Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 4,12-23) kể lại cho chúng ta những hoạt động đầu tiên của Đức Giêsu ở Galilê.
1. Khởi sự rao giảng (12-17)
“Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphanaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói : Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (12-16).
Hoạt động của ông Gioan vấp phải một sự chống đối rất mạnh mẽ. Người ta nộp ông cho nhà cầm quyền và ông bị tống ngục. Nhưng khi kể về biến cố này, tác giả Mt sử dụng động từ “nộp” ở dạng thụ động (paredothê), ngụ ý rằng sự kiện này là do ý muốn của Thiên Chúa. Như thế là đã chấm dứt tiếng kêu vốn là đỉnh cao và là điểm khép lại của Cựu Ước, và từ đây bắt đầu một tiếng gọi mới, của Đức Giêsu, và là tiếng của chính Thiên Chúa. Tất cả những điều đó đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa.
Đức Giêsu lánh qua miền Galilê và Ngài sẽ khởi đầu sứ vụ tại đây. Về mặt lịch sử, có lẽ lý do là vì ở Galilê, ảnh hưởng của Thượng Hội Đồng Do Thái và của những người Pharisêu không nặng nề như ở Giuđê. Có lẽ tác giả Mt cũng muốn nói như thế khi ông sử dụng động từ anakhôreô (nộp) ở đây với ngụ ý rằng chính thái độ cứng tin của dân cư Giuđê đã khiến cho Đức Giêsu phải ngỏ lời với “vùng đất của dân ngoại”.
Nhưng đồng thời, tác giả Mt. cũng nêu một lý do khác để lý giải sự kiện Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ tại Galilê khi ông trích dẫn lời ngôn sứ Is 8,23a – 9,1. Đức Giêsu khởi đầu sứ mạng của Người tại Galilê theo chương trình của chính Thiên Chúa đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia!
Hơn nữa, Galilê vốn là “đất của dân ngoại”, là xứ sở của dân cư hỗn hợp, tức là biểu tượng của cuộc quy tụ phổ quát. Ở đó, “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. “Bóng tối” là biểu tượng của tình trạng hỗn mang và là hình ảnh của sự chết; “ánh sáng” chính là biểu tượng của sự sống. Trên vùng bóng tối của tử thần sẽ bừng lên một ánh sáng không thể dập tắt, như một tạo thành mới . Đó là cách tác giả Mt giải thích sự hiện diện của Đức Giêsu ở Caphanaum: Ngài là Đấng giải thoát đang chuẩn bị hành động. Tác giả chưa nói rõ đâu là quyền bính sẽ bị Ngài đến hạ gục và giải thoát đoàn dân đang bị áp bức trong đó.
“Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c.17). Lời rao giảng của Đức Giêsu ở đây lặp lại lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả. Ngài khẳng định rằng Nước Trời, tức là chính Thiên Chúa trong tư cách là Chúa Tể và là Vua của dân Người, đã đến gần. Từ đó, Ngài nêu lên một điều kiện phải thực hiện để có thể được vào sống trong Nước Trời: hoán cải cuộc sống.
Tuy nhiên, Đấng đang công bố những điều đó tại Galilê chính là Đấng “quyền thế’, do đó, chính sự hiện diện của Ngài đã là một đảm bảo thực sự cho ơn giải thoát và quyền Chủ Tể của Thiên Chúa được thực hiện. Khác với ông Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu không cần phải gắn lời công bố của Ngài với một phép rửa bằng nước, cũng chẳng gắn với bất cứ nghi thức nào.
2. Kêu gọi các môn đệ đầu tiên (18-22)
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Đó là hai cặp anh em: Anrê – Phêrô và Giacôbê – Gioan. Việc kêu gọi hai cặp môn đệ đầu tiên này sẽ là kiểu mẫu của mọi lời kêu gọi trong Mt.
“Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá” (c.18). Trước hết, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê (c.18), tức là ở vùng biển hồ giáp ranh giới với các dân ngoại. Chi tiết này rất có ý nghĩa: những kẻ được gọi đi lưới người sẽ không giới hạn nhiệm vụ của mình trongthế giới Do Thái mà thôi. Chi tiết thứ hai cũng khá thú vị: Đức Giêsu gặp hai anh em. Có vẻ tác giả Mt cố ý nhấn mạnh đến tương quan anh em trong trình thuật này để ám chỉ Ed 47,13-14, trong đó, đất hứa mới sẽ được phân chia cho các chi tộc anh em theo nguyên tắc “mỗi người giống như anh em mình”, tức là nguyên tắc bình đẳng. Cách diễn tả trong Ed 47,14 rất gần với cách diễn tả được Mt sử dụng. Như thế, sự nhấn mạnh trên mối dây liên hệ anh em cho thấy đất hứa mới, tức là Nước Trời mà Đức Giêsu vừa công bố ở câu 17, sẽ là sản nghiệp chung của tất cả những ai đi theo Ngài, không có ai được ưu tiên hơn ai.
“Ngài bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (c.19). Lời kêu gọi của Đức Giêsu “Các anh hãy theo tôi” dành cho hai anh em Anrê – Phêrô gợi cho chúng ta nhớ đến lời ngôn sứ Êlisa trong 2V6,19. Như thế, Đức Giêsu có ý tự giới thiệu mình là ngôn sứ và lời kêu gọi của Người cũng là lời hứa thông truyền cho các môn đệ của Người thần khí ngôn sứ. Lời tuyên bố “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ám chỉ Ed 47,10, và như thế, ngầm bảo đảm cho sự thành công mỹ mãn của sứ mạng ngôn sứ mà Ngài trao phó cho các ông.
“Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c.20). Lần đầu tiên trong Mt xuất hiện động từ “đi theo”, khi được dùng trong quy chiếu về các môn đệ thì có nghĩa chỉ về một cuộc dấn thân tin tưởng và gắn bó thiết thân với chính bản vị Đức Giêsu và cộng tác mạnh mẽ trong sứ mạng của Ngài. Điều thú vị là đối với các môn đệ được kêu gọi này, Đức Giêsu không hề mời gọi họ sám hối và hoán cải như Ngài đã rao giảng trên kia (c.17). Sự dấn thân gắn bó với con người và chương trình của Đức Giêsu mà họ vừa quyết định thực hiện thì vượt xa hơn đòi hỏi thay đổi đời sống. Tư cách đồ đệ đòi hỏi họ phải cắt đứt triệt để với cuộc sống của họ trước kia, tức là đòi hỏi một sự thay đổi triệt để, ngõ hầu hoàn toàn hiến mình cho sự thiện hảo đích thực của con người.
“Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (cc.21-22). Biến cố Đức Giêsu kêu gọi cặp anh em thứ hai, tức là hai người con trai ông Dêbêđê, cũng tương tự như biến cố xảy đến với hai anh em Anrê và Phêrô. Tuy nhiên, vẫn có những sự khác biệt rất có ý nghĩa. Hai anh em này không chỉ được mô tả trong tương quan anh em giữa họ với nhau, mà còn trong sự hiện diện của người cha của họ. Người cha, trong Tin Mừng, là đại diện cho thẩm quyền lưu chuyển truyền thống của cha ông. Chính đức Giêsu không có người cha nhân loại, và như thế, Ngài không bị ràng buộc và không bị điều kiện hóa bởi một truyền thống, nhưng các môn đệ của Ngài phải bỏ người cha của mình lại trên thuyền, tức là phải cắt đứt với tình trạng bị điều kiện hóa bởi các mối tương quan thuần túy nhân loại và phàm trần. Trong tương lai, giống như chính Đức Giêsu, họ sẽ không nhận ai dưới đất là cha nữa, ngoài Cha trên trời.
3. Tóm tắt các hoạt động của Đức Giêsu (c.23)
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng một câu tóm tắt việc Đức Giêsu thi hành sứ mạng của Ngài tại Galilê: “Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (c.23).
Hoạt động của Đức Giêsu được trình bày dưới ba khía cạnh: “giảng dạy trong các hội đường” tức là trình bày trong các hội đường sứ điệp Nước Thiên Chúa dựa trên Kinh Thánh; “rao giảng Tin Mừng Nước Trời” tức là rao giảng bên ngoài phạm vi hội đường và công bố rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần và mời gọi người ta hoàn cải đời sống như ở c.17; “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” tức là làm cho ơn giải thoát của Thiên Chúa nên hiện thực trong dân.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
(1). Việc ông Gioan Tẩy Giả bị nộp và việc Đức Giêsu phải lánh quan miền Galilê rồi khởi sự rao giảng ở đó, xét theo một khía cạnh, là những kết quả của các hoàn cảnh và các biến chuyển trong lịch sử. Nhưng xét theo một khía cạnh khác, đó lại là những sự kiện nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Cũng tương tự như thế, những hoàn cảnh và biến chuyển trong cuộc sống có thể mang trong nó lời mời gọi và chương trình của Thiên Chúa dành cho Hội Thánh, cho gia đình và cho từng người chúng ta. Chúng ta được mời gọi nhận ra chương trình của Thiên Chúa dành cho mình và cộng đoàn mình ngang qua những dấu chỉ của thời đại.
(2). “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Thiên Chúa đến với chúng ta từng lúc, và Người luôn sẵn sàng thi thố trên chúng ta vương quyền thánh thiện và lân mẫn của Người. Tất cả hạnh phúc thật sự của chúng ta là được sống dưới quyền Chúa Tể đó của chính Thiên Chúa. Nhưng có một điều kiện không thể miễn trừ: quay về với Thiên Chúa, tức là hoán cải. Đó là việc chúng ta được kêu gọi thực hiện mỗi ngày, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách cộng đoàn.
(3). Chúng ta được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ Ngài. Lời kêu gọi này đòi hỏi chúng ta phải dứt mình ra khỏi hoàn cảnh và cuộc sống trước đây và dấn thân lên đường gắn bó với Ngài và sứ mạng của Ngài. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, kèm theo lời kêu gọi đó còn là một đòi hỏi phải bỏ lại phía sau cả những truyền thống tốt đẹp của loài người, phải dấn thân một cách thong dong theo những tiêu chuẩn và giá trị mới, đôi khi xa lạ với truyền thống của cha ông.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT