Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mệnh làm tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách kêu gọi mọi người: “Hãy dọn đường Chúa đến! Hãy san phẳng lối người đi!” Dọn đường Chúa đến bằng cách chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Do Thái đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước như trong Phúc Âm Luca 16,16, nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ước. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. Gioan thực hiện sứ mệnh mình bằng việc sống trong hoang địa và nêu gương hãm mình khắc khổ, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thức ăn của người nghèo, của người từ bỏ thế tục. Nếp sống khổ hạnh của nhà ngôn sứ, từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa để xứng đáng đón nhận Nước Trời đang gần đến. Con người phải từ bỏ chính mình, phải xa rời những tham vọng trần thế thì mới có chỗ cho Đấng Cứu Thế và đáng lãnh nhận ơn cứ độ.
Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”
Qua câu nói nầy, Gioan xác nhận rõ vai trò làm sứ giả, chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế của mình. Gioan muốn nói với mọi người rằng: Tôi không là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để mọi người dọn đường đón Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế cao trọng hơn tôi và là Đấng mà muôn dân trông đợi. Đây cũng là lý do tại sao Phúc Âm Marcô bắt đầu bằng chuyện Gioan Tiền Hô chứ không bằng gia phả Chúa Cứu Thế hay chuyện Chúa Giáng Sinh như trong Phúc Âm Matthêô và Luca. Tin Mừng Maccô được viết cho người Rôma như chúng ta đã nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng khi nói về Thánh Sử Marcô. Theo cách thức của Rôma, khi vua Chúa hay quan lớn của triều đình đi đến đâu thì cũng đều sai quân lính hay sứ giả đi thông báo để dân chúng chuẩn bị đón tiếp cho phải đạo quân thần và Chúa tôi.
Nên khi viết Phúc Âm cho đọc giả Rôma, Marcô đề cập đến Gioan Tiền Hô, như một sứ giả đi trước để dọn đường Chúa đến. Người đi dọn đường chắc chắn không quan trọng cho bằng người được dọn đường. Nên ông Gioan Tẩy Giả đã phải xác nhận là “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!” Để nói lên vai trò làm sứ giả cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tiền Hô đã trích lời tiên tri Malakia và Isia tiên báo nhiều trăm năm trước: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml. 3,1), “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is. 40,3).
Chúng ta được kêu gọi dọn đường cho Chúa đến
Tôi rất thích coi duyệt binh ngày lễ quốc khánh: Người ta chuẩn bị thật chu đáo tiếp đón những chính khách và quốc khách: lễ phục đẹp và oai phong, đi đứng đều đặn, nhịp nhàng và hùng dũng và tiếp đón thật trịnh trọng và theo lễ nghi. Những chính khách và quốc khách lần lượt đến khi bắt đầu giờ khai mạc. Người đến trước nhất là người có địa vị thấp nhất và sau cùng là tổng thống, nhân vật số một cùa quốc gia. Sau quốc nghi là quốc kỳ và quốc ca. Tiếp đến, những đoàn thể và những binh chủng duyệt binh qua lễ đài danh dự có tổng thống và quốc khách đang tham dự. Thường người ta phải mất hàng mấy tháng để làm việc chuẩn bị nầy. Tất cả phải hy sinh cho ngày độc lập của quốc gia. Tất phải chuẩn bị cho ngày quốc khách, cho thế giới biết quốc gia của mình. Quốc gia trên hết!
Tôi được rửa tội. Tôi được học học giáo lý. Tôi thành giáo dân. Tôi thành linh mục. Tôi lãnh nhiệm vụ trong Hội đồng giáo xứ, tôi làm cha sở hay Cha xứ… Tất cả chỉ để dọn đường cho Nước Chúa hiển trị, cho danh Cha cả sáng và để cho Chúa lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi. Ít ai muốn mình phải nhỏ bé đi và cho Chúa lớn lên. Nhiều người trong các cộng đoàn Công Giáo đang đòi quyền ăn nói, đang đòi chỗ đứng và đang đòi… lớn lên. Xin hãy trở lại vai trò chuẩn bị cho Chúa đến. Xin hãy noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, làm cho Chúa lớn lên và nước Chúa thống trị trong mọi tâm hồn. Trước khi làm việc gì, xin hãy tự hỏi: Việc nầy thực hiện xong thành công, người ta sẽ biết Chúa hay người ta sẽ biết tôi là người tài ba, khéo léo tổ chức?
Bài hát “Con đường Chúa đã đi!” của Văn Chi diễn tả đường khổ hình thập giá. Đường Chúa đi và đường chúng ta theo Chúa. Tôi còn thấy một con đường Chúa đi khác mà chúng ta phải chuẩn bị là đường thẳng ngay, bằng phẳng tức tâm hồn chính trực. Người mua bán làm ăn hay mánh mung sẽ cười khi nghe tôi nói về đường chính trực, bằng phảng. Làm ăn mà có sao nói vậy, ngay thẳng không mánh mung lừa đảo thì lấy gì mà ăn? Từ chỗ đó, thường người đi tu lâu năm mà phải ra đời thì làm ăn không sao khá nổi. Vì hiền quá! ngay thẳng quá! Dễ chạnh lòng quá! Thật khó tìm một tâm hồn chính trực hay thành thật trong xã hội bon chen ngày nay.
Lối sống gian xảo, lọc lừa hay bất chính của xã hội đã len lỏi vào cả trong giới nhà tu, linh mục, tu sĩ ngày nay. Người ta biện bạch bằng từ “khéo!” Có linh mục được mời ăn cơm khách, sau khi ăn xong con xin đồ ăn mang về vì ngon quá! Nhưng kỳ thực, cha không bao giờ đụng tới những thức ăn đó. Xin là vì “khéo!” lấy lòng gia chủ thôi! Một bà đã gần 80 tuổi mà mỗi lần gặp Cha xứ là bà cười híp mắt vì Cha bảo “trông bà chỉ chừng 40 là cùng!” Cha thật khéo! Nhưng Cha đã không có tâm hồn và lối sống bằng phảng và chân thật.
Không dễ gì, nhưng noi gương Gioan Tẩy giả vẫn hay hơn: sống thanh đạm, đơn giản, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng; không “nổ” làm gì! Cũng chả cần “khéo!” làm chi! Chỉ cần làm cho mình thẳng đường bằng phẳng, ngay thẳng và chân thật. Đó là đường Chúa sẽ đi đến với chúng ta.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên
[audio:https://storage.driveonweb.de/dowdoc/f14d298ff0d2f36282b8a35174060326.mp3|autostart=yes]