AI MÙ! AI SÁNG!

Ai mù! Ai sáng!

“Tôi mang thân phận người mù,

Ngày dài đêm ngắn âm u cũng là.

Người mù đếm những xót xa,

Đêm dài ngày ngắn cũng là bóng đêm.(1)

Sau khi đọc những dòng thơ trên, mỗi chúng ta hãy nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi. Hãy thử tưởng tượng, sẽ ra sao, nếu chúng ta phải sống suốt cuộc đời mình trong cảnh mù lòa tối tăm như thế!

Vâng, không có gì đau khổ hơn, khi một người phải sống trong cảnh“Lần mò phận lấy thương thân; Làm sao biết được phương gần phương xa”(2). Và có gì bất hạnh hơn khi người đó chỉ: “Nghe tiếng Cha, biết vậy m ! Nghe tiếng Mẹ, Mẹ ấy à, Mẹ ơi!”(3).

Thói đời, khi nhìn những người hoạn nạn tật nguyền, người ta thường nghĩ rằng, chắc  tại  “kiếp trước” người đó sống thất đức, nên họ phải gánh chịu những bất hạnh khổ đau cho kiếp này.

Niềm tin Kitô giáo không cho phép nghĩ như vậy. Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã dạy một bài học cho các môn đệ khi các ông có cùng một não trạng như trên.

Chuyện được kể lại rằng: Sau khi Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. Và khi đi ngang qua, “Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh” (Ga 9,1).

Người mù này được mô tả là một kẻ hành khất. Anh ta “ngồi ăn xin” bên lề đường với sự cô đơn, với khuôn mặt phảng phất “một nỗi ưu sầu đắng cay”(4).

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng nhìn thấy. Nhưng thay vì nhìn anh mù với một tấm lòng nhân ái, các ông đã nhìn tên “đệ tử cái bang” này với một cái nhìn sặc mùi Do Thái giáo.

Đối với người Do Thái, hễ người nào bệnh hoạn tật nguyền, họ cho rằng kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt.

Chính vì thế, khi thấy anh mù ngồi ăn xin, các môn đệ liền hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy! ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù…”. Quả là một cái nhìn đầy thiển cận của các ông.

Thay vì kêu thủ quỹ Giuda xuất quỹ vài đồng xu lẻ bố thí cho anh mù, các ông đã  “thí” vào mặt anh mù một câu hỏi đầy ác ý: “anh ta hay cha mẹ anh ta phạm tội?” (Ga 9,2).

Thiên Chúa là tình yêu. Người đã sai “Con của Người, đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu” (Ga 3,17).

Thật vậy, tại nhà Da-kêu, Đức Giêsu cũng đã khẳng định điều đó trước bàn dân thiên hạ, trong đó có cả các môn đệ, rằng “Con Người đến là để tìm và cứu” (Lc 19,10).

Tệ thật! có lẽ các môn đệ đã quên… quên lời phán hứa đầy tình yêu và lòng thương xót của Thầy mình!

Anh chàng khiếm thị bẩm sinh này ư! Đức  Giêsu nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Đó… đó chính là lý do Đức Giêsu xuống thế làm người. Ngài đến thế gian là để “Thực hiện công trình của Đấng đã sai (Ngài)”.

Làm sao Đức Giêsu có thể vô cảm nhìn anh chàng khiếm thị bẩm sinh này đang phải “Lần mò từng bước tôi đi… Mò trong bóng tối biết gì thời gian.”(5) !

Anh mù bẩm sinh chính là công trình mà Thiên Chúa đã tác tạo nên. Anh mù bẩm sinh chính là “công trình của Đấng đã sai Ngài”.

Vâng, làm sao có thể làm ngơ trước một công-trình-của-Thiên-Chúa!

Chính vì thế  “Đức Giêsu (đã) nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và sức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Si-lô-ac mà rửa”.

Kỳ diệu thay! “Anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9,7)

Một chút tâm tình

Một cuộc tranh luận nổ ra sau khi anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành. Ai mù! Ai sáng! Ai đã được sáng! Ai đang bị mù!

Đặt vấn đề như thế, để nhắc lại hình ảnh nguyên tổ Adam và Eva nơi vườn Eden năm xưa.

Ông bà đang sáng mắt nhưng lại tưởng mình bị mù. Chính vì thế ông bà nghĩ rằng, sau khi ăn “trái của cây cho biết điều thiện điều ác”… Vâng, Adam và Eva chắc mẩm rằng “mắt ông bà sẽ mở ra” (St 3,…5).

Đúng, “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình…” Ôi! quả thật là khó diễn tả!

Trở lại câu chuyện anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành. Quả là có một số người cũng rơi vào trường hợp nguyên tổ năm xưa.

Họ sáng mắt đấy, nhưng đôi mắt “cú vọ” của họ chuyên dùng vào việc “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết”. Và họ đã thành công khi tìm ra cái “vết” mà Đức Giêsu đã phạm. Cái vết đó là “ngày sa-bát”, ngày Đức Giêsu chữa lành cho anh mù.

Dựa vào tôn giáo, đôi mắt họ nhìn soi mói Đức Giêsu. Họ cho rằng, một người “không giữ ngày sabat, không thể là người của Thiên Chúa!”.

Thật không khác gì đôi mắt của nguyên tổ Adam và Eva. Một khu vườn Eden rộng lớn bao la. Thế mà dưới đôi mắt lệch lạc của ông bà, khu vườn ấy trở  nên “nhỏ hơn con thỏ”, nhỏ hơn cái túi “tinh khôn”. Ông bà có ngờ đâu, túi tinh khôn đó chỉ là “tinh khôn ảo”.

Và hôm nay, những người Phariseu, lại theo vết xe cũ của tổ tiên. Đôi mắt họ đã dính “cườm”, một thứ cườm-lề-luật, thứ cườm đó đã làm hoen mờ tình yêu của Thiên Chúa.

Xét cho cùng, những người chỉ trích Đức Giêsu, họ chỉ sáng đôi mắt thể lý. Còn đôi mắt tâm linh, không quá lời, họ mù. Họ mù Kinh Thánh. Hoặc họ “giả mù sa mưa”, quên lời ngôn sứ Isaia.

Lời ngôn sứ Isaia còn đó. Chính Đức Giêsu đã lớn tiếng đọc vào một ngày sabat, trong một hội đường tại Nazareth: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…” (Lc 4,18).

“Cho người mù biết họ được sáng mắt”. Tới đây, quá rõ để biết rằng, ai mù, ai sáng… Ai đang sáng hóa mù! Ai đang mù hóa sáng!

Vâng, anh mù từ thuở mới sinh. Anh ta đang mù hóa sáng. Không chỉ sáng đôi mắt thể lý, nhưng còn sáng đôi mắt tâm linh.

Thật phải đạo khi anh ta cất tiêng ca, ca tụng Đức Giêsu, rằng “Ngài là một vị ngôn sứ”. (Ga 9,17).

Một phút suy tư

Mỗi một phép lạ Đức Giêsu thực hiện, Ngài đều muốn gửi đến một thông điệp hoặc dẫn đến một chân lý nào đó.

Qua phép lạ chữa lành anh mù từ thuở mới sinh, phải chăng Đức Giêsu muốn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng “mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt!”.

Đúng vậy, cái sợ của thế giới hôm nay không phải là cái sợ mù-thể-lý. Y học ngày nay cho biết, những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là: bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

Ngày nay, có sợ, hãy sợ mù-tâm-hồn. Mù tâm hồn sẽ dẫn tới mù lương tâm. Mù lương tâm sẽ dẫn tời mù lương thiện. Mù lương thiện sẽ dẫn tới mù công chính. Mù công chính sẽ dẫn tới mù chân thật. Mù chân thật sẽ dẫn tới sự nghi kỵ. Sự nghi kỵ dễ dẫn tới hận thù. Có hận thù là có chiến tranh và chết chóc.

Có vẻ như đây là một căn bệnh trầm kha trong thế giới hôm nay!? Vâng, làm thế nào để chữa trị căn bệnh mù tâm hồn này!?

Xin thưa! Hãy đến cùng Giêsu. Trước khi chữa lành anh mù. Tại Đền Thờ, Đức Giêsu đã nói với người Do Thái rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”. (Ga, 8,12).

Thánh Phaolô cũng đã khẳng định: “Trong Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Thánh nhân nói tiếp rằng: “Ánh sáng (đó) đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 8-9).

Một khi chúng ta “nhận được ánh sáng ban sự sống”. Một khi chúng ta lương thiện, công chính và chân thật. Chúng ta sẽ là, như lời Đức Giêsu nói, “ánh sáng cho trần gian”.

Và một khi đã trở nên ánh sáng cho trần gian, ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm (chân lý), đem niềm vui đến chốn u sầu (tâm linh)”.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhắm mắt lại, một phút thôi! Một phút không chỉ để cảm thông cho những ai đang bị mù lòa thể lý, mà còn để tự hỏi mình rằng: Tôi đang mù hay sáng? Tôi đang mù mắt sáng hồn? Tôi đang mù hồn sáng mắt!?

Nếu chúng ta sáng-mắt-mù-hồn!!!

Hãy coi chừng  “TỘI CHÚNG TA VẪN CÒN”

Petrus.tran

……..

(1) (2) (3) (4) (5): (trích thơ: Tôi mang thân phận người mù – tác giả: Mặc Giang).

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.