Người Công Giáo phải tham dự Thánh lễ như thế nào?

Giáo hội muốn con cái mình tham dự chứ không “đi xem, hay đi nghe lễ”, mà là đi “dự Thánh Lễ” cách tích cực, linh động, Hiến chế Phụng vụ viết:

Giáo hội hằng bận tâm lo cho các tín hữu đừng tham dự Thánh Lễ như những khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa, biết tạ ơn Chúa” (PV 47).

Và nữa: “Để tham gia linh động, cần có những lời tung hô của dân chúng, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, thánh ca, và cả những động tác những cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần giữ sự thinh lặng thiêng liêng đúng lúc” (PV 30).

Bởi vì tính cách cao quí của Thánh Lễ là sự trao đổi giữa Chúa Tình yêu và các con cái của Người: “Trong Phụng vụ, Chúa nói với dân Chúa qua Lời Chúa, còn dân Chúa đáp lại Chúa qua tiếng hát lời kinh” (PV 33), nên rất cần sự hiện diện, linh động và cảm mến.

Ngoài lợi ích thiêng liêng cho lòng sùng mộ của  con cái Chúa, Thánh Lễ còn có lợi ích giữa các con cái Chúa với nhau, nhờ Thánh Lễ Chúa nhật, Giáo hội khuyến khích giáo dân “Phải gắng làm phát triển ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ Chúa nhật” (PV 42).

Cách thức tham dự Thánh Lễ

*Tham dự trọn vẹn

Người tín hữu có bổn phận phải tham dự trọn vẹn thánh lễ trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.

Thánh lễ gồm hai phần, phần phụng vụ Lời Chúa và phần phụng vụ Thánh Thể, được liên kết với nhau một cách chặt chẽ đến nỗi chỉ làm thành một hành vi thờ phượng duy nhất (PV 56). Cho nên người tín hữu phải tham dự đầy đủ cả hai phần.

* Hiện diện và có ý thức

Tham dự thánh lễ có nghĩa là phải có mặt tại chỗ và phải có ý thức:

– Các tín hữu phải có mặt với cả thân xác để cử hành thánh lễ trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.

– Các tín hữu phải tham dự thánh lễ với lòng sùng kính với sự chú ý.

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Do chính bản tính, Phụng Vụ đòi hỏi việc tham dự như thế;” (PV 14).

Mọi người Công Giáo phải ý thức về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh lễ. Nếu vắng mặt cho bất cứ phần nào hay toàn phần của Thánh lễ mà không có nguyên nhân thì được xem như đó là sự biểu thị của sự xúc phạm hay xem thường Thánh lễ.

Nghi thức thống hối (Penitential Rite) là phần của Thánh lễ. Nó tiếp theo sau bài ca nhập lễ, liền sau khi Linh mục tiến lên cung thánh và chào hỏi cộng đoàn. Nghi thức thống hối có thể dùng những mẫu khác nhau. Mẫu thông thường là Kinh Cáo Mình hoặc là: ”Lạy Chúa xin thương xót chúng con”; hoặc là: ”Anh chị em hãy nhìn nhận tội lỗi…”. Chúng ta đến  sau những lời nguyện này là đến trễ cho Thánh lễ.

Do đó chúng ta phải cố gắng tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn, hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Nên đến sớm vài phút trước Thánh lễ để được nghe những tin tức của Giáo xứ hay những lời chỉ bảo quan trọng của Hội Thánh. Tham dự Thánh lễ từ đầu chí cuối là tỏ lòng tự trọng của chúng ta đối với Chủ tế nói riêng và cộng đoàn nói chung.

* Chúng ta thử nghĩ xem nếu đánh đổi sự ra về trước 5 hay 10 phút bằng lới chúc lành, chúc bình an của Thiên Chúa, chúng ta chọn diều nào !

*Nếu bạn là giáo viên đang “đứng lớp”. Chưa có tiếng kẻng tan trường, và bạn chưa kết thúc buổi học, thế mà học sinh tự động đứng dậy ra về, bạn nghĩ sao ?

Cảm nghiệm của một người trẻ về Thánh Lễ và Ngày Chúa Nhật

Chúa Nhật, hai từ thật gần gũi đối với người Công Giáo chúng ta, và dường như không ai là không biết thế, nhưng có bao giờ mỗi người chúng ta lại thầm nghĩ xem, hay thoáng qua trong ý nghĩ của chúng ta, Chúa Nhật là gì, hay Chúa Nhật quan trọng thế nào không? Thánh lễ ngày Chúa nhật mang một ý nghĩa gì với người Kitô hữu không?

          Đối với một số người, Chúa Nhật – mà họ gọi là ngày chủ nhật – là ngày để nghĩ ngơi và cũng là ngày vui chơi, thư giãn, sau một tuần làm việc mệt nhọc và đầy căng thẳng, có người thì mong cho đến ngày chủ nhật đễ tụ họp nhau lại trò chuyện vui vẽ.

Còn đối với người Công Giáo chúng ta, Ngày Chúa Nhật là ngày được dành riêng để phụng thờ Chúa, và Thánh Lễ ngày Chúa Nhật là một điều không thể thiếu, nhưng có bao giờ chúng ta tham dự Thánh Lễ ngày Chúa với lòng ước ao được sống và sống thật với Chúa trong Thánh Lễ hay chưa?

 Không biết với các bạn thì thế nào, nhưng Thánh lễ ngày Chúa Nhật đối với tôi, thật sự là một ngày đặc biệt, hạnh phúc và an bình.

Sở dĩ Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật là quan trọng đối với tôi vì nơi tôi đang công tác, cách xa nhà thờ đến hơn 30 cây số. Vì thế, tôi không thể tham dự Thánh Lễ hằng ngày, nhưng chỉ có thể tham dự Thánh Lễ vào ngày thứ 7 và ngày Chúa Nhật, vì hai ngày này, tôi được nghĩ làm việc để về sum họp với gia đình và được tham dự Thánh lễ. Vì lẽ đó, tôi thường mong đến ngày Chúa Nhật, không chỉ để được nghỉ ngơi, mà còn được tham dự vào phần phúc mà Chúa dành tặng cho tôi khi tôi là con của Chúa. Khi tham dự Thánh Lễ, tôi được chung phần vào sự sống đích thực của Đấng là Tình Yêu và ban phát ân sủng của sự sống muôn đời.

Khi tham khảo một số sách như Giáo lý hội Thánh công giáo hay Từ điển công giáo…, chúng ta dễ dàng tìm gặp được ý nghĩa của ngày Chúa Nhật, cũng như việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, nhưng ngoài những ý nghĩa và những tâm tình đó, trong tôi, lại mang một tâm tình khác, một tâm tình cảm tạ mà Ngài đã thương đến tôi tớ đầy tội lỗi, yếu hèn và bất toàn.

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Gio-an 6,51). Thánh Lễ ngày Chúa Nhật mang tôi đến gần hơn với đời sống của Thiên Chúa, làm cho tôi được no thỏa ân sủng. Chính nhờ Máu và Thịt của Đấng đã chết vì tội nhân loại, mà việc Rước Lễ trong khi tham dự Thánh Lễ đối với tôi, là Hồng Phúc và là một tình yêu huyền diệu mà tôi được vinh dự đón nhận từ Đấng Tình Yêu.

Đối với tôi, việc không thể tham dự Thánh Lễ ngày thường, đã là một thiệt thòi, thì giá như vì một lý do nào đó mà tôi không thể tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật thì tôi cho đây không phải là thiệt thòi nữa, mà là một thiệt hại, và là một mất mát, mất mát lớn cho đời sống linh thiêng của tôi, cho phần hồn của tôi, thiệt hại này ngay lúc này đây có thể tôi và bạn không cảm nhận được, nhưng nó sẽ là một sự mất mát lớn khi tôi và bạn đến trước tòa Chúa và nói với Ngài rằng giá như con tham dự Thánh lễ thường xuyên hơn, giá như con tham dự Thánh Lễ với hết tâm tình và hướng lòng con lên với Ngài, giá như con tham dự Thánh Lễ sốt sắng hơn, giá như và giá như…, thì giờ đây con đã không phải đau khổ khi đứng trước Ngài mà không dám ngước mắt ngắm nhìn tôn nhan rạng ngời và vinh quang của Ngài.

Bởi những lẽ đó, tôi luôn phải đặt ra cho mình một nguyên tắc, là phải tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng, và ngày Chúa Nhật phải là ngày dành trọn cho Chúa. Nhờ thế, tôi mới cảm nhận hết được tình yêu mà Ngài ban tặng cho tôi qua việc tham dự Thánh Lễ. và tôi sẽ không phải dùng từ “giá như” khi đến trước tòa Chúa. Còn bạn thì sao?

Ngay lúc này đây, chúng ta cần ý thức hơn về việc tham dự Thánh Lễ, tham dự Tiệc Thánh, để nhận lãnh ơn Ngài ban qua Thánh Lễ một cách trọn vẹn và cùng với Dân Ngài, dâng lên Ngài niềm cảm mến vô biên và chân thành dâng tiến niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, cuộc sống, và cả công việc bạn đang làm nữa, cũng như dâng lên Ngài những thất bại và thành công của bạn để bạn sẽ thật sự cảm nghiệm rằng bạn đang không phải cô đơn, nhưng có Chúa đang hiện diện và cùng đồng hành với bạn ngay trong lúc này và trong suốt cuộc đời bạn.

Lạy Chúa xin cho mỗi người trong chúng con biết quên đi những lo toan, vất vã, gánh nặng của cuộc sống mà dành tặng cho Chúa những buổi tham dự Thánh Lễ thật sốt sắng và đầy tâm tình,  để như vậy, chúng con được Chúa nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng nuôi hồn xác, để Thánh Lễ là nơi mà chúng con múc lấy ân sủng, nơi chúng con khi đã uống, sẽ không hề khát, khi đã ăn, sẽ được no thỏa và sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp. đồng thời, qua việc tham dự Thánh Lễ, chúng con biết rằng mình được sống, đang sống và thật sự sống cho tình yêu,  không chỉ sống cho riêng mình, mà còn biết đem sự sống vĩnh cữu ấy đến với anh chị em con, những người chưa nhận biết Chúa, để họ cũng được sự sống đời đời nuôi dưỡng, và xin cho chúng con cũng ý thức được rằng “Tôi sống, không phải là tôi. nhưng chính Đức Kitô đang sống trong tôi”. Amen.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.