Ông Philatô nói với Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?”(Jn 18:38)
Ngay từ khởi đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người, tổ tiên của chúng ta là Ađam và Evà đã bị mắc bẫy của ma quỷ cám dỗ: Rắn nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: ” Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”…. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân (Stk 3:1-7).
1. Sự Thật Ở Đâu
Có mấy lần chúng ta dám đứng lên để nói sự thật và làm chứng cho sự thật. Người khôn ngoan là người biết lúc nào cần nói sự thật và lúc nào cần im lặng. Người ta thường nói: Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Không phải cứ sự thật là chúng ta có quyền phát biểu hay phải tỏ lộ. Câu truyện Tự ái vặt kể rằng trên đường Huế-Quảng Trị, một viên đại úy cùng vợ đi xe đò ra Quảng Trị. Đến đoạn đường mất an ninh, anh em giải phóng vận đồ lính ra chặn xe. Không tìm được dấu vết gì chứng tỏ ông chồng là lính nhưng chúng có vẻ nghi ngờ điều chi đó, nên một tên lừ đừ tiến tới bạt tai ông đại úy mấy cái và bồi thêm mấy cú đá. Ông ta cắn răng chịu nhưng bà vợ nổi nóng nói: Anh là đại úy mà để cho tên lính xử nhục thế hả? Oan nghiệt thay, ông chồng lãnh đủ tràng AK sau câu nói đó.
Sống trong hoàn cảnh xã hội xô bồ, con người không nhiều thì ít, bị ảnh hưởng tới sự chọn lựa và phán đoán của mình. Đôi khi chúng ta chưa đụng chuyện thì xem ra ai cũng có vẻ lý tưởng hóa cuộc đời. Cuộc sống không luôn dễ dàng ứng xử trong mọi trường hợp. Không ai có thể tự cho mình là luôn trong sáng nơi mọi vấn đề cuộc sống. Khi thức đêm mới biết đêm dài. Nhìn lại quá khứ trong các trại tù tập trung, có một số người trong chúng ta khi bị giam giữ đã phải qụy lụy người khác, một điều thưa, hai điều dạ. Đã có những lần chúng ta nghe những bài học giả dối mà máu ứ lên tới cổ, nhưng không dám than một lời. Có những lần chúng ta oằn lưng mang vác những gánh nặng mà không dám kêu la một tiếng. Có những lần xếp hàng cả buổi chờ đợi một nhân vật tầm thường mà cũng không dám hé môi. Trong một vài hoàn cảnh, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nói sự thật, có thể phát biểu điều phải lẽ hay có thể đi đứng theo ý mình.
2. Nói Sự Thật Khi Nào
Khi nào chúng ta cần nói sự thật? Đây là một vấn đề không dễ phân biệt trắng đen. Trong cuộc sống thường nhật, có phải lúc nào chúng ta cũng phải nói đúng sự thật như trong tâm trí và ý muốn của chúng ta không? Truyền thống xã hội có những luật trừ, chúng ta không cần phải nói hết sự thật. Như khi có ai mời ghé nhà chơi, chúng ta có thể chối từ vì đang bận hay không có thời giờ nhưng thực ra chúng ta có thời giờ. Hoặc gặp người quen hỏi ông bà đi đâu đó? Trả lời rằng tôi đi đàng này đàng kia. Chúng ta không buộc phải trả lời sự thật với những người không có trách nhiệm đòi hỏi. Vì nhiều khi người ta có những câu hỏi để mà hỏi, họ cũng không cần nghe câu trả lời. Người ta nói mời ông bà, anh chị ăn cơm nhưng đâu phải mời ăn. Đôi khi đói bụng đấy nhưng chúng ta cũng tìm cách trả lời khéo là không đói. Đây không phải là che dấu sự thật, mà là cách nói tế nhị trong sự giao tế thôi.
Chỉ có sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Tất cả mọi cách gian trá, lừa lọc, dối gian đều đi ngược với sự thật. Trong cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta đã giả vờ, đã đóng kịch, đã dấu diếm để khỏi bị lộ mặt nạ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một chút kinh nghiệm về sự thiếu ngay thẳng này. Sự gian dối làm cho con người chúng ta trở thành hèn hạ. Và vị quan án xét xử chúng ta trước hết là tiếng nói lương tâm của chính mình. Thần của sự gian dối sẽ không buông tha chúng ta đâu. Nói dối này sẽ kéo theo nói dối khác, tạo thành một giây dối trá. Như thế chúng ta sẽ xa dần sự thật và lẽ phải. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng bước theo Ngài vào con đường sự thật. Chúa chính là nguồn của sự thật. Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Jn 14:6). Sự thật của Chúa Giêsu là sự thật gì? Sự thật của ơn cứu độ.
3. Che Giấu Sự Thật
Có nhiều khi chúng ta biết rõ đó là sự gian dối, nhưng chúng ta vẫn cứ làm. Chúng ta nói gian và làm chứng dối để được lợi cho chúng ta. Chúng ta đâu có nghĩ rằng chúng ta đang phạm điều răn của Chúa: Chớ làm chứng dối. Nếu lương tâm không được ngay thẳng hoặc bị nhiễm thói đời gian dối thì chúng ta cũng rất khó để lượng định phải trái và thật hư. Sự gian dối có thể qua mặt được những người khác và cả đại diện chính quyền, nhưng không thể gian dối trước mặt Chúa. Đã có nhiều lần chúng ta dối gian, lừa đảo nhưng lương tâm của chúng ta không hề cắn rứt. Có lẽ tiếng nói lương tâm không còn trong sáng và lời của Chúa không còn tác động mạnh trong tâm hồn của chúng ta. Chính chúng ta đã tạo cơ hội để con cái hay chính mình làm tiền qua việc hôn nhân giả, ly dị giả, khai báo địa chỉ giả, giấy tờ giả… và chúng ta nghĩ rằng không hề gì, miễn là có tiền và đạt mục đích mình mong muốn.
Con người chúng ta tham lam thật đấy! Chúng ta muốn làm tôi tiền của gian dối và cũng muốn được hưởng phúc thiên đàng. Biết rằng sống là chúng ta phải tìm kiếm của ăn để nuôi sống và hưởng thụ. Điều này dĩ nhiên rồi, Chúa luôn ban cho chúng ta đầy đủ khả năng để kiếm tìm những thứ này. Chúa còn ban thêm cho, để cuộc sống càng dư dật. Con người cao quí hơn mọi con vật. Cặp mắt của các loài vật chỉ nhìn xuống để tìm mồi ăn. Đôi mắt của con người có thể ngước nhìn lên cao, nhìn ngang chung quanh và nhìn xuống đất kiếm tìm của ăn. Như thế sứ mệnh của con người là bắt đầu từ dưới đất và hướng lên trời cao. Ngưỡng vọng về thiên đàng là cùng đích của cuộc đời. Thế nhưng cõi đời này lại qúa hấp dẫn và lôi cuốn. Chúng ta cứ mải mê cúi xuống đi tìm, lần mò trong đêm tối, càng ngày càng lún sâu và lạc lối không biết đường ra. Chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của cùng một lúc. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được (Mt 6:24.)
4. Lạc Mất Sự Thật
Chúng ta đang sống trong một xã hội thiên về giá trị vật chất. Tiêu chuẩn sống hiện nay là thỏa mãn, hưởng thụ và nhiều lợi nhuận được xếp hạng ưu tiên. Con người phải chạy chọt, thi đua, phấn đấu liên tục để mưu sinh. Cuộc chạy đua không thể ngừng vì nhu cầu đòi hỏi càng ngày càng cao và khẩn thiết. Trong khi khát vọng đòi thỏa mãn của con người thì bao la. Vấn đề luân lý đạo đức được xếp vào hàng thứ yếu. Đôi khi sự im lặng tế nhị của chúng ta bị hiểu lầm. Hình như ngay cả các bậc phụ huynh cũng đang bị thụt lùi trong lãnh vực đạo đức này. Có những quan niệm sống hời hợt và sống sao cũng được. Con cái muốn gì, cha mẹ cứ để chúng thỏa mãn tự nhiên. Người ta nói im lặng là đồng lõa đó. Đời sống gia đình có nguy cơ mất dần sự quan tâm lẫn nhau. Trong hoàn cảnh này, cha mẹ hãy chú tâm lắng nghe con cái và chia sẻ kinh nghiệm. Thật tội nghiệp cho những cha mẹ phải rơi vào những tình trạng ngặt nghèo và khó xử đối với con cái. Thương con lắm, không thể bỏ con được dù cho con cái có ngỗ nghịch, sa đọa, lạc lối và sai lầm. Cha mẹ vẫn cứ phải chấp nhận yêu thương ấp ủ và tha thứ. Người ngoài cuộc khó có thể hiểu được những khúc đoạn trường và đắng cay của cha mẹ vì con.
Câu truyện con chiên đi lạc. Con chiên thấy một lỗ hổng bên bờ rào. Con chiên chui qua và mải gặm cỏ quanh quẩn mãi không biết đường về. Rồi nó phát hiện có một chú cho sói đang theo sau. Nó chạy và chạy mãi, chó sói tiếp tục đuổi theo. Cho tới khi chủ chiên tìm đến và cứu vớt nó. Cho dù nhiều người khuyến cáo chủ chiên hãy vít lỗ hổng nơi hàng rào. Chủ chiên vẫn từ chối. Đây là một chọn lựa. Con cái dù có lầm lạc thế nào đi nữa, cha mẹ cũng luôn rong ruổi tìm con. Cha mẹ cho con một vòng tay nương tựa. Cha mẹ cũng không thể chặn rào khóa cửa. Hãy giúp cho con cái tìm học những kinh nghiệm trường đời và chọn đường sống trong sự thật. Có va chạm thử thách mới có nên người. Cho dù đôi khi đó là những kinh nghiệm phải học bằng máu và nước mắt. Sau cùng sự thật sẽ giải thoát chúng.
5. Sự Thật Ở Đâu
Trong hoàn cảnh xã hội văn minh ngày nay, qua ảnh hưởng của các đảng phái, các nhóm tranh đấu và các phe phái đã dùng nhiều thủ đoạn để đạt mục đích của mình. Lời hứa thì nhiều mà thực hiện chẳng bao nhiêu. Chính quyền nào mà không hứa bảo vệ sự sống của người dân. Chính sách và đường lối của các chính trị gia không luôn rõ ràng minh bạch. Họ có rất nhiều uẩn khúc và ý đồ. Bảo vệ sự sống nhưng không đơn giản để định nghĩa thế nào, khi nào sự sống cần được bảo vệ. Các nhà cầm quyền luôn luôn bảo vệ tối đa quyền sống của trẻ nhỏ khi đã được sinh ra. Nhưng ngược lại, nhiều quốc gia đã sai lầm hệ trọng trong sự hợp pháp hóa việc phá các bào thai trong lòng người mẹ. Thử hỏi giữa nhi thai 5 hoặc 6 tháng có khác gì bao nhiêu với thai nhi 7 hay 8 tháng trong lòng mẹ. Trẻ sơ sinh vừa ra khỏi lòng mẹ có khác chi với thai nhi còn cưu mang trong lòng mẹ. Đây chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng rồi các nhà làm luật lườn lẹo để có thể giết chết các thai nhi cho tới 6 tháng tuổi trong cung lòng mẹ. Họ hợp pháp hóa việc giết trẻ và còn khuyến khích các bác sĩ làm thế. Tôi không thể nào hiểu nổi. Như thế, họ giết đó, rồi bảo vệ đó. Đời sống luân lý đạo đức đã bị biến dạng mất rồi. Vậy đâu là sự thật của sự sống?
Phá Thai là giết người. Truyện kể ngày nọ có một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con dày như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được. Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây? Bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cùng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên vế bà, đưa đầu ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân. Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là giết người. Chỉ có một khác biệt là tuổi của hai đứa trẻ mà thôi.
6. Sự Thật Giải Thoát
Sự thật trong đời sống gia đình rất quan trọng. Vợ chồng cần phải cư xử thật thà với nhau trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Hôn nhân cần có sự thật về lòng chung thủy, sự thật về chi thu tài chánh và sự thật về tình cảm. Đây là những mấu chốt xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình. Tục ngữ ca dao ghi rằng: Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta không nói đến sự nham hiểm nhưng nói đến sự sâu thẳm gian dối của lòng người. Rất khó dò tìm đâu là sự thật, vì lẽ đó đã có không biết bao nhiêu cuộc hôn nhân đã tan vỡ. Tan vỡ vì không sống với sự thật. Tan vỡ vì họ phát hiện ra sự thật phũ phàng nơi người phối ngẫu. Chúng ta biết rằng sự thật thì phũ phàng, nhưng chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Chúa Giêsu phán: Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông (Jn 8:32).
Ăn nói quanh co là mở đường cho thần gian dối bước vào. Chúa Giêsu dạy chúng ta: Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5:37). Sự dữ khéo len lỏi vào mọi nơi, sự dối gian thường xảy ra nơi bóng tối hay nơi kín đáo. Vì người ta lo sợ bị phát hiện ra sự thật, nên cuộc sống mất đi niềm an vui tự tại và mất sự bình an. Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội (Jn 8:34). Sự thật thì như ban ngày đối diện với ánh sáng của mặt trời. Mãi vươn lên trong chân lý và sự thật trong sáng.
Chúa Thánh Thần chính là Thần Chân Lý sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật. Một sự thật không gian dối, không lừa gạt và không theo cảm tính mà là sự thật trần trọi phơi bày. Sự thật được ví như cây tre được bóc lớp vỏ, càng bóc bỏ đi những vướng bận, càng vươn cao và càng thanh thoát. Sự thật tinh tuyền không do nơi nhiều người đồng ý với nhau, mà sự thật do từ trên cao. Một sự thật vĩnh hằng là sự thật của ơn cứu độ. Chính Ngôi Hai, Con Thiên Chúa hạ thế làm người để cứu độ chúng ta. Ai muốn được vào nước hằng sống hãy trở nên như trẻ thơ. Tâm hồn trẻ thơ là tâm hồn chân thật tinh trong. Chúa Giêsu phán: Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào (Mk 10:15).
Nói tóm lại, mỗi Kitô Hữu được mời gọi để nói sự thật, làm nhân chứng cho sự thật và sống sự thật. Sống sự thật là sống trong đường lối của Chúa. Chỉ sự thật có thể giải thoát chúng ta khỏi những u mê lầm lạc của thế gian. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con nhân danh Thần Chân Lý để thực hành những điều giả dối và dẫn đường sai lối. Xin cho chúng con nhận ra những giá trị đích thực của niềm tin, niềm trông cậy và niềm yêu mến. Xin hướng dẫn chúng con đi trong chân lý của Chúa để chúng con tìm ra lẽ sống thật. Chúng con sẽ được ngụp lặn trong ánh sáng tinh tuyền là nguồn của Chân Thiện Mỹ.
Giuse Trần Việt Hùng