Người đời thường ví von :
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Biết ơn là một chuyện xem ra rất bình thường nhưng cũng là một bổn phận mà ít người làm trọn. Ngạn ngữ Pháp có câu : “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”, vì con tim cảm nghiệm được điều tốt người khác làm cho mình, nên người biết ơn phải là người đạo đức, có văn hóa, có giáo dục.
CHÚNG TA NHỮNG NGƯỜI CHỊU ƠN
Mỗi tu sĩ mang hình ảnh người môn đệ Chúa Kitô trong mình, người môn đệ ra đi không bao bị, không gậy; ra đi trong sự tín thác và nhiệt huyết (Lc 10,1-9). Ra đi như thế chắc chắn người môn đệ rất cần và khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ của tha nhân. Khi mỏi mệt – yếu sức, khi chồn chân – nản chí những khích lệ của anh em làm cho họ đủ sức đứng vững. Khi khát khô cổ họng, một chén nước là ân phúc tuyệt vời..v.v. Sự ra đi nào cũng có lúc cần dừng chân. Các môn đệ cũng thế, chúng ta cũng vậy. Đi muôn nơi thì chốn dừng chân là mọi nẻo. Nhưng, ai trong chúng ta lại không hoài mong về quê nhà, “nơi chôn nhau cắt rốn”, nơi mà ai cũng từng một lần nghe tiếng à ơi :
“Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học, con về rợt bóng vàng bay
Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ, êm đềm khua nước ven sông …”
Có lẽ bất cứ ai cũng cảm nhận sự dịu ngọt ân cần của công cha nghĩa mẹ.
“Ơn cha lành sâu hơn non tháiNghĩa mẹ hiền ví tựa biển khơi ”
Ơn cha nghĩa mẹ làm ta thổ thức mỗi khi gió thu về, vì:
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh trày thức đủ vừa năm”
Hơn thế nữa:
“Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi
Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”
Ngoài tình cha nghĩa mẹ, ta cũng thường đón nhận những tình cảm nồng nàn của những người anh em, bạn hữu và vì thế
“Ai về đợi với em cùng
Thân em nay bắc mai đông một mình
Chi bằng ruộng tốt rừng xanh
Vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà!”
Có lẽ không nói ra những dù chúng ta có đi tới phương trời góc biển nào thì người mẹ quê hương vẫn luôn đồng hành dõi theo bằng những lời kinh nguyện sớm chiều của những người thân thương. Đó là những ân tình, là hồng phúc của đất mẹ gửi trao cho chúng ta. Chúng ta còn lãnh nhận biết bao những quà tặng của cuộc đời qua những con người dù chỉ một lần chúng ta gặp gỡ. Từ khi sinh ra cho tới ngày lớn khôn và có lẽ cho mãi tới lúc nhắm mắt xuôi tay chúng ta mãi là những người chịu ơn.
CHÚNG TA THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN
Chúng ta mãi là những người chịu ơn. Đối với người chịu ơn thì phải tỏ lòng biết ơn đối với người làm ơn. Trên bình diện con người thì biết ơn rất ư là chuyện bình thường. Khi chịu ơn ai thì tỏ lòng biết ơn qua một hình thức nào đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Tâm tình biết ơn thường được gói ghém trong hai tiếng “Cám ơn”. Có muôn vàn cách để cám ơn. Có rất nhiều chuyện mà người ta không thể cám ơn bằng tiền bạc được, người ta có thể cám ơn bằng nụ cười, một thoáng quan tâm, một tiếng cám ơn. Có lẽ không gì tử tế bằng khi hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả chân thành và trân trọng”. Vì
Công ai một chút chớ quên,Phiền ai một chút để bên cạnh lòng.
Nhưng ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn người nhà, người thân yêu nhất. Thật đáng trách nếu ta quên cám ơn và nhất là quên cả ơn nghĩa sinh thành
“Trách ai đặng cá quên nơm
Đặng chim bẻ ná quên ơn sinh thành”
Ước chi lời “cám ơn” không chỉ bằng môi miệng mà bằng cả đời sống:
“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh”
Hay “Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”
Đó cũng là sống hiếu đạo làm con
“Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”
Ngoài Cha mẹ, anh em, bạn hữu ta cũng cần có một thái độ biết ơn Thiên Chúa là một thái độ căn bản của các tạo vật và chỉ con người mới ý thức và nói lên được hai tiếng cám ơn. Trong Cựu ước, dân Israel đã dâng các lễ vật đầu mùa để cám ơn Thiên Chúa (Đnl 26, 1-10). Trong Tân ước, một hành động cảm ơn trọn vẹn và xứng đáng nhất là phép Thánh Thể thường được gọi là Lễ Tạ Ơn. Đối với Thiên Chúa, lời cảm tạ của chúng ta không cần thiết vì nó chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng nó lại cần thiết cho chúng ta vì đem lại lợi ích cho chúng ta. Trong Thánh lễ, ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa bằng lời tạ ơn và tâm tình biết ơn. Bằng một biểu hiệu tạ ơn và biết ơn, ta dâng lên Thiên Chúa bánh rượu là do kết quả của sức lao công hằng ngày, được trở thành Mình và Máu thánh Chúa do lời truyền phép của Linh mục tế lễ. Do đó lễ vật tạ ơn của ta được hiệp nhất với Mình Máu Thánh Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội, ca tụng và cảm tạ.
Tất cả những gì hiện hữu, vũ trụ và con người đến từ Thiên Chúa. Vì đến từ Chúa, nên những liên hệ giữa vũ trụ và con người, giữa con người với nhau là một hoà điệu Thiên Chúa xếp đặt để con người tham gia vào chương trình lãnh ơn sủng của Ngài mà trao tặng nhau. Chúng ta tất cả là những người chịu ơn nhau, chịu ơn đời, và chịu ơn Chúa. Vì mọi sự ta nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn của ta đối với tha nhân cũng phải là biết ơn Chúa. Vì tha nhân đã xử dụng dự tự do của mình để trao tặng ta, cho nên lòng biết ơn của ta đối với Chúa cũng phải là biết ơn tha nhân.
Biết ơn là điều quan trọng, nó phải là lối sống của Kitô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng. Xã hội là gia đình Thiên Chúa, sự biết ơn tha nhân có căn bản bắt nguồn từ biết ơn Thiên Chúa, nên biết ơn nhau cũng có giá trị trong ý nghĩa đường về cứu độ.
Xuân Hy Vọng
[audio:http://linhthao.bplaced.net/wp-content/uploads/2012/11/CongOnChaMe.mp3|autostart=yes]