Mỗi người chúng ta, khi đóng góp cho thiện ích chung, dù nhỏ bé đến đâu, cũng chính là đang làm cho thế giới và cuộc sống tốt đẹp hơn lên so với tình trạng hiện tại của nó.
Truyện kể về một vị thánh, ngài thánh thiện đến độ không hề có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện.
Ngày kia, một thiên thần đến nói với Ngài: “Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn, vậy ngài có muốn được khỏi bệnh không ?”
Vị thánh trả lời: “Không, thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn.”
Vị sứ thần đề nghị điều khác: “Ngài có muốn là người cải hóa được các tâm hồn tội lỗi trở về đường công chính không ?”
Vị thánh lắc đầu từ chối: “Không. Tôi không thể tự mình cải hóa được các tâm hồn. Đó là công việc của Chúa, tôi chỉ có thể cầu nguyện và làm những gì trong giới hạn của tôi mà thôi”.
Vị sứ giả của Chúa gợi ý thêm: “Ngài có muốn trở thành một người mẫu mực để thiên hạ luôn noi gương bắt chước không ?”
Vị thánh khiêm tốn trả lời: “Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của người khác”.
Thiên thần mới hỏi: “Vậy thì ngài mong muốn điều gì ?”
Vị thánh trả lời: “Ơn Chúa, có ơn Chúa, đó là điều tôi hằng khao khát, có ơn Chúa tôi sẽ làm được những gì Chúa muốn tôi làm”.
Vị thiên thần vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: “Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không, tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy”.
Vị thánh của chúng ta cúi đầu ưng thuận: “Nếu bắt buộc phải xin một phép lạ, thì tôi xin điều này: ước gì tôi không hề nhớ các việc thiện tôi đã làm, nhưng tôi xin được biết sống cách nào để Chúa được hài lòng và người khác được vui hơn.”
Qua câu chuyện trên, ta thấy sự thánh thiện của vị thánh nhân được biểu lộ qua tinh thần khiêm tốn và lòng tín thác vào Chúa. Thánh nhân tỏ ra không cần gì khác ngoài ơn Chúa, vì ơn Chúa sẽ giúp thánh nhân biết sống an vui phó thác để được bình tâm nhận ra điều Chúa muốn. Thánh nhân có cơ hội nói lên điều mong ước của mình, nhưng lại từ chối để hưởng ứng ý muốn của Thiên Chúa.
Trong đời sống tâm linh, nếu thiếu sự bình tâm và lòng tín thác, ta khó lòng nhận ra những đòi hỏi của Chúa xuyên qua những chuyện lớn nhỏ của đời thường và dễ rơi vào những giằng co, những lệch lạc trong đời sống. Các nhà tu đức thường khuyên chúng ta phải trở về với các bổn phận hằng ngày và thực hiện chúng cách tốt đẹp bao nhiêu có thể, vì càng làm tốt bổn phận, càng nên hoàn thiện. Bổn phận chính là thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại. Sống đúng bổn phận là sống có chất lượng cuộc sống của mình và sống có ích cho người khác. Sống có ích cho người khác không hẳn là phải làm được những điều lớn lao cho họ, nhưng trước hết đó là một sự chan hòa trong tình thương, được biểu lộ qua từng chi tiết của đời sống, có khi là một việc làm, một cử chỉ, một lời nói, một sự niềm nở… nhưng cũng có lúc chỉ là một sự hiện diện trong thinh lặng như chuyện một em học sinh đi thăm gia đình của người bạn cùng lớp vừa qua đời. Khi về đến nhà, cha em hỏi:
-
Sao con ở đó làm gì lâu quá vậy ?
-
Con ở lại để an ủi mẹ của bạn con.
-
Nhưng con có thể làm được gì để an ủi họ ?
-
Dạ con chỉ ngồi cạnh mẹ của bạn con và cùng thương bạn con với bà.
Bước vào đời, Chúa ban cho mỗi người chúng ta những nén bạc khác nhau: người thì 10 nén, kẻ thì 5 nén, người khác chỉ một nén (x. Lc 19, 11-27). Đó là những tài năng, trí tuệ, sức khỏe, của cải… mà một người có thể có được. Điều quan trọng không phải là nhiều hay ít, nhưng là từ những gì được ban cho, chúng ta làm phát sinh được những ích lợi cho bản thân và cho tha nhân bằng chính những bổn phận cụ thể trong môi trường sống của mình. Nếu ta trân trọng cuộc sống và những gì được ban cho, ta sẽ có khả năng sinh lợi tối đa những gì có trong tầm tay, khiến 1 nén có thể thành 2, thành 3 hay hơn nữa. Như vậy, mọi vai trò, mọi công việc lớn nhỏ chẳng khác gì những nén bạc Chúa đặt vào tay chúng ta và Chúa không đặt giới hạn nào cho việc sinh lợi chúng.
Đời sống con người thăng trầm theo dòng thời gian. Khi còn nhỏ, ít kinh nghiệm, ta có thể phục vụ như người chỉ được 1 nén, lớn hơn ta có thể phục vụ như người được 5 nén. Khi đã trưởng thành, có kiến thức, có sức khỏe, nhiều khả năng, ta phục vụ như người lãnh 10 nén. Rồi, khi đến buổi hoàng hôn cuộc đời, tuổi cao, sức lực hao mòn, ta lại phục vụ theo sức của mình: 5 nén, 1 nén, nửa nén hay có khi chỉ còn là người đón nhận sự phục vụ từ người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi không còn làm được gì, thì dù chỉ là một câu kinh, một cái nhìn, một câu nói, hay một thái độ biết chấp nhận thực tế cuộc đời với tâm tình đạo đức thì đó cũng là những hành vi thánh thiện và có giá trị cứu độ. Vậy sự thánh thiện của đời sống hệ tại việc sống hòa nhịp với ý Chúa và không bỏ lãng phí giây phút nào mà không mặc cho nó một tình yêu mến. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviô Nguyễn Văn Thuận đã nói: «Muốn nên thánh, con hãy làm những việc tầm thường, có khi xem ra vô nghĩa nhất, nhưng hãy đặt vào đó tất cả lòng yêu mến của con» (ĐHV số 814).
Người ta thường ví von: cuộc đời giống như một ván bài, chúng ta phải chơi tay bài của mình cách tốt nhất. Trong thực tế, không ít người cứ muốn có được những lá bài trên tay người khác hơn là những lá bài đang trên tay của mình. Chúng ta thường muốn làm người khác hơn là bằng lòng với những gì đang diễn ra trong cuộc đời mình, nên không để ý đến điều mình đang có và không cố gắng phát huy hết những khả năng của mình. Mọi ơn gọi và mọi chức phận đều là con đường nên thánh, một con đường đòi nhiều hy sinh và can đảm vượt khó từ chính những chuyện thực tế của đời mình.
Thông thường người ta dễ chú ý đến những công việc quan trọng, có hiệu năng cao mà coi nhẹ những việc lặt vặt hằng ngày. Chúng ta muốn có nhiều khả năng để phục vụ, có môi trường thuận lợi để hoạt động và có đầy đủ phương tiện để thực hiện những công việc lớn lao. Nhiều lúc ta cảm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc sống thật nhỏ bé và mong muốn có một cái gì khác hơn, nổi hơn, được đánh giá cao hơn. Nhưng thực ra, mọi việc dù nhỏ bé cũng đều quan trọng nếu ta biết nó đang đưa chúng ta đến đâu? Chúa Giêsu dạy chúng ta một nguyên tắc: «Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn» (Lc 16, 10). Một chút men, một hạt cải, chúng nhỏ lắm, nhưng Chúa Giêsu lại dùng nó để diễn tả sự lớn mạnh của Nước Trời. Như vậy, cái nhỏ thường chuẩn bị cho cái lớn. Những việc hết sức tầm thường như quét nhà, rửa chén… đều trở nên «phi thường» nếu ta biết mặc cho nó một ý nghĩa và một tình yêu. Nhiều việc nhỏ dệt thành việc lớn, dệt nên cuộc đời. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviô Nguyễn Văn Thuận viết: «Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh. Đường hy vọng do những chấm hy vọng. Đời hy vọng do những phút hy vọng».
Sống thánh là sống có chất lượng giây phút hiện tại, là sống một ngày bình thường với những tương quan tốt đẹp với Chúa, với tha nhân và làm mọi việc với hết khả năng, ta sẽ thấy hạnh phúc vì biết rằng mình đang sống hết ý nghĩa cuộc sống của mình. Điều quan trọng là hiện tại vì hiện tại lấp đầy quá khứ và xây dựng tương lai. Sống tốt hiện tại là một cách sửa chữa quá khứ và bồi đắp cho tương lai tươi đẹp.
Thánh Nữ Madeleine Sophie Barat nói với chúng ta: “Không có việc gì là bé nhỏ, nếu đó là những việc có thể làm vui lòng Chúa chúng ta”. Chúng ta làm vui lòng Chúa ngay trong những công việc bình thường. Thiên Chúa cần những chứng nhân hiện diện cách tốt lành, dù là nhỏ bé tầm thường, nhưng vẫn luôn cần thiết cho thế giới này. Mẹ Têrêsa Calcutta khi được hỏi về những hoạt động của dòng, Mẹ đã trả lời: “Những gì chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu như giọt nước ấy không có trong đại dương, chắc hẳn là đại dương sẽ vơi đi vì thiếu mất một giọt nước.”
Trong một xã hội, một cộng đoàn, mỗi người, khi đóng góp cho thiện ích chung, thì dù nhỏ bé đến đâu cũng chính là đang làm cho thế giới và cuộc sống tốt đẹp hơn lên so với tình trạng hiện tại của nó. Thánh Phaolô khuyên chúng ta :“Hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (Tx 5, 15) Việc thiện, chúng ta không phải tìm đâu xa, nhưng là những gì rất cụ thể và bình thường ta làm hàng ngày: những tương quan, những lời nói, những bổn phận… Tất cả sẽ trở nên thánh thiện nếu ta làm với tất cả tấm lòng, với một tình yêu.
Cuộc đời ngắn ngủi! Mỗi người chỉ sống một lần trên đời và mỗi người đều có 24 giờ một ngày để sống. Thật ra ai cũng muốn tận dụng hết cuộc sống mình để đạt được những kết quả tốt đẹp. Nhưng điều quan trọng là tìm ra bí quyết sống: đó là làm mọi việc với lòng yêu thương và trong tâm tình cầu nguyện. Dù cuộc sống ra sao, dù làm gì thì cũng với mục đích ấy. Đó là đường nên thánh đơn sơ nhỏ bé mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã mở màn cho chúng ta: “Con chăm chú đến những hành động nhỏ mọn và âm thầm. Vâng, con thích gấp những cái áo mưa mà chị em bỏ quên và tìm muôn vàn cơ hội để giúp chị em… Chúa không nhìn xem những việc con làm lớn chừng nào nhưng Ngài chỉ nhìn xem con có đặt vào đó một tình yêu”.
Sr Marie Rose Vũ Loan