1) Chúa Giêsu là Mục Tử chân thực
Hôm nay và ngày mai phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cả hai khía cạnh người mục tử và cửa chuồng chiên. Trong khi lễ Phục sinh, chúng ta đã được chiêm ngắm Ngài là Chiên Con, bị sát tế trong lễ vượt qua để cứu chuộc nhân loại bằng cái chết vinh thắng của Ngài.
Ngày nay trong nền văn hóa thế giới phương Tây phát triển, hình ảnh của người mục tử không được trân trọng. Hơn nữa nó còn diễn tả một chút khinh bỉ khi nói “tôi không phải là một con chiên”. Kiểu nói như vậy được sử dụng để diễn tả về một người không trưởng thành và thiếu dũng khí.
Trước đây trong nền văn minh của người Do Thái, hình ảnh người mục tử rất nổi tiếng và quen thuộc: Abraham là một mục tử, Môisê là mục tử của dân tộc ông và vua David cũng vậy. Theo nghĩa kinh thánh thì hình ảnh người mục tử là vua, là người dẫn đưa dân tộc của mình và như Thiên Chúa là Mục Tử đã dẫn đưa con người đến cuộc sống tự do.
Lịch sử cứu rỗi được diễn tả trong Thánh Vịnh và đặc biệt được kể lại trong sách Xuất Hành, đã quen thuộc với người Do Thái về kinh nghiệm của vị Thiên Chúa ở gần bên. Kinh nghiệm này cũng được thể hiện bằng hình ảnh Thiên Chúa dẫn dân Ngài đến đồng cỏ, bảo vệ họ khỏi những kẻ thù, dẫn họ đến chỗ an toàn, qua thung lũng và qua sự nguy hiểm của sa mạc và hướng dẫn họ về Đất Hứa.
Đó là mối tình lãng mạn mà Thiên Chúa đã kết giao với dân Người. Thiên Chúa được kinh thánh dùng như hình ảnh của người mục tử, khi nói, “ Quả thật, Ðức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Ðây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.“. (Ez 34: 11-16).
Chúa Giêsu, Đấng hoàn thành tất cả những lời ngôn sứ đã chứng tỏ Ngài thật sự là Mục Tử Nhân Lành. Ngài biết chiên của mình và chiên của Ngài biết Ngài, cũng như Cha biết Ngài và Ngài biết Chúa Cha (x. Ga 10:14-15). Thật tuyệt vời như thế nào khi sự nhận chân này đưa đến Chân Lý Vĩnh Cửu và Tình Yêu Viên Mãn được mang tên là “Cha”. Từ nguồn sung mãn của sự nhận biết này phát sinh một niềm tin trọn vẹn và tinh tuyền. Đây không phải là một sự nhận biết trừu tượng. Nó là sự nhận biết giúp giải phóng để củng cố niềm tin.
2) Mục Tử là cửa
Như tôi đã đề cập ở trên, câu chuyện ngụ ngôn người mục tử, trong đó Chúa Giêsu mô tả danh tính của mình “ Tôi là Mục Tử nhân lành “(Ga 10:11). Diễn tả hình ảnh rất quen thuộc với cuộc sống ở Israel. Vào buổi tối, mục tử dẫn đưa đàn chiên vào chuồng bằng một cây gậy. Sau đó một hàng rào được bao chung quanh đàn chiên. Buổi sáng mục tử gọi từng con chiên và chiên nhận ra giọng nói của anh liền đi theo anh.
Kể lại cảnh tượng quen thuộc này, trước hết Chúa Giêsu nhấn mạnh, Ngài là mục tử nhân lành bởi vì – không giống như các mục tử chăn thuê – Ngài sẽ không làm hại chiên nhưng để chiên được sống dồi dào. Đó là đặc tính của thực sự của người mục tử nhân lành.
Nhưng cũng có ý nghĩa thứ hai: Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên “Tôi là Cửa” (x. Ga 10: 7:09). Và điều này mang hai ý nghĩa: cho các nhà lãnh đạo và cho các tín hữu. Chúa Giêsu là cánh cửa mà qua đó chúng ta băng qua để để xác nhận mình là mục tử hợp pháp. Không ai có thể có thẩm quyền trên Giáo Hội nếu không được hợp pháp hóa bởi Chúa Giêsu. Và không ai được mang danh là tín hữu nếu người đó không đi qua Chúa Giêsu và đi vào trong cộng đồng của Ngài. Như bạn có thể thấy các tín hữu phải có sự hiệp thông với Ngài mới thực sự thuộc về thành phần dân Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói: “TÔI LÀ” và Ngài nói đến bốn lần: hai lần Tôi là cửa, sau đó Tôi là Mục Tử nhân lành cũng được nói tới 2 lần. Tôi Là nhắc đến Thiên Chúa của biến cố Xuất Hành, ở đó Thiên Chúa mặc khải Thánh Danh Chúa. Thiên Chúa đã cứu nhân loại và ban cho họ được tự do.
Bất cứ ai đi qua cánh cửa là người chăn chiên; tất cả những người khác đều là kẻ trộm. Cửa là một lối mở và đồng thời cũng là hàng rào, nơi đó bạn có thể đi ra để tiến tới tự do. Chúa Giêsu là cánh cửa được mở ra giữa con người và Thiên Chúa. Là Lời nhập thể của Thiên Chúa, Ngài là cánh cửa từ nhân loại đến với Thiên Chúa. Ngài là cánh cửa mà qua đó nhân loại nhận ra sự thật về con người và về Con Thiên Chúa. Những ai đi qua Cửa này, qua sự nhận biết này sẽ nhận ra được Ngôi Lời của Thiên Chúa. Họ đi vào sự tự do, tình yêu để nên con người của tự do.
So với hàng rào của chuồng chiên để bảo vệ những con chiên thì cũng là một rào cản, nhưng cánh cửa có khả năng mở ra, giao tiếp và hiệp thông. Cánh cửa đó là Chúa Giêsu, là sự phá vỡ những gì ngăn cách giữa Thiên Chúa với chúng ta và chúng ta với Thiên Chúa và do đó đó là khả năng giao tiếp và thông hiệp giữa Thiên Chúa và con người.
3) Chúng ta phải noi gương Mục Tử để rao giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không chỉ mô tả hình ảnh Chúa Giêsu là Mục Tử của Giáo Hội, nhưng nó cũng mô tả hành vi của con chiên, được mang danh theo sau vị Mục Tử. Đây là tiến trình của một cuộc gọi (“Ngài gọi từng con chiên của mình theo tên riêng”), ngụ ý một cảm giác chiên đã thuộc về Ngài và nghe được giọng nói của Ngài.
Gọi, thuộc về và lắng nghe là những đặc điểm của một cộng đoàn theo sau Chúa Giêsu. Ngoài các đặc điểm này ra thì chiên sẽ không theo.
Chúa Giêsu, ánh sáng của thế gian sẽ dẫn đưa chiên đến những đồng cỏ tươi mát và làm cho chúng ta thành một đàn chiên của những người được tự do, thành anh chị em với nhau. Ngài là Chiên Con đã sát tế đền tội thay cho người khác. Ngài là Trưởng Tử, là Tôi Tớ của tất cả mọi người. Ngài là Mục tử đúng nghĩa.
Mẫu hình mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống là mẫu hình của người mục tử. Ngài là Mục Tử Nhân Lành, đưa chúng ta đến sự tự do. Ngài là Mục Tử Nhân Lành, Đấng phó mạng sống mình cho chiên (Ga 10, 11.15).
Đức Ông Francesco Follo (France).