Chúa tôn vinh kẻ khiêm nhường và kẻ khiêm nhường tôn vinh Chúa

I.- DẪN NHẬP

Trong cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu, Tin Mừng đã cho chúng ta thấy, Ngài luôn “đi đến” và “sống với” dân chúng. Và bất cứ ở đâu, hoặc lúc nào: tại hội trường, trong đền thờ, trên đường phố, ở nông thôn, ngoài bãi biển hay ở bờ hồ, trong hoang địa hay trên núi, kể cả trong những bữa tiệc, v.v… Ngài thường dùng các dụ ngôn hay ngụ ngôn mà giảng dạy, đến nỗi các Tông Đồ phải thắc mắc: “Tại sao Thầy lại dùng các dụ ngôn mà nói với họ?” (Mt13,10; Lc 8,9-10). Phải chăng đây là phương pháp giảng dạy tuyệt vời của Chúa Giêsu?

Như chúng ta đã biết, thói quen của những người Pharisiêu là: trước mặt Thiên Chúa, họ thường hay kể lể dài dòng những thành tích đạo đức của mình; còn trước mặt người khác, nhất là những người nghèo khó, thì họ lại coi thường và đòi người khác phải tôn trọng… Chúa Giêsu không chấp nhận được hành động đạo đức giả đó của họ, nên Ngài thường hay khiển trách họ là kẻ giả hình; vì họ thường hay phô trương, tự cao tự đại, lại thích danh vọng, địa vị mà chẳng bao giờ quan tâm đến những người, tàn tật, đui mù, nghèo khổ… Hành động đó càng thể hiện rõ nét hơn trong khung cảnh của một bữa tiệc.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện nhân dịp một bữa tiệc, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về phép lịch sự của người “dự tiệc và đãi tiệc”. Tuy nhiên, bài học của Chúa Giêsu không dừng lại chỉ ở bài học xử sự theo kiểu cách lịch sự ngoài đời. Ngài muốn dạy một bài học cao hơn và xa hơn, đó là bài học “tôn trọng người khác”, bài học đó chính là bài học về “Đức khiêm nhường”: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Và như thế, còn hơn tôn vinh một thương hiệu, một tác phẩm hay một danh nhân lỗi lạc…, Chúa Giêsu chỉ tôn vinh kẻ khiêm nhường mà thôi.

II.- TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG

Trong bài đọc I, sách Huấn Ca dạy rằng: “Càng tự hạ, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3,18). Còn trong bài đọc II cho thấy rằng: Người được ghi tên trên trời, được dự đại hội của Thiên Chúa, là những người công chính và thánh thiện (x. Dt 12,23). Và trong bản văn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Đại ý của những câu này là chìa khóa về việc chọn chỗ ngồi, nhưng lại ám chỉ về việc chọn cho mình một vị thế. Trước tiên, Thiên Chúa ưu tiên cho con người quyền tự do lựa chọn, nhưng Ngài vẫn cho những lời khuyên, để sự lựa chọn của con người khỏi lầm đường lạc lối.

Ai tôn trọng Lời Thiên Chúa thì sẽ có được sự khôn ngoan (x. Cn 15,33; 22,4) và sẽ biết được ý Chúa muốn, như lời khuyên của Ngôn sứ Mikha: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Thiên Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6,8). Ai tôn trọng Lời Thiên Chúa, thực thi công bình, nhân nghĩa, khiêm nhường, người ấy sẽ chọn được vị thế đẹp lòng Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ được Thiên Chúa đề cao (x. 2Cr 10,18). Chính Chúa Giêsu cũng đã từng chúc phúc cho kẻ khiêm nhường và dạy họ bài học khiêm nhường của Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Ai tự cao tự đại thì chính “Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh” (Cn 29,23; 18,12). Và Thiên Chúa, chính Người sẽ hạ bệ hoặc nâng ai lên, Vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6; Cn 3,34).

Đọc những câu Kinh Thánh trên, quả thực, người viết như vỡ ra một lẽ: về quyền năng của Đấng Tôn Vinh và vinh dự của người được tôn vinh, có cái gì đó giống hệt như kiểu một giao ước, một tương quan qua lại hai chiều giữa Thiên Chúa và loài người; người viết tạm gọi đó là “giao ước khiêm nhường” liệu có được không? Vì, Kinh Thánh cũng từng nói: Thiên Chúa tôn vinh kẻ khiêm nhường và ngược lại kẻ khiêm nhường tôn vinh Thiên Chúa (x. Lc 1,52; Hc 3,20).

III.- THIÊN CHÚA CỦA KẺ KHIÊM NHƯỜNG

“Ai tự tôn mình lên ở đời này sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống trong Nước Ngài và ngược lại, ai tự hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên”.

Lời Chúa dạy hôm nay, xem ra đảo lộn trật tự giá trị đời thường, hay ít ra cũng cho thấy có sự khác biệt giữa thế gian và Nước Trời. Sự khiêm nhường tự hạ mà Chúa dạy không phải là sự chịu lụy, nhịn nhục theo kiểu “nín thở qua cầu hay chịu đấm ăn xôi”. Nhưng là một sự chọn lựa tự do trong tinh thần yêu thương và phục vụ; để biết mình phải làm gì cho tình yêu tha nhân và phải biết sống phục vụ hết mình như thế nào.

Con đường đi tới Nước Trời, được Thiên Chúa Cha yêu thương trao ban chính là thái độ sống khiêm nhường tự hạ: “Vì sức mạnh của Ngài không dựa vào số đông, quyền lực của Ngài chẳng ở nơi người mạnh thế. Nhưng Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhường, là Đấng cứu giúp người hèn mọn, Đấng đỡ nâng kẻ cô thế, Đấng bảo vệ người bị bỏ rơi, Đấng Cứu Tinh của những ai thất vọng” (Gđt 9,11). Vì thế, tính tự cao tự đại, hãnh diện về sức mạnh, luôn là một cái gì rất chướng “thảy đều là tội lỗi” đối với Thiên Chúa (x. Cn 21,4).

Thiên Chúa ở bên người khiêm nhường. Ngài sẽ nâng cao người phận nhỏ, người quyền thế bị lật đổ, người giàu có trở về tay không và kẻ nghèo đói sẽ no đầy ơn phúc. Từ lời tiên báo của Tiên tri Êdêkien, đến lời kinh Magnificat của Đức Maria và nay lời dạy của Chúa Giêsu đều minh nhiên nói lên chân lý: Thiên Chúa đứng về phía những người khiêm nhường, những người địa vị thấp hèn trong xã hội, những người bị áp bức bất công, những người nghèo khổ, những người tàn tật…

IV.- GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG CỦA CHÚA GIÊSU

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần thế là một mẫu gương minh chứng hùng hồn giáo thuyết khiêm nhường mà Chúa đã dạy: Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường tự hạ và khi mời gọi mọi người hãy đến học cùng Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đi bước trước và thực hiện triệt để những gì Ngài giảng dạy. Ngài thực sự là con người của sự khiêm nhường tự hạ: Từ một địa vị Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình làm người bần cùng trong thế gian này; từ một người Thầy, Ngài đã tự hạ mình rửa chân cho các môn đệ; từ một Đấng phán một Lời mọi sự liền có, Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự. Nơi Chúa Giêsu, sự khiêm nhường đã đi đến tột cùng, không ai có thể khiêm nhường hơn Ngài. Ngài khiêm nhường đến tự hủy như thế, cũng là để phục vụ con người đến hết mình, và để yêu thương họ cho đến cùng. Chính nhờ thế mà Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài (x. Pl 2,6-9).

Gương khiêm nhường của Chúa Giêsu đã chinh phục và lôi cuốn biết bao người, cả chúng ta nữa: theo Ngài, học cùng Ngài, tự hạ để trở nên người hoàn thiện. Nhận thấy mình là con số không và Chúa là tất cả. Chỉ có những ai hạ mình như thế mới đáng được Chúa tôn lên.

Lịch sử Giáo Hội cũng cho thấy nhiều mẫu gương khiêm nhường: như Đức Maria, Thánh Cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả và các Thánh. Ngày nay, Hội Thánh vẫn đang có và sẽ còn tiếp tục gương khiêm nhường của Chúa Giêsu, âm thầm xả thân cho đồng loại, hạ mình làm những công việc dơ dáy hôi tanh, để chăm sóc cho những người phong cùi lở loét, những bệnh nhân nan y bất trị, những người hấp hối gặp được trên đường phố, những trẻ em nghèo đói, thương tật trong các nước chiến tranh, loạn lạc… họ là những người không thể trả công và chính Chúa là người sẽ trả công thay cho họ: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà lãnh nhận gia sản vương quốc dành cho các ngươi. Vì khi xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các người đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25,34-36).

V.- KHIÊM NHƯỜNG LÀ MỘT NHÂN ĐỨC

Khiêm nhường là một trong những nhân đức căn bản và quí giá của con người. Nhờ khiêm nhường con người khám phá được sự cao trọng của Thiên Chúa và mở ngõ cho con người đi vào sự khôn ngoan. Giáo huấn trong sách Châm Ngôn dạy rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11,2); và “Miệng kẻ dại có mầm kiêu ngạo, môi người khôn bảo vệ người khôn” (Cn 14,3).

Tuy nhiên, con người có quyền tự hào về mình: đó là những gì mình đã đạt được, hay đã dày công mà có, nhất là do nỗ lực của cả một cuộc đời…; những lúc ấy, hãy nhớ lời khuyên trong sách Huấn Ca: “Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm nhường, và tự trọng đúng với giá trị của con” (Hc 10,28). Và nếu có tự hào, thì hãy tự hào trong Thiên Chúa, vì tất cả là do tình yêu của Chúa mà có, còn mình vẫn luôn chỉ là người yếu đuối, bất tài vô dụng.

Vậy, khiêm nhường đích thực là nhìn nhận thực tế những gì là mình và những gì mình có. Và đồng thời nhận ra giá trị những gì mình có chỉ là hồng ân của Thiên Chúa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào: là hạnh phúc hay gian khó, lòng luôn cảm nhận được bình an, như lời tạ ơn của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu “Tất cả là hồng ân của Chúa”.

Vì thế, khiêm nhường luôn là một nhân đức cần thiết để trở nên người trưởng thành, trở nên người khôn ngoan, và để trở nên người Kitô hữu thánh thiện.

VI.- ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG GẮN LIỀN VỚI ĐỨC BÁC ÁI

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng khiêm nhường phải song song với tình bác ái vô vị lợi. Ngay cả trong việc thiết tiệc cũng phải giữ cho được tình bác ái. Phải quan tâm đến người nghèo khổ, đến người bất hạnh… vì họ không có gì đến đáp (x. Lc 14,13-14). Biết bao lần Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như một tiệc cưới, trong đó Thiên Chúa mời gọi không trừ một người nào. Ngài không màng đến địa vị, chỗ đứng hay thân thế của bất kỳ ai trong xã hội. Dưới mắt của Thiên Chúa, điều làm nên giá trị nhất của con người không phải là tài năng, sự thành đạt trong xã hội, mà chính là tình yêu phục vụ của ta đối với tha nhân.

Khiêm nhường mà không bác ái, không phục vụ thì nào có ích lợi gì. Khiêm nhường là phương thế để thể hiện tình yêu sẵn sàng dấn thân đến với người khổ đau, phục vụ chăm sóc họ. Khiêm nhường chính là thái độ biết quên mình để yêu thương, hiện diện và phục vụ mọi người như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu cũng không kết án những người có địa vị cao trong xã hội, vì nếu người có quyền cao chức trọng mà biết hạ mình hy sinh phục vụ người khác thì giá trị của đức khiêm nhường càng tăng hơn gấp bội. Và chắc chắn, Chúa cũng sẽ khen thưởng họ gấp bội. Vì giá trị đích thực của con người chính là sự phục vụ vô vị lợi: “Càng làm lớn, càng phải tự hạ, như thế sẽ càng được đẹp lòng Thiên Chúa” (Hc 3,18). Do đó, dù là người giầu sang, quyền cao, chức trọng hay người nghèo hèn, mạt rệp nhất trong xã hội đều được coi là người cao trọng trong Nước Trời, nếu người đó biết sống yêu thương và phục vụ.

Và như thế, giữa sự khiêm nhường và lòng bác ái có một sự gắn kết hỗ tương với nhau, như lời quả quyết của Thánh Âutinh: “Không gì cao trọng bằng đức bác ái, nhưng chỉ có đức khiêm nhường mới duy trì được đức bái ái mà thôi”.

VII.- LƯU TÂM ĐẾN NGƯỜI NGHÈO, TÀN TẬT, QUÈ QUẶT, ĐUI MÙ

“Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, và người đui mù”(Lc 14,13). Thiên Chúa luôn quan tâm nâng đỡ yêu thương và đứng về phía những người nghèo khổ, mọn hèn, trẻ thơ, bà góa, người nghèo… (x. Lc 1,52; Tv 147,6; Ez 21,13). Họ là những người thường bị khinh miệt và thậm chí còn không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ (x. 2Sm 5,8; Lv 21,18).

Thời xưa cũng thế và thời nay cũng vậy. Chúng ta thường có khuynh hướng xem nhẹ, thậm chí coi thường những người nghèo, những người thấp hèn hơn chúng ta và tôn trọng những người giàu có, địa vị quyền thế trong xã hội. Lời Chúa nhiều chỗ đã cho chúng ta thấy, trong Nước Chúa không có phân biệt nô lệ hay tự do, Dothái hay Hylạp, người giầu hay người nghèo… Cho nên, chúng ta phải biết trân trọng nhau, ít ra là trong tương quan con người với con người, xa hơn nữa là trong tư cách con cái Chúa, là anh chị em của nhau. Như lời Thánh Phêrô dạy:“Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm nhường”(1Pr 3,8).

Vẫn biết rằng tình yêu không loại trừ ai, như lời Chúa Giêsu dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), nhưng có một ưu tiên phục vụ mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng: “Tình yêu ưu tiên và những quyết định gợi hứng dành cho người nghèo đó là: ta không thể không ôm ấp đám đông những người đói khát, thiếu thốn, những người vô gia cư, những kẻ không được chăm sóc thuốc men, và trên hết là những kẻ không hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn. Không thể không ghi nhận những thực tại hiện hữu này. Phớt lờ họ tức là trở thành giống như “người giầu có” làm như vẻ không biết đến người nghèo Ladarô đang nằm ngoài cổng nhà mình” (x. Lc 16,19-31).

Chúng ta cũng lưu ý cách riêng đến những người di dân, những người bản xứ và các dân tộc bộ lạc, những phụ nữ và trẻ em, bởi vì họ thường là nạn nhân của những hình thức bóc lột xấu xa nhất. Thêm vào đó có số người vô danh, bị kỳ thị do văn hóa, màu da, chủng tộc, đẳng cấp, tình trạng kinh tế hay là do cách họ suy nghĩ; đồng thời có cả những người là nạn nhận của sự kỳ thị tôn giáo. Họ cần được nâng đỡ và chăm sóc để bảo toàn được nhân phẩm và những tổn hại.

VIII.- NHẬN ĐỊNH VÀ ÁP DỤNG

Trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, Thánh Công Đồng nhấn mạnh đến mối quan tâm đến người nghèo như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (trích Gaudium et spes, lời mở đầu, số 1).

Giáo Hội từ nguyên thủy và cho đến ngày nay, vẫn luôn bày tỏ một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những kẻ không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hóa với họ một cách đặc biệt: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Tuy Giáo Hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho những người nghèo, nhưng khi Giáo Hội loan báo chân lý về Đức Kitô, về chính mình và về con người, thì bằng cách áp dụng chân lý đó, Giáo Hội cống hiến sự đóng góp của mình cho việc giải quyết vấn đề cấp bách của phát triển vào một hoàn cảnh cụ thể. Vấn đề ấy là vấn đề nhân bản và luân lý.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Kitô giáo vẫn không ngừng phát huy bổn phận hướng dẫn và giải thoát người nghèo khỏi những hoạt động dối trá, sai lầm, và gian ác… của trần thế; nhằm phát triển con người về mọi mặt theo hướng “chân-thiện-mỹ”. Vì con người là tác nhân chính và là mục đích của sự phát triển không ngừng. Nó phải được bắt đầu và kết thúc với sự nguyên vẹn của con người, do được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho một phẩm giá và các nhân quyền không thể bị tước bỏ.

Khi lưu tâm đến người nghèo, Giáo Hội tăng cường mục vụ giữa những người nghèo: Bằng cách chú ý tới những âu lo của họ và tới những vấn đề công bằng ảnh hưởng tới đời sống của họ; mặt khác cũng bao hàm sự cần thiết giúp đỡ họ để họ tự giúp lấy mình, ngõ hầu họ có thể hành động để cải thiện hoàn cảnh của họ. Giáo Hội còn phải trở nên một ngôi nhà đầy lòng quảng đại và cố gắng đón tiếp những kẻ khó nhọc và gánh nặng, vì biết rằng trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi không có ai là người xa lạ, họ sẽ được an nghỉ “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).

Khi lưu tâm đến người nghèo, Giáo Hội không thể thờ ơ với đau khổ của trẻ em, nạn nhân của sự bóc lột, bạo lực và sự dữ. Những sự dữ ấy không chỉ do cá nhân gây nên, nhưng thường do những cấu trúc tập thể thối nát. Hiện nay, việc bắt trẻ em lao động, tình dục với trẻ em và hiện tượng ma túy là những sự dữ của xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em, và những sự dữ đó còn kéo dài theo những tệ nạn khác ở những nơi nghèo đói. Giáo Hội đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để chiến thắng những sự dữ đó, hãy hành động nhân danh những kẻ bị bóc lột nhất, để tìm cách dẫn đưa những người bé mọn tới tình yêu của Đức Giêsu, bởi “vì Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống như họ”(Lc 18,16).

Khi lưu tâm đến người nghèo, Giáo Hội quan tâm cách riêng đối với phụ nữ, hoàn cảnh của họ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội ngày nay, nơi mà sự kỳ thị và bạo lực đối với người phụ nữ thường xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc và cả trong hệ thống pháp lý nữa. Nạn mù chữ phổ biến trong giới nữ vẫn còn nhiều, và thậm chí có nhiều phụ nữ bị đối xử hèn hạ như những món hàng trong nghề mãi dâm, du lịch và công nghệ giải trí.

Trong trận chiến chống lại mọi hình thức bất công và kỳ thị ấy, người nữ phải tìm được nguồn trợ lực trong cộng đồng những người Kitô hữu. Giáo Hội phải cổ võ những hoạt động cho nhân quyền nhân danh người nữ. Mục tiêu là phải mang lại được một sự thay đổi thái độ, nhờ sự hiểu biết đúng đắn hơn về vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo Hội. Đề cao phẩm giá và sự tự do của phụ nữ một cách cụ thể và hữu hiệu; đồng thời, khích lệ vai trò của người nữ trong Giáo Hội bằng cách mở ra cho họ những cơ hội lớn để hiện diện và hoạt động trong sứ mạng tình yêu và phục vụ.

IX.- KẾT LUẬN

Khi Giáo Hội kêu gọi các Kitô hữu hành động và hy sinh chính mình để phục vụ và phát triển con người, đặc biệt là với người nghèo. Cũng nên nhắc lại một vài giá trị nền tảng của truyền thống Kinh Thánh xưa, như Dân Ítraen xưa kia nhấn mạnh đến mối ràng buộc không thể tách biệt giữa việc thờ phượng Chúa và chăm sóc người yếu đuối, điển hình là“người góa bụa, người ngoại kiều, và kẻ mồ côi” (x. Xh 22,21-22; Đnl 1018; 17,19), họ là những người dễ bị đối xử bất công trong các xã hội thời đó. Và nhiều lần trong các sách Ngôn sứ, chúng ta nghe tiếng kêu gào đến công lý, đến sự tổ chức đúng đắn cho xã hội con người. (x. Is 1,10-17; Am 5,21-24)

Những điều Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay, cũng là một trong những lời khuyên của Thiên Chúa đã từng được các Ngôn sứ giảng dạy và ghi chép trong các sách Giáo huấn (x. Cn 25,6-7; Hc 7,4; 13,9-10). Nhưng hôm nay, lời này lại là lời xác quyết và xác thực, do chính Đấng là Thiên Chúa tự hạ, bày tỏ mình qua đời sống khiêm nhường và phục vụ đến hiến thân mình. Cũng tưởng rằng, Ngài hiến thân mình cho ai cao trọng, nào ngờ, Ngài lại hiến thân mình cho kẻ bé mọn.

Và trong hành trình loan báo Tin Mừng, các Tông đồ Chúa cũng không ngừng nhắc đi nhắc lại nhiều lần về phẩm chất cần phải có của người tín hữu về đức khiêm nhường: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5); “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3); “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,16); “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6,17); “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5,6).

Quả thực, Thiên Chúa ta thờ là: “Một Thiên Chúa, chỉ muốn lòng thương xót chứ không cần nghi lễ” (Hs 6,6). Chúa Giêsu cũng từng nói những lời đó: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần tế lễ” (Mt 9,13), và“Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Noi gương khiêm nhường của Chúa, các Thánh và các Kitô hữu trong mọi thời và mọi nơi cũng đã từng sống khiêm nhường như vậy.

Trước khi khép lại đề tài này, người viết xin nêu lên đây lời hùng biện tâm đắc của Thánh Gioan Kim Khẩu: “Bạn có muốn tôn vinh thân thể Đức Kitô không? Vậy thì đừng phớt lờ Người khi Người trần truồng. Đừng tôn vinh Người trong đền thờ bằng vàng và nhung lụa, mà lại để Người ở bên ngoài lạnh cóng và trần truồng. Đức Giêsu, Đấng đã nói: “Này là mình Ta, này là máu Ta”, cũng là Đấng đã nói “Bạn thấy Ta đói mà không cho Ta ăn, Ta khát mà không cho Ta uống, Ta mình trần mà không cho Ta mặc”. Ích gì nếu Bàn Tiệc Thánh Thể đầy chén thánh bằng vàng, mà để Đức Kitô đang chết đói? Bạn hãy làm thỏa mãn cơn đói của Người, rồi với cái gì còn lại, bạn hãy lấy đó mà trang hoàng bàn thờ cũng được”.

Từ đây, nguyên tắc sống khiêm nhường và phục vụ trở thành châm ngôn sống cho mọi người Kitô hữu. Ai sống như vậy thì được nghĩa trước mặt Chúa và được mọi người yêu mến ở đời này. Và ai duy trì lòng khiêm nhường phục vụ của mình cho đến chết thì sẽ có cơ hội được tham dự tiệc Thiên Quốc đời đời trong Quê Trời Hằng Sống.

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dành cho các ngươi” (Mt 25,34).

JB Bùi Ngọc Điệp

Dieser Beitrag wurde unter Allgemein veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.