Lectio divina

Đây là một phương pháp đọc Kinh Thánh năng động với lòng tin tưởng phó thác cách chân thành. Phương pháp này đã có từ xa xưa, khoảng năm 300. Người Do Thái đã dùng phương pháp này cầu nguyện từ thời đó và cho đến nay vẫn tồn tại.

Phương pháp này giúp Kitô hữu đi vào kho tàng phong phú của Lời Chúa, nhờ đọc, hiểu và yêu mến Lời Chúa hơn, và từ đó tìm cho đời mình một hướng đi hợp với tín lý Chúa Kitô.

Trong diễn văn ngày 16.09.2005 trước Hội Nghị Quốc Tế họp tại Rom về „Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội“ Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói: „Tôi muốn đặc biệt nhắc lại và giới thiệu truyền thống lectio divina xa xưa: việc siêng năng đọc Kinh Thánh, có cầu nguyện kèm theo, thực hiện cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta nghe nói khi đọc, và chúng ta đáp lại khi cầu nguyện với một tâm hồn cởi mở và tín nhiệm. Cách thực hành này, nếu phát triển hữu hiệu, sẽ đem lại cho Giáo Hội một mùa Xuân thiêng liêng mới – tôi xác tín như vậy – Vậy việc mục vụ Kinh Thánh phải đặc biệt nhấn mạnh đến lectio divina và khuyến khích, nhờ dùng những phương pháp mới đã được nghiên cứu kỹ càng và hoàn toàn thích hợp cho thời đại chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng; „Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước, là anh sáng chỉ đường cho ta đi (Tv, 118, 105)

Chúng ta “đọc Kinh Thánh có cầu nguyện kèm theo“ là để gặp gỡ Đức Kitô, một Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Ngài sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên mỗi ngày một giống Ngài hơn qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Khi dùng lectio divina chúng ta cần phải theo khuôn khổ rõ ràng với 4 bước chặt chẽ:

1. Đọc Lời Chúa: Bạn hãy thắp lên một ngọn nến trước tượng Chúa, làm dấu Thánh Giá, nhắm mắt lại từ từ đi vào sự lắng đọng trong tâm hồn, thả lỏng thân xác. Dâng một lời cầu nguyện „xin Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn toàn“ (Ga 16,13) Bây giờ bạn hãy đọc Lời Chúa thật chậm, đọc chăm chú với tâm hồn khiêm nhường và tinh thần cầu nguyện, đọc lại một lần nữa chậm hơn và câu nào, chữ nào đánh động thì hãy ngừng lại đó, bạn nhắc đi nhắc lại Lời vừa đánh động bạn để Lời Chúa thấm vào lòng.

2. Suy gẫm: Lời Chúa đã thấm vào tâm hồn bạn. Bạn hãy đặt mình vào Lời Chúa, bạn đặt mình vào nhân vật đánh động bạn và hình dung sự việc, hoàn cảnh của thời gian, không gian đó, bạn phân tách các nhân vật từng hành động, từng thái độ, cử chỉ, từng câu nói, để hiểu chiều sâu của nhân vật và của bài Tin Mừng. Bạn sẽ hỏi Chúa Giê su đang nói gì với bạn, dạy bạn điều gì trong Lời Ngài và bạn đã cảm nhận ra ý nghĩa câu tâm đắc của bạn giúp bạn tới một quyết định hay một lưa chọn cho bạn. Ngài sẽ làm cho bạn thành con người tự do và sống động hơn.

3. Cầu nguyện: Dưới Ánh Sáng mà Lời Thiên Chúa đã chiếu soi cho bạn, bây giờ bạn hãy thưa chuyện với Chúa, bày tỏ nỗi lòng của bạn, những nỗi buồn, niềm vui bạn hãy giải bày hết với Chúa, những gì đang xax8 ra trong đồi sống cá nhân hay của tập thể. Ngài biết tất cả nên bạn cứ thoải mái thân thưa tất cả nỗi lòng của bạn. Bạn xin Ngài chữa lành những vết thương trong lòng bạn và ban ơn bình an cho bạn. Bạn xin Chúa nâng đỡ bạn để bạn được sống dồi dào với quyết định hay chọn lưa của bạn.

4. Chiêm niệm: Chiêm niệm cho ta có cơ hội sống thời gian hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa. Bây giờ bạn nhắm mắt lại, tĩnh lặng tâm hồn để tận hưởng sự hiện diện của Chúa. Bạn đang ở trong vòng tay Ngài để Ngài yêu thương bạn. Ngài đang sưởi ấm thể xác bạn và làn gió thiêng liêng của Ngài đang làm dịu mát tâm hồn mà bạn có thể tận hưởng lâu dài.

Cuối cùng, bạn hãy cầm bút lên ghi lại cảm nghiệm của bạn về kỷ niệm êm đềm này với Thiên Chúa. Những ghi nhận về khoảnh khắc thiêng liêng này sẽ giúp bạn sống dồi dào hơn với Đức Kitô, mỗi khi bạn đọc lại chúng./-

NTT

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.