QUA CỬA HẸP
Có một vài hình ảnh cửa hẹp mà Chúa Giêsu hay nhắc đến, đó là cửa Đền Thờ Giêrusalem, nơi Ngài thường đi vào để tham dự các nghi thức thánh và giảng dạy. Cửa vào có một lối từ cuối dành cho mọi người mà thôi; hoặc cửa khác Chúa Giêsu nhắc nhiều hơn, đó là cửa chuồng chiên. Cửa này hẹp và chỉ có một lối cho cả đàn chiên vào; người chăn chiên thì gác tại cửa; hay một loại cửa khác nữa rất hạn chế và đòi hỏi người vào đúng giờ, đó là cửa phòng cưới. Mấy cô thiếu nữ khờ ngủ quên đã không được vào tiệc cưới với chàng rể ban đêm hơi giống với hình ảnh cửa hẹp của bài Phúc âm hôm nay.
Trong thực tế của Nước Trời, cửa không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh, đúng hơn là các phương tiện dẫn vào Nước Trời. Nước Trời đây phải hiểu theo nghĩa trong Phúc Âm mà Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn; do đó, Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa tồn tại vĩnh cửu, và do đó, nó vẫn tiếp tục cho đến ngày tận thế trong ý nghĩa loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Người ta sẽ nhận ra ngay tính cách hẹp và rộng của Nước Trời nếu hiểu rõ ràng và chính xác ý nghĩa các Lề Luật, các phương tiện nên thánh và các giáo huấn của Chúa Giêsu.
Điều quan trọng khác mà Chúa Giêsu nhắc trong Phúc âm hôm nay, đó là câu nói hơi có tính thất vọng: Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được! Nếu đọc kỹ Phúc âm trước đó về hình ảnh những người đam mê của cải vật chất, sẽ hiểu tại sao các môn đệ lại hỏi Chúa: Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ? Và câu trả lời mang tính thất vọng kia sẽ trở thành thực tế, bởi vì tính cách hẹp của cửa không hệ tại cửa hẹp, mà hệ tại tấm lòng hay ý muốn của con người. Họ muốn vào mà không vào được, vì lòng họ còn đầy đam mê và những ý muốn bất chính, hoặc tâm hồn họ không hướng về Nước Trời, mà chỉ hướng về trần thế với đủ thứ cám dỗ đưa đến sa đọa và diệt vong. Họ tự đóng cửa Nước Trời chứ không phải Chúa, bởi họ khinh thường Lề Luật và các phương tiện nên thánh cũng như các giáo huấn mà Chúa đã truyền dạy!
Có thể nói cuộc đời người Kitô hữu theo Chúa luôn là hành trình đi vào cửa hẹp của Nước Trời. Bước đến Nhà Thờ các ngày Chúa Nhật hay tham dự các Bí Tích… gợi họ những quyết tâm không ngừng trong việc chọn Chúa và Nước Trời. Khi chọn Chúa thì cửa Nước Trời sẽ mở; nhưng khi xa Chúa thì họ sẽ tự động đóng cửa ấy lại! Quả thực Chúa cần ta để Ngài ban ơn cứu độ; ngược lại ta rất cần Ngài để lãnh ơn cứu độ đó.
GIỜ MỞ CỬA VÀ ĐÓNG CỬA
Thỉnh thoảng tôi nghe vài ba người giáo dân nói (có thể thật, và có thể nói chơi) với một linh mục: Khi nào lên thiên đàng, cha nhớ kéo con lên với! Dĩ nhiên vị linh mục ấy cũng trả lời cho qua lần: Một người lên cũng chưa chắc, phương chi hai người, nặng qúa rớt xuống chắc!
Qủa thật vào Thiên Đàng là kết qủa của cả cuộc sống được dệt bằng các việc lành và các nhân đức, nhất là phải được Chúa nhận ra dấu chỉ thuộc về Người khi còn sống. Đó là những điều kiện của Bài Tin Mừng hôm nay.
Tôi cũng như các bạn sẽ giống như những người muốn cùng Chủ Nhà ăn Tiệc đến gõ xin Chủ mở cửa. Nếu được Chủ mở cửa, sẽ thuộc về số phận hạnh phúc thiên thu. Nhưng nếu bị từ chối, sẽ mãi mãi mất hạnh phúc Nước Trời bên Chúa.
Điều kiện mở cửa của Chúa cho chúng ta là bước qua cửa hẹp vào Nước Trời khi còn tại thế. Cửa hẹp xem ra đơn giản với vài ba mệnh lệnh: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta… Cửa hẹp là sống theo ý Chúa khi chu toàn các giới răn, các lời khuyên Phúc âm và các bổn phận Kitô hữu như các thánh đã thực hiện, để có thể thuộc về và mang những dấu chỉ con cái Chúa.
Trong thực tế cuộc sống Kitô hữu, xem ra bề ngoài ai cũng đang bước qua cửa hẹp Nước Trời, nhưng rất có thể sẽ bị Chúa từ chối với những lời lạnh lùng khi đến gõ cửa:’Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Và cuộc đối thoại sẽ tiếp tục: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Tại sao vậy?
Vì bề ngoài sẽ không đáng kể để trở thành một Kitô hữu đích thực! Có thể trước mắt người đời, họ xem ra rất đạo đức khi tham dự lễ hàng ngày, nhất là các lễ Chúa nhật. Rất có thể họ có mặt ở nhiều hội đoàn và tặng nhà thờ tiền bạc. Rất có thể họ thường thăm viếng bệnh nhân tại các bệnh viện hay nhà hưu dưỡng. Rất có thể, theo lời họ nói, họ đã từng ăn uống với Chúa khi rước lễ hoặc tham dự tiệc tùng gây quỹ bác ái. Rất có thể họ đã nghe Chúa giảng dạy khi tham dự không biết bao nhiêu lần các phần phụng vụ Lời Chúa. Điều bất công cho họ, dù đã làm tất cả những việc ấy, vẫn bị Chúa từ chối mở cửa vì coi họ là những kẻ gian ác!
Những kẻ gian ác là ai vậy? Dựa theo cuộc đối thoại của Tin Mừng hôm nay, chắc chắn họ là những kẻ giả hình, chỉ thi hành nghi thức, mà không đem ra thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống. Có thể chính họ đã gây ra biết bao chia rẽ và hận thù trong gia đình, trong cộng đoàn và ngoài xã hội khi không tiếc lời kết án, dèm pha, vu khống, bỏ vạ cáo gian, nói hành nói xấu đủ mọi hạng người. Họ không ngại ngùng vì lợi lộc riêng tư bày mưu làm hại và cướp cả gia tài danh dự và cuộc sống kẻ khác. Họ luôn lén lút ngoại tình che dấu vợ hay chồng mình. Nói chung không còn giới răn nào nguyên vẹn tinh tuyền trong cuộc sống nội tâm của họ. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi và tình yêu Chúa từ lâu lắm rồi! Điều thảm hại là chính họ không biết mình là những kẻ gian ác! Vì thế họ cứ tự nhiên gõ cửa Nước Trời để xin Chúa mờ cho, nhưng đã qúa muộn, vì cánh cửa sự sống đã khép lại, và đời sau làm gì còn giờ để ăn năn hối cải!
Những câu kết của Phúc âm hôm nay có vẻ lạ lùng, vì những kẻ “từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” Chính kết luận của Chúa là những lời cảnh cáo gay gắt buộc chúng ta hãy bước vào đường lối từ bỏ mà Người gọi là hẹp; nhưng cũng là những lời khích lệ khi chúng ta vì cuộc sống vất vả lam lũ, vẫn sẵn sàng lắng nghe và thực hành Lời của Người một cách chân thành, vẫn kiên tâm chịu đựng những khổ nhục người đời lăng mạ, để yêu mến Chúa và anh chị em đồng loại, vẫn trung thành chu toàn bổn phận người Kitô hữu cộng tác với Giáo Hội xây dựng Nước Trời, vv… Và đấy là dấu chỉ thuộc về Chúa để hy vọng Người sẽ mở cửa Nước Trời cho chúng ta vào giờ sau hết.
Lm. Raphael Xuân Nguyên