Một trái tim lớn mở ra cho Thiên Chúa

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

(bản dịch Việt ngữ chính thức của Dòng Tên VN)
Dịch theo bản tiếng Ý của bán nguyệt san La Civiltà Cattolica 19/9/2013

Hôm đó là thứ hai 19 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cho tôi hẹn gặp tại nhà Thánh Matta lúc 10 giờ sáng. Tôi thừa tự được của cha tôi cái nhu cầu là bao giờ cũng đến sớm. Những người tiếp đón tôi cho tôi vào ngồi trong một phòng đợi nhỏ. Đợi không lâu. Mấy phút sau tôi đã được đưa vào thang máy. Trong hai phút tôi đã có thời giờ để nhớ lại khi một số các giám đốc tạp chí của Dòng Tên họp ở Li-xa-bon, đã nảy ra một đề nghị cùng nhau phát hành một bài phỏng vấn Đức Thánh Cha (ĐTC). Tôi đã thảo luận với các giám đốc khác, đề ra một số câu hỏi diễn tả được những điều mọi người cùng quan tâm. Tôi bước ra khỏi thang máy thì thấy ĐTC đã đứng sẵn ngoài cửa chờ tôi. Thế là tôi đã có được cái ấn tượng thích thú là không phải chờ chực ngài.

Tôi bước vào trong phòng và ĐTC cho tôi ngồi cái ghế bành, còn Ngài ngồi trên một cái ghế cao hơn và cứng hơn vì Ngài có vấn đề cột sống. Khung cảnh đơn sơ và có phần khắc khổ. Nơi đặt bàn giấy và làm việc của ngài khá nhỏ. Tôi bị ấn tượng không chỉ vì nét đơn giản của bàn ghế mà còn vì những vật dụng khác trong phòng. Có ít cuốn sách, mấy tấm bản đồ và một vài thứ khác, như ảnh của Thánh Phanxicô, tượng Đức Mẹ Lu-han, Bổn Mạng của Argentina, tượng chịu nạn và tượng thánh Giuse đang ngủ, rất giống với tượng tôi đã thấy trong phòng Ngài khi làm Viện Trưởng và làm Giám Tỉnh, ở Học Viện Thánh Micae. Nền linh đạo của Jorge Mario Bergoglio không được kết dệt bởi “các năng lượng hài hòa”, như ngài thường nói, nhưng nhờ vào các khuôn mặt con người: Đức Ki-tô, Thánh Phanxicô, Thánh Giuse và Mẹ Maria. ĐTC đón tôi bằng một nụ cười mà tới nay đã nhiều lần chuyền đi khắp thế giới và mở rộng lòng người. Chúng tôi bắt đầu nói về nhiều chuyện, nhưng nhất là về chuyến tông du tới Brazil. Tôi hỏi Ngài đã kịp nghỉ ngơi chưa. Ngài trả lời có, và Ngài khỏe mạnh, nhưng nhất là Ngài xem ngày Giới Trẻ Thế Giới là một “huyền nhiệm”. Đức Thánh Cha nói rằng, ngài chưa bao giờ quen nói với nhiều người như vậy. Ngài nói: “Tôi có thể nhìn vào mỗi người, từng người một, để tiếp xúc một cách cá vị với từng con người đang hiện diện trước tôi. Tôi không quen với đám đông.” Tôi thưa với Ngài là đúng thế, người ta thấy được điều đó và điều đó đánh động nhiều người. Lại có các máy thu hình truyền hình ảnh đi và mọi người thấy được, song như thế Ngài có thể thấy mình tự do để ở lại trong cách tiếp xúc trực tiếp, ít là bằng con mắt, với ai đang ở trước mặt Ngài. Tôi thấy hài lòng về điều này, nghĩa là có thể giữ nguyên tính cách của Ngài, không phải thay đổi cung cách quen thuộc của Ngài khi thông đạt với người khác, ngay cả khi đứng trước hàng triệu người như đã xảy ra tại bãi biển Copacabana.

Trước khi tôi bấm máy ghi âm, chúng tôi còn nói về mấy chuyện khác. Bình luận về một cuốn sách do tôi xuất bản, Ngài nói với tôi rằng hai nhà tư tưởng Pháp hiện đại Ngài ưa thích hơn cả là Henri de Lubac và Michel de Certeau. Tôi cũng nói với Ngài vài chuyện có tính cá nhân hơn. Ngài cũng nói với tôi về bản thân và nhất là về việc Ngài được bầu làm giáo hoàng. Khi ngài bắt đầu nhận ra rằng ngài có nguy cơ được bầu làm Giáo hoàng, thì vào bữa ăn trưa thứ tư, ngày 13 tháng 3, ngài cảm thấy ập xuống trên mình một sự bình an sâu xa không thể giải thích được và sự an ủi nội tâm, đồng thời với một bóng đêm dày đặc, một sự tối tăm bao trùm mọi thứ khác. Các cảm xúc này theo ngài mãi cho đến khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào buổi chiều hôm đó. Thực ra tôi đã có thể tiếp tục nói chuyện thân mật như thế lâu hơn nữa, nhưng tôi cầm những tờ giấy ghi một số câu hỏi tôi đã ghi sẵn và bấm máy ghi âm. Trước hết tôi cám ơn ĐTC nhân danh tất cả các giám đốc của các tạp chí Dòng Tên sẽ đăng tải cuộc phỏng vấn này.

Không lâu trước, trước khi tiếp kiến các Giêsu hữu của tạp chí La Civiltà Cattolica ngày 14 tháng 6 vừa qua, ĐTC đã nói với tôi về khó khăn lớn của ngài khi trả lời phỏng vấn. Ngài nói rằng ngài thích suy nghĩ hơn là đưa ra các câu trả lời tại chỗ khi được phỏng vấn. Ngài cảm thấy rằng câu trả lời đúng lại tới sau khi đã đưa ra câu trả lời trước. Quả vậy, trong cuộc phỏng vấn này, nhiều lần Đức Thánh Cha cũng cảm thấy tự do để tạm ngưng điều ngài đang nói trả lời một câu hỏi để thêm một điều gì đó vào câu trả lời cho câu hỏi trước đó. Thực ra, nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô cứ như gặp một dòng tuôn của núi lửa với những ý tưởng đan kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, việc ghi chép lời của ngài đôi khi khiến tôi cảm giác khó chịu vì cứ như phải cắt đứt một cuộc đối thoại vừa nảy sinh. Rõ ràng là Đức Thánh Cha Phanxicô quen nói chuyện hơn là giảng bài.

Jorge Mario Bergoglio là ai?

Tôi cầm những câu hỏi dọn sẵn, nhưng tôi quyết định không theo khung vạch sẵn, tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi nóng bỏng: “Jorge Mario Bergoglio là ai?” Ngài thinh lặng nhìn thẳng vào tôi. Tôi hỏi ngài liệu tôi có được phép hỏi ngài câu hỏi này hay không, ngài gật đầu và đáp lại: “Tôi không biết mô tả thế nào là phù hợp nhất… Tôi là một tội nhân. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Đây không phải là một lối nói hoa mĩ hay văn chương. Tôi là một tội nhân.”

Đức Thánh Cha tiếp tục suy nghĩ, đăm chiêu, như thể ngài không chờ đợi câu hỏi này, như thể ngài bị bó buộc phải suy nghĩ xa hơn. “Vâng, có lẽ tôi có thể nói thế này, tôi khá lanh lợi, tôi biết thích ứng với hoàn cảnh, nhưng quả thật tôi cũng hơi ngây ngô. Đúng, nhưng tổng hợp tốt nhất, điều xuất phát từ bên trong hơn cả, và điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: “Tôi là một tội nhân được Chúa nhìn đến.” Và ngài lặp lại: “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn cảm thấy khẩu hiệu, Miserando atque Eligendo (Thương xót và tuyển chọn), rất đúng với tôi.”

Khẩu hiệu này lấy từ các bài giảng của Thánh Bê-đa đáng kính, khi chú giải về trình thuật Tin Mừng Chúa kêu gọi Mathêu người đã viết: “Đức Giê-su thấy một người thu thuế, Ngài nhìn ông với tâm tình yêu mến và chọn ông, Ngài nói với ông: “Hãy theo tôi”. Đức Thánh Cha thêm: Tôi nghĩ danh động từ La-tinh miserando không thể chuyển dịch sang tiếng Ý cũng như tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch từ này bằng một danh động từ khác vốn không có trong văn phạm: misericordiando.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục dòng suy tư và nói với tôi bằng cách chuyển qua một chủ đề khác mà ngay lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa: “Tôi không biết rõ về Roma. Tôi chỉ biết một vài điều, đó là Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả; nơi tôi thường lui tới”. Tôi cười và thưa: “Thưa ĐTC, điều đó chúng con hiểu rõ hết rồi!” ĐTC tiếp: “Tôi biết nhà thờ Đức Bà Cả, Nhà thờ Thánh Phê-rô… nhưng khi phải đến Roma, bao giờ tôi cũng ở đường Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng nhà thờ thánh Lu-y của Pháp, và tôi đến đó để chiêm ngắm bức họa ‘Chúa gọi thánh Mathêu’ của Caravaggio”. Tôi bắt đầu ngộ ra ĐTC muốn nói gì.

“Ngón tay của Đức Giê-su chỉ về phía Mathêu… như thế. Tôi như thế đó. Tôi cảm thấy mình như thế đó, giống thánh Matthêu.” Ở đây, Đức Thánh Cha tỏ ra quả quyết, như thể cuối cùng ngài đã bắt được hình ảnh của chính mình mà ngài đang tìm kiếm: “Chính cử chỉ của Thánh Mathêu đánh động tôi: Ngài giữ chặt túi tiền như thể muốn nói: “Không, không phải con! Tiền này mới là của con”. “Đấy, tôi đấy: một tội nhân được Chúa đưa mắt nhìn.” Và đây chính là điều mà tôi nói khi được hỏi tôi có chấp nhận việc tôi được bầu làm giáo hoàng hay không.” Rồi Đức Thánh Cha thì thầm bằng tiếng Latinh: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối.”

Tại sao Ngài đã trở thành một Giê-su hữu?

Đức Thánh Cha tiếp kiến cha Bề trên Cả Dòng Tên

Tôi hiểu rằng đối với ĐTC Phanxicô, công thức nhận kết quả bầu chọn này cũng là thẻ căn cước rồi. Không cần thêm gì nữa. Tôi tiếp tục với câu hỏi mà tôi đã chọn làm câu thứ nhất: “Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài chọn gia nhập Dòng Tên? Điều gì của Dòng Tên đã đánh động Ngài?”

“Tôi muốn một điều gì đó hơn nữa, nhưng tôi không biết đó là điều gì. Tôi đã gia nhập chủng viện giáo phận. Tôi thích các tu sĩ Dòng Đa Minh và tôi có những người bạn thuộc Dòng này. Nhưng rồi tôi đã chọn Dòng Tên, một dòng tu mà tôi biết rõ, vì chủng viện này được giao phó cho các Giê-su hữu. Cụ thể, có ba điều đánh động tôi nơi Dòng Tên: tinh thần truyền giáo, cộng đoàn và tính kỷ luật. Điều này cũng lạ, vì tôi là một người vô kỷ luật bẩm sinh, bẩm sinh, bẩm sinh. Nhưng kỷ luật của họ, cái cách họ sắp xếp thời giờ, đã đánh động tôi rất nhiều.”

“Và một điều khác thực sự nền tảng đối với tôi: cộng đoàn. Tôi luôn tìm kiếm một cộng đoàn. Tôi không thấy mình là một linh mục có thể sống một mình: tôi cần một cộng đoàn. Và điều này hiểu được qua việc tôi đang ở tại đây, tại nhà Thánh Matta. Trong thời gian mật viện, các phòng được chỉ định bằng cách rút thăm, tôi đã ở tại phòng 2007. Phòng chúng ta đang ngồi đây vốn là một phòng khách. Tôi chọn sống ở đây, ở phòng 201, bởi vì khi tôi nhận quyền sở hữu phòng của giáo hoàng, trong lòng tôi vang lên rất rõ tiếng “không”. Phòng giáo hoàng nằm trong Tông Điện, không sang trọng gì. Nó khá cũ, tuy rộng và được trang trí đẹp, nhưng không sang trọng. Nhưng xét cho cùng, nó giống như chiếc phễu lộn ngược. Nó lớn và có nhiều không gian, nhưng lối vào lại rất hẹp. Người ta có vào cũng chỉ như nhỏ giọt, và tôi, tôi không thể sống thiếu người khác. Tôi cần sống cuộc sống của mình cùng với những người khác.”

Một Giê-su hữu trở thành một Giám mục Giáo Phận Roma điều đó có nghĩa gì?


Tôi muốn tiếp tục theo hướng này, và tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi khởi đi từ sự kiện ngài là Giê-su hữu đầu tiên được bầu làm Giám mục Giáo Phận Roma: “Đức Thánh Cha hiểu như thế nào về vai trò của việc phục vụ Hội Thánh hoàn vũ mà ngài được mời gọi để thực thi dưới ánh sáng của linh đạo I-nhã? Đâu là ý nghĩa cho một Giê-su hữu khi được bầu làm Giáo Hoàng? Yếu tố nào trong linh đạo I-nhã giúp ngài sống sứ vụ của mình?”

“Nhận định”, ngài đáp lại. “Nhận định là một trong những điều tác động bên trong con người thánh I-nhã. Đối với thánh nhân, nhận định là một công cụ chiến đấu để hiểu biết về Chúa và bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Tôi luôn bị đánh động bởi một châm ngôn vốn mô tả cách nhìn của thánh I-nhã: non coerceri a maximo, sed contineri a minimo divinum est [“không bị bó hẹp bởi cái lớn nhất, nhưng lại được chứa đựng trong cái nhỏ nhất, đó là thần linh”]. Tôi suy nghĩ nhiều về câu này trong mối liên hệ với vấn đề quản trị, làm bề trên: không bị bó hẹp trong những không gian rộng lớn, nhưng có thể ở lại trong những không gian chật hẹp. Nhân đức của cái lớn và cái nhỏ này chính là sự đại lượng, nó giúp chúng ta có thể luôn nhìn vào chân trời từ nơi chúng ta đang đứng. Điều này có nghĩa là có thể làm điều nhỏ hàng ngày với một trái tim lớn vốn luôn mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể tôn trọng những điều nhỏ trong viễn tượng rộng lớn, viễn tượng của Nước Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Châm ngôn này cho ta các tham chiếu để đứng vào đúng vị trí mà nhận định, để nghe được những điều thuộc về Chúa từ chính ‘quan điểm’ của Người. Theo Thánh Inhã, các nguyên tắc lớn phải được hội nhập vào hoàn cảnh về không gian, thời gian và con người. Đức Gioan XXIII, theo cung cách riêng, đã chọn thái độ này đối với việc quản trị khi nhắc lại châm ngôn, ‘Thấy hết; phớt lờ nhiều; sửa sai chút ít’, vì dù thấy hết, chiều kích tối đa, nhưng chọn sửa chữa một ít điều, chiều kích tối thiểu. Người ta có thể có những dự án lớn và thực thi những dự án này nhờ tác động trên một vài điều nhỏ bé nhất. Hay bạn có thể sử dụng những phương tiện yếu đuối nhưng rốt cục lại hiệu quả hơn những phương tiện mạnh, như thánh Phao-lô đã nói trong Thư Thứ Nhất gửi Tín hữu Corintô.

Việc nhận định này đòi hỏi thời gian. Ví dụ, nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải cách có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tôi tin rằng chúng ta luôn cần thời gian để đặt nền tảng cho một sự thay đổi đích thực và hiệu quả. Và đây là thời gian nhận định. Đôi khi nhận định khiến chúng ta phải làm ngay những điều chúng ta nghĩ phải làm sau đó. Và đó là điều cũng xảy ra với tôi trong những tháng gần đây. Việc nhận định luôn được thực hiện trước mặt Thiên Chúa, bằng cách nhìn vào các dấu chỉ, lắng nghe những điều đang diễn ra, cảm nghĩ của quần chúng, đặc biệt là người nghèo. Những chọn lựa của tôi, cả trong những gì liên quan đến cái thông thường trong đời sống, như việc sử dụng một chiếc xe đơn giản, đều gắn với việc nhận định thiêng liêng, vốn đáp ứng một đòi hỏi xuất phát từ các sự vật, con người và từ việc đọc ra các dấu chỉ thời đại. Việc nhận định trong Chúa hướng dẫn tôi trong cách cai quản.

Thế đó. Vả lại tôi không tin tưởng ở các quyết định bộc phát. Tôi luôn nghi ngờ về quyết định đầu tiên, nghĩa là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nếu tôi phải ra quyết định. Điều này thường là sai lầm. Tôi phải chờ đợi và lượng giá trong lòng, phải có thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của việc nhận định giải thoát ta khỏi sự mập mờ tất yếu trong cuộc sống và giúp chúng ta tìm được phương tiện thích hợp nhất, vốn không phải luôn trùng hợp với những điều xem ra lớn lao và mạnh mẽ.”

Dòng Tên

Do đó nhận định chính là cột trụ trong linh đạo của Giáo hoàng Phanxicô. Nó diễn tả một cách cụ thể căn tính Giê-su hữu của ngài. Rồi tôi hỏi ngài làm thế nào để Dòng Tên có thể phục vụ Hội Thánh hôm nay, đâu là đặc nét của Dòng, và đâu là những nguy cơ mà Dòng Tên có thể gặp phải.

“Dòng Tên là một định chế trong mối căng thẳng, luôn luôn căng thẳng từ căn bản. Một Giê-su hữu là một người không phải là trung tâm của chính mình. Chính bản thân Dòng cũng không phải là trung tâm của chính mình; trung tâm điểm của Dòng chính là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài. Vì thế, nếu Dòng lấy Chúa Ki-tô và Hội Thánh làm trung tâm, Dòng có hai điểm qui chiếu nền tảng để giữ thăng bằng mà sống ở ngoại biên. Nếu Dòng nhìn quá nhiều vào bản thân mình, đặt mình ở vị trí trung tâm như một cơ cấu vững chắc và được “trang bị” đầy đủ, thì Dòng sẽ gặp nguy cơ là cảm thấy an toàn và tự mãn. Dòng phải luôn nhìn vào Deus semper maior, Thiên Chúa luôn cao cả hơn, tìm Vinh Danh Chúa hơn nữa, nhìn vào Hội Thánh như là Hiền Thê Đích Thực của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, Đức Ki-tô là Vua, Đấng đã chinh phục chúng ta và chúng ta hiến trọn con người và trọn lao công của chúng ta cho Ngài, dù ta chỉ là bình sành, bất tương xứng. Mối căng thẳng này liên tục đẩy ta ra khỏi chính mình. Khí cụ làm cho Dòng Tên không lấy mình làm trung tâm, thực sự mạnh mẽ, chính là việc cởi mở lương tâm, một việc thể hiện tính phụ tử và huynh đệ, chính vì nó giúp Dòng đi ra cách tốt đẹp hơn mà thi hành sứ mạng”.

Đức Thánh Cha viếng mộ thánh Inhaxiô Loyola
Đấng sáng lập Dòng Tên

Đức Phanxicô đang đề cập tới một điểm đặc biệt trong Hiến Pháp Dòng Tên vốn đòi buộc các Giê-su hữu phải “bày tỏ lương tâm”, nghĩa là, bày tỏ tình trạng thiêng liêng nội tâm của mình, để bề trên ý thức và hiểu biết nhiều hơn khi sai một người vào sứ mạng.

Ngài nói tiếp: “Nhưng thật khó khăn khi nói về Dòng Tên. Khi bạn giải thích quá nhiều, bạn sẽ gặp nguy cơ trở nên hàm hồ. Dòng Tên chỉ có thể tự mô tả dựa vào hình thức thuật truyện. Chỉ nhờ hình thức thuật truyện, bạn mới có thể phân định, chứ không phải qua lối giải thích triết lý hay thần học, một lối giúp bạn thảo luận thì đúng hơn. Phong cách Dòng Tên không phải là phong cách thảo luận, nhưng là phong cách phân định, dĩ nhiên sự phân định này giả thiết thảo luận là một phần của tiến trình. Chiều kích huyền nhiệm của phân định không bao giờ định ra góc cạnh cho nó và không hoàn thành quá trình suy tư. Tu sĩ Dòng Tên phải là một người của suy tư chưa hoàn tất, suy tư còn mở. Trong Dòng, đã từng có những thời kỳ các Giê-su sống trong một môi trường tư duy khép kín và cứng nhắc, mang tính chất huấn đức – khổ chế hơn là huyền nhiệm: việc bóp méo lối sống Dòng Tên như thế đã sinh ra cuốn Epitome Instituti” [Toát Yếu Thể Chế].

Đức Giáo Hoàng đang đề cập đến một thứ tóm lược thực dụng, từng được sử dụng trong Dòng, được duyệt lại ở thế kỷ XX, xem như để thay thế Hiến Pháp của Dòng. Trong một thời gian, việc huấn luyện các Giê-su hữu được khuôn đúc bởi bản văn này, đến nỗi có Giê-su hữu chưa bao giờ đọc Hiến Pháp của Dòng, mà đây mới là bản văn nền tảng. Theo Đức Giáo Hoàng, trong thời kỳ này, các qui luật có nguy cơ đè bẹp tinh thần, và Dòng Tên rơi vào cơn cám dỗ quá tay trong việc minh định và giải thích đặc sủng của mình.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Không, Giê-su hữu luôn luôn suy nghĩ, suy đi nghĩ lại, với Chúa Ki-tô làm trung tâm, họ nhìn chân trời mà họ phải tới. Đây mới là sức mạnh thực sự của Giê-su hữu và điều này thúc đẩy Dòng luôn trên đường tìm kiếm, sáng tạo và quảng đại. Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, Dòng Tên phải chiêm niệm trong hoạt động, phải sống thật gần gũi sâu sắc với toàn thể Hội Thánh, như là ‘dân Chúa’ cũng như ‘mẹ thánh là Hội Thánh có phẩm trật’. Điều này đòi hỏi nhiều khiêm nhường, hy sinh và can đảm, nhất là khi bạn bị hiểu lầm hay là nạn nhân của sự hiểu lầm và vu khống, nhưng đó là thái độ sinh nhiều kết quả nhất. Chúng ta hãy nghĩ tới các căng thẳng trong quá khứ, về nghi lễ Trung Hoa, nghi lễ Malabar và những vùng định cư của dân bản địa tại Paraguay.”

“Chính tôi là nhân chứng của nhiều hiểu lầm và khó khăn mà Dòng phải trải nghiệm gần đây. Trong số đó, có những thời điểm gay cấn, nhất là đụng tới vấn đề cho mọi tu sĩ Dòng Tên tuyên lời khấn thứ tư liên quan tới việc vâng lời Đức Giáo Hoàng. Thời Cha Arrupe (bề trên cả Dòng Tên trong các năm từ 1965 tới 1983), điều khiến tôi tin tưởng là sự kiện ngài là người của cầu nguyện, một người dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện. Tôi nhớ lúc cầu nguyện, ngài hay ngồi trên đất theo kiểu Nhật Bản. Nhờ thế, ngài có được thái độ đúng đắn và đã đưa ra được các quyết định đúng đắn”.

Khuôn mẫu Phêrô Favre, ‘vị linh mục cải cách’


Tới đây tôi tự hỏi liệu có nhân vật nào trong số các Giê-su hữu, từ buổi đầu của Dòng cho tới nay, đã đánh động ngài một cách đặc biệt chăng, nên tôi đã hỏi ngài có vị nào không, vị đó là ai và tại sao. Ngài bắt đầu kể đến Thánh I-nhã [đấng sáng lập Dòng Tên] và Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng sau đó, ngài tập trung vào một khuôn mặt mà các Giê-su hữu biết, nhưng chắc chắn là nói chung không mấy nổi tiếng, đó chính là cha Phê-rô Favre (1506-1546), quê ở Savoy. Ngài là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh I-nhã, thật ra là người bạn đầu tiên, người bạn chung phòng với Thánh I-nhã khi cả hai còn là sinh viên tại Đại Học Sorbonne. Người bạn chung phòng thứ ba là thánh Phanxicô Xaviê. Đức Piô IX phong chân phước cho cha Favre vào ngày 5 tháng 9 năm 1872 và án phong thánh cho ngài vẫn còn đang tiến hành.

Đức Giáo Hoàng trưng dẫn việc xuất bản cuốn Hồi niệm của cha Favre, do ngài yêu cầu hai học giả Dòng Tên là Miguel A. Fiorito và Jaime H. Amadeo thực hiện lúc còn là giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Ấn bản ngài đặc biệt ưa thích là ấn bản của cha Michel de Certeau. Tôi hỏi Đức Phanxicô lý do tại sao ngài bị đánh động bởi cha Favre như thế, những nét nào gây ấn tượng cho ngài hơn cả.

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Ngài đối thoại với mọi người, cả những người xa xôi nhất và cả những thù địch của mình; lòng đạo đức đơn sơ của ngài, có lẽ hơi chút ngây thơ, sự ứng trực của ngài, khả năng nhận định nội tâm đầy cẩn trọng, và ngài thực là một con người có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và mạnh mẽ nhưng đồng thời có khả năng hiền hậu, hiền hậu đến thế”.

Trong khi ĐTC Phanxicô kể ra những đặc tính của Giêsu hữu mà ngài ưa thích, tôi hiểu ra rằng khuôn mặt này đã thật sự là khuôn mẫu cho đời sống của ngài. Cha Michel de Certeau mô tả về cha Favre đơn thuần như “một vị linh mục cải cách”; đối với vị linh mục này, kinh nghiệm nội tâm, những phát biểu về giáo thuyết và cải cách cơ cấu không thể tách rời nhau. Như vậy hình như tôi có thể hiểu là ĐTC Phanxicô cũng lấy nguồn hứng từ lối cải cách này. Sau đó, ĐTC mới tiếp tục với một suy tư về khuôn mặt đích thực của đấng sáng lập Dòng Tên.

Ngài nói: “Thánh I-nhã là một nhà thần bí, không phải là một nhà khổ tu. Tôi rất khó chịu khi nghe người ta bảo Linh Thao chỉ “mang tính chất I-nhã’ bởi vì chúng được thực hiện trong thinh lặng. Thực ra, Linh Thao vẫn hoàn toàn mang đậm tính I-nhã ngay trong cuộc sống thường ngày và không có sự thinh lặng. Một sự giải thích Linh Thao nhấn mạnh tới khổ hạnh, tới thinh lặng và đền tội là lối giải thích méo mó, có lúc khá phổ biến trong Dòng Tên, đặc biệt là ở Dòng Tên Tây Ban Nha. Trái lại, tôi gần gũi hơn với luồng thần bí, tức luồng của Louis Lallement và Jean-Joseph Surin. Và cha Favre cũng là một nhà thần bí.”

Kinh nghiệm cai quản trong Hội Thánh


Loại kinh nghiệm cai quản nào, lúc còn làm bề trên rồi bề trên giám tỉnh Dòng Tên, đã giúp việc đào luyện Cha Bergoglio được chín mùi? Phong cách cai quản của Dòng Tên hệ ở việc bề trên phải đưa ra quyết định, nhưng là sau khi đã tham khảo rộng rãi các cố vấn chính thức của mình. Bởi thế, tôi hỏi Đức Thánh Cha: “Đức Thánh Cha có nghĩ rằng kinh nghiệm cai quản của ngài trong quá khứ có thể giúp ngài trong việc cai quản Hội Thánh hoàn vũ hiện nay không?”. Sau khi dừng lại một chút để suy nghĩ, nét mặt trở nên nghiêm trọng nhưng điềm tĩnh, ngài đáp: “Trong kinh nghiệm của mình khi làm bề trên ở trong Dòng, nói thực ra, tôi không luôn hành xử theo cách đó, nghĩa là không luôn thực hiện việc tham khảo cần thiết. Đây là điều không tốt. Ngay từ đầu, phong cách cai quản của tôi với tư cách là Giê-su hữu đã phạm nhiều sai lầm. Đó là thời điểm khó khăn đối với Dòng: trọn cả một thế hệ Dòng Tên đã biến mất. Vì thế, tôi trở thành giám tỉnh lúc còn rất trẻ. Lúc ấy tôi mới 36 tuổi đầu: quả là điên rồ. Tôi phải đương đầu với nhiều trạng huống khó khăn, và tôi đưa ra các quyết định đột ngột và tự mình. Đúng thế, nhưng tôi phải thêm điều này: khi ủy thác cho ai điều gì, tôi hoàn toàn tin tưởng người ấy. Người ấy phải làm một sai phạm thực sự nghiêm trọng mới khiến tôi quở trách họ. Nhưng dù sao, cuối cùng người ta cũng chán nản vì lối tự quyền.

Cách quyết định tự quyền và vội vã khiến tôi mắc nhiều vấn đề nghiêm trọng và bị kết án là siêu bảo thủ. Khi ở Cordova tôi sống một thời kỳ khủng hoảng nội tâm nghiêm trọng. Điều chắc chắn là tôi không bao giờ giống như chân phước Imelda , nhưng tôi cũng không bao giờ là người cánh hữu cả. Chính cách ra quyết định tự quyền của tôi đã gây ra nhiều vấn đề.”

“Tôi nói điều này từ kinh nghiệm sống và bởi vì tôi muốn làm rõ điều gì gây nguy hại. Với thời gian, tôi đã học được nhiều điều. Chúa đã cho phép tôi học cách cai quản ngang qua cả những sai lầm và tội lỗi của tôi. Vì thế, khi làm Tổng Giám Mục Buenos Aires, tôi đã họp với sáu vị giám mục phụ tá hai tuần một lần, và với hội đồng linh mục nhiều lần trong năm. Họ đặt câu hỏi và chúng tôi tự do thảo luận. Điều này giúp tôi rất nhiều trong việc ra các quyết định tốt nhất. Nhưng bây giờ, tôi nghe một vài người nói với tôi: “Đừng tham vấn quá nhiều, ngài hãy tự mình quyết định”. Trái lại, tôi tin rằng, tham vấn là điều rất quan trọng.”

“Chẳng hạn, các cuộc họp Cơ Mật Viện (Hồng Y), Thượng Hội Đồng (giám mục) đều là những nơi quan trọng để thực hiện việc tham vấn thực sự và tích cực này. Tuy nhiên, chúng ta phải tạo cho các cơ chế này một hình thức ít cứng rắn hơn. Tôi muốn tham vấn thực sự chứ không phải chiếu lệ. Nhóm tham vấn gồm 8 Hồng Y, tức nhóm tham vấn ‘từ bên ngoài’ này, không phải chỉ do quyết định của riêng tôi, mà là kết quả do ý muốn của các Hồng Y, được phát biểu trong các phiên họp toàn thể trước mật nghị bầu giáo hoàng. Và tôi muốn đây là tham vấn thực sự, chứ không phải chiếu lệ”.
Suy nghĩ với Hội Thánh

Tôi hỏi Đức Phanxicô: “Đối với ngài, ý nghĩa chính xác của thuật ngữ “cảm nghĩ với Hội Thánh” là gì, một khái niệm mà Thánh I-nhã đã nói tới trong Linh Thao? Dùng một hình ảnh, không ngập ngừng, Đức Phanxicô trả lời như sau: “Hình ảnh về Hội Thánh mà tôi rất thích là hình ảnh dân Thiên Chúa trung tín và thánh thiện. Đây là định nghĩa mà tôi thường dùng, và hình ảnh đó cũng có trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II nữa (số 12). Việc thuộc về một dân có giá trị thần học rất mạnh mẽ. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã cứu độ một dân. Không có một căn tính trọn vẹn nếu không thuộc về một dân. Không ai được cứu độ một mình, như một cá nhân đơn độc, nhưng Thiên Chúa lôi kéo ta khi nhìn vào một hệ thống tương quan phức tạp xảy ra trong cộng đoàn nhân loại. Chính Thiên Chúa đã đi vào sự năng động dân tộc này.

“Dân là một chủ thể. Và Hội Thánh là dân của Thiên Chúa trong cuộc hành trình xuyên qua lịch sử, với niềm vui và nỗi buồn. Do đó, cảm nghĩ với Hội Thánh đối với tôi là ở dân này. Và mọi tín hữu, xét như toàn thể, đều là vô ngộ trong khi tin, và biểu lộ tính vô ngộ trong khi tin này (infallibilitas in credendo) ngang qua cảm thức siêu nhiên nơi đức tin của cả một dân đang cùng nhau tiến bước. Đây là điều mà hôm nay tôi hiểu về ‘cảm nghĩ với Hội Thánh’, điều vốn được Thánh I-nhã nói tới. Khi cuộc đối thoại giữa dân với các giám mục và với Đức Giáo Hoàng đi theo đường này và chân thực, thì nó được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Do đó, việc cảm nghĩ với Hội Thánh này không phải chỉ liên quan tới các thần học gia mà thôi.”

Với Đức Mẹ cũng thế: nếu muốn biết Đức Mẹ là ai, bạn hãy hỏi các thần học gia; nếu muốn biết phải yêu mến Mẹ ra sao, bạn nên hỏi người giáo dân. Ngược lại, Đức Maria yêu mến Chúa Giêsu bằng trái tim dân tộc như ta đọc trong Kinh Magnificat. Cho nên, ta cũng không nên nghĩ rằng ‘cảm nghĩ với Hội Thánh’ chỉ có nghĩa là cảm nghĩ với phẩm trật của Hội Thánh”.

Dừng lại ít giây, để tránh hiểu lầm, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới điểm sau: “Và, dĩ nhiên, ta phải hết sức cẩn trọng để không nghĩ rằng tính vô ngộ của mọi tín hữu mà tôi nói tới, dưới ánh sáng Vatican II, là một hình thức của chủ nghĩa mị dân. Không phải thế; đó là kinh nghiệm của ‘mẹ thánh là Hội Thánh có phẩm trật,’ như chính Thánh I-nhã đã gọi thế, một Hội Thánh hiểu như dân Chúa, mục tử và dân chúng cùng với nhau. Hội Thánh là toàn thể dân Thiên Chúa.”

“Tôi thấy sự thánh thiện của dân Thiên Chúa, sự thánh thiện trong đời sống thường nhật”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có một ‘giai cấp trung lưu của sự thánh thiện’, mà tất cả chúng ta có thể là thành phần, sự thánh thiện mà Malègue từng đề cập đến”. Đức Thánh Cha có ý nói tới Joseph Malègue, một nhà văn Pháp (1876–1940) mà ngài yêu thích, đặc biệt là bộ sách ba cuốn còn dở dang của ông, tựa là Những Hòn Đá Đen, Các Giai Cấp Trung Lưu Của Sự Cứu Độ (Pierres noires. Les Classes Moyennes du salut). Một số nhà phê bình người Pháp gọi ông là “ông Proust công giáo”.

ĐTC nói tiếp “Tôi thấy sự thánh thiện này trong sự kiên nhẫn của Dân Chúa: một người phụ nữ đang nuôi nấng đưa con, một người đàn ông đang lao nhọc để mang về nhà tấm bánh, những người bệnh, những vị linh mục già nua đã chịu nhiều thương tích nhưng vẫn có nụ cười vì đã phụng sự Thiên Chúa, các nữ tu làm việc chăm chỉ và sống sự thánh thiện tàng ẩn. Đối với tôi, đây là sự thánh thiện chung. Tôi thường nối kết thánh thiện với kiên nhẫn, không chỉ kiên nhẫn hiểu như chịu đựng [hypomoné, một từ Hy lạp trong Tân ước], tức là đón nhận các biến cố và hoàn cảnh trong cuộc sống, nhưng mà còn hiểu như là sự kiên trì tiến tới, ngày này qua ngày khác. Đây chính là sự thánh thiện của Hội Thánh chiến đấu mà thánh I-nhã đã đề cập. Đây là sự thánh thiện của cha mẹ tôi: bố tôi, mẹ tôi, bà ngoại Rosa, những người làm cho tôi rất hạnh phúc. Trong cuốn sách nguyện của mình, tôi giữ chúc thư của bà ngoại Rosa, và tôi thường đọc nó. Đối với tôi, chúc thư này là một lời nguyện. Bà là một vị thánh đã chịu nhiều đau khổ, nhưng với tinh thần thiêng liêng, bà luôn đi tới với sự can đảm.”

“Hội Thánh này, Hội Thánh mà chúng ta nên cùng cảm thức với, vốn là mái nhà của mọi người, chứ không phải là một ngôi nguyện đường bé nhỏ chỉ dành cho một nhóm nhỏ người được chọn. Chúng ta không được phép thu hẹp lòng của Hội Thánh hoàn vũ thành một cái tổ để bảo vệ sự tầm thường của chúng ta. Và Hội Thánh là Mẹ, Hội Thánh trổ sinh hoa trái. Phải như thế.”

“Hội Thánh này, Hội Thánh mà ta nên suy nghĩ với, vốn là nhà của mọi người, không phải là ngôi nhà nguyện nhỏ bé chỉ chứa một nhóm người nhỏ gồm những người được tuyển chọn. Ta đừng thu gọn lòng của Hội Thánh hoàn vũ này thành một cái tổ để bảo vệ tính tầm thường của mình. Và Hội Thánh là Mẹ; Hội Thánh sẵn sàng sinh hoa trái. Phải như thế. Cha thấy đấy, khi biết được được các hành vi tiêu cực nơi các thừa tác viên của Hội Thánh hay nơi các tu sĩ nam nữ, điều đầu tiên nảy sinh trong tâm trí tôi là “đây là một cậu trai già” hay “đây là một cô gái già”. Họ không phải là người cha hay người mẹ theo nghĩa họ không có khả năng trao ban sự sống thiêng liêng. Thay vào đó, chẳng hạn, khi tôi đọc về đời sống của các nhà truyền giáo Salêdiêng tại Patagonia, tôi thấy đó là chuyện một đời sống viên mãn và phát sinh hoa trái.”

“Một ví dụ khác diễn ra trong những ngày gần đây mà tôi thấy rất được chú ý trên báo chí: cuộc điện thoại mà tôi đã gọi cho chàng trai trẻ đã viết cho tôi một lá thư. Tôi gọi cho anh vì lá thư ấy quá đẹp và đơn sơ. Đối với tôi, đây là một hành vi sinh hoa trái. Tôi nhận ra rằng, anh ta là một chàng trai đang lớn, rằng anh xem tôi như một người cha, và rằng lá thư đó kể về một điều gì đó về đời anh với người cha. Người cha này không thể nói “Cha không quan tâm”. Điều sinh hoa trái như vậy làm tôi rất hạnh phúc.”

Các Hội Thánh trẻ trung và các Hội Thánh cổ xưa

Tiếp tục chủ đề về Hội Thánh, tôi hỏi Đức Giáo Hoàng một câu dưới ánh sáng Ngày Giới Trẻ Thế Giới vừa qua. Biến cố vĩ đại này đã hướng chú ý vào giới trẻ, nhưng cũng làm ta chú ý tới “các lá phổi thiêng liêng” tức các Hội Thánh Công Giáo vừa được thành lập trong lịch sử gần đây. Cha hỏi: “Đức Thánh Cha hy vọng những gì cho Hội Thánh hoàn vũ từ các Hội Thánh này?”

Đức Thánh Cha trả lời: “Các Hội Thánh Công Giáo trẻ lớn lên và phát triển được một tổng hợp về đức tin, văn hóa và đời sống đang hình thành, và như thế đây là một tổng hợp khác với tổng hợp đã được phát triển bởi các Hội Thánh cổ xưa. Đối với tôi, tương quan giữa Hội Thánh cổ xưa và Hội Thánh trẻ tương tự tương quan giữa người trẻ và người lớn tuổi trong xã hội. Tất cả đều xây dựng tương lai, người trẻ bằng sức trẻ của họ, người già bằng sự khôn ngoan. Dĩ nhiên, bạn luôn gặp một vài rủi ro. Hội Thánh trẻ có nguy cơ cảm thấy tự mãn, Hội Thánh cổ xưa có nguy cơ muốn áp đặt lên các Hội Thánh trẻ các mô hình văn hóa của mình. Nhưng chúng ta đang cùng nhau xây dựng tương lai.”

Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến

Khi tuyên bố từ nhiệm, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói rằng thế giới đương đại đang trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng và đang vật lộn với các vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin. Ngài cho rằng muốn đương đầu với các vấn đề này, cần cả sức mạnh thể lý lẫn sức mạnh tinh thần. Dựa trên chính điều ngài vừa nói, tôi đã hỏi lại Đức Phanxicô : “Trong thời khắc mang tính lịch sử này, Hội Thánh cần điều gì hơn cả? Có cần cải cách không? Mong ước của ngài cho Hội Thánh trong những năm sắp tới là gì? Đức Thánh Cha “mơ” một Hội Thánh thế nào?”

Bắt ngay cái “vào đề” câu hỏi của tôi, ĐTC mở đầu bằng cách diễn tả tình cảm sâu sắc và sự tôn trọng lớn lao dành cho vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha nói: “Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã làm một hành vi thánh thiện, cao cả và khiêm nhường. Ngài là một con người của Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Tôi thấy rõ: điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi, cận kề. Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Thật vô bổ khi hỏi người bị thương nặng xem họ có lượng mỡ cao hay không hay độ đường trong máu là bao nhiêu! Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói tới những chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương… và bạn phải khởi từ dưới lên.

“Hội Thánh đôi khi tự khóa mình vào những điều nhỏ nhặt, vào các quy định hẹp hòi. Điều quan trọng nhất là lời công bố đầu tiên: “Đức Giê-su Kitô đã cứu bạn!” Và trên hết, các thừa tác viên của Hội Thánh phải là những thừa tác viên của lòng thương xót. Chẳng hạn, vị linh mục giải tội luôn có nguy cơ quá khắt khe hay quá nới lỏng. Cả hai thái độ ấy đều không phải là lòng thương xót, vì chẳng bên nào thực sự nhận trách nhiệm trên người khác. Người khắt khe rửa tay để trao người đó cho giới răn. Người nới lỏng rửa tay và nói một cách đơn giản rằng: “Đây không phải là tội”, hay một điều đại loại như thế. Người ta phải được đồng hành, vết thương phải được chữa lành.”


“Chúng ta phải đối xử với dân của Chúa như thế nào? Tôi mơ một Hội Thánh là Mẹ và là Mục Tử. Các thừa tác viên của Hội Thánh phải thương xót, có trách nhiệm với dân, đồng hành với họ như người Samaritanô nhân hậu, người rửa ráy, lau sạch và nâng đỡ tha nhân. Đây mới chính là Tin Mừng đích thực. Thiên Chúa cao cả hơn tội. Cải cách về cấu trúc và tổ chức là điều thứ yếu, nghĩa là chúng đến sau. Điều đầu tiên phải cải cách là thái độ. Các thừa tác viên của Tin mừng phải là người có thể sưởi ấm trái tim con người, bước đi với họ trong đêm tối, biết đối thoại và để mình đi vào đêm tối của họ, vào bóng đêm, nhưng không bị lạc lối. Dân của Thiên Chúa muốn các vị mục tử, chứ không muốn các giáo sĩ hành động giống như nhân viên văn phòng hay công chức. Đặc biệt, các giám mục phải có khả năng hỗ trợ bước chân của Thiên Chúa giữa dân với sự kiên nhẫn, để không ai bị bỏ lại đàng sau, nhưng họ cũng có khả năng đồng hành với đàn chiên đang “đánh hơi” tìm những con đường mới.

“Thay vì chỉ là một Hội Thánh biết chào đón và tiếp rước bằng cách để cửa mở, ta hãy cố gắng trở thành một Hội Thánh biết tìm ra những con đường mới, một Hội Thánh có khả năng bước ra khỏi mình và đi tới những ai không tham dự Thánh Lễ, những người đã bỏ cuộc hay dửng dưng. Những người bỏ cuộc đôi khi làm thế vì những lý do mà nếu hiểu và lượng giá đúng, có thể dẫn họ trở về. Nhưng điều này đòi hỏi sự mạnh dạn và lòng can đảm”.

Nắm ngay điều ĐTC đang nói, tôi gợi ý với Đức Thánh Cha rằng có những Kitô hữu sống trong các trạng huống không phù hợp với quy định của Hội Thánh hoặc ít là trong các trạng huống phức tạp, những tín hữu sống với những vết thương còn mở ngóac. Tôi đề cập đến các cặp đã ly dị và tái hôn, các cặp đồng tính luyến ái và nhiều tình huống khó khăn khác. Ta có thể thực hành loại mục vụ thừa sai nào trong các trường hợp này? Ta có thể sử dụng những loại phương tiện nào?

Đức Thánh Cha ra dấu là ngài đã hiểu tôi định nói gì, ngài đáp: “Chúng ta cần công bố Tin Mừng trên mọi nẻo đường, rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa và chữa lành, ngay bằng lời rao giảng của chúng ta, chữa lành mọi bệnh tật và vết thương. Ở Buenos Aires, tôi hay nhận được những người người đồng tính vốn là những người “bị tổn thương về mặt xã hội” bởi vị họ nói cho tôi biết rằng họ cảm thấy như Hội Thánh luôn kết án họ. Nhưng Hội Thánh không muốn làm điều này. Trong chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro, tôi nói rằng nếu một người đồng tính có thiện chí và đang trên đường tìm Chúa, thì tôi là ai mà dám kết án họ. Khi nói như vậy, tôi đang nói điều mà sách Giáo lý dạy. Tôn giáo có quyền diễn tả quan điểm của mình để phục vụ dân, nhưng Thiên Chúa trong sáng tạo đã để chúng ta được tự do: do đó, can thiệp vào đời sống thiêng liêng của người khác là không thể được.

“Có lần một người đã hỏi tôi, theo một cách thức khiêu khích, là liệu tôi có ủng hộ tình trạng đồng tính hay không. Tôi đã trả lời bằng một câu hỏi khác: ‘Hãy cho tôi biết: khi Thiên Chúa nhìn vào một người đồng tính, Ngài xác chuẩn cho sự hiên hữu của người ấy với lòng yêu thương, hay xua đuổi và kết án người ấy?’ Chúng ta phải luôn nhìn đến con người. Ở đây chúng ta đang đi vào mầu nhiệm con người. Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trong cuộc sống và chúng ta cũng phải đồng hành với họ, bắt đầu từ hoàn cảnh của họ. Cần đồng hành với họ bằng tình thương mến. Khi chuyện đó xảy ra, Thánh Thần sẽ soi sáng cho vị linh mục biết nói lên điều gì đúng hơn cả.

“Đây cũng là sự cao cả của việc xưng tội xét như là một bí tích: đánh giá từng trường hợp và nhận định đâu là điều tốt nhất cần làm cho một người đang tìm kiếm Thiên Chúa và ân sủng của Người. Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn, nhưng là nơi của lòng nhân ái, ở đó Chúa thúc đẩy chúng ta làm điều tốt nhất có thể. Tôi cũng nghĩ đến tình trạng một phụ nữ mang trên vai một cuộc hôn nhân đổ vỡ và có lần đã phá thai. Sau đó, người phụ nữ này đã tái hôn và bây giờ rất hạnh phúc và có năm đứa con. Việc phá thai lần trước đã cắn rứt lương tâm cô và cô thật lòng rất hối tiếc về điều đó. Cô ta muốn tiếp tục tiến lên trong đời sống Ki-tô hữu. Cha giải tội cần phải làm gì?
“Chúng ta không thể cứ luôn nói hoài về những vấn đề liên quan tới chuyện phá thai, hôn nhân đồng giới và việc sử dụng các biện pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi đã không nói nhiều về những chuyện này, và tôi đã bị khiển trách về điều đó. Nhưng khi chúng ta nói về những vấn đề này, chúng ta phải nói về chúng trong một bối cảnh. Giáo huấn của Hội Thánh về những vấn đề ấy đã quá rõ ràng rồi, và tôi là con cái của Hội Thánh, nhưng chả cần lúc nào cũng bàn tán về chúng.

“Các giáo huấn của Hội Thánh về tín lý và luân lý không phải tất cả đều ngang hàng với nhau. Một nền mục vụ thừa sai không thể bị ám ảnh với việc truyền đạt một mớ các học thuyết rời rạc áp đặt lên một cách chắc nịch. Loan báo Tin Mừng theo phương cách truyền giáo phải nhắm vào những điều chủ yếu, vào những gì cần thiết: đây cũng chính là điều sẽ gây ấn tượng và thu hút hơn, sẽ làm con tim bừng cháy, như đã xảy ra với các môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta phải tìm cho ra một thế quân bình mới; nếu không thì cả lâu đài luân lý của Hội Thánh có thể sẽ sụp đổ như một lâu đài bằng giấy, sẽ mất đi sự lành mạnh và hương thơm của Tin Mừng. Sự trình bày Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu sắc hơn và sáng rỡ hơn. Chính sự trình bày này sẽ kéo theo những hệ quả luân lý sau đó.

“Nói những điều này, tôi cũng nghĩ đến việc rao giảng và nội dung rao giảng của chúng ta. Một bài giảng hay, một bài giảng đích thực phải bắt đầu với lời công bố đầu tiên, công bố ơn cứu độ. Không có gì vững chắc, sâu sắc và chắc chắn cho bằng lời công bố này. Sau đó phải trình bày giáo lý. Cuối cùng rút ra hệ quả luân lý. Nhưng việc loan báo tình yêu cứu độ của Thiên Chúa phải đến trước những mệnh lệnh tôn giáo và luân lý. Hình như ngày nay, tiến trình ngược lại có phần chiếm ưu thế hơn. Bài giảng lễ là tiêu chuẩn đo lường sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của mục tử với giáo dân của mình, vì người giảng thuyết phải nhận biết con tim của cộng đoàn mình để thấy được nơi đâu lòng khao khát Thiên Chúa được sinh động và nồng cháy. Vì thế, thông điệp của Tin Mừng không nên bị giản lược vào một vài phương diện, dù là quan trọng, nhưng tự chúng không bộc lộ tâm điểm thông điệp của Đức Ki-tô.”

Một giáo hoàng tu sĩ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu sau vị đan sĩ Camaldoli là giáo hoàng Grêgôriô XVI, được bầu chọn vào năm 1831, cách nay 182 năm. Tôi hỏi: “Đâu là vị trí riêng của các tu sĩ nam nữ trong Hội Thánh ngày nay?”

“Các tu sĩ nam nữ là những vị ngôn sứ”, Đức Giáo Hoàng nói. “Họ là những người đa chọn bước theo Đức Giê-su, bắt chước đời sống của Ngài trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha, trong sự khó nghèo, đời sống cộng đoàn và khiết tịnh. Theo nghĩa này, những lời khấn không thể trở thành những bức tranh biếm họa; nếu không thì, chẳng hạn như, đời sống cộng đoàn trở thành địa ngục và đức khiết tịnh trở thành một lối sống của trai già, gái già. Lời khấn khiết tịnh phải là một lời khấn giúp trổ sinh nhiều hoa trái. Trong Hội Thánh, các tu sĩ được mời gọi trở thành ngôn sứ một cách cụ thể qua việc minh họa cho người khác thấy Đức Ki-tô đã sống thế nào trên trái đất này, và loan báo cho người khác biết nước Thiên Chúa sẽ như thế nào khi thành toàn. Một tu sĩ không bao giờ được phép từ bỏ vai trò ngôn sứ của mình. Điều này không có nghĩa là đối lập với phần phẩm trật trong Hội Thánh, dù chức năng ngôn sứ và cấu trúc phẩm trật không đồng nhất với nhau. Tôi đang nói về một đề nghị vốn rất tích cực, nhưng không được nhút nhát. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì mà bao nhiêu bậc đại thánh ẩn tu, nam và nữ tu đã làm từ thời thánh An-tôn viện phụ đến bây giờ. Làm ngôn sứ đôi khi cũng có thể nghĩa là làm ầm ĩ. Tôi không biết phải diễn tả sao đây… Làm ngôn sứ thì tạo ra những tiếng ồn, náo động, một số người còn cho rằng đó là ‘một mớ lộn xộn.’ Nhưng trong thực tế, đặc sủng của ngôn sứ là làm men: ngôn sứ loan báo tinh thần của Tin Mừng.”

CÁC BỘ TRONG GIÁO TRIỀU RÔ-MA, TÍNH ĐỒNG ĐOÀN, ĐẠI KẾT.

Thấy đang đề cập tới phẩm trật, tôi hỏi Đức Giáo Hoàng: “Ngài nghĩ gì về các ban bộ trong giáo triều Rô-ma?”

“Các Bộ trong giáo triều Rô-ma là để trợ giúp cho giáo hoàng và các giám mục,” ngài nói. Chúng phải trợ giúp cả các Hội Thánh địa phương và các hội đồng giám mục. Chúng là phương tiện trợ giúp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi không hiểu đúng, chúng có nguy cơ trở thành cơ quan kiểm duyệt. Thật là kinh ngạc khi thấy những đơn tố giác vì thiếu sự chánh tín từ các nơi gửi về Rô-ma. Tôi nghĩ những trường hợp đó phải được các hội đồng giám mục điều tra kỹ lưỡng, với sự hỗ trợ đắc lực từ Rô-ma. Thực ra, những trường hợp đó nên được giải quyết ở tại chỗ thì hơn. Các Bộ ở Rô-ma là trung gian; chứ không phải là người môi giới hay cơ quan quản lý.”

Tôi nhắc lại cho ĐTC rằng ngày 29 tháng 6, trong buổi cử hành nghi thức làm phép và trao dây pallium cho 34 tổng giám mục, ngài đã nói về “tính đồng đoàn” như con đường dẫn Hội Thánh hiệp nhất đến việc “lớn lên trong sự hòa hợp với việc phục vụ của chức vụ giáo hoàng.” Vì thế, tôi hỏi: “Làm sao chúng ta có thể hòa hợp ưu quyền của Phê-rô với tính đồng đoàn? Đâu là những con đường khả thi cả trong viễn cảnh hiệp nhất các tín hữu Ki-tô giáo?”

Đức Giáo Hoàng trả lời, “Chúng ta phải cùng bước đi: giáo dân, giám mục và giáo hoàng. Tính đồng đoàn của các giám mục phải được sống ở những cấp độ khác nhau. Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi phương pháp của Thượng Hội Đồng Giám Mục, vì đối với tôi phương pháp hiện tại có vẻ tĩnh. Điều này cũng sẽ mang giá trị hiệp nhất các tín hữu Ki-tô giáo, đặc biệt là với anh em Chính Thống giáo. Chúng ta có thể học được từ họ nhiều hơn về ý nghĩa của tính đồng đoàn giữa các giám mục và truyền thống họp mặt của giám mục. Nỗ lực suy tư chung, nhìn về cách thức Hội Thánh quản trị trong những thế kỷ đầu, trước khi có sự rạn nứt giữa Đông và Tây, sẽ sinh được hoa trái theo thời gian. Trong tương quan liên đới với các tín hữu Ki-tô khác, điều quan trọng không chỉ là biết nhau rõ hơn, nhưng còn là nhận ra điều mà Thánh Thần đã gieo phía bên kia như là một ân huệ cho cả chúng ta. Tôi muốn tiếp tục cuộc thảo luận bắt đầu từ năm 2007 bởi Ủy Ban Hỗn Hợp, cuộc thảo luận đã dẫn đến việc ký kết Văn Kiện Ravenna. Phải tiếp tục con đường này.”

Tôi tìm hiểu xem Đức Giáo Hoàng nhìn tương lai của sự hiệp nhất Hội Thánh như thế nào. Ngài trả lời: “Chúng ta phải bước đi, hiệp nhất trong khác biệt: không có cách nào khác để nên một đâu. Đây là con đường của Chúa Giê-su.”

PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH
Còn vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh thì sao?
Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề này một vài dịp rồi.Trong một cuộc phỏng vấn ngài đã khẳng định rằng sự hiện diện của phụ nữ trong Hội Thánh không nổi lên nhiều hơn, vì cái cám dỗ “đàn ông trị” không chừa chỗ cho thấy được vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn. Ngài đã khơi lại vấn đề này trong chuyến trở về từ Rio de Janeiro, nói rằng Hội Thánh vẫn còn thiếu một nền thần học sâu sắc về phụ nữ. Tôi hỏi: “Phụ nữ nên giữ vai trò nào trong Hội Thánh? Làm sao ta có thể làm cho vai trò của họ được minh thị hơn ngày hôm nay?”

Ngài trả lời: “Cần mở rộng chỗ cho một sự hiện diện sâu đậm hơn của phụ nữ trong Hội Thánh.Tôi sợ cái giải pháp “đàn ông mặc váy”, vì người phụ nữ được tạo thành khác với đàn ông. Nhưng điều tôi nghe được về vai trò của phụ nữ thường là khơi hứng từ ý thức hệ nam tính. Phụ nữ đang đặt ra những câu hỏi sâu sắc đòi phải được quan tâm. Hội Thánh không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ. Phụ nữ giữ một vai trò thiết yếu trong Hội Thánh. Mẹ Maria, chỉ là một phụ nữ thôi, nhưng quan trọng hơn các giám mục. Tôi nói thế vì chúng ta không được lẫn lộn giữa chức năng với phẩm giá. Vì thế, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho khuôn mặt của phụ nữ trong Hội Thánh. Chúng ta phải làm việc tích cực hơn để phát triển một nền thần học sâu sắc hơn về nữ giới. Chỉ bằng cách thực hiện bước này thì mới có thể có những suy tư tốt hơn về chức năng của họ trong lòng Hội Thánh. Năng khiếu riêng của nữ giới là điều cần thiết ở nơi đâu người ta đưa ra những quyết định quan trọng. Thách đố của ngày nay là thế này: suy nghĩ về vị thế đặc biệt của phụ nữ ngay cả trong những nơi mà thẩm quyền được thực thi trong những lĩnh vực khác nhau của Hội Thánh.

CÔNG ĐỒNG VATICANO II

“Công đồng Vaticano II đã đạt được điều gì? Công Đồng đã là cái gì?” Tôi hỏi thế dưới ánh sáng của những gì ngài đã khẳng định trước đó, mường tượng sẽ được một câu trả lời dài và khúc chiết. Trái lại, tôi có cảm tưởng ĐTC đơn giản coi Công Đồng như một sự kiện không thể bàn cãi, đến nỗi không cần phải dài dòng như để khẳng định tầm quan trọng của Công Đồng.

“Công đồng Vaticano II là một cuộc đọc lại Tin Mừng dưới ánh sáng của nền văn hóa đương đại. Công Đồng đã làm phát sinh một phong trào canh tân vốn cũng chỉ đến từ cùng một Tin Mừng mà thôi. Những hoa trái của nó rất nhiều. Chỉ cần nói đến lĩnh vực phụng vụ thôi cũng đủ thấy. Việc cải cách phụng vụ đã giúp cho nhiều người đọc lại Tin Mừng từ bối cảnh lịch sử cụ thể. Vâng, có những hướng thông diễn liên tục và gián đọan, nhưng một điều rất rõ ràng là: sức năng động của việc đọc Tin Mừng hiện tại hóa cho ngày nay là nét điển hình của Công Đồng Vaticano II và tuyệt đối không thể lật ngược được. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề cụ thể, như phụng vụ theo Nghi Thức Cũ (Vetus Ordo). Tôi nghĩ quyết định của Đức Giáo Hoàng Biển Đức [vào ngày 7.7.2007 cho phép sử dụng rộng rãi Nghi Thức Thánh Lễ Trento] là khôn ngoan nhằm giúp cho những ai có sự nhạy cảm riêng này. Dù vậy, điều đáng lo ngại là nguy cơ ý thức hệ hóa Nghi Thức Cũ (Vetus Ordo), biến nó thành công cụ.”

TÌM VÀ THẤY THIÊN CHÚA TRONG MỌI SỰ

Cách ĐTC Phanxicô nói về những thách đố của ngày nay rất không cân đối. Nhiều năm trước đây, ngài đã viết rằng để thấy được thực tại cần có cái nhìn đức tin, nếu không sẽ thấy một thực tại vỡ vụn, từng mảnh. Đây cũng là một trong những chủ đề của thông điệp Ánh sáng Đức Tin. Tôi nhớ đến một vài đọan trong diễn từ của ĐTC tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Gianeiro. Tôi trích dẫn cho ngài:: “Thiên Chúa là có thật. Ngài tỏ mình lúc này đây. Ngài ở khắp mọi nơi.” Những lời lẽ này vọng lại câu nói của thánh Inhaxio “tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự.” Vì thế tôi hỏi Đức Giáo Hoàng: “Thưa ĐTC, làm sao tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự?”

“Điều tôi đã nói ở Rio là có ý nhắm đến khía cạnh thời gian. Thực ra, có cám dỗ là hãy tìm kiếm Thiên Chúa trong quá khứ hay trong khả thể tương lai nào đó. Thiên Chúa chắc chắn ở trong quá khứ vì chúng ta có thể thấy những vết chân của Ngài. Và Thiên Chúa cũng ở trong tương lai như lời hứa. Nhưng vị Thiên Chúa “cụ thể”, có thể nói như thế, là ở lúc này đây. Vì thế, những phàn nàn không bao giờ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa. Những phàn nàn của thời nay về việc sao thế giới lại trở nên “dã man” thế – những phàn nàn này rốt cuộc dẫn người ta đến việc sinh ra trong Hội Thánh những ước muốn thiết lập trật tự theo nghĩa bảo thủ thuần túy, như một cuộc tự vệ. Không: Thiên Chúa phải được gặp thấy trong thế giới của ngày hôm nay.”

“Thiên Chúa tỏ mình qua mặc khải mang tính lịch sử, trong thời gian. Thời gian khởi sự những giai đoạn, còn không gian thì kết tinh chúng. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, trong những giai đoạn ấy.”

“Không nên đặt nặng những không gian của quyền lực, hơn là những thời gian, dù lâu dài, của tiến trình hình thành. Chúng ta phải khai mở những tiến trình hơn là chiếm lấy không gian. Thiên Chúa tỏ mình trong thời gian và Ngài hiện diện trong những tiến trình của lịch sử. Điều này khiến phải ưu tiên cho những hành động sẽ sinh ra những năng động mới. Và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi.”

“Gặp thấy Thiên Chúa trong mọi sự không phải là một sự ‘khám phá mang tính thường nghiệm’. Khi chúng ta khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cũng muốn xác thực về Ngài ngay lập tức bằng phương pháp thường nghiệm. Nhưng chúng ta không thể gặp được Ngài theo cách này. Tiên Tri Elia đã nhận thức được Thiên Chúa qua làn gió nhẹ. Thánh Inhaxio gọi những giác quan có thể giúp ta nhận ra Thiên Chúa là các giác quan thiêng liêng. Thánh Inhaxio mời gọi chúng ta hãy mở sự nhạy cảm thiêng liêng của chúng ta ra để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, vượt lên cách thức thường nghiệm thuần túy. Điều cần thiết là phải có một thái độ chiêm niệm: đó là cảm thấy mình đang bước đi trên đường lành của sự thấu hiểu và yêu mến trước mọi sự và mọi tình huống. Sự bình an sâu thẳm, an ủi thiêng liêng, yêu mến Thiên Chúa và thấy mọi sự trong Thiên Chúa.”

SỰ CHẮC CHẮN VÀ NHỮNG SAI LẦM

Tôi hỏi, “Thế nếu việc gặp gỡ Thiên Chúa không phải là một ‘khám phá mang tính thường nghiệm’, và nếu đó là một hành trình nhìn thấy bằng con mắt của lịch sử, thì liệu chúng ta có thể mắc những sai lầm không?”

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Vâng, trong nỗ lực tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự, vẫn có một chỗ cho sự không chắc chắn. Phải có chứ. Nếu có ai đó nói rằng anh ta gặp được Thiên Chúa một cách hoàn toàn chắc chắn mà không chừa lề cho một tí nghi ngại nào, thì không ổn đấy. Theo tôi, mấu chốt quan trọng nằm ở đây. Nếu người nào đó có thể đưa ra câu trả lời cho hết thảy những câu hỏi, đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không ở với anh ta. Điều đó có nghĩa là anh ta là một tiên tri giả, sử dụng tôn giáo cho chính mình. Những nhà lãnh đạo lớn của dân Thiên Chúa, như Môsê, luôn luôn chừa chỗ cho sự nghi ngờ. Phải có chỗ cho Chúa, chứ không phải cho những sự chắc chắn của chúng ta; chúng ta phải khiêm tốn thôi. Sự không chắc chắn có mặt trong mỗi nhận định đúng đắn, vốn mở ra chờ sự xác chuẩn của ơn an ủi thiêng liêng.”
“Thế nên, mối nguy trong việc tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự là muốn giải thích quá nhiều, sẵn sàng nói bằng sự chắc chắn và kiêu ngạo của con người: ‘Thiên Chúa ở đây’. Rốt cuộc chúng ta chỉ thấy một vị thần khớp với kích thước của ta. Thái độ đúng đắn phải là thái độ của thánh Âu-tinh: tìm kiếm Thiên Chúa để thấy Người, và thấy Người để rồi tiếp tục tìm kiếm người mãi mãi. Chúng ta thường hay tìm kiếm bằng những dò dẫm, như đọc thấy trong Kinh Thánh. Và đây là kinh nghiệm của các vị tổ phụ vĩ đại về đức tin, kiểu mẫu cho chúng ta. Chúng ta phải đọc lại thư gửi tín hữu Híp-ri, chương 11. Vì tin, Ap-ra-ham đã ra đi mà chẳng biết là đi đâu. Tất cả các bậc tiền bối trong đức tin đã chết khi thấy được những điều tốt đẹp hứa hẹn trước kia, nhưng là thấy từ xa… Cuộc sống của chúng ta không được trao ban cho chúng ta như một tập sách in vở nhạc kịch, trong đó mọi thứ đã được viết sẵn rồi; nhưng nó luôn luôn đòi buộc ta phải luôn ra đi, bước trên đường, làm, tìm, thấy… Chúng ta phải đi vào trong cuộc mạo hiểm của nỗ lực tìm gặp Thiên Chúa; và phải để cho Ngài tìm kiếm và gặp gỡ chúng ta.”

“Bởi vì Thiên Chúa đứng trước; Thiên Chúa luôn đứng trước và đi bước trước. Thiên Chúa hơi giống như cánh hoa hạnh của vùng Sicilia của cha đấy, Antôn ạ [cha Antonio Sparado], bao giờ cũng nở trước. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách Ngôn Sứ. Người ta gặp gỡ Thiên Chúa khi đang đi, trên đường. Ở điểm này, có thể có người cho rằng đây là chủ nghĩa tương đối. Nó có là chủ nghĩa tương đối không? Có, nếu chúng ta hiểu nhầm nó như một kiểu phiếm thần mơ hồ. Nó sẽ không là chủ nghĩa tương đối nếu được hiểu dưới ý nghĩa Kinh thánh, rằng Thiên Chúa luôn là một bất ngờ, bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ thấy Ngài ở đâu và như thế nào, không phải bạn là người định thời gian và nơi chốn để gặp Ngài. Thế nên, bạn phải biết nhận định cuộc gặp gỡ. Bởi vậy nhận định là điều căn bản.”

“Nếu người Ki-tô hữu là một người theo chủ nghĩa khôi phục, một người duy luật, nếu anh ta muốn mọi thứ phải rõ ràng và an toàn, anh ta sẽ chẳng thấy được gì. Truyền thống và kí ức của quá khứ phải giúp chúng ta có can đảm để mở ra những không gian mới cho Thiên Chúa. Những ai đến bây giờ vẫn còn tìm kiếm những giải pháp mang tính kỷ luật, hay còn mong chờ một sự “đảm bảo” mang tính học thuyết thái quá, hay vẫn cứ một mực cố gắng khôi phục lại một quá khứ vốn đã không còn nữa – ấy là những người chỉ có một cái nhìn bất động và hướng nội về mọi vật. Cứ theo thể thức ấy, đức tin sẽ trở thành một ý thức hệ trong hàng loạt những ý thức hệ khác. Tôi có một sự chắc chắn mang tính tín lý rằng: Thiên Chúa luôn ngự trong cuộc đời của mỗi con người. Ngài luôn hiện diện trong cuộc đời của mọi người. Ngay cả khi cuộc sống của một người chỉ là một thảm bại, bị hủy hoại bởi những tật xấu, ma túy hay bất cứ thứ gì khác – Thiên Chúa luôn ngự trong cuộc đời của người ấy. Bạn có thể và bạn phải cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa trong mỗi cuộc nhân sinh. Cả khi cuộc sống của một người là một mảnh đất đầy chông gai và cỏ dại, vẫn luôn có một khoảng trống, nơi hạt giống tốt có thể mọc lên. Bạn phải tín thác vào Chúa.”

CHÚNG TA PHẢI LUÔN LẠC QUAN?

Những lời lẽ của Đức Thánh Cha làm tôi nhớ lại một vài suy tư trước kia của ngài trước kia, khi còn là hồng y, ngài viết rằng Thiên Chúa đang sống trong thành phố này rồi, Ngài đang sống lẫn giữa mọi người chúng ta và kết hợp với từng người. Theo tôi nghĩ, đây là cách nói khác diễn tả lại những gì thánh I-nhã đã viết trong Linh Thao, rằng Thiên Chúa “làm việc và hành động” trong thế giới của chúng ta. Vì thế, tôi đặt câu hỏi: “Chúng ta phải lạc quan hay sao? Đâu là những dấu chỉ của niềm hy vọng trong thế giới ngày nay? Làm sao tôi có thể lạc quan trong một thế giới đầy khủng hoảng?”

“Tôi không thích dùng từ “lạc quan” vì nó diễn tả một thái độ tâm lý,” Đức Giáo Hoàng nói. “Thay vào đó, tôi thích dùng từ “hy vọng” hơn, theo những gì đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Hip-ri, chương 11, mà tôi đã nói đến. Các tổ phụ về đức tin đã tiếp tục bước đi, trải qua những khó khăn to lớn. Và niềm hy vọng đã không làm họ thất vọng, như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Rô-ma. Chúng ta hãy nghĩ đến câu đố đầu tiên trong vở nhạc kịch ‘Turandot’ của Puccini”, Đức Thánh Cha bảo tôi.

Lúc ấy, tôi vẫn còn đôi chút thuộc lòng vài câu trong câu đố của nàng công chúa trong vở nhạc kịch, mà câu trả lời cho câu đố ấy là niềm hy vọng: “Trong bóng tối âm u, một con ma ngũ sắc bay ra./Nó dang rộng đôi cánh trên nhân loại đen tối vô tận./ Cả thế giới kêu xin nó /và cả thế giới van nài nó./ Nhưng con ma biến mất khi bình minh lên để tái sinh nơi cõi lòng./ Mỗi đêm, nó sinh ra / và mỗi ngày nó chết đi!” Những câu thơ bộc lộ niềm mong ước một niềm hy vọng, nhưng nó lại là con ma ngũ sắc biến đi lúc bình minh.

“Thấy chưa”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là một con ma và không lừa dối ai. Nó là một nhân đức đối thần và vì thế, một cách cơ bản, nó là một món quà của Thiên Chúa, mà không thể bị giản lược thành sự lạc quan, vốn chỉ thuộc về con người. Thiên Chúa không bao giờ đánh lừa niềm hy vọng; Thiên Chúa không thể chối bỏ chính mình. Thiên Chúa là tất cả lời hứa.”

NGHỆ THUẬT VÀ SỰ SÁNG TẠO

Tôi được đánh động bởi sự trưng dẫn mà Đức Giáo Hoàng vừa đưa ra liên quan đến tác phẩm “Turandot” của Puccini khi ngài nói về huyền nhiệm của hy vọng. Tôi thật lòng muốn biết rõ hơn những qui chiếu nghệ thuật và văn chương của ngài. Tôi nhắc cho ngài rằng vào năm 2006, ngài đã từng nói là những nghệ sĩ vĩ đại thì biết cách thể hiện với nét đẹp những thực tại đau buồn và bi thương của cuộc sống. Vì thế, tôi hỏi ngài rằng ai là những nghệ sĩ và nhà văn mà ngài yêu thích, và liệu họ có điểm gì chung không.

“Tôi thực sự thích rất nhiều tác giả khác nhau. Tôi rất thích Dostoevsky và Hölderlin. Tôi nhớ Hölderlin nhờ bài thơ mà ông viết nhân dịp sinh nhật của bà ông, bài thơ rất tuyệt và làm giúp tôi thêm phong phú về phương diện thiêng liêng. Bài thơ kết thúc với câu, ‘ước chi người lớn giữ lấy những gì mà con trẻ đã hứa.’ Tôi đã rất ấn tượng vì tôi rất yêu bà tôi, Rosa, và trong bài thơ đó Hölderlin đã so sánh người bà của mình với Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh hạ Đức Giê-su, người bạn của thế giới, Đấng đã không bao giờ xem ai là người xa lạ.”

“Tôi đã đọc tác phẩm I Promessi Sposi [Đính hôn], của Alessandro Manzoni, ba lần rồi, và bây giờ tôi vẫn còn để nó trên bàn vì muốn đọc lại lần nữa. Manzoni đã cho tôi rất nhiều. Khi còn là một đứa trẻ, bà tôi đã dạy tôi thuộc lòng khúc đầu của I Promessi Sposi: “Nhánh hồ Como rẽ về phía nam giữa hai dãy núi liền nhau…’. Tôi cũng rất thích Gerard Manley Hopkins.”

“Trong giới họa sĩ, tôi ngưỡng mộ Caravaggio; các bức vẽ của ông đã nói với tôi nhiều điều. Nhưng tôi cũng thích Chagall, với tác phẩm “White Crucifixion” của ông. Trong giới nhạc sĩ thì dĩ nhiên là tôi thích Mozart. Khúc ‘Et incarnatus est’ trong Thánh lễ phổ theo cung Đô thứ của ông quả là vô đối. Nó nâng tâm hồn bạn lên với Chúa. Tôi thích Mozart do Clara Haskil trình bày. Mozart lấp đầy tâm hồn tôi. Tôi không thể suy tư về âm nhạc của ông; tôi chỉ có thể lắng nghe thôi. Tôi thích nghe Beethoven, nhưng theo cung cách Promete [càng lúc càng mạnh mẽ], và theo tôi, người trình diễn theo cung cách Promete hay nhất là Furtwangler. Và rồi tác phẩm CuộcThương Khó của Bach. Một đoạn tác phẩm của Bach mà tôi thích nhất là ‘Erbarme Dich’[Xin thương xót], tiếng khóc của Phê-rô trong “Cuộc Thương Khó theo thánh Matthêu.’ Tuyệt vời. Rồi, ở một cấp độ khác, không hoàn toàn sâu xa như vậy, tôi thích Wagner. Tôi thích nghe những tác phẩm của ông, nhưng không luôn luôn. Buổi trình diễn tác phẩm ‘Chiếc nhẫn’ của Wagner do Furtwangler thể hiện ở La Scala, Milan năm 1950 đối với tôi là tuyệt nhất. Nhưng tôi cũng thích ‘Parsifal’ do Knappertbusch trình diễn năm 1962.

“Chúng ta cũng nên nói về phim ảnh nữa chứ nhỉ. “La Strada”, của Fellini, có lẽ là bộ phim tôi thích nhất. Tôi đồng hóa mình với bộ phim này, trong đó có nói đến thánh Phanxicô một cách ám tàng. Tôi cũng tin là mình đã xem tất cả những bộ phim Ý có sự đóng góp của Anna Magnani và Aldo Fabrizi khi tôi độ khoảng 10 đến 12 tuổi. Một bộ phim khác mà tôi cũng rất thích là ‘Roma, città aperta’[Rôma, thành phố rộng mở]. Tôi có được nền văn hóa phim ảnh này trước hết là nhờ bố mẹ tôi, bố mẹ hay dẫn chúng tôi đến rạp.

“Dù sao đi nữa, cách chung, tôi yêu thích các nghệ sĩ bi kịch, đặc biệt là những nghệ sĩ cổ điển. Có một định nghĩa mà Cervantes đã đặt trên môi miệng của Carrasco để ca ngợi chuyện Đon Qui-khốt: ‘Trẻ em có nó trong tay, giới trẻ đọc nó, người lớn hiểu nó, người già khen nó.’ Với tôi, đây có thể có một định nghĩa hay về văn chương cổ điển.”

Tôi hỏi Đức Thánh Cha về việc dạy văn chương cho các học sinh trường trung học của ngài.

“Có phần hơi liều lĩnh”, ngài trả lời. “Tôi phải đảm bảo là các học sinh của tôi đọc El Cid. Nhưng các cậu học sinh lại chẳng thích nó. Họ muốn đọc Garcia Lorca. Thế rồi, tôi quyết định là họ phải tìm hiểu El Cid ở nhà còn trên lớp thì tôi sẽ dạy về những tác giả mà họ thích. Dĩ nhiên, giới trẻ thì thích đọc những tác phẩm văn chương “hấp dẫn” hơn như tác phẩm đương thời La Casada Infiel hay cổ điển như La Celestina, của Fernando de Rojas. Nhưng nhờ đọc những tác phẩm hấp dẫn họ lúc đó, họ bắt đầu thích thú với văn chương, thi ca nói chung, và tiếp tục đi đến những tác giả khác. Và đó đã là một kinh nghiệm to lớn của tôi. Tôi đã hoàn thành chương trình nhưng theo một cách thức vô cấu trúc – nghĩa là, không được sắp xếp theo những gì đã dự trù trước, mà lại theo một trình tự tự nhiên xảy đến qua việc đọc các tác giả này. Cách thức này rất phù hợp với tôi: tôi không thích có một chương trình cứng ngắc, nhưng cốt sao biết mình có thể hơn kém đi tới đâu. Rồi tôi cũng bắt đầu cho họ viết. Cuối cùng, tôi quyết định gửi cho Borges đọc hai câu chuyện do hai cậu học sinh của tôi viết. Tôi biết vị thư ký của ông này, vì bà đã từng là cô giáo dạy tôi đánh dương cầm. Borges rất thích những câu chuyện này. Rồi ông ta bắt đầu viết lời giới thiệu cho một bộ sưu tập những bài viết này.”

“Thế thì, thưa Đức Thánh Cha, sự sáng tạo có phải rất quan trọng trong cuộc sống của con người không?” Tôi hỏi. Ngài cười và trả lời: “Đối với một Giê-su hữu, nó cực kỳ quan trọng! Một Giê-su hữu phải có sự sáng tạo.”

NHỮNG BIÊN CƯƠNG VÀ NHỮNG PHÒNG THÍ NGHIỆM

Trong suốt cuộc tiếp kiến các cha và nhân viên của La Civiltà Cattolica, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của bộ ba những đặc trưng quan trọng cho họat động văn hóa của giêsu-hữu. Trở lại chuyện hôm 14 tháng 6 vừa qua. Tôi nhớ rằng trong cuộc nói chuyện trước khi gặp toàn thể nhóm chúng tôi, ngài đã báo trước sẽ nói về bộ ba “đối thoại, nhận định, biên cương.” Và ngài đã nhấn mạnh đặc biệt điểm cuối cùng, nhắc đến Đức Phaolô VI và những gì ngài nói trong một diễn từ nổi tiếng cho các Giê-su hữu: “Bất cứ nơi đâu trong Hội Thánh – thậm chí ở những lĩnh vực khó khăn và mũi nhọn, trong những giao lộ của các ý thức hệ, trong những hố ngăn cách xã hội – đã từng có và bây giờ vẫn còn có cuộc trao đổi giữa những khát khao sâu thẳm nhất của nhân loại với thông điệp bất diệt của Tin Mừng, các Giê-su hữu đã và đang luôn có đó.”

Tôi xin ĐTC nói rõ thêm: “ĐTC đã bảo chúng con phải coi chừng đừng sa vào “cám dỗ thuần hóa biên cương: phải đi về phía biên cương chứ không phải lôi nó về nhà để đánh bóng cho nó một chút rồi thuần hóa nó”. ĐTC muốn ám chỉ cái gì? Chính xác là ĐTC muốn nói gì với chúng con? Cuộc phỏng vấn hôm nay là do sự thỏa thuận của một nhóm các tạp chí do Dòng Tên chủ trương: ĐTC muốn mời gọi họ làm gì? Họ phải dành ưu tiên cho những gì?”

“Ba từ khóa mà tôi đã đề nghị cho La Civiltà Cattolica cũng có thể được mở rộng tới tất cả các tạp chí của dòng Tên, nhưng có lẽ điểm nhấn sẽ khác vì bản chất và mục tiêu của chúng không giống nhau. Khi tôi nhấn mạnh về biên cương, tôi muốn nói cách riêng đến nhu cầu đối với những ai làm việc trong thế giới văn hóa, phải đặt mình vào trong bối cảnh, nơi mà họ đang làm việc và suy tư về nó. Luôn luôn có một mối nguy ẩn tàng của việc chỉ sống trong phòng thí nghiệm. Đức tin của chúng ta không phải là một ‘đức tin trong phòng thí nghiệm’, nhưng là “một đức tin trên đường’, một đức tin có tính lịch sử. Thiên Chúa đã mặc khải chính mình như một lịch sử, chứ không phải như một bản toát yếu những chân lý trừu tượng. Tôi sợ những phòng thí nghiệm vì trong phòng thí nghiệm, người ta nắm lấy vấn đề, mang về nhà để thuần hóa nó, đánh bóng nó, bên ngoài bối cảnh của nó. Không cần mang biên cương về nhà, nhưng cần sống ở biên cương và phải can đảm.”

Tôi xin Đức Thánh Cha chia sẻ vài ví dụ dựa trên kinh nghiệm cá nhân của ngài.
“Khi nói đến những vấn đề xã hội, tổ chức cuộc họp mặt để nghiên cứu nạn nghiện ngập trong các khu nhà ổ chuột là một chuyện, còn đi đến đó, sống và hiểu vấn đề từ bên trong và nghiên cứu nó là chuyện khác. Có một lá thư tuyệt vời của cha Arrupe gửi Các Trung Tâm Nghiên Cứu và Hoạt Đông Xã Hội về sự nghèo đói, trong đó ngài nói rõ rằng không thể đề cập đến nghèo đói nếu chưa từng kinh nghiệm về cái nghèo, qua việc thâm nhập trực tiếp vào những nơi người ta đang sống cảnh nghèo đói. Từ “thâm nhập vào” rất nguy hiểm vì có một số tu sĩ đã xem nó như một cái mốt, và biết bao thảm bại đã xảy ra vì thiếu sự nhận định. Nhưng nó thật sự rất quan trọng.”

“Biên cương thì nhiều lắm. Chúng ta hãy nghĩ đến các nữ tu sống trong các bệnh viện. Họ đang sống ở biên cương đấy. Tôi còn sống được là nhờ một trong số họ. Khi tôi chịu đựng căn bệnh phổi ở bệnh viện, vị bác sĩ đã cho tôi thuốc Penicillin và streptomycin với liều lượng nào đấy. Vị nữ tu chịu trách nhiệm đã tăng liều lượng cho tôi gấp ba lần, vì nữ tu ấy tinh nhạy; vị nữ tu ấy biết cần phải làm gì vì đã ở với người bệnh cả ngày. Vị bác sĩ, quả thực là giỏi, nhưng chỉ sống trong phòng thí nghiệm của ông; còn nữ tu kia thì sống ở biên cương và đang đối thoại với nó từng ngày. Thuần hóa biên cương có nghĩa là chỉ nói từ xa, khóa mình trong phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm rất hữu ích, nhưng đối với chúng ta, suy tư phải luôn luôn xuất phát từ kinh nghiệm thực tế.”

VIỆC TỰ HIỂU MÌNH CỦA CON NGƯỜI

Tôi hỏi ĐTC xem điều đó có ứng dụng được không và ứng dụng cách nào cả cho một biên cương văn hóa quan trọng là thách đố của nhân chủng học. Nhân chủng học mà Hội Thánh vẫn qui chiếu theo truyền thống, và ngôn ngữ Hội Thánh vẫn dùng để diễn tả nó, vẫn là một qui chiếu vững vàng, hoa trái của sự khôn ngoan và kinh nghiệm nhiều thế kỷ. Tuy nhiên con người mà Hội Thánh đang gặp hôm nay có vẻ như không còn hiểu và không còn coi những qui chiếu ấy là đủ nữa.

Tôi bắt đầu lập luận về sự kiện con người hôm nay đang giải nghĩa cách khác và với những phạm trù khác. Và đây cũng là do những biến đổi lớn trong xã hội và sự nghiên cứu sâu rộng hơn về chính mình.

Lúc này, ngài đứng dậy và đi lấy cuốn kinh nhật tụng trên bàn. Nó bằng tiếng Latinh, đã nhàu nát vì sử dụng quá nhiều. Ngài mở ra giờ kinh ngày thứ 6 của tuần 27 mùa thường niên và đọc cho tôi nghe một đoạn từ Commonitorium Primum [bài huấn dụ thứ nhất] của thánh Vinh-sơn Lê-ranh: “Cũng vậy, đạo lý Ki-tô giáo phải theo những quy luật tiến bộ này, là với năm tháng đạo lý được củng cố, với thời gian được lan rộng, với tuổi tác nên thâm thúy.”

Đức Thánh Cha giải thích: “Thánh Vin-sơn Lê-ranh đã so sánh giữa sự phát triển sinh lý của con người và sự chuyển giao kho tàng đức tin từ thời kì này đến thời kì khác, kho tàng ấy lớn lên và được củng cố với bước tiến của thời gian. Ở đây, việc tự hiểu mình của con người thay đổi theo thời gian và việc đào sâu ý thức con người cũng thế. Chúng ta hãy nghĩ đến thời kì mà chế độ nô lệ được chấp nhận hay án tử hình được chấp nhận mà không có vấn đề gì. Vậy thì, người ta lớn lên trong sự hiểu biết chân lý. Các nhà chú giải và thần học đã giúp Hội Thánh trưởng thành hơn trong phán đoán riêng của mình. Thậm chí các ngành khoa học khác và sự phát triển của nó cũng giúp Hội Thánh lớn lên về mặt hiểu biết. Có những luật lệ hay quy tắc thứ yếu trong Hội Thánh một thời rất có hiệu lực nhưng bây giờ đã mất đi giá trị hay ý nghĩa. Quan điểm xem những giáo huấn của Hội Thánh như một tảng đá nguyên khối để bảo vệ mà không có tí sắc thái nào là một quan điểm sai lầm.”

“Sau cùng, ở mỗi giai đoạn của lịch sử, con người cố gắng hiểu và diễn tả chính mình tốt hơn. Vì thế con người trong thời gian sẽ thay đổi cách mà họ quan niệm về chính mình. Người diễn tả mình bằng việc điêu khắc tượng Nike [‘Nữ thần chiến thắng”] của Samothrace’ là một chuyện, Caravaggio, Chagall diễn tả theo cách khác, Dalí theo cách khác nữa. Thậm chí những hình thức diễn tả chân lý cũng có rất nhiều dạng, và đây thật sự là điều cần thiết cho việc chuyển giao sứ điệp của Tin Mừng trong ý nghĩa bất biến của nó.”

“Con người đang trên đường tìm kiếm chính mình, và, dĩ nhiên, trong cuộc tìm kiếm này, họ có thể mắc những sai lầm. Hội Thánh đã từng sống kinh nghiệm thời kì xuất sắc, như thời học thuyết Tôma Aquinô. Nhưng Hội Thánh cũng đã sống trong những lúc suy thóai trong khả năng suy tư. Chẳng hạn, chúng ta không được lẫn lộn thời xuất sắc của học thuyết Tôma Aquinô với thời kỳ học thuyết Tôma Aquinô suy thóai. Thật không may, tôi đã học triết học từ những sách giáo khoa đến từ thời học thuyết Tôma Aquinô suy thoái. Vì thế, khi suy nghĩ về con người, Hội Thánh nên phấn đấu để hướng đến sự xuất sắc chứ không phải suy thoái.”

“Khi nào thì một cách diễn đạt tư tưởng không còn giá trị? Khi nó không còn nhìn về con người hay thậm chí khi nó sợ con người hoặc tự lừa gạt về chính mình. Tư tưởng bị lừa gạt có thể được so sánh với hình ảnh Ulysses đứng trước tiếng hát của Siren, hay như Tannhauser lạc trong một cuộc truy hoan của những người thác loạn và ma men, hay như Parsifal trong hồi thứ hai của vở nhạc kịch của Wagner, trong lâu đài của Klingsor. Suy tư của Hội Thánh phải tìm lại sự xuất sắc và sự hiểu biết luôn tốt hơn về cách thức con người hiểu về chính mình ngày nay, để có thể phát triển và đào sâu những giáo huấn của Hội Thánh.”

CẦU NGUYỆN

Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô một câu cuối cùng về lối cầu nguyện ưa thích nhất của ngài.

“Tôi đọc kinh nhật tụng mỗi buổi sáng. Tôi thích cầu nguyện với các thánh vịnh. Rồi sau đó, tôi dâng thánh lễ và lần chuỗi. Điều tôi thật sự thích thú là chầu Thánh Thể ban đêm, ngay cả có khi tôi chia trí và nghĩ về những điều gì khác, hay thậm chí ngủ gục đang khi cầu nguyện nữa. Vào buổi tối, tôi chầu Thánh Thể một giờ từ 19h đến 20h. Nhưng tôi cũng cầu nguyện trong lòng ngay cả khi tôi đang đợi ở phòng khám nha sĩ hay những lúc khác trong ngày.

Cầu nguyện đối với tôi luôn luôn là một cách cầu nguyện đầy ắp trí nhớ, hồi tưởng, thậm chí là trí nhớ về lịch sử của riêng tôi hay những điều mà Chúa đã làm trong Hội Thánh của Ngài hay trong một giáo xứ cụ thể nào đó. Với tôi, đó là trí nhớ mà thánh I-nhã đã nói đến trong tuần đầu của Linh Thao khi gặp gỡ lòng thương xót của Đức Ki-tô bị đóng đinh trên thánh giá. Và tôi tự hỏi: ‘Tôi đã làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi đang làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô?’ Đó là trí nhớ mà thánh I-nhã cũng nói trong bài “Chiêm niệm để được tình yêu”, khi ngài mời gọi chúng ta nhớ lại những ân sủng chúng ta đã nhận lãnh. Nhưng trên hết, tôi cũng biết rằng Chúa vẫn luôn nhớ đến tôi. Tôi có thể quên Ngài, nhưng tôi biết Ngài không bao giờ có thể quên tôi. Trí nhớ có một vị trí căn bản trong con tim của một Giê-su hữu: nhớ những hồng ân, trí nhớ được đề cập đến trong sách Đệ Nhị Luật, nhớ những công trình của Thiên Chúa vốn là điều căn bản trong giao ước giữa Thiên Chúa với dân. Chính trí nhớ này đã làm tôi trở nên con của Người và cũng làm cho tôi trở thành cha [thành một linh mục].”

Tôi chợt nhận ra là còn có thể kéo dài cuộc đối thọai này, nhưng tôi cũng biết, như có lần Đức Thánh Cha nói, “không nên hành hạ các giới hạn”. Tính chung lại chúng tôi đã đối thọai hơn sáu tiếng đồng hồ, trong ba buổi gặp, ngày 19, ngày 23 và ngày 29 tháng 8. Ở đây tôi chọn trình bày mạch lạc không nêu những ngắt quãng để khỏi mất đi tính liên tục. Thực tế đây là một cuộc nói chuyện hơn là một cuộc phỏng vấn: các câu hỏi làm nền chứ không giới hạn rạch ròi và cứng ngắc. Cả về phương diện ngôn ngữ chúng tôi cũng luân chuyển lưu lóat giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, đôi khi không ý thức sự chuyển tiếp. Không có gì là máy móc. Các câu trả lời nảy sinh trong đối thọai và bên trong mạch suy tư mà tôi đã cố trình bày lại một cách tổng hợp.

Một trái tim lớn mở ra cho Thiên Chúa
Linh mục Antonio Spadaro S.J. phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxico.
Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ
Âu-tinh Nguyễn Minh Triệu, SJ
Phê-rô Lê Hoàng Nam, SJ
(hình ảnh minh họa: từ internet)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.