Hai Dụ Ngôn Về Nước Thiên Chúa

“Bất chấp vẻ bề ngoài nhỏ bé và không hùng mạnh của Tin Mừng, Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ lớn mạnh và đạt đến sự viên mãn mang tầm mức vũ hoàn trong chiến thắng chung cục.”

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 4,26-34) kể cho chúng ta hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (cc.26-29) và dụ ngôn hạt cải trở thành cây lớn (cc.30-32).

“Đức Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (cc.26-29).

Dụ ngôn này là một câu chuyện rõ ràng, nói lên một sự thật không cần tranh cãi. Đức Giêsu dùng câu chuyện hiển nhiên này để nhấn mạnh một sự thật về Nước Thiên Chúa và mời gọi người nghe giữ một thái độ thích hợp đối với hành động của Thiên Chúa trong giai đoạn hiện tại. Điều quan trọng là: sau khi đã hoàn thành việc gieo vãi hạt giống, người ta cần phải biết kiên nhẫn và bình tĩnh chờ đợi đến thời của mùa gặt. Đất tự động sinh hoa màu. Chắc chắn mùa thu hoạch sẽ đến, và khi ấy, người nông dân sẽ có thể thu hoạch những hoa màu của ruộng đất đã trổ sinh.

Người gieo vãi hạt giống ở đây, trước tiên, là chính Đức Giêsu. Sứ điệp Tin Mừng mà Người công bố sẽ không trở thành những lời giảng dạy hư luống hão huyền. Và như thế, khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ những người đang nghe Ngài giảng dạy, nhất là các môn đệ của Ngài, đừng sờn lòng nản chí vì chưa được thấy ngay những hiệu quả của sứ điệp mà Ngài đang công bố.

Đồng thời, người gieo vãi hạt giống còn có thể được hiểu là tất cả những ai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn khuyến khích các môn đệ của Người chú tâm đến nhiệm vụ của họ là gieo vãi hạt giống Lời Thiên Chúa trong thực tiễn, mặc dù hạt giống ấy không có vẻ gì là đang phát triển. Cần phải biết chờ đợi trong kiên nhẫn và đừng nôn nóng. Sự tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa là một đòi hỏi tiên quyết dành cho những sứ giả Tin Mừng. Người ta sẽ không đạt tới mục đích của công cuộc thừa sai bằng những hành động nôn nóng và bất an, bởi vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện của con người phàm trần, mà trước hết, là của chính Thiên Chúa. Điều cần thiết là một lòng tin tưởng trong kiên nhẫn để chờ đợi Thiên Chúa hành động.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người gieo giống bỏ mặc mọi chuyện hay thờ ơ với công trình đang được thực hiện. Anh ta phải hướng cái nhìn của mình về mùa thu hoạch chắc chắn sẽ tới. Một khi mùa màng đến, anh ta sẽ lập tức đem theo liềm hái và tra tay làm việc. “Người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”. Những lời này trích dẫn Gl 4,13: “Các ngươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín”, và như thế, ám chỉ ngày phán xét tận cùng. Cũng thế, Hội Thánh phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho mùa gặt của Thiên Chúa vào lúc niên cùng thế tận.

Như vậy, Đức Giêsu muốn củng cố lòng tin của những người đương thời với Ngài, lòng tin vào Thiên Chúa và công trình của Người. Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến, và là đã đến rất gần. Sau khi Đức Giêsu đã chết và phục sinh, Hội Thánh tiếp tục công trình loan báo Tin Mừng của Ngài. Tin Mừng về Nước Thiên Chúa mang sức mạnh của chính Thiên Chúa và lớn lên trong thinh lặng kín ẩn, cho dù những người công bố Tin Mừng ấy không biết sự lớn lên ấy diễn ra như thế nào. Lời công bố của Hội Thánh có vẻ không hữu hiệu, không mấy thành công, trái lại còn phải gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được. Nhưng điều quan trọng không phải là được thấy ngay những kết quả của lời rao giảng. Hội Thánh phải tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa tất cả những sự tiến triển tiếp theo lời rao giảng của mình, trong kiên nhẫn, bình thản, tín thác và tỉnh thức hướng về mùa gặt sẽ tới.

Đối với chính chúng ta, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách cộng đoàn, dụ ngôn hạt giống tự mọc lên này luôn luôn là một câu chuyện rất thời sự. Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta sống thái độ bình an, khiêm nhường chờ đợi trong sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và sức mạnh của Tin Mừng. Thiên Chúa vẫn đang hành động trong thinh lặng và kín đáo. Người vẫn đang làm cho hạt giống Tin Mừng mà chúng ta gieo vãi được lớn lên và kết hạt.

Dụ ngôn thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay được dẫn nhập bằng hai câu hỏi, chứng tỏ việc trình bày về sự thật và về thực tại Nước Thiên Chúa là một việc khó khăn và không đơn giản. “Đức Giêsu nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (cc.30-32).

Từ chỗ chỉ là một hạt giống hết sức bé nhỏ, hạt cải biến thành một cây rất lớn. Đó là một điều đáng ngạc nhiên. Trong cách nghĩ của cư dân xứ Palestina, hạt cải được coi là thứ hạt giống nhỏ nhất. Câu chuyện dụ ngôn tập trung sự chú ý của người nghe vào sự khác biệt hẳn giữa một bên là sự khởi đầu vô cùng nhỏ bé và bên kia là sự kết thúc thật sự lớn lao. Hạt cải nhỏ bé nhưng mang nơi mình một sức mạnh làm ra một cây lớn, mạnh mẽ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ nơi cành của nó. Điều được chú ý không phải là các giai đoạn phát triển của hạt cải, vì tác giả chẳng bận tâm mô tả những giai đoạn đó, mà là kết quả ngoạn mục cuối cùng của sự phát triển.

Sự lớn lao của kết quả cuối cùng được trình bày bằng một hình ảnh rất giàu ý nghĩa: “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Để hiểu ý nghĩa của hình ảnh “chim trời” này, cần đọc lại Đn 4,9.11.18 và Ed 17,23; 31,6. Chim trời cư ngụ dưới bóng hay giữa các cành của cây, chính là hình ảnh biểu tượng của Nước Thiên Chúa đón nhận muôn dân và trở thành nhà của muôn dân.

Nhiều người muốn lập tức hiểu hình ảnh được trình bày trong dụ ngôn này theo hướng chỉ về Hội Thánh và sự phát triển của Hội Thánh tại trần gian. Đã đành Nước Thiên Chúa được thực hiện trong thế giới này và trong Giáo Hội, nhưng đó không phải là một thực tại hữu hình, thấy được như một thiết chế bề ngoài là chính Giáo Hội với những chiều kích nhân loại và xã hội của Giáo Hội. Nước Thiên Chúa cũng không được đồng hóa một cách giản đơn, thô thiển và máy móc với Giáo Hội đang đi giữa lịch sử trần gian này, với những yếu tố phàm trần của Giáo Hội. Nước Thiên Chúa là một thực tại thánh thiêng, nhiệm mầu, lớn mạnh nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Vì thế, không nên máy móc hiểu dụ ngôn hạt cải trong bài Tin Mừng hôm nay như là một câu chuyện miêu tả những kết quả thấy được bên trong cũng như bên ngoài của sự phát triển của Giáo Hội. Dụ ngôn này trước hết và chính yếu muốn nói đến sự kiện Nước Thiên Chúa đến như là một thực thể mang tầm vóc vũ hoàn. Cách hiểu dụ ngôn này như là câu chuyện về sự khải hoàn và lan tràn đắc thắng của Giáo Hội giữa thế giới, là một cách hiểu nguy hiểm, thậm chí có thể mâu thuẫn với thực tế lịch sử. Khi kể dụ ngôn này, có lẽ Đức Giêsu đã chỉ muốn nói đến những sức mạnh nhiệm mầu của Thiên Chúa cũng như sự thành công chung cục và không thể phủ nhận được của Nước Thiên Chúa, chứ không muốn nói đến diễn tiến của Giáo Hội trong lịch sử.

Điểm chính yếu mà dụ ngôn nhắm đến, là tạo một lực đẩy mạnh mẽ hướng đến một lòng tin vững chắc và một niềm hy vọng kiên cường vào sự thành công của Nước Thiên Chúa. Bất chấp vẻ bề ngoài nhỏ bé và không hùng mạnh của Tin Mừng, Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ lớn mạnh và đạt đến sự viên mãn mang tầm mức vũ hoàn trong chiến thắng chung cục. Đó có lẽ cũng là điều mà tác giả muốn nói với cộng đoàn của ông. Điều quan trọng là lời loan báo Tin Mừng, chứ không phải là những kết quả thấy ngay được trong tương lai gần của lời loan báo. Tất nhiên Tin Mừng sẽ phải được loan báo cho mọi dân tộc (13,10), và trước khi đi đến kết quả viên mãn chung cục trong biến cố Con Người quang lâm, sẽ là những cuộc bách hại, những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, và cả những thất bại nặng nề nữa (x. 13,5-23). Nhưng cái nhìn căn bản sẽ vẫn phải là lòng tin chắc chắn vào kết cục vĩ đại của Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (cc.31-32).


Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.