Một thoáng suy tư
Để tình yêu thương trong gia tộc luôn được liên kết và triển nở, thỉnh thoảng gia đình chúng tôi tổ chức họp mặt, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng đi chơi, đi ăn vào cuối tuần, hay họp mặt vào những dịp lễ giỗ, lễ mừng sinh nhật, ngày Motherday, Fatherday v.v… lần này chúng tôi rủ nhau thăm công viên thành phố. Công viên thật rộng lớn với đủ mọi thứ hoa rất lạ, những cây kiểng hiếm quý của tất cả các quốc gia trên thế giới được đem về trồng nơi đây.
Bước vào nhà kiếng rộng mênh mông, một cây dâu tằm khá lớn được trồng trong một chậu bằng sứ thật to, hai người ôm không hết, mầu xanh cẩm thạch có chạm trổ hình Phước Lộc Thọ đập ngay vào mắt tôi, ngỡ ngàng dương mắt thật to mà nhìn. Một chút sững sờ và vui mừng khôn xiết!!!…Nhìn kỹ một chút thì cây dâu này chăc cũng được sống ở đây vài năm rồi…
Cả một trời quê hương trong tôi sống dậy, tôi ngẩn ngơ, lòng như mở hội, cứ đứng ngắm mãi không chán…. „Vườn dâu xanh ngát một màu“ đang trải dài đến tận chân đồi, tiếp cận hòa hợp với những đồi trà trùng trùng điệp điệp trước mắt tôi. Chắc chắn cây dâu này đã được mang từ Bảo Lộc (Dalat) về đây, chứ còn ở đâu nữa!!! Trong cái trí óc bảo thủ, ích kỷ và hiểu biết nhỏ nhoi của tôi cứ nhắc đi nhắc lại như thế.
Một loại cây sống ở miền nhiệt đới mà được nâng niu, „cưng như cưng trứng“ và thật là đúng với câu „hứng như hứng hoa“, mặc dầu loại cây này chỉ là loại cây xanh lá, dùng lá để nuôi tằm. Không cưng sao được, „người ta“ là dân sống ở xứ nóng trong nhiệt độ quanh năm khoảng 30 đến 35 độ bách phân. Trong khi nơi đây thì suốt năm sương mù lạnh lẽo, chỉ có được vài tháng nắng ấm mà thôi. Thế mà „người ta“vẫn sừng sững đứng ngạo nghễ giữa vườn hoa đầy những cỏ cây hoa lá hiếm quý…nơi xứ lạnh quê người.
…. Và những con tằm đang độ „ăn lên“ hay gọi là „ăn rỗi“ lúc nhúc trong những chiếc nong ở bên quê nhà lại hiện rõ lên trong trí óc tôi.Tằm „ăn lên“ là tằm đang độ lớn, ăn rất mạnh. Tuy tầm chỉ ăn có vài ngày thôi nhưng tốn rất nhiều lá dâu, những chiếc lá dày dặn xanh biếc vừa bỏ vào nong, chỉ nghe được những tiếng cắn lá rột roạt của tằm, nhoáng cái đã hết mớ lá dâu. Phải bỏ lá dâu cho tằm ăn liên tiếp không nghỉ trong suốt thời gian đó.
Ngắm nhìn những chiếc lá dâu làm kiểng ở đây, nó mỏng mảnh và màu xanh của lá trông nhợt nhạt, không tự nhiên, có lẽ, vì được vun bồi bằng chất hóa học đặc biệt. Tôi nghĩ, giá mà những chú tằm được ăn những lá dâu này thì chắc chắn tằm sẽ không có sức mà cho những cái kén đầy đặn và như thế, tơ sẽ không đẹp, không mượt mà, hoặc chẳng cho được sợi tơ nào.!!!….
Trước khi làm kén, tằm ăn ít lại, rồi ngưng, không ăn nữa, chỉ bài tiết thôi. Ngày cuối cùng, khi chất dơ đã được bài tiết hết, toàn thân tằm bây giờ như có một phép lạ, ánh lên một màu vàng óng rất đẹp; lúc này nhìn thân tằm như một chiếc túi nhỏ đựng chất tơ lỏng. Khi tằm nhả tơ ra khỏi miệng, chất tơ này tiếp xúc với không khí liền cứng lại thành những sợi tơ. Lúc này tằm được cho lên „bổi“ (bổi là những cành cây để cho tằm giăng tơ) để nhả tơ làm kén. Tằm chọn chỗ thuận tiện, bắt đầu kết những mối tơ bên ngoài rồi nằm vào giữa, đan dày cái ổ của mình lên cho đến khi trong bụng hết tơ. Thật là tuyệt diệu!. Tằm làm việc thật là chăm chỉ, từ lúc nhả tơ cho đến khi hết tơ trong bụng, tằm không ngưng nghỉ. Có lẽ khi tằm ăn cũng không nghỉ thì bây giờ nhả tơ tằm cũng không nghỉ.!!!???(theo luật bù trừ của tạo hóa mà). Tôi thấy thương con tằm quá!!!
Đã đến giai đoạn ươm tơ. Những cái kén được thả nổi trên mặt nước, trong nồi nước đang sôi, người ươm tơ gỡ mối tơ ngoài cùng, chặp ba mối, bốn mối hay năm mối làm một tùy theo tơ dày hay mỏng rồi đính vào một cái guồng, quay quấn vào đó. Từ những sợi tơ này cho đến lúc dệt thành tấm lụa và đem ra bán cho người tiêu thụ còn phải qua tay người thợ dệt lành nghề thì lụa mới đep.Tùy theo sáng kiến và con mắt nghệ thuật của người thợ dệt mà chúng ta thấy trên thị trường tơ lụa có nào là lãnh, sa, xuyến, lương, nhiễu, đũi v.v…(Lụa Hà Đông (quê của ba mẹ tôi) cũng một thời nổi tiếng lụa đẹp, mượt mà và mỏng nhẹ, có màu tự nhiên của chất tơ, một màu vàng ươm của tơ con tằm. Ngày nay ở Hà Đông không thấy còn trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nữa.)
Chúng ta thấy rõ sự mầu nhiệm và tỉ mỉ, tinh vi vô cùng khi tạo dưng muôn loài, muôn vật. Thiên Chúa tạo dựng ra con vật nào cũng có ích cả. Những con vật bé tí như con tằm chỉ ăn lá dâu mà sản xuất ra được những sợi tơ óng ả là thế. Con ong suốt ngày vo ve bên hoa để lấy mật, lấy phấn hoa mà cho ta những giọt mật ngọt ngào thanh khiết. Đấy là chưa kể đến những diệu kỳ của tổ chức loài ong mà Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt thật là trật tự, ngăn nắp, lớp lang, trên dưới… Con mối thì nhỏ xíu và thân mình mỏng manh mà đùn ổ thật to lớn, có khi ổ mối to như cái nhà…để rồi những chỗ đó khi tan ổ hoặc ổ bị phá đi thì cho mọc lên một loại nấm bụ bẫm, xinh đẹp, gọi là nấm mối. (Khi còn ở quê nhà mẹ tôi thường hái những nấm này về nấu canh thật ngọt và thơm) Con giun ở dưới đất cũng có công dụng để làm cho đất xốp, thoáng khí v.v…Loài chim thì có không biết bao nhiêu loại, chúng ca hót thật hay, đủ điệu, dủ tông… và nhìn những loại tổ chim thì thấy chúng là những kỹ sư tuyệt diệu khi xây tổ. Những con chim nhỏ bé này xây tổ có một kết cấu bền vững và có đủ kích cỡ, đủ hình thù khác nhau lạ thường. Hầu hết tổ chim được làm từ những cọng cỏ khô hay những cành cây khô nhỏ, chỉ vài cọng cỏ mà chúng treo lủng lẳng một tổ chim trên cành thật là mỹ thuật.
Lan man suy nghĩ, tôi nhận thấy, tất cả tạo vật trong vũ trụ đều có năng lực, sự sống và bản chất của Thiên Chúa. Tất cả đều phản ảnh nét toàn hảo của Đấng Tạo Hóa. Ngài hiện diện ở khắp nơi trong sự sống của muôn loài và Ngài thổi sức sống vào tất cả những gì Ngài tạo dựng. Dưới bầu khí quyển chúng ta đang sống đây còn biết bao kỳ công tuyệt diệu mà càng ngẫm nghĩ, càng nhìn ngắm, càng suy gẫm, chúng ta càng nhận thấy rõ mầu nhiệm của bàn tay của Thiên Chúa.
Xin ngợi khen và cảm tạ Ngài.
Elisabeth Nguyễn