Trong các trình thuật Tin Mừng, Gioan nói đến tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” hai lần (1, 29; 1,36). Đó là lời Gioan khẳng định khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu.
Chiên Thiên Chúa, xóa tội trần gian, nhắc cho người Do Thái nhớ đến hy lễ con chiên được cử hành trong đền thờ Giêrusalem hằng ngày và nhất là trong đại lễ Vượt qua.
Vào ngày lễ Đền tội này, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó, Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Người ta cử hành nghi lễ sám hối này để xin Giavê Thiên Chúa xóa hết tội cho mình (x. Lêvi 1,4).
Với dân Do thái, Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán… Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh… Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7.10). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng : “Chính Ngài là Con Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu gánh tội nhân loại
Hôm nay, thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta con Chiên Thiên Chúa. Chiên này được đồng nghĩa với người Tôi tớ đau khổ, trong bài ca Người Tôi Tớ, sách Isaia. Chiên này không một tiếng kêu la khi bị dẫn tới lò sát sinh.
Hình ảnh chiên thật đẹp. Đẹp vì nó hy sinh phục vụ con người. Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp thịt ngon cho con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã mang lấy tội, gánh lấy lỗi của nhân loại, Ngài còn trở nên lương thực nuôi dưỡng ta qua bàn tiệc Thánh Thể. Ngài vừa là con chiên của lễ vượt qua, vừa là biểu tượng của sự cứu chuộc Israel, vừa là dấu chỉ cho mọi thời đại về ơn cứu độ. Dấu chỉ này là Chiên Thiên Chúa phục vụ và hiến mạng.
Gánh tội trần gian
Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, phải chăng Gioan muốn nói rằng, từ nay, ta đã có Chúa Giêsu gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta rồi, nên từ nay loài người không còn tội gì nữa?
Gánh lấy tội trần gian là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ, chứ không có nghĩa là chúng ta không phải làm gì cả.
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa tội lỗi và thân phận tội lỗi. Chúa Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân Do Thái vào sa mạc. Nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự cộng tác của chúng ta.
Chúng ta thường hiểu tội là một lỗi lầm, vấp phạm, thiếu sót về luân lý, nhưng tội trần gian nói đến trong Tin Mừng là một quyền lực lớn lao đáng sợ. Tội trói buộc, đè bẹp, cướp mất tự do của con người, làm cho ta không thể sống xứng đáng là người nữa.
Tương tự như người nghiện xì ke hay nghiện rượu, họ không còn làm chủ được ý chí của họ, họ không còn tự do để vượt ra khỏi bệnh trạng của họ. Dưới ách của tội trần gian, con người như sống trong mây mù đen tối. Biểu tượng của tội trần gian là con bò vàng và người thờ bò vàng muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, tự sức mình, họ lớn mạnh đủ để lèo lái cuộc đời và thế giới theo ý họ.
Chấp nhận sự thực về mình
Hôm nay, Thánh Gioan dạy ta bài học chấp nhận. Chấp nhận sự thật về mình, về người, đó là khiêm nhường. Chấp nhận vị thế, chỗ đứng, quyền hạn, thực chất về mình, cả ưu điểm cũng như khuyết điểm, không giả tạo.
Nhờ việc chấp nhận này, ta mới có thể dò tìm về cội rễ của mình.
Nhận ra căn tính là điều quan trọng cho mình và cho những người tiếp xúc với mình.
Nhận ra căn tính là điều giúp ta biết chấp nhận cái sự thực về mình. Nhận ra căn tính sẽ giúp ta sống trung thực với lòng mình.
Biết được căn tính của mình, sẽ giúp ta biết được chỗ đứng, và lập trường của mình. Là người Công giáo, ta cũng cần học hỏi để có được cái nhìn không lệch lạc về bản chất của đạo giáo và của người Kitô giáo. Ta cần học hỏi để biết mình sinh ra đời để làm gì, sống như thế nào, và cùng đích của đời sống sẽ đi về đâu?
Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, con chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghịch lý của con người
Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước. Cựu Ước, người ta tìm kiếm, mong đợi đấng cứu thế. Họ dùng mọi hình ảnh, mọi cách để hiểu và diễn tả phần nào sự thật về Thiên Chúa, hình ảnh con chiên là một ví dụ. Trong khi đó, những người của thời Tân Ước có may mắn hơn, được mặc khải rõ ràng và trực tiếp về Thiên Chúa qua hình ảnh Con của Ngài, là Chiên gánh tội, thì càng ngày, con người càng hững hờ, làm ngơ về sự thật này.
Hôm nay, một lần nữa, Giáo hội mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy đi làm nhân chứng cho Người, giới thiệu cho người khác biết đây là Con Thiên Chúa.
Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, tình yêu Thiên Chúa cao mãi muôn đời. Đó là qui luật căn bản nhất của con người, người kitô hữu là: mang ơn, đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Đáp trả ân tình Chúa, không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống. Thành người thanh sạch trinh trong vẹn tuyền.
Đền đáp ân tình Chúa, không chỉ là nhìn nhận những ân huệ Người ban, mà còn luôn biết chia sẽ cách quảng đại cho anh em mình những ân huệ đã nhận được một cách nhưng không từ Thiên Chúa.
Đáp đền ân tình Chúa, không chỉ là biết yêu thương con người, mà còn là yêu thương không mong đền đáp, là cho đi không tính toán thiệt hơn.
Tất cả những ai quảng đại đáp trả ân tình Chúa thì đều là những chứng nhân cho Đức Kitô. Làm chứng cho Đức Kitô cách hữu hiệu nhất, là hiến trọn đời mình, dâng trọn xác hồn cho Thiên Chúa, để con người chúng ta biểu lộ tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa trước mặt người đời. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.