiết để tái khẳng định rằng lý tưởng trung tâm của truyền giáo là Đức Giêsu Kitô và rằng lý tưởng này đòi hỏi sự dâng hiến trọn vẹn bản thân cho việc loan báo Tin Mừng. Về điểm này sẽ không cần có sự dung hòa: những ai do ân sủng của Thiên Chúa được mời gọi để sống truyền giáo. Với họ, việc loan báo về Chúa Kitô ở những vùng ngoại vi của thế giới đã trở thành cách thức mà họ bước theo Ngài, và họ phải trả giá cho rất nhiều khó khăn và hy sinh. Bất kỳ xu hướng nào đi chệch ra khỏi ơn gọi này, ngay cả khi đươc thúc đẩy bởi những lý do cao quý như vô số việc mục vụ, những nhu cầu nhân đạo hay giáo hội, đều không phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong việc phục vụ Tin Mừng.
Trong các Cộng Đoàn Thừa Sai, các nhà đào tạo được mời gọi hướng dẫn rõ ràng và thẳng thắn kế hoạch này nơi đời sống và hành động để biện phân ơn gọi thừa sai đích thực. Tôi đặc biệt mời gọi các bạn trẻ, những người có khả năng can đảm làm chứng và quảng đại hành động ngay cả trong những môi trường phản văn hóa: Đừng để ai cướp đi nơi các con lý tưởng thừa sai thật sự, hãy dâng hiến toàn thân mình để bước theo Chúa Giêsu. Trong sâu thẳm lương tâm các con, hãy tự hỏi tại sao các con chọn đời sống tu sĩ thừa sai và sẵn sàng đón nhận chính đời sống này: dâng hiến tình yêu để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng. Các con hãy nhớ rằng trước khi cần phải loan báo Tin Mừng cho những người chưa hề được nghe nói đến thì việc loan báo Tin Mừng là một điều cần thiết cho những ai yêu mến Vị Thầy.
Hôm nay việc truyền giáo của Giáo Hội đang phải đối mặt với thách đố trong việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người để quay lại với cội nguồn của họ và để bảo vệ các giá trị nơi nền văn hóa của họ. Điều này có nghĩa là phải biết tôn trọng các truyền thống khác nhau và các nền triết lý khác nhau và nhận ra rằng nơi tất cả các dân tộc và các nền văn hóa đều có quyền được trợ giúp từ bên trong truyền thống của chính mình để đi vào mầu nhiệm khôn ngoan của Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng và là sức mạnh biến đổi tất cả các nền văn hóa.
Trong năng động phức hợp này, chúng ta tự hỏi: “Ai là người đầu tiên phải được sứ điệp Tin Mừng rao giảng?” Câu trả lời được tìm thấy rất luôn luôn trong dọc dài cuốn Tin Mừng: đó là những người nghèo, những người nhỏ bé và đau ốm, những người bị bỏ rơi, những người không có gì trả ơn cho chúng ta (x Lc 14: 13-14).
Loan báo Tin Mừng là một dấu hiệu rõ nét nhất ở giữa chúng ta về Vương quốc của Đức Giêsu mang đến: “Có một mối dây liên kết không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta với người nghèo. Xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” ( Evangelii Gaudium, 48). Điều này phải rõ nét nơi tất cả những ai chọn lấy đời sống thánh hiến thừa sai: nhờ lời khấn khó nghèo, họ chọn ưu tiên bước theo Đức Kitô để cho người nghèo, không phải trong ý thức hệ nhưng trong cùng cách thức mà người ấy đồng hóa mình nên như người nghèo: sống như người nghèo trong hoàn cảnh bấp bênh của cuộc sống thường nhật và từ bỏ tất cả mọi yêu sách quyền bính, và theo cách này họ trở nên anh chị em của người nghèo, trở nên nhân chứng của niềm vui Tin Mừng và dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa.
Sống chứng nhân Kitô giáo và sống dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa giữa những người nghèo và bị áp bức, những người thánh hiến được mời gọi thúc đẩy sự hiện diện của các giáo dân trong việc phục vụ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Như Công Đồng Vatican II đã tuyên bố: “Giáo dân cộng tác vào hoạt động rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội đồng thời với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động, họ tham gia vào sứ mạng của Giáo hội” (Ad Gentes , 41). Tu sĩ thừa sai thánh hiến cần quảng đại tiếp đón những người sẵn sàng làm việc với họ, thậm chí bị hạn chế về thời gian và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Họ đều là anh chị em, những người muốn tham gia vào ơn gọi thừa sai vốn được lãnh nhận nhờ bí tích Rửa Tội. Những ngôi nhà dành để lo truyền giáo mặc nhiên là những nơi dùng để tiếp đón họ và tạo cơ hội để hỗ trợ nhân lực, tinh thần và trợ giúp công việc tông đồ của họ.
Các Tu Đoàn trong Giáo Hội và Hội Dòng Thừa Sai đương nhiên là những nơi dùng để phục vụ những người chưa biết Tin Mừng của Chúa Giêsu. Điều này cũng mang nghĩa mời gọi họ chú ý đến đoàn sủng và dấn thân truyền giáo của các thành viên sống đời thánh hiến. Nhưng những người nam nữ thánh hiến cũng cần có một cấu trúc phục vụ, diễn tả sự liên hệ với Đức Giám Mục Rôma, để đảm bảo tính koinonia [hiệp thông], hợp tác và hiệp lực là một phần không thể thiếu của những chứng nhân truyền giáo. Chúa Giêsu làm cho các môn đệ nên hiệp nhất với nhau để nhờ đó thế gian tin (x. Ga 17:21). Sự quy tụ này là không giống kiểu lagalism [cùng tuân theo hiến pháp] hay institutionalism [cùng tôn trọng nhau trong những hiệp hội], nó làm bót nghẹt sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên sự đa dạng. Hiệp nhất mang lại những hoa trái hơn cho sứ điệp Tin Mừng cũng như thúc đẩy hoa trái của Thần Khí.
Các Hội Truyền Giáo trực thuộc Đấng kế vị Thánh Phêrô có một môi trường hoạt động tông đồ rộng lớn. Đây là lý do tại sao các Hội truyền giáo này cũng cần nhiều đoàn sủng của đời sống thánh hiến, để đến với những chân trời rộng lớn của việc loan báo Tin Mừng và để có thể nắm bắt được sự hiện diện đầy đủ trong bất cứ vùng đất nào mà họ được sai đến.
Anh chị em thân mến, một nhà truyền giáo đích thực thì say mê Tin Mừng. Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9:16). Tin Mừng là cội nguồn của niềm vui, sự giải thoát và ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Giáo Hội nhận được hồng ân này, và vì vậy Giáo Hội không ngừng loan báo cho mọi người “là những gì ngay từ đầu, những gì chúng tôi đã nghe, những gì chúng tôi đã thấy tận mắt” (1Ga 1: 1). Sứ mạng của những tôi tớ cho Lời là các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều đến với mọi người không trừ ai để đi vào một mối liên hệ cá nhân với Chúa Kitô. Trong hàng loạt các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, tất cả các tín hữu đều được kêu mời sống trọn vẹn dấu ấn ngày chịu phép rửa, phù hợp với hoàn cảnh từng cá nhân mỗi người. Một đáp trả quảng đại cho ơn gọi phổ quát này được dâng hiến nơi những nam nữ tu sĩ bằng đời sống cầu nguyện mãnh liệt và hiệp nhất với Thiên Chúa và sự hy sinh cứu độ của Ngài.
Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội là mẫu gương của nhà truyền giáo, tôi phó thác tất cả những người nam nữ trong mọi nơi, mọi vùng của đời sống để loan báo Tin Mừng, ad gentes. Tôi vui mừng ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả các nhà truyền giáo cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng.
Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2015, Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống/span>
Giáo Hoàng Phanxicô