XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ…

Đời sống con người gắn liền với một quá trình học hỏi lâu dài. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, có bao điều cần học hỏi. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc nắm bắt những lý thuyết mà mình học được, con người không thể tiến xa hơn bản năng vốn có của mình. Do đó, việc thực hành luôn đòi hỏi gắn liền với việc học hỏi. Tục ngữ có câu: Học đi đôi với hành. Chính Chúa Giêsu luôn mời gọi người môn đệ khi đã lắng nghe và đón nhận Lời của Người thì hãy biết thực thi Lời ấy trong cuộc sống của mình. Người dạy rằng: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7.24). Bằng cách diễn tả đầy hình ảnh, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một bài học thật cao quý và hữu ích.

Hình ảnh ngôi nhà rất quen thuộc và gần gũi với con người. Khác với đời sống tự nhiên và theo bản năng của các loài cầm thú, con người xây dựng cho mình những căn nhà kiên cố và tiện nghi để sinh sống, tùy theo khả năng và điều kiện của mình. Ngày nay, kinh tế phát triển, nhà cửa được xây dựng thật nhiều và rất đa dạng. Ngôi nhà rất cần thiết đối với con người, vì thế, xây dựng, kiến thiết nên một ngôi nhà là một việc rất quan trọng và đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự tính toán, giám sát và cẩn thận. Muốn xây một ngôi nhà hoàn mỹ, phải hội đủ hai yếu tố quan trọng, đó là vẻ đẹp và sự bền vững. Khi xây nhà người ta phải để ý đến nền móng, làm sao cho căn nhà được dựng lên trên một nền móng vững chắc. Ngôi nhà càng cao, nền móng càng phải khỏe. Nền móng yếu sẽ làm cho ngôi nhà bị nghiêng hoặc bị đổ sập. Bề ngoài của những ngôi nhà có thể giống nhau nhưng chỉ khi gặp điều kiện khắc nghiệt như thiên tai, động đất hay bão lũ thì mới rõ ràng căn nhà nào có nền móng chắc chắn.

Chúa Giêsu đã dùng chính hình ảnh ngôi nhà để dạy các môn đệ của Người. Người ví đời sống đạo của người môn đệ như việc xây nhà, có người xây trên nền cát không vững, có người xây trên nền đá rất vững vàng. Đá tảng là những giá trị của Lời Chúa, những giá trị vĩnh viễn không mai một với thời gian hoặc qua những biến chuyển của lịch sử nhân loại. Cát tức là những giá trị giả tạo, những thần tượng nay còn mai mất tùy theo nhu cầu và thay đổi tùy theo các phong trào, các mốt hưởng thụ xã hội chế tạo ra. Thực tế cho thấy, không có một hệ thống tư tưởng nào hay một học thuyết nào có thể trường tồn trong thời gian, chỉ có lời Chúa là vững bền, không bao giờ bị phai nhòa: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”(Mt 24,35).

Chúa Giêsu không chỉ rao giảng và mời gọi người môn đệ thực thi những giáo huấn của Người, nhưng Người đã thực thi trước hết. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng Người không đứng ngoài lịch sử nhân loại mà phán xét con người, Người đã hòa mình vào lịch sử ấy, mặc lấy xác phàm để đồng cảm với thân phận con người. Người không rao giảng Thập giá như một lý thuyết suông nhưng chính Người đã thực sự vác lấy Thập giá và đón nhận mọi khổ đau của con người. Chính Chúa Giêsu đã thực thi những điều Người mời gọi chúng ta.

Đời sống người môn đệ được gắn liền với đón nhận và thực hành những giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Nước Trời mà Người rao giảng. Lời Chúa có sức mạnh tựa nền đá vững chắc nâng đỡ và định hướng cuộc đời người tín hữu. Chính Chúa Giêsu đã nhận định: Người nghe và thực hành Lời Chúa thì như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá, dù gió bão mưa lũ không làm cho ngôi nhà lay chuyển được; Người nghe Lời Chúa mà không thực hành thì như người ngu dại xây nhà trên cát, gặp mưa sa bão táp nước lùa, ngôi nhà sẽ sụp đổ. Ở đây chúng ta thấy Chúa đề cập tới hai khía cạnh quan trọng đối với người tín hữu là lắng nghe và thực hành Lời của Người. Đây thực sự là hai mặt có liên hệ khăng khít với nhau, bổ trợ và giúp cho con người trở nên người môn đệ theo đúng nghĩa.

Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (10,25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió bão có thổi nhà vẫn không sập. Người môn đệ khôn ngoan là người biết lắng nghe Lời Chúa và quan trọng là đem ra thực hành những điều đã đón nhận. Giữa một xã hội ồn ào với bao nỗi tân toan và phân tâm, con người dường như nói nhiều hơn là chấp nhận lắng nghe. Người môn đệ được mời gọi đi vào chiều sâu tâm hồn để nhận ra và lắng nghe tiếng Chúa. Lời của Chúa luôn âm vang trong cuộc đời, nhưng chỉ những tâm hồn biết lắng nghe thì mới có thể lĩnh hội được. Người khôn ngoan đón nhận hạt giống từ kho tàng Thánh Kinh và đem gieo vào cuộc sống thực tế để cây đức tin trong cuộc đời mình mọc lên trổ sinh bông hạt. Đức tin được sống động do việc làm, đức tin mà không có việc làm là một “đức tin chết”(x.Gc 1,22) một đức tin èo uột, trống rỗng.

Kiến thức chỉ có ý nghĩa khi đi vào thực tiễn bằng hành động cụ thể. Lắng nghe và thấu hiểu Lời của Chúa là điều rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là một phương diện, chỉ khi nào biết thực hành thì người môn đệ mới thực sự nên hoàn thiện, nên khôn ngoan như chính Chúa mời gọi. Thực hành Lời Chúa trong đời sống thường nhật sẽ làm cho người môn đệ ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, trở nên dấu chỉ chính Chúa giữa cuộc đời. Người khôn là người để lời Chúa uốn nắn mình, làm cho đời mình bừng sáng với nhiều việc lành phúc đức.

Việc thực hành Lời Chúa phải được thể hiện trước tiên qua chính cuộc sống của người môn đệ. Đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ. Lời Chúa không phải để lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ được hiểu biết suông, mà để được thực thi; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể. Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu không chỉ chuyên chăm lắng nghe lời Người, mà còn phải đem áp dụng vào cuộc sống của mình.

Lời Chúa thực sự đánh động vào tâm trí và đời sống của chính bản thân tôi. Mỗi ngày tôi được lắng nghe và đọc Lời của Chúa, những Lời thánh thiêng luôn dạy cho tôi những chân lý và bài học cao quý từ chính Chúa, tuy nhiên, tôi đã thực hành Lời ấy thế nào? Phải chăng tôi như người khờ dại lắng nghe và suy tư rồi rút ra bài học cho bản thân, nhưng lại để bài học ấy trong nhà nguyện rồi bước ra ngoài cuộc sống thường nhật vẫn là con người và hành động quen thuộc? Nhiều khi tôi lắng nghe Lời Chúa nhưng không để Lời Chúa biến đổi và trở nên hành động nơi chính bản thân tôi. Chẳng hạn, tôi nghe Lời Chúa mời gọi yêu thương mọi người, nhưng ra khỏi nhà nguyện, tôi vẫn hiềm tỵ, ganh ghét và xa rời tha nhân. Chúa mời gọi tôi và mọi người biết lắng nghe và thực hành Lời của Người, để trở nên như người khôn ngoan xây dựng ngôi nhà cuộc đời và đức tin của mình trên nền đá vững chắc là chính Lời của Chúa.

Lời của Chúa luôn có giá trị trường tồn và bất biến, trở nên định hướng và chỉ nam cho con người, nhất là người môn đệ trên hành trình tiến về Nước Trời. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người phải biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đây là thái độ quan trọng đối với mỗi người. Chỉ khi biết thực hành giáo huấn của Chúa, chúng ta mới có thể trở nên người môn đệ đích thực, như người khôn ngoan với đức tin và đời sống đạo được xây dựng trên nền tảng vững bền, không sức mạnh nào có thể phá vỡ được. 

Giu-se Trần Ngọc Huấn

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.