Muốn Và Có Thể
Lời Chúa: (Mc 1, 40-45)
Một hôm, có người bị phong hủi đến gặp Ðức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Suy Niệm
Mẹ Têrêxa lập quỹ giúp người phong ở Calcutta. Những thùng quyên tiền của Mẹ mang dòng chữ: “Hãy chạm đến một người phong bằng lòng trắc ẩn của bạn”.
Chạm đến người phong là điều xưa nay ai cũng sợ. Theo luật Cựu Ước, người phong phải mặc rách, xõa tóc, che râu. Ði đâu người ấy cũng phải la to: “Ô uế ! ô uế !” (Lv 13,45-46).
Bị cách ly với mọi người, bị coi như mắc trọng tội, đau đớn cả xác lẫn hồn, người phong sống mà như chết.
Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay khá đặc biệt. Anh tự ý đến gặp Ðức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài. Lời van xin của anh thật là một lời xin mẫu mực.
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Nếu Ngài muốn: anh mời gọi lòng thương xót của Ngài.
Anh để cho Ngài tự do chữa hay không tùy ý.
Dù rất muốn khỏi bệnh, nhưng anh lại phó thác số phận mình cho ý Ngài muốn.
Ngài có thể: anh tin tưởng vào quyền năng của Ngài.
Anh không nói như người cha của đứa con bị động kinh: “Nếu Thầy có thể làm được gì…” (Mc 9,22). Ðối với anh, chắc chắn Ngài có thể chữa anh lành bệnh.
Chỉ cần Ngài muốn là đủ rồi.
Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh đã đụng rất mạnh đến chỗ sâu nhất trong lòng Ðức Giêsu. Không cưỡng lại được sự tin cậy đó, Ngài nói: “Tôi muốn.”
Phép lạ phát sinh từ lòng tin của người phong và từ ý muốn đầy quyền năng của Ðức Giêsu. Nhưng Ngài không chỉ muốn, mà còn đụng vào anh. Ngài không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế. Bàn tay Ngài đụng vào da thịt anh với các vết thương. Ngài không bị ô uế, nhưng Ngài làm cho anh hết ô uế.
Chính lòng thương đã khiến Ngài mạnh dạn đụng vào anh, như chính anh đã mạnh dạn đến với Ngài bằng lòng tin.
Ðức Giêsu vừa tự do với Lề Luật, vừa lệ thuộc Lề Luật. Ngài bảo anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ.
Chúng ta cần nếm niềm vui của người phong được lành. Anh hạnh phúc vì được sạch, được làm người bình thường, được chung sống với cộng đoàn, được hiệp thông với Thiên Chúa. Anh lấy lại phẩm giá, ra khỏi những mặc cảm. Niềm vui quá lớn khiến anh đi loan báo khắp nơi.
Người phong sau khi được khỏi đã có thể vào thành. Còn Ðức Giêsu lại phải ở ngoài thành, nơi hoang vắng.
Từ khi ông Hansen tìm ra vi trùng bệnh phong năm 1871, người phong đã có được niềm hy vọng chữa lành. Họ không còn bị trục xuất ra đảo xa hay bị bách hại. Nhưng để cho họ được sống như mọi người vẫn là điều khó.
Cũng có những người bị ta xa tránh như người phong: những cô gái lỡ lầm, những người mắc bệnh sida hay nghiện ngập, những người có tiền án hay thuộc giai cấp cùng đinh…
Hãy đến gần họ và để họ đến gần mình, vì nói cho cùng, ít nhiều chúng ta đều là người phong.
Gợi Ý Chia Sẻ
Khi cầu nguyện để xin ơn, thường chúng ta ít để cho Chúa được tự do. Chúng ta như muốn bắt Chúa phải làm theo ý mình. Lời cầu xin của người phong có nhắc nhở bạn điều gì đó không?
Cha Ðamiêng, Ðức Cha Cassaigne đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Bạn có lần nào đụng chạm hay tiếp xúc với một người bị bỏ rơi, bị coi là ô uế không ? Bạn có phải trả giá về hành động này không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày đón nhận những người khác là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con có những ngày mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con trong những ngày khó khăn đó, xin hãy nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên Lời Chúa nói: “Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta.”
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.