ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG
[audio:http://linhthao.bplaced.net/wp-content/uploads/2012/11/DucTinHanhDong.mp3|autostart=yes]
Đức Tin sống động
Tin, không phải là những suy tư, cũng không phải là chấp nhận ý tưởng về Thiên Chúa hay chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đa số trong chúng ta mới chỉ tin có Thiên Chúa và nhìn nhận Ngài, “hiểu biết” về Ngài cách thô sơ.
Và Ngài cũng chỉ được xếp vào trong một góc cạnh nào đó trong cuộc đời, thí dụ như khi gặp đau khổ lúc đó mới nhớ đến để than van ca cẩm…Thiên Chúa được ví như cái tủ thuốc, khi bị hắt hơi sổ mũi, nhớ đến tủ thuốc, mở ra, làm một viên là xong ngay và quên ngay. Từ đó trong các tâm tình chia sẻ… hầu hết chúng ta nói về luân lý tức là chịu khó ăn ngay ở lành, tốt thì lãnh phước và xấu là mắc họa, hoặc chúng ta phải… thế này, phải… thế kia một thứ lấy sức gồng mình lên mà sống mà bắt chước gương lành của Chúa hay các thánh. Những câu chuyện, tích tóp dặm thêm vào bài giảng hay bài chia sẻ cũng chỉ là nhấn mạnh về một đức tính tốt nào đó để khuyên bảo người ta cố gắng noi theo bắt chước nhân vật nổi cộm trong câu chuyện. Hầu như cũng chỉ làm cho thỏa mãn tính tò mò, lòng hiếu kỳ mà không thay đổi được gì trong cuộc sống. Có gồng mình bắt chước đức tính này thì lại lòi cái xấu kia. Nhưng nếu tin là “thấy”, là sống tương quan thận mật, là gặp gỡ một Thiên Chúa hết sức sống động trong cuộc sống đời thường hàng ngày ; nhận ra sự Hiện Diện trong các biến cố ; Ngài vẫn đang dẫn dắt trong đường đi nước bước đời mình, một tình yêu hạnh phúc làm thay đổi tất cả… thì đó mới là đức tin sống động, đó mới là tin vào Thiên Chúa khác xa với tin có Thiên Chúa.
* Đức tin sống động mới đứng vững trong mọi khó khăn đau thương sóng gió cuộc đời. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách,, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).
Đọc những lời lẽ của thánh Phaolô với người đã sống đức tin thì chẳng còn gì để bàn để nói thêm nữa, đúng không ? Chúng ta nghe cho biết ông Gióp bực mình và càm ràm vì ông bị “tai ương trời giáng” : “Bấy giờ, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói : Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo “Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi !” Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ ?” (G 3,1.11).
Chúng ta lại nghe các môn đệ nổi sùng, bực mình muốn trả thù vì “vào làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người… : “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?” (Lc 9,52-54). Còn Đức Giêsu, trong TIN YÊU thì “Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,51) không tháo lui, không than thân trách phận, không chửi bới không trả thù những người hành hạ mình… âm thầm lặng lẽ đón nhận mọi đau khổ và cái chết nhục nhã.
Có những người nói là họ mất đức tin nhưng nếu là đức tin sống động thì làm sao mà mất được. Có mất là vì lối sống đạo chỉ là một tập quán thói quen máy móc, một tập tục của gia đình cha truyền con nối ; hoặc chỉ là một thứ tính toán có lợi cho cá nhân mình như để lấy vợ chẳng hạn ; hoặc là được hướng dẫn về tôn giáo quá là non nớt… như thế thì đã có đức tin đâu mà mất.
* Đức tin sống động mới sinh ra hoa trái tốt tươi. “Còn hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.
Đức tin khác xa với các đức tính tự nhiên như người có tính điềm tĩnh, thơ ngây (thơ thẩn và cứ ngây người ra), ít nóng giận cáu tiết, nghị lực chịu đựng, chững chạc lầm lì, tếu táo vui cười… Xem ra nhiều người (ngay cả đời tu) chỉ cần có một tính khí tốt lành như thế là đủ nhưng với chúng ta, những đức tính đó dù rất quý giá nhưng nó chẳng liên quan gì đến cầu nguyện, đức tin, biến đổi, hoán cải… để rồi hoan lạc trong Thánh Thần. Vậy nếu chúng ta có đức tin sống động thì chúng ta sẽ không bị lẫn lộn giữa người cảm nghiệm hay chỉ là tính khí tốt.
“Mừng vui lên… Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Đức tin sống động vì cảm nhận có Thiên Chúa ở cùng và khi có Chúa ở cùng thì có niềm vui hạnh phúc tuyệt vời.
Người ta cứ nghĩ rằng hai tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria như một sự chấp nhận, đành vậy bởi vì trái ngược với ý muốn niềm vui riêng tư của mình nên khi người ta nói hai tiếng “xin vâng” như một thứ anh hùng, nhưng có mấy ai biết được hai tiếng xin vâng đó vì nhận ra có niềm vui lớn hơn niềm vui của riêng mình “Phúc thay người mẹ đã cưu mang… Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc11,28) ;
Mẹ cảm nhận được hạnh phúc ở nơi Chúa nên Mẹ mau mắn xin vâng. “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45)
“Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,8).
* Đức tin sống động xóa đi khoảng cách, vách ngăn, biên giới, trở nên tình bằng hữu và không có tính chiếm đoạt.
“Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô… Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-29).
Đức tin sống động thì không mặc cảm vì ơn gọi của mình cù lần, quê mùa ; không ghen tị vì ơn gọi kia ngon hơn, oai hơn mình ; không vênh váo vì ơn gọi của mình xịn hơn họ… Nhưng có niềm vui vì hòa đồng, gặp gỡ chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, cùng giúp nhau đi vào chiều sâu bên trong chứ không dừng lại ở dáng vẻ phô trương bên ngoài. Tình yêu mang tính chất của tình bằng hữu mời gọi chúng ta quan tâm đến người khác, mà không tìm cách chiếm đoạt họ. Không để họ bận tâm đến mình, không để họ lệ thuộc vào mình, họ không lo chiều đãi thỏa mãn riêng tư cho mình… Chúng ta cảm thấy hạnh phúc nơi họ mà không tìm quyền chiếm hữu.
William Blake đã đặt vấn đề : “Tình yêu mà lại muốn nuốt chửng người khác như miếng bọt biển thấm nước thì có thể gọi là tình yêu được không ?”. Tình yêu trong Thiên Chúa Ba Ngôi là một tình yêu tuyệt đối quảng đại và không có tính cách chiếm hữu. Qua tình yêu đó, Chúa Cha trao cho Chúa Con tất cả những gì Người là, cả thần tính nữa ; không phải là một tình cảm hoặc cảm xúc, nhưng là tình yêu làm cho Chúa Con hiện hữu. Bất kỳ tình yêu nào của con người, đều tìm cách sống và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu ấy, chia sẻ sự quảng đại không nhắm chiếm giữ ấy.
Tình yêu là để cho họ sống, họ độc lập, tự do, hạnh phúc, vui tươi… như thế mới là tình yêu nhưng không, yêu như Chúa yêu.
* Kết : Lời Chúa nói cho chúng ta rằng chúng ta được cứu độ nhờ đức tin, chữa lành nhờ đức tin, được nên công chính nhờ đức tin, bảo toàn và che chở nhờ đức tin. Chúng ta tiến bước nhờ đức tin, sống nhờ đức tin, thừa hưởng lời hứa của Chúa nhờ đức tin. Chúng ta được “giầu sang” phong phú nhờ đức tin, cầunguyện trong lòng tin, thắng thế gian nhờ đức tin và ca tụng Chúa trong đức tin.
Sống cầu nguyện sẽ dẫn đưa con người đến một đức tin sống động mà ơn gọi của chúng ta là cầu nguyện. Vậy thì…..
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.