Mầu nhiệm phục sinh là tâm điểm đức tin chúng ta. Nhiều Kitô hữu vẫn thường quy chiếu đức tin nơi các mầu nhiệm khác, ví dụ: mầu nhiệm Nhập Thể: làm sao Thiên Chúa trở nên người phàm, cũng như làm sao Thiên Chúa thấu hiểu và đi vào cuộc sống thân tình với chúng ta. Nhiều người khác lại quy chiếu cuộc sống môn đệ của mình trong việc thực hành các mối phúc như là khuôn mẫu cho cuộc sống Kitô hữu và như một kim chỉ nam cho các hành động nơi mình. Tất cả điều đó đều là những khía cạnh quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Nhưng đối với tôi, mầu nhiệm phục sinh vẫn là tâm điểm của đời sống thiêng liêng. Mỗi ngày, tôi vẫn trở về với chủ đề này để suy gẫm, hay nói một cách bao quát hơn, tôi vẫn trở về với câu chuyện Chết và Phục sinh của Đức Kitô.
Nhưng mầu nhiệm phục sinh can dự gì đến chúng ta? Chắc hẳn, cũng như bao người khác, chúng ta không bị đóng đinh, cho dầu nhiều Kitô hữu khắp nơi trên thế giới vẫn còn bị tàn sát và giết chết. Và ở đây, vẫn còn một câu hỏi liên quan mà chúng ta không thể trả lời nếu không quy chiếu vào mầu nhiệm phục sinh, đó là “Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta, trong Tin Mừng Nhất Lãm, khi Ngài mời gọi: “Hãy vác lấy thập giá mình mỗi ngày?” . Cùng với lời gọi mời nhức nhối đó, Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai muốn cứu lấy mạng sống mình, sẽ bị mất nó, và ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, sẽ tìm lại được mạng sống ấy”. Điều đó có ý nghĩa gì? Đây là một vài suy tư gợi ý về những câu hỏi này.
-
Trước hết, bạn không cần tự kiếm tìm thập giá cho chính mình. Chính cuộc sống sẽ trao cho bạn thập giá. Nhiều bạn trẻ rất chân thành nói với tôi là họ có rất ít những đau khổ phải hứng chịu trong cuộc sống. Tôi trả lời có vẻ như tiêu cực “Rồi hãy đợi đấy”. Có thể là một cơn bệnh khó chịu, một tai nạn xảy ra, một người chết trong gia đình, một cuộc tình tan vỡ, những phiền toái trong công việc làm ăn, sự cô đơn triền miên, những rắc rối nơi trường lớp, hay những đấu tranh ngoài xã hội để có công ăn việc làm,… Những vấn đề rồi sẽ tới. Thập giá thực sự sẽ đến, điều mà bạn chẳng mong muốn. Bạn chẳng nghĩ đó là thập giá hay sao? Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã chẳng muốn chết và Ngài cũng không xin gửi thập giá đến cho mình khi cầu nguyện trong Vườn Giệtsêmani. Nhưng rồi, thập giá đã đến với Ngài, và đương nhiên thập giá không phải là hệ quả của tội lỗi. Rõ ràng, nhiều đau khổ đến với ta chỉ là hậu quả của những quyết định vô luân hay xấu xa. Nhưng đa số thì không phải vậy. Nhiều người vô tội vẫn phải hứng chịu những khổ đau.
-
Thứ đến, cũng giống như Chúa Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để chấp nhận thập giá. Điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận gánh chịu đau khổ một cách vô tư và thụ động giống như một con vật hoàn toàn câm nín khi phải mang một gánh nặng. Cũng không phải chúng ta gánh chịu đau khổ như những tên tử tội bị chích thuốc độc để phải chết. Ý tưởng chấp nhận và phó dâng những khổ đau cho Chúa có thể giúp chúng ta trong một vài trường hợp, nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Mẹ tôi đến thăm bà ngoại của tôi tại nhà dưỡng lão trong nhiều năm. Ở đó có một nữ tu lớn tuổi phải ngồi xe lăn do già yếu. Một bữa nọ, Bề trên của vị nữ tu đó đến thăm. Khi vị nữ tu già này kể lể cho Bề Trên về sự đau đớn bà phải chịu đựng, Bề Trên trả lời “Chị hãy suy tưởng đến Chúa Giêsu trên thánh giá”. Vị nữ tu già mới nói: “Nhưng mà Ngài ở trên thánh giá có 3 tiếng đồng hồ mà thôi”. Nhiều khi những lời khuyên chẳng ích gì mà còn làm tổn hại thêm.
HÃY VÁC LẤY NHỮNG GÁNH NẶNG
Điều này có nghĩa là gì? Có phải là sau đó chấp nhận những thánh giá?
Để bắt đầu, chúng ta phải hiểu rằng đau khổ là một phần của cuộc sống con người. Chấp nhận vác thập giá, nghĩa là hiểu một cách nào đó, sau khi hứng chịu những khủng hoảng, những chán nản, buồn sầu và cả những bầm dập, chúng ta phải chấp nhận những gì đã xảy đến không thể đổi thay. Đó là lý do tại sao việc chấp nhận những khổ đau không phải là cái gì mông lung như một thứ thuốc gây mê, nhưng rõ ràng là một thực tại. Đây là điều khác biệt giữa Kitô giáo với Phật giáo, khi Phật giáo chủ trương việc chịu đựng khổ đau chỉ là một ảo tưởng. Không, trên thập giá, Chúa Giêsu đã tuyên bố cho ta thấy khổ đau gắn liền với kiếp người. Các môn đệ đã có lúc không hiểu điều này. Họ cần một vị lãnh tụ có thể cất khỏi họ những đau khổ, chứ không phải là một Đấng nào đó lại chuốc lấy những khổ đau cho chính mình. Vẫn còn những lúc ta thường rơi vào cảnh huống khó khăn giống như vậy. Nhưng, trên thập giá, chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy chấp nhận những khổ đau. Chấp nhận cũng có nghĩa là, không phải miễn cưỡng chịu đựng mà tâm hồn vẫn cảm thấy cay cú. Chấp nhận khổ đau không phải là chúng ta không được nói về những đau khổ đó, không được ta thán, ngay cả không được gào thét để thổ lộ với bạn bè hay gia đình. Và lẽ đương nhiên khi cầu nguyện chúng ta được mời gọi hãy chân thành giãi bày nỗi lòng với Chúa. Ngay cả Đức Giêsu khi cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu, Ngài cũng đã trải lòng mình ra như vậy.
Nhưng nếu bạn đang có sự tức giận với ông chủ của bạn nơi làm việc, hoặc ở nhà trường, hay trong gia đình, bạn không cần bộc lộ sự giận dữ đó ra cho ai và cũng đừng khuếch đại sự đớn đau bạn đang gánh chịu. Nếu bạn có một ông chủ đối xử với bạn tồi tệ, bạn cũng đừng vì thế mà trở nên nhỏ nhen với gia đình bạn. Hoặc về nhà gặp những chuyện rối ren, cũng đừng vịn cớ mà tỏ ra vô cảm với những người chung quanh tại nơi làm việc. Có những chuyện không may ở trường học, về nhà bạn đừng nổi cáu với bố mẹ. Chúa đã không nổi quạu với bất cứ ai khi hứng chịu những đau khổ, cả khi đón lấy những trận đòn tả tơi.
Điều này không có nghĩa là bạn không được mở lòng chia sẻ với người khác về những khổ đau bạn hứng chịu. Ví dụ, khi bị lạm dụng tình dục hay bị khủng hoảng, bạn cần chia sẻ với người khác (có thể với bạn bè hay nhà tư vấn chuyên môn) để bạn được trợ giúp chữa trị. Cũng vậy, những người phải chịu đựng những thách đố dai dẳng triền miên, chẳng hạn, phải chăm sóc một đứa trẻ tật nguyền hay khá đặc biệt, hoặc nuôi dưỡng cha mẹ lớn tuổi…, cần thổ lộ với những người đồng cảnh ngộ để tìm được sự đồng cảm và nâng đỡ. Cũng giống như Chúa Giêsu, bạn có thể nhờ ai vác thập giá giúp mình. Chúa Giêsu đã không kiêu ngạo cậy vào sức mình quá khi để ông Simon thành Kirênê kề vai giúp Ngài vác thập giá. Nếu bạn bè ngỏ ý giúp, bạn đừng từ chối.
Khi bạn đánh con cái bạn rồi sau đó đến chỗ làm việc, mặt bạn lầm lầm lì lì, và việc bạn chia sẻ những vất vả (cả những niềm vui) khi chăm sóc một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt để tìm sự nâng đỡ, lại là 2 điều hoàn toàn khác nhau: khác nhau ở chỗ một bên là thụ động hứng chịu đau khổ, và một bên là chia sẻ sự hứng chịu đó với người khác. Nói tóm lại, đừng biến thập giá của bạn trở thành thập giá cho một ai đó.
3. Thứ ba, khi Chúa Giêsu nói về những ai mất mạng sống mình, Ngài không chỉ có ý nói về sự sống thể lý mà thôi. Người Kitô hữu tin rằng, họ được hứa ban đời sống vĩnh cửu, nếu họ tin vào Chúa Giêsu và bước theo con đường của Ngài. Nhưng còn nhiều cái chết khác đến trước cái chết thể lý sau cùng. Chúng ta được gọi mời tập chết, tập chôn vùi một vài phần của cuộc sống để những phần khác có thể tồn tại. Ví dụ, ước muốn có nhiều tiền khiến chúng ta dễ trở nên lãnh cảm trong công việc. Có lẽ bạn muốn được sống mạnh khỏe hơn là muốn chết. Có khi bạn bị người khác làm phật lòng lại khiến bạn trở nên bất cần, không quan tâm gì đến họ. Con người ích kỷ của bạn cần phải chết đi để bạn có thể cảm nghiệm sự hồi sinh của lòng quảng đại nơi con người bạn. Phải chăng sự kiêu căng tự mãn khiến bạn bịt tai trước những lời phê bình mang tính xây dựng từ người khác khiến bạn không thể tiến triển trên con đường thiêng liêng.?
Có phải những cái đó cần chết đi hay không? Về đời sống thiêng liêng trong Kitô giáo, chúng ta gọi đó là “chết cho chính mình”. Cái gì ngăn cản khiến bạn không thể sống yêu thương hơn, tự do hơn, chín chắn hơn, và rộng mở tâm hồn hơn để quy thuận thánh ý Chúa? Bạn để những thứ đó chết đi có được hay không? Nếu có, chắc chắn, bạn sẽ “tìm được sự sống của mình”, bởi lẽ, chết cho chính mình chính là sống cho Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu muốn nói tới khi Ngài ngỏ lời với những ai buông xuôi không muốn cứu lấy mạng sống mình. Cách thức “cứu lấy” ở đây, hàm ngậm việc giải thoát chúng ta khỏi những lề thói cũ trói buộc chúng ta. Nếu chúng ta khư khư cố giữ lại những điều cũ kỹ này, chúng ta sẽ chết. Nếu chúng ta can đảm khai trừ chúng, chúng ta sẽ được sống.
4. Thứ tư, hãy chờ đợi sự Phục Sinh.
Nơi mỗi thánh giá của cuộc sống, luôn hàm chứa một lời mời gọi hướng về một cuộc sống với một cách thức nào đó, thường thường là một cách nhiệm mầu. Đối với tôi, dường như khó hiểu, khi nói Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho mình khi Ngài phó thác mình cho Chúa Cha trong vườn Cây Dầu. Rõ ràng Ngài hiến mình trọn vẹn cho Chúa Cha. Nhưng liệu Ngài có biết trước những gì sẽ xảy ra? Có những điều đã được tiên báo. Chúa Giêsu đã nói với các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ “Cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại.” Thánh Gioan minh nhiên đưa ra một lời tiên báo về sự Phục Sinh. Nhưng nỗi thống khổ Chúa Giêsu kinh qua trong vườn Cây Dầu và tiếng kêu than thống thiết khi bị bỏ rơi trên thập giá dường như cho ta thấy Ngài không hề hay biết về cuộc sống mới mà Cha Ngài đã dành sẵn cho Ngài. Có lẽ, dường như Chúa Giêsu cũng kinh ngạc trong ngày Phục Sinh. Đối với tôi, điều này khiến việc tự hiến của Ngài cũng gây ngạc nhiên. Đây là lý do tại sao người Kitô hữu hay nói về việc gặp gỡ Chúa Giêsu trên thánh giá. Nếu không biết hoặc không thể ôm lấy thập giá, chúng ta sẽ vuột mất cơ hội biết Chúa một cách thâm sâu hơn. Thập giá thường là nơi chúng ta có thể gặp được Chúa, bởi vì khi chúng ta bị tổn thương, chúng ta dễ mở lòng ra đón nhận ơn Chúa nhiều hơn. Nhiều thứ rượu giúp phục hồi sức khỏe đã hướng dẫn rằng cứ chấp nhận bệnh tật vui vẻ, bạn sẽ từ từ được bình phục . Đây là điều Cha Thomas đã viết “Trong những bầm dập cay đắng, Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta”. Một người bất hạnh nhất trên trần gian chính là những người chưa bao giờ nếm trải những cay đắng bầm dập trong đời sống mình.
5. Thứ năm, Quà tặng của Thiên Chúa thường đến từ những gì chúng ta không ngờ tới.
Đây là điều mà bà Maddalêna đã khám phá ra, trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với bà Maria, thỉnh thoảng, chúng ta cũng cần có thời gian để nắm bắt được những gì chúng ta đang trải nghiệm, đó là một cuộc Phục Sinh thực sự. Sau biến cố Phục Sinh, các Tông Đồ khác cũng phải có thời gian chín mùi để nhận ra được Đức Giêsu. Cũng như các Tông Đồ đã khám phá ra trong ngày Phục Sinh, Mầu nhiệm Phục Sinh cũng không xảy ra khi chúng ta chờ đợi. Có khi cần nhiều năm trời. Và cũng thường khó cắt nghĩa, bởi vì đây là sự Phục Sinh của chính bạn. Điều đó có thể chẳng can dự gì đến người khác. Khi tôi còn là một tập sinh Dòng Tên, tôi làm việc trong một bệnh viện phục vụ cho những bệnh nhân ốm nặng ở Cambridge, Massachusett. Mỗi thứ Sáu hàng tuần, nhóm tuyên úy bệnh viện tổ chức một cuộc hội thảo để chia sẻ. Một phụ nữ tên là Doris, một bệnh nhân đã gắn bó đời mình với chiếc xe lăn, đã chia sẻ một điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Bà ta vẫn thường nghĩ chiếc xe lăn chính là thánh giá của bà, và tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng từ từ, bà cụ đã coi chiếc xe lăn chính là sự Phục Sinh. Bà nói: “Chiếc xe giúp tôi đi vòng quanh. Không có nó, tôi chẳng làm được gì. Cuộc sống sẽ thật chán nản nếu không có nó”.
Lời nhận xét của bà lưu lại dấu ấn trong cuộc đời tôi suốt 25 năm trời. Thật khó hiểu và không hiểu nổi. Thập giá của bà Doris dẫn đưa bà tới sự Phục Sinh cao cả cho chính bà. Cần nhớ rằng khi mà thế giới chỉ thấy có bóng dáng thập giá, người Kitô hữu chúng ta còn phải nhìn ra những cái khác đàng sau thập giá ấy.
6. Kết luận: Từ sợ hãi đến niềm tin
Cuối cùng, đối với Chúa, không có gì là không thể làm được.
Đây là thông điệp mà tôi sẽ thường xuyên nói tới. Tin Mừng Thánh Gioan kể lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ ngồi co rúm với nhau trong căn nhà đóng kín, vì sợ. Sau biến cố ngày thứ Sáu tuần Thánh, các Tông đồ hoảng sợ. Thánh Matthêu và Marcô cũng thuật lại rằng, trước đó vào đêm thứ Năm tuần Thánh, họ đã tháo chạy khỏi vườn Cây Dầu vì khiếp hãi. Tối hôm đó, Phêrô đã chối không biết Chúa. Nếu họ cảm thấy sợ khi nghe Chúa bị xử án tử hình, chúng ta hãy tưởng tượng xem thái độ phản ứng của họ ra sao khi thấy Chúa oằn vai vác thánh giá qua những con đường ở Giêrusalem, rồi lại bị đóng đinh vào thập giá, phơi thân ở đó cho đến chết. Đức Giêsu, thủ lĩnh của họ đã bị kết án như một tên tội phạm, một kẻ thù của quốc gia. Con người mà họ đặt kỳ vọng đã chết. Cánh cửa đã khép lại. Còn gì nữa ngoài sự sợ hãi?
Một lần nữa, các Tông đồ đã không thể nhận ra rằng họ đang nghĩ về một Thiên Chúa đang sống, cũng như Ngài đã loan tin cho Maria Maddalena “Không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được”. Các Tông Đồ không thể nhìn thấy những gì phía sau bức tường của căn phòng đã đóng kín. Họ không muốn chấp nhận rằng Thiên Chúa là Đấng vĩ đại hơn những gì mà họ suy tưởng.
Hẳn nhiên, các ngài có thể được tha thứ. Chúa Giêsu đã chết, thế là hết. Và ai có thể tiên báo Ngài sẽ sống lại? Một lần nữa, chúng ta không dễ để các Tông đồ buông xuôi. Đức Giêsu luôn muốn các Tông Đồ ngạc nhiên với những kỳ vọng. Ví dụ: Khi chữa lành các bệnh nhân, dẹp tan bão tố, cho kẻ chết sống lại… Chúa muốn các Tông đồ biết hướng về một chân trời hy vọng khi các ngài hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng họ đã không làm thế.
Chúng ta vẫn thường nghĩ mình không thể tin rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ta một cuộc sống mới. Chúng ta vẫn hay nói: “Mọi sự sẽ không có gì thay đổi, chẳng còn hy vọng gì cả”. Điều này xảy ra khi chúng ta rơi vào bóng tối của thất vọng, thỉnh thoảng đó cũng là do sự cao ngạo của chúng ta. Có nghĩa là, chúng ta vẫn tưởng chúng ta rảnh rỗi hơn Thiên Chúa, giống hệt như khi chúng ta nói “Thiên Chúa không thể xoay nổi tình thế đâu.”. Tuyệt vọng là con đường đen tối và nguy hiểm nhất, nó còn đen tối hơn cả sự chết.
Có mấy ai trong chúng ta tin rằng một phần cuộc sống chúng ta sẽ phải chết đi. Có mấy ai nghĩ rằng một phần của đất nước, của thế giới, của Giáo Hội không thể vươn đạt đến sự sống? Có mấy ai trong chúng ta cảm nhận được ân huệ cao quý của niềm hy vọng và sự biến đổi?
Điều này sẽ đến khi chúng ta trở về với việc Phục Sinh. Tôi vẫn thường nhắc lại hình ảnh các Tông đồ co rúm sợ hãi trong căn nhà đóng kín. Trong căn phòng đó, chúng ta không thể kêu mời hướng đến sự sống. Chúng ta được mời gọi thoát vượt những nơi ẩn náu đen tối, để cùng đồng hành với Maria Maddalena, có thể đôi lần đã khóc sướt mướt giống như bà, nhưng luôn trên đường đi kiếm tìm, và cuối cùng chói lòa trước bình minh của một đời sống mới nơi Đức Giêsu: Tràn đầy kinh ngạc, phấn khởi và dẫn đưa chúng ta đến niềm vui.
Chúng ta được mời gọi để tìm kiếm điều mà bà Maria đã thấy “Chúa đã sống lại”.
Bài viết của Cha James Martin, SJ (Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
(Trích trong tập “Chúa Kitô Phục Sinh và đời sống hằng ngày)
1. Thập Giá, niềm tự hào