CHÚA GỌI

Bạn đã bao giờ được “Chúa gọi” chưa? Nếu chưa, bạn có muốn nghe “Chúa gọi” không? Bạn nghĩ sao về việc Chúa gọi bạn, nhưng tôi, tôi thâm tín và xác tín rằng mình đã được “Chúa gọi”. Không những một lần, mà Ngài đã gọi tôi nhiều lần. Có điều là lần thì tôi nghe, lần thì tôi không nghe. Và lần thì tôi nghe và tôi làm, cũng có lần tôi nghe nhưng lại không làm những gì Ngài bảo tôi phải làm.

Thông thường, khi nghe hai tiếng “Chúa gọi”, phần đông chúng ta, cách riêng những Kitô hữu Việt Nam, thường cho rằng đó là tiếng gọi theo đời sống tu trì, tiếng gọi để làm linh mục. Nhưng ít người nghĩ rằng, đó là tiếng Chúa gọi mỗi người để làm việc Ngài muốn. Ngài gọi chúng ta đến gần với Ngài hơn. Thí dụ, người cha gọi người con để bảo ban, khuyên nhủ, hoặc trao đổi những suy tư và nói truyện với con mình.

Thật vậy, Chúa đã gọi tôi và gọi bạn từ lâu lắm rồi. Thánh Kinh đã ghi nhận: “Thiên Chúa đã gọi tôi từ lúc mới sinh. Ngài đã gọi tên tôi ngay khi tôi còn trong lòng thân mẫu” (Isaia 49:1). Ngài không những gọi chúng ta bằng tên gọi của riêng mình, mà còn gọi chúng ta là “con” qua Đức Kitô, người Con duy nhất của Ngài, và cũng là Đấng Cứu Chuộc chúng ta: “Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Ps 2:7).

Chúa Cha sinh ra Chúa con từ muôn thuở, như vậy, qua Chúa Con, chúng ta cũng đã được Chúa cha biết đến không phải hôm qua, hôm nay, ngày mai, mà là từ muôn thuở và mãi mãi. Ngài không gọi chúng ta ra khỏi hư vô, mà còn kêu đích danh của từng người. Và khi chúng ta đã có mặt trên trần gian, thì Ngài vẫn gọi chúng ta bằng cách trao cho chúng ta những nhiệm vụ khác nhau, và hơn nữa, gọi chúng ta đến gần với Ngài hơn.

1. CHÚA GỌI RIÊNG MỖI NGƯỜI:

Như tiên tri Samuen được Thiên Chúa gọi lúc cậu đang ngủ trong Đền Thờ Giêrusalem. Các Tông Đồ được Chúa gọi trong khi đang lo sinh kế, thả lưới, hoặc vá lưới. Chúng ta mỗi người cũng được Chúa gọi đi vào một cuộc sống riêng tư và cần thiết cho xã hội, cũng như Giáo Hội.

Với những người Ngài gọi vào đời sống tu hành, Ngài trao cho mỗi người một địa vị riêng biệt: nữ tu, nam tu, linh mục, giám mục, hồng y, hay giáo hoàng.

Với những người Ngài gọi sống đời hôn nhân gia đình, Ngài cũng trao cho mỗi người một địa vị khác nhau: làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, cháu, làm anh chị em với nhau trong cùng một gia đình. Ngoài ra, vì phải sống giữa dòng đời, phải tham gia vào nhiều công tác xã hội, Ngài lại kêu gọi và trao cho mỗi người một vai trò khác nhau. Thí dụ, bác sĩ, luật sư, giáo sư, kỹ sư, nhân viên, hay bất cứ ngành nghề nào mà Ngài biết là cần thiết và phù hợp với mỗi người.

Để có một cái nhìn về loại ơn gọi này, chúng ta hãy hình dung thế giới này là một sâu khấu rộng lớn, và trên sân khấu đang diễn ra một vở kịch vỹ đại, trong đó mỗi người chúng ta đóng một vai. Thượng Đế là nhà soạn kịch và cũng là nhà đạo diễn. Ngài biết tâm lý và đòi hỏi của mỗi vai nên trao cho từng người chúng ta thủ một vai. Do đó, sự có mặt của mỗi người chúng ta trong thời gian và không gian, việc chúng ta đóng những vai trò khác nhau trong Giáo Hội cũng như xã hội không những được nhìn với cái nhìn ơn gọi, mà còn là một trách nhiệm cần thiết của mỗi người cần chu toàn trong một không gian và thời gian nhất định.

2. CHÚA GỌI TA ĐẾN GẦN NGÀI:

Việc Ngài gọi riêng mỗi người và đặt chúng ta vào mỗi vai trò riêng là điều cần thiết cho lịch sử và cho lợi ích chung. Mỗi người cần phải hoàn tất ơn gọi hay đời sống riêng mỗi người như chúng ta hiện có và đang có.

Nhưng điều ấy xem như không quan trọng. Điều quan trọng là Ngài muốn gọi chúng ta đến gần với Ngài. Ngài muốn chúng ta hiểu Ngài, và qua sự hiểu biết ấy, yêu mến Ngài. Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với 2 môn đệ trong đó có Andrê khi hai ông muốn theo Ngài: “Hãy đến mà xem” (Gioan 1:39).

Đây là tiếng gọi cần thiết mà mỗi người chúng ta cần phải nghe, mặc dù chúng ta đã được Ngài đặt để vào mỗi vai trò khác nhau bằng tiếng gọi riêng tư của mỗi người. Như hai môn đệ đầu tiên, chúng ta phải “đến mà xem”. Có nghĩa là chúng ta phải đến gần Chúa. Phải khám phá Ngài bằng cặp mắt tâm linh và phải hài lòng với Ngài cũng như để Ngài hài lòng với ta. Chỉ khi nào chúng ta làm được như vậy, chúng ta mới có hy vọng đáp lại tiếng gọi của Ngài.

Thánh ký Gioan kể tiếp về cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Andrê: “Việc đầu tiên ông làm là tìm anh mình là Simon và nói với ông: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô” (Có nghĩa là Đấng được xức dầu). Ông đã mang anh mình đến gặp Chúa Giêsu” (Gioan 40-42). Ông Andrê nếu không được Chúa kêu gọi, chắc chắn không đến với Ngài được. Nhưng dù là được Ngài kêu gọi, nếu Andrê không đến và không xem Chúa tỏ tường, như một hình thức chấp nhận và khâm phục thì chắc chắn ông cũng không giới thiệu anh mình với Đức Giêsu.

“Đến mà xem”. Đây là một tiếng gọi mà chúng ta phải chú ý lắm mới nghe rõ, vì nó phảng phất trong tất cả những biến cố lớn, nhỏ của cuộc sống. Nghe rồi thì phải suy nghĩ kỹ mới mong thấu hiểu Ngài muốn làm gì và làm như thế nào trong từng cảnh ngộ ấy. Như vậy, chúng ta mới thật sự biết được Ngài, mới mới làm trọn vẹn và sáng tỏ ơn gọi của mình. Tóm lại, vợ đẻ, con đau, cha mẹ già yếu, bản thân mình bệnh tật. Bị khinh bỉ, bị coi thường, bị nghèo túng, bị đối xử bất công. “Hãy đến mà xem”.

Chúng ta phải mở mắt tâm linh ra để xem Chúa Giêsu đối xử, và sống như thế nào trong những cảnh ngộ ấy. Ngài đang nói với ta những gì qua những biến cố ấy. Phải chăng, Ngài đang lợi dụng những biến cố ấy để gây chú ý đối với chúng ta, hoặc qua đó, Ngài muốn chúng ta tìm hiểu hơn về Ngài. Trong tâm lý học, khi cần một sự chú ý của người khác, ngoài việc con người dùng những phương thế tích cực như nụ cười, ánh mắt, bắt tay, thăm hỏi. Nhiều người còn dùng cả những phương tiện tiêu cực như la hét, cáu giận, hoặc bực tức. Tại sao một em vị thành niên nhuộm tóc, cạo đầu, đeo bông tai, xâm mình, đeo vòng khuyên ở ngực, ở môi, ở mũi… Đó là vì em muốn được sự chú ý của người bạn trai, bạn gái, của cha mẹ, anh chị em, hoặc của người khác. Để mời gọi và kéo sự chú ý của chúng ta, Thiên Chúa cũng xử dụng cả phương tiện tiêu cực lẫn tích cực tùy vào hoàn cảnh và tâm lý của mỗi người. Nhưng điểm sau cùng vẫn là Ngài muốn thu hút và lôi kéo chúng ta đến việc hiểu và yêu mến Ngài. Vì hiểu và yêu mến Ngài là điều cần thiết cho sự sống đời đời của chính mỗi người chúng ta.

3. NGÀI GỌI TA LÀM CHỨNG NHÂN CHO NGÀI:

“Việc đầu tiên ông làm là tìm anh mình là Simon và nói với ông: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô” (Có nghĩa là Đấng được xức dầu). Ông đã mang anh mình đến gặp Chúa Giêsu” (Gioan 1:40-42). Đó là truyền giáo, là đem Chúa đến cho mọi người. Là làm chứng nhân cho Ngài.

Thiên Chúa gọi chúng ta. Ngài đặt chúng ta vào mỗi môi trường và hoàn cảnh sống riêng biệt với những ơn gọi riêng biệt. Trong đó, Ngài vẫn tiếp tục nói với chúng ta, gọi chúng ta, và tâm sự với chúng ta bằng những biến cố lớn, nhỏ vây quanh cuộc sống ấy. Hai môn đệ đầu tiên sau khi đã “đến” và “xem” thì đã nhận ra Ngài. Vì mến Ngài và cảm Ngài nên đã giới thiệu Ngài với người khác.

Thánh Kinh không nói gì về việc Chúa Giêsu bảo Andrê gọi Phêrô đến với Ngài. Trước đó, Ngài cũng không chiệu dụ cả Andrê. Andrê nghe thầy mình là Gioan Tiền Hô nói về Chúa Giêsu và đã tìm đến xin gặp. Sau khi gặp thì mến. Sau khi mến thì đã giới thiệu anh mình.

Ơn gọi mà Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta đã được Andrê diễn tả một cách đầy đủ. Chúng ta không là gì cả. Nhưng chúng ta được Thiên Chúa gọi. Nhưng để cảm được Ngài, chúng ta phải đến với Ngài, tức là nghe và hiểu tiếng Ngài gọi. Sau khi đã hiểu Ngài rồi, thì lại giới thiệu người khác đến gặp Ngài. Đó là ơn gọi thật. Đó là lối sống ơn gọi. Và đó là cách làm chứng cho ơn gọi. Ơn gọi không phải là đi tu làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng. Ơn gọi không phải là bỏ trần thế vào chốn viện tu làm nam, nữ tu sĩ. Ơn gọi cũng không phải là lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Ơn gọi là là tiếng Chúa kêu mời chúng ta đến với Ngài, hiểu Ngài, yêu Ngài, và làm chứng nhân cho Ngài ở ngay trong chính cuộc đời và cuộc sống mỗi chúng ta: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô” (Có nghĩa là Đấng được xức dầu). Ông đã mang anh mình đến gặp Chúa Giêsu” (Gioan 1:40-42).

T.s. Trần Quang Huy Khanh

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.