“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”

Đây là một lời đặc sắc của Đức Giê-su mà mỗi người Kitô, một cách nào đó, có thể lặp lại cho chính mình, và, nếu đem ra thực hành, lời này có thể dẫn đưa người đó trên cuộc hành trình nên thánh trong đời mình.

Lúc đó Đức Giêsu ngồi bên bờ giếng Gia-cóp ở Samaria, đang kết thúc cuộc nói chuyện với thiếu phụ xứ này. Các môn đệ, từ những thành thị lân cận nơi họ đã đến thăm trở về, sửng sốt thấy thầy mình đang nói chuyện với một phụ nữ, nhưng không ai hỏi Người tại sạo, và khi thiếu phụ người Samaria đã đi rồi, họ mời Người ăn. Đức Giêsu đoán được ý nghĩ của các ông và giải thích cho các ông điều tác động nơi mình, Người trả lời: “Thầy phải dùng của ăn mà anh em không biết” (Ga 4:32).

Các môn đệ không hiểu gì: các ông nghĩ đến của ăn vật chất và hỏi nhau xem có người nào đã đem của ăn đến cho Thầy mình khi các ông vắng mặt.

 

“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của

Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”

Ta cần của ăn hàng ngày để sống. Đức Giêsu không chối điều đó. Và ở đây Người thực sự nói đến của ăn, đến nhu cầu tự nhiên của nó, nhưng Người làm thế để khẳng định là có và cần phải có một của ăn khác, của ăn quan trọng hơn mà Người không thể thiếu.

Đức Giêsu từ trời xuống thế để làm theo ý của Đấng đã sai mình và chu toàn công cuộc của Đấng đó. Người không có tư tưởng riêng, mà tư tưởng của Cha mình, những lời Người nói cùng những việc Người thực hiện là của Cha mình; Người không làm theo ý riêng mà theo ý của Đấng đã sai mình. Đó là cuộc sống của Đức Giêsu. Thực hiện điều đó làm thỏa cơn đói của Người. Khi làm như vậy Người nuôi sống mình.

Việc hoàn toàn thuận theo ý Chúa Cha là đặc tính của cuộc sống Đức Giêsu, cho đến chỗ chết trên thập giá, nơi Người thực sự chu toàn công cuộc Chúa Cha đã ủy thác cho mình.

 
 

“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của

Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”

Đức Giêsu coi của ăn của mình là làm theo ý Chúa Cha, bởi vì khi thực hiện ý ấy, “hấp thụ” lấy ý ấy, “ăn vào” ý ấy, đồng hoá mình với ý ấy, thì Người nhận được sự Sống.

Đâu là ý Chúa Cha, là công trình của Người mà Đức Giêsu phải chu toàn?

Đó là đem lại cho con người ơn cứu độ, ban cho họ sự Sống không mai một.

Là cái mầm của cuộc sống đó, Đức Giêsu, trước đó không lâu, qua cuộc chuyện vãn và tình thương, đã thông ban sự Sống đó cho thiếu phụ người xứ Samaria. Thực vậy, không mấy chốc các môn đệ sẽ thấy cuộc sống đó nẩy mầm và lan ra, bởi vì thiếu phụ người  xứ Samaria sẽ cho những người khác biết sự phong phú chị đã khám phá ra và nhận được: “Hãy đến mà xem: có một người… Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4:29).

Và Đức Giêsu, khi nói với thiếu phụ người Samaria, đã cho thấy chương trình của Thiên Chúa, Đấng là cha: đó là ước mong tất cả mọi người tiếp nhận hồng ân sự sống của Người. Chính công cuộc này mà Đức Giêsu rất mong muốn chu toàn, để rồi Người trao lại cho các môn đệ, cho Giáo hội.

 

“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của

Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”

Chúng ta cũng có thể thực hành Lời đặc biệt này của Đức Giêsu, để phản ánh cách đặc biệt con người, sứ mệnh, lòng hăng say của Người sao?

Nhất định rồi! Chúng ta cũng cần phải sống bản chất mình là con cái Thiên Chúa, nhờ sự Sống Đức Kitô đã thông ban cho ta, và như vậy bồi dưỡng cuộc sống mình bằng ý muốn của Người.

Chúng ta có thể thực hiện điều đó bằng cách chu toàn mỗi giây phút điều mà Người muốn cho ta một cách toàn hảo, như thể ta không có điều gì khác phải làm. Thực vậy, Thiên Chúa không muốn gì hơn nữa.

Vậy chúng ta hãy ăn lấy điều Chúa muốn cho ta từng giây từng phút và ta sẽ cảm nghiệm được là khi làm như vậy, ta được no đầy: Người ban cho ta an bình, niềm vui, hạnh phúc, Người ban trước cho ta – không nói quá – Phúc thật.

Như thế mỗi ngày cả chúng ta cũng sẽ cùng với Đức Giêsu góp phần vào việc chu toàn công cuộc của Chúa Cha.

Đó sẽ là cách tốt nhất để sống lễ Phục sinh.

Chiara Lubich (Lm. JB Vượng, chuyển ngữ)

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.