Trong bài trước, Đức Thánh Cha trình bày quang cảnh tổng quát của việc tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, lần này, ngài dừng lại ở lời tiên báo của ông Simêon dành cho Mẹ Maria. Người sẽ chia sẻ số phận đau khổ của Chúa Cứu thế. Những lời tiên báo này được coi như “lời truyền tin thứ hai”, bổ túc cho lời thiên sứ Gabriel nói về sứ mạng của Thân mẫu Đấng Mêsia.
1.- Sau khi đã nhận ra nơi Đức Giêsu “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32), ông Simêon đã loan báo cho Đức Maria biết về cuộc thử thách lớn lao dành cho Đấng Mêsia và sự thông phần của bà mẹ vào số phận đau thương đó.
Việc đề cập tới hy lễ cứu chuộc, điều mà trước đây thiên sứ không đả động đến vào lúc Truyền tin, cho thấy sấm ngôn của ông Simêon tương đương với “cuộc truyền tin thứ hai” (Thân mẫu Đấng Cứu thế số 16), đưa Đức Maria tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm của Con mình.
Cho tới lúc này, ông Simêon đã ngỏ lời với tất cả mọi người hiện diện, cách riêng ông đã chúc phúc cho ông Giuse và bà Maria; nhưng bây giờ ông chỉ loan báo cho Đức Maria rằng bà sẽ thông dự vào số phận của Con mình. Được Thánh Thần linh ứng, ông loan báo như sau: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, dấu hiệu bị người đời chống báng – còn phần bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2, 34-35).
2.- Những lời này tiên báo một tương lai đau khổ dành cho Đấng Mêsia. Thực vậy chính Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng”, sẽ gặp một sự đối kháng về phía người đương thời của mình. Nhưng ông Simêon cũng liên kết vào những đau khổ của Đức Kitô hình ảnh tâm hồn của Đức Maria bị một lưỡi gươm đâm thâu, và như vậy đã liên kết người Mẹ vào chung một với số phận đau khổ của người Con.
Vì thế, cụ già Simêon, sau khi vạch ra sự chống đối càng ngày càng gia tăng mà Đấng Mêsia gặp phải, thì cũng nhấn mạnh tới sự đau khổ ấy tràn sang trái tim của bà Mẹ. Sự đau khổ của người mẹ sẽ đạt tới cao điểm vào lúc tử nạn, khi ma Người kết hiệp với Con của mình trong hy lễ cứu chuộc.
Sau khi đã nhắc tới những bài ca đầu tiên về người Tôi tớ của Chúa (Is 42,4-6; 49,6) được lặp lại ở Lc 2,32, bây giờ những lời của ông Simêon làm cho chúng ta liên tưởng tới lời tiên tri về người Tôi tớ đau khổ (Is 52,13-53,12), “bị đâm thâu” vì tội lỗi chúng ta (Is.53,5), người đã dâng mình “làm của lễ xá tội” (Is 53,10) qua hiến lễ của bản thân, vượt xa các hy tế theo nghi thức cổ truyền.
Ở đây chúng ta có thể ghi nhận rằng lời tiên báo của ông Simêon cho thấy sự đau khổ tương lai của Đức Maria có điểm tương đồng với tương lai đau khổ của “Người Tôi tớ”.
3.- Bà Maria và ông Giuse đã tỏ vẻ ngạc nhiên không ít khi nghe ông Simêon tuyên bố rằng Đức Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,32). Còn khi nói tới lời tiên báo về lưỡi gươm sẽ đâm qua hồn, bà Maria không nói gì hết. Cùng với ông Giuse, bà đã thinh lặng đón nhận những lời bí nhiệm cho thấy một cuộc thử thách rất là đau thương, và bày tỏ ý nghĩa sâu xa của việc tiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Thực vậy theo ý định của Thiên Chúa, hy lễ của “một đôi chim gáy hay đôi bồ câu non theo luật truyền” (Lc 2,24) chỉ là điềm báo của hy lễ của Đức Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Trong hy lễ đó, cuộc “tiến dâng” trọn nghĩa sẽ được thực hiện và Đức Maria sẽ được kết hiệp với Con mình vào công trình cứu chuộc.
4.-Tiếp theo lời tiên báo của ông Simêon là cuộc gặp gỡ với bà tiên tri Anna: “Bà ta cũng tiến lại gần cảm tạ Chúa, và nói về Hài nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem”(2, 38). Niềm tin và sự khôn ngoan ngôn sứ của bà cụ, – một người đã “phục vụ Thiên Chúa ngày đêm” (Lc 2, 37), nuôi dưỡng niềm trông mong Đấng Mêsia bằng việc ăn chay cầu nguyện-, đã cống hiến thêm cho Thánh gia một động lực sâu xa hơn để đặt hy vọng vào Thiên Chúa của Israel. Trong một giây phút trọng đại này, đối với Đức Maria và ông Giuse thì thái độ của bà Anna xuất hiện như là một dấu hiệu của Thiên Chúa, một sứ điệp của đức tin trong sáng và sự phục vụ tận tụy.
Kể từ lời tiên báo của ông Simêon, Đức Maria đã kết hiệp chặt chẽ cuộc đời của mình với sứ mạng đau khổ của Đức Kitô: Người sẽ trở thành người hợp tác chung thủy với Con mình nhằm cứu rỗi nhân loại.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (Dịch và giới thiệu: Lm Giuse Phan Tấn Thành OP.)