MÙA CHAY, MÙA LẮNG NGHE

Ngày xưa có ông vua nước lớn muốn thôn tính một nước láng giềng bé nhỏ, nên ông tìm cách dò xét nước này. Nhà vua sai sứ giả gởi đến vị vua của nước láng giềng ba pho tượng hoàn toàn giống nhau về cả chất liệu lẫn mẫu mã, và gởi kèm theo ba pho tượng một bức thư. Bức thư ấy có nội dung đại ý như sau: “Một trong ba pho tượng này là ‘báu vật’. Sau một tuần trăng từ khi chúng tôi gởi tặng quý quốc, xin quý quốc vui lòng cho biết đó là pho tượng nào”.

Vua nước nhỏ sau khi nhận được món quà đó thì vô cùng lo lắng. Nhà vua hiểu được ý đồ gây hấn của vua nước lớn. Không giải đáp được câu hỏi trên sẽ có cớ cho nước lớn gây chiến và cũng là điều nhục quốc thể. Vua cho triệu tập quần thần văn võ để xem ai tìm ra được lời giải đáp, nhưng không ai giải đáp được. Nhà vua cho rao báo khắp trong dân để tìm người có tài năng giải đáp được câu đố hóc búa này. Gần một tuần trăng lặng lẽ trôi qua, không có ai có thể đem niềm vui đến cho nhà vua!

Thế rồi một sáng nọ, một trung thần già nua đi thờ thẩn với nổi buồn mênh mong khi nghĩ đến sự bất lực của triều đình, ông tình cờ gặp một em bé tuổi độ lên mười đang tung tăng trên đường quê. Chú bé gặp ông cúi đầu chào lễ phép, rồi hỏi: “Ông là ông quan phải không?”. “Phải. Ông đáp”. – “Đã có ai giải đáp câu đố về ba pho tượng chưa ông?” . – “Chưa, cháu ạ”. – “Ông dẫn cháu vào gặp vua đi, cháu giải đáp cho!” – “Trời, con muốn rơi đầu à! Con vào triều ăn nói lung tung là tội khi quân, con biết không? Ông dẫn cháu vào cũng phải liên lụy nữa đấy!”. – “Không đâu, cháu giải được mà! Nhà vua sẽ còn ban thưởng cho cả ông nữa đó!”. Vị quan trung thần đã đến nước cùng, đành đánh liều nghe theo chú bé!

Về đến triều, đứng trước bệ rồng, giữa bá quan văn võ, chú bé lấy trong túi áo ra một cọng rơm, rồi cầm lấy pho tượng thứ nhất giơ lên cao, chú lấy cọng rơm đút vào lỗ tai phía bên này của pho tượng, cọng rơm xuyên qua lỗ tay phía bên kia. Chú bé nói. “Pho tượng này tượng trưng cho người không muốn nghe, nên hể nghe lỗ tay bên nay, thì chạy tót qua lỗ tay bên kia. Chẳng để tâm gì suy nghĩ gì đến điều đã nghe. Nên pho tượng này là pho tượng rất tầm thường, không có giá trị gì!”

Đứa bé cầm lấy pho tượng thứ hai, nó cũng làm một động tác như vậy. Nhưng lần này, cọng rơm từ lỗ tai bên này lại trổ ra ở cửa miệng. Chú bé nói: – “Pho tượng này tượng trưng cho hạng người hể nghe được gì thì xì ra ngoài miệng hết. Chẳng để tâm suy nghĩ gì, và chẳng biết giữ điều gì kín đáo! Nên pho tượng này cũng rất tầm thường, không có gì đáng quý”.

Sau cùng, chú bé cầm lấy pho tượng thứ ba, nó cũng bắt đầu bằng một động tác y như hai pho tượng trước. Nhưng lần này, cọng rơm không có lồi ra. Đứa bé cố đẩy mạnh cọng rơm vào, nhưng nó vẫn không thấy nó ra ngỏ nào. Chú bé thong thả nói “Pho tượng này tượng trưng cho hạng người luôn biết lắng nghe và biết cất giữ trong lòng để suy nghĩ những gì mình nghe được. Pho tượng này chính là ‘Báu Vật’, muôn tâu bệ hạ!”. Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của vua nước nhỏ, thì vô cùng kính nể. Ông nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến” (nguồn: canhdongtruyengiao.net).

***

Câu chuyện “Ba pho tượng” thật ý nghĩa, gợi lên tâm tình “biết lắng nghe” của Mùa Chay Thánh.

Trong sứ điệp Mùa Chay 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy: “Mùa Chay mời gọi chúng ta biết dưỡng nuôi đức tin của mình bằng cách chú tâm, siêng năng lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đồng thời lớn lên trong đức ái, trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, qua những việc làm cụ thể như ăn chay, đền tội và làm việc bố thí” (số 3).

Đặc điểm của Mùa Chay là sự hoán cải. Việc hoán cải có thể được biểu lộ bằng nhiều cách rất khác nhau. Nhưng Thánh Kinh nhấn mạnh đặc biệt đến ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí (x. Mt 6,1-18), là những cách diễn tả sự hoán cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân (GLCG số 1434). Chay tịnh để từ bỏ con người tội lỗi, cầu nguyện để trở về và gắn bó với Thiên Chúa, thực hành bác ái đối với tha nhân để xứng đáng nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Mục đích chính của sự hoán cải là để con người từ bỏ con đường tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa. Đây cũng là một định hướng của Năm Đức Tin, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong tự sắc Porta fidei: “Năm Đức Tin là một lời mời gọi thực hiện cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ”.

1. Biết lắng nghe

Để sống tinh thần Mùa Chay, điều cần thiết nhất là phải biết lắng nghe.

Người nghe tai bên này lọt qua tai bên kia nên không còn gì để suy nghĩ, vì thế nên rất nông cạn. Họ được Chúa Giêsu ví như hạt giống “rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4).

Người nghe nhưng vội nói nên thiếu gạn lọc khơi trong. Họ giống như “hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13, 5).

Người biết lắng nghe và biết gìn giữ trong trí khôn để suy nghĩ, biết lưu lại trong tâm hồn để suy niệm nên nội tâm phong phú, họ như “hạt gieo vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gắp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 8).

2. Biết thinh lặng

Để có thể lắng nghe cần phải biết thinh lặng.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. ĐTC Bênêđictô XVI viết: “Trong thinh lặng chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu.Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời… Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa” (Sứ điệp truyền thông 2012). Trong Sứ điệp Truyền Thông 2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã nói đến bốn yếu tố của truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Cả bốn yếu tố này đều chỉ có được nhờ thinh lặng.

Thánh Giuse yêu thích sự thinh lặng. Ngài biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa với trọn niềm phó thác. Mẹ Maria luôn thinh lặng nguyện cầu để lắng nghe tiếng Chúa. Những gì Mẹ nghe và thấy, Mẹ “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ không vội vã phản ứng hay nói ra nhưng Mẹ “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nhờ vậy, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố; Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ. Quả thật, Thánh Giuse và Mẹ Maria là con người của Mùa Chay.

Thinh lặng là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. Linh mục Philippon (OP) có lần viết: “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”.

3. Lắng nghe bằng 3 lỗ tai

Mùa Chay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng tai đi vào tâm trí, lưu giữ nơi trái tim và ở lại nơi linh hồn.

Cha Mark Link, S.J nói rằng: “Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng 3 lỗ tai: lỗ tai của tâm trí, lỗ tai của trái tim và lỗ tai của linh hồn”.

Lắng nghe bằng lỗ tai tâm trí. Đó là cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Thánh Ignatiô Loyola thường nghe Lời Chúa theo kiểu này, bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do Thái để nghe Chúa Giêsu nói. Ngài tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói Chúa Giêsu nghẹn ngào khi đọc đến câu: “Thần khí Chúa ngự trên tôi“. Ngài còn tưởng tượng ra nỗi phấn khích như điện giật lan chuyền nơi cộng đoàn tham dự khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó“. Như thế, nghe bằng tâm trí là không những chỉ hiểu Lời Chúa, mà còn làm cho Lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.

Lắng nghe bằng lỗ tai của trái tim. Đó là ghi tạc Lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng Lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” (Lc 9,25), Phanxicô Xaviê nghe lời này như nói trực tiếp với mình. Lời đã đi vào trái tim đã giúp ngài lựa chọn định hướng đời mình sao có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Nghe bằng trái tim là ghi khắc Lời Chúa vào nội tâm và vận dụng lời ấy vào cuộc sống hàng ngày.

Lắng nghe bằng lỗ tai của linh hồn. Đó là cầu nguyện với Chúa về Lời đã nghe trong trái tim, như thánh Phanxicô Xaviê đã làm. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự nghiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignatiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “cho vinh danh Chúa hơn”. Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Trong nhiều năm truyền giáo, ngài đã đi bộ tới trăm ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục phỏng độ ba vạn người.

Mùa Chay lắng nghe Lời Chúa. Đó là hành trình của Lời đã nghe, được diễn lại sống động nơi tâm trí, ghi khắc vào trái tim và cầu nguyện trao đổi với Chúa, từ đó lắng nghe điều Chúa muốn nhắn nhủ với bản thân qua Lời ấy. Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận khuyên: “Chính lúc rao giảng Tin Mừng, con phải giữ sự thinh lặng bên trong, con phải để cho Chúa Thánh Thần nói với con, và nói qua miệng lưỡi con.Thinh lặng là thời gian để cầu nguyện, để chuẩn bị, để suy nghĩ, để chín mùi, để có năng lực mà loan báo Tin Mừng”.

***

Mẹ Têrêxa Calcutta diễn tả vẻ đẹp, chiều sâu và sự cần thiết của thinh lặng qua lời cầu nguyện như tâm tình biết lắng nghe của Mùa Chay:

Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu thích sự thinh lặng,

xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe,

và thấm nhuần Lời hằng sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,

biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,

biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,

để nghe được tiếng kêu của người nghèo,

để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi

để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,

để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,

để tránh mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,

để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen./.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

(Trích trang Suy Niệm Hàng Ngày => Các bạn có thể xem ở đây http://www.suyniemhangngay.org/)

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.