1. PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LANCIANO, NƯỚC Ý (ITALY)
(Linh mục nghi ngờ!)
Tại thành phố Anxanum hiện nay còn giữ từ mười hai thế kỷ qua, một phép lạ vĩ đại của đạo Công giáo. Vào hồi thế kỷ thứ 8, trong ngôi nhà thờ nhỏ kính thánh Legontian, có một cha Dòng thánh Basiliô đã hồ nghi không biết Chúa Giêsu có thật trong phép Thánh Thể hay không!
Khi linh mục này dâng lễ, sau lời Truyền phép, bánh đã trở nên thịt và rượu đã trở thành máu, đông đặc lại thành năm hột nhỏ theo hình dáng khác thường.
Bánh Thánh Thịt ấy đã được giữ rất cẩn thận tới ngày nay, cũng có kích thước lớn như bánh được Giáo hội quen dùng. Bánh có mầu nâu nhạt, và trở thành mầu hồng khi chiếu ánh sáng từ phía sau dọi lại. Máu thì đông lại và ngả mầu đất, vàng vàng như mầu đất thó. Từ năm 1713, Thịt được lưu giữ trong một Mặt nhật bằng bạc chạm trổ nghệ thuật, do một nghệ thuật gia trường thành Neapoli chạm trổ. Máu được đựng trong chén kiểu nghệ thuật xưa bằng đá phalê trong suốt.
Các cha Dòng Anh em Hèn mọn thánh Phanxicô đã phục vụ thánh đường này từ năm 1252 theo lời mời của Giám mục Landulf, và của Toà thánh vào năm 1252.
Từ năm 1574, Mình và Máu Thánh đã được khảo nghiệm nhiều lần để xác định tính cách chân thực.
Năm 1970, một cuộc khảo nghiệm gồm một số khoa học gia nổi danh như giáo sư Odoardo thuộc Viện Lịch sử Chữa trị và Bệnh lý và Bệnh viện Vi trùng và Hóa học, cùng với giáo sư Ruggero Bertelli thuộc đại học Siena phụ giúp khảo sát.
Cuộc khảo sát đã đưa đến những quả quyết khoa học tuyệt đối không thể chối cãi và trở thành tài liệu với những bức hình chụp bằng ống kính hiển vi tinh xảo, có thể giúp ích cho việc tôn thờ công cộng. Giáo sư Lioni trong một cuộc hfdỏ vào ngày 4 tháng Ba năm 1971 tại nhà thờ có phép lạ đã đưa ra những kết luận sau:
– Thịt là thịt thật và Máu là máu thật.
– Thịt thành bởi các thớ thịt tim.
– Thịt và Máu là thịt và máu loài người.
– Thịt và Máu cùng một loại AB.
– Trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi.
– Trong Máu cũng có những khoáng chất: chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium.
– Sự lưu trữ Thịt và Máu trong 12 thế kỷ qua là lưu trữ cách tự nhiên, không bằng chất hóa học, giữ trong không khí thường và môi trường sinh vật mà vẫn được gìn giữ trong hiện tượng khác thường.
Khoa học quả quyết rằng, sau khi đã được khám nghiệm, đã có câu trả lời chắc chắn và thỏa đáng xác nhận tính cách chân thực của Phép lạ Thánh Thể tại Lanciano.
Những lời quả quyết trên đây được Giáo quyền xác nhận trong một cuốn sách nhỏ có chuẩn ấn của Đức Cha Leopoldo Teofili, Tổng Giám mục Lanciano.
2. PHÉP LẠ MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ
(Máu Thánh chảy trên khăn thánh)
Blanot là một làng ẩn núp tại trung tâm đất Pháp, thuộc tỉnh Côte D’Or (Bờ Biển Vàng). Blanot vào năm 1331, không có tên trong bản đồ Nước Pháp. Dù vậy, nó cũng khá quan trọng để Chúa chọn nơi vô danh này tỏ mình Ngài ra và biến Blanot thành nơi danh tiếng.
Ánh sáng mặt trời tỏa chiếu trên Blanot vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh năm 1331 chưa đủ để sưởi ấm nông thôn. Mùa đông đã tiêu hao hết nhiên liệu mà mùa xuân vẫn còn lừng khừng chưa muốn khoe sắc. Giáo dân trong cộng đoàn đã không quản ngại sự lạnh lẽo đến tham dự Thánh Lễ đầu tiên Mừng Chúa Phục Sinh, đây quả là một hành động hy sinh hiếm có. Họ bị đánh thức khỏi sự ngái ngủ ban mai do những cơn gió mãnh liệt. Mặc dầu những bức tường nhà thờ che khuất được luồng gió, nhưng vẫn không cung cấp đủ sức ấm chống với cơn lạnh. Nhà thờ cũng trống trơn chẳng có gì có thể giảm bớt giá buốt. Những người thờ phượng Chúa giờ ban mai này thật là những Kitô hữu đích danh. Không gì có thể ngăn cản họ ca tụng Thiên Chúa và tán tạ ơn Ngài, vì Ngài đã ban cho họ Ơn Cứu Chuộc.
Sáu giờ sáng, Cha Hugo de Baulmes, linh mục chánh xứ đang cử hành Thánh Lễ. Cử chỉ của ngài phản chiếu thái độ ngái ngủ lạnh lẽo của giáo dân. Ngài cũng cảm thấy lành lạnh, đôi khi ngam ngáp vì thiếu ngủ, nhưng ngài rất vui vẻ và hãnh diện được cử hành Thánh Lễ đầu tiên của Mùa Phục Sinh. Thật ra, dâng Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh là một vinh dự lớn lao, mặc dầu phải hy sinh không ít. Bởi thế mà giáo dân đã khen ngợi cha xứ hết mình. Ngài hướng dẫn cộng đoàn qua những bài thánh ca tán tụng Chúa, hát lên lời ca “Alleluia” nhiều lần.
Điểm nổi bật trong ngày đại lễ Mừng Chúa Phục Sinh, cũng như trong các Thánh Lễ, là việc lãnh nhận Mình Chúa Kytô. Khi linh mục truyền phép bánh và rượu, ngài nhớ lại hai ngày vừa qua (Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh), khi Giáo Hội, coi như đã chết vì không còn một sinh hoạt nào. Ngài quan niệm Mùa Chay rất nghiêm ngặt. Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá, Giáo Hội đã đi vào một trạng thái tối tăm, và Giáo Hội không ra khỏi trạng thái ấy cho tới bây giờ, là sáng sớm của ngày thứ ba, ngày Chúa Phục Sinh.
Khi Hiệp Lễ, giáo dân quì nơi bao lơn để đón nhận Chúa Giêsu trong Bánh Thánh Thể. Cha Hugo đang cho rước Thánh Thể, thì một trong những người chịu lễ là bà góa d’Effours, chưa rước hẳn Mình Thánh vào trong miệng, bà đã ngậm chặt lại, để tránh cho Thánh Thể không bị rơi xuống đất. Thế mà, một mảnh nhỏ của Bánh Thánh bị bể ra, và rơi xuống. Chú giúp lễ tên là Thomas Caillot đã hứng được mảnh Bánh Thánh đó trên tấm khăn chén. Đây là một mảnh vải gai, vuông khoảng 5 inches, gấp lại hai ba lần, được hồ cứng, thông thường dùng để đậy chén thánh. Tấm khăn chén cũng được dùng để hứng dưới cằm những người chịu lễ, đề phòng khi Bánh Thánh bị rơi.
Cha Hugo không hề hay biết sự việc đã xảy ra. Ngài tiếp tục cho chịu lễ. Khi ngài sắp bỏ Bình Thánh vào Nhà Tạm, bấy giờ Thomas mới nhớ tới mảnh bánh thánh đã rơi trên tấm khăn chén. Thomas kêu lên: “Cha, Cha, qua đây coi. Đây, trên tấm khăn chén, một mảnh Mình Thánh Chúa đã rơi xuống từ miệng của bà…”
Vị linh mục tiến mau tới chỗ chú giúp lễ đang cầm tấm khăn chén. Ý của ngài là sẽ đốt cháy mảnh Bánh. Nhưng khi ngài cầm lấy tấm khăn chén thì mảnh Bánh biến đi, và thay vào đó, một giọt máu xuất hiện. Tuy nhiên giọt máu không thấm qua tấm khăn chén như thông thường mọi vết máu. Giọt máu nằm trên tấm khăn chén với ba chiều kích, như một cục máu nhỏ.
Cha Hugo đem tấm khăn chén dính máu vào Phòng thánh và giặt tấm khăn bằng nước ấm. Ngài vo đi vo lại nhiều lần (ít nhất là năm sáu lần). Vết máu lan rộng nhưng không phai mầu, mặc dầu nước chảy từ tầm khăn xuống chậu rửa là máu đỏ. Sau cùng, khi biết chắc là giọt Máu không thể tẩy khỏi chiếc khăn, vị linh mục cắt phần khăn có mang vết máu và trở lại nhà thờ cùng với mảnh khăn ấy.
Hết mọi phần tử trong cộng đoàn đã chứng kiến sự lạ. Họ không muốn ra về trong khi Phép Lạ đang xảy ra. Cha Hugo đưa mảnh vải có vết máu từ Phòng Thánh ra với lòng tôn kính. Ngài xin họ đem cho ngài một Mặt nhật và long trọng đặt Chiếc Khăn thần diệu vào Mặt nhật. Ngài đã công bố cho mọi người rằng: “Hỡi những người tốt lành thánh thiện, anh chị em có thể tin rằng đây chính là Máu của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta? Tuy nhiên tôi đã vò nát nhiều lần, nhưng vẫn không có cách nào tách rời máu ra khỏi Chiếc Khăn.”
Vị linh mục rơi lệ vì vui mừng trong cơn bối rối, và rồi tạ ơn Thiên Chúa. Có thể suốt một đời linh mục, ngài chỉ biết hoạt động trong những giáo xứ nhỏ rải rác nơi vùng quê. Ngài chưa một lần bén bảng tới những nơi phồn thịnh cũng như trụ sở của Giáo Phận. Chắc ngài cũng chưa bao giờ được những lời khuyến khích trong sứ mạng truyền giáo. Có thể ngài cũng cảm thấy bị bỏ rơi do chính Đức Giám Mục, hay các linh mục bạn. Nhưng bây giờ, ngài được Thiên Chúa, Thầy Chí Thánh của ngài, ban cho một món quà phép lạ Thánh Thể. Phải chăng đây chính là lúc Chúa Giêsu nói với ngài: “Hỡi con, con đã làm việc phước đức. Cha rất hài lòng về cách con phụng sự Cha qua các linh hồn trong những năm qua”?
Tin về phép lạ được lan tràn qua những miền lân cận một cách nhanh chóng. Đức Giám Mục Địa phận Autun, Địa phận gần Blanot nhất, phái một đại diện tới Blanot vào Chúa Nhật sau ngày thứ 15 Phục Sinh. Người đại diện đem theo một đoàn linh mục và công chứng viên để giúp ngài quyết định sự chính xác của phép lạ được đồn thổi. Cha Hugo đã đưa những người chứng kiến Phép Lạ Thánh Thể ra trước mặt ủy ban điều tra. Họ tả lại những biến cố của sáng ngày Lễ Phục Sinh, khi Bánh Thánh đã biến thành Máu. Kết thúc việc thẩm vấn, ủy ban do Đức Giám Mục phái đến đã nhất trí đồng ý rằng: Thiên Chúa đã viếng thăm dân làng Blanot cách đặc biệt, qua Phép Lạ Thánh Thể.
Năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan 22 ban đặc ân cho những ai làm Lễ trong Nhà Thờ Blanot. Ngài cũng ban thưởng đặc ân cho những ai ủng hộ những lễ phục vì lòng tôn kính phép lạ và những ai đi kiệu Thánh Thể. Rất nhiều người hành hương tuôn đến Blanot. Tấm khăn chén thấm Máu Thánh được đặt trong một hộp đựng thánh tích bằng thủy tinh. Blanot đã trở thành trung tâm của những giáo đoàn hành hương.
Chiếc khăn thần diệu được nghiên cứu một lần nữa vào thế kỷ 18 do Đức Giám Mục Địa phận Autun. Ngài xác nhận rằng chiếc khăn vẫn còn được duy trì một cách an toàn, mầu của Máu vẫn còn đỏ tươi, và những đường chỉ của vải đã không tiêu tan qua quãng thời gian hơn 400 năm từ khi phép lạ xảy ra.
Trước cuộc Đảo Chính Pháp, những chuyến hành hương và những cuộc rước bị ngăn cản do các linh mục xứ. Tại Pháp, mối tương giao giữa dân chúng và Giáo Hội đang trong tình trạng nguy hiểm. Các linh mục kêu trách rằng những người hành hương đã nên cớ cho rượu chè và trụy lạc, gây nên phạm thượng hơn là tôn kính những kỷ niệm phép lạ. Mối bất bình đã lên tới tột điểm trong thời gian Đảo Chính. Những nông dân đã xâm chiếm nhà thờ Blanot và đã phá tan tành. Có người còn muốn phá hủy hòm di tích chứa tấm vải thần diệu, nhưng những người địa phương đã ngăn cản. Một số người cùng với một nữ tu đã giấu Phép Lạ Thánh Thể trong một nhà riêng. Phép Lạ Thánh Thể được tôn kính tại đây vào những ngày Chúa Nhật và những ngày Lễ Kính, cho tới khi sự đe doạ do Đảo Chính chấm dứt. Sau đó di tích được trả lại cho Giáo Hội.
Vào năm 1831, ngày kỷ niệm 500 năm phép lạ, những nghi lễ long trọng được cử hành tại Nhà Thờ Blanot, nơi tôn kính vĩnh viễn Tấm Khăn chén Thấm Máu Thánh đã được cung hiến. Thánh tích luôn được trưng bày tại đó quanh năm. Ngày nay, hơn 650 năm sau biến cố phép lạ, tấm vải vẫn còn trong tình trạng tốt. Vết máu vẫn còn trông thấy. Vào Lễ Mình Thánh Chúa, chiếc khăn thần diệu được mang theo sau Kiệu Thánh Thể trong cuộc rước.
Trích dịch cuốn This Is My Body and This Is My Blood của Bob & Penny Lord.
3. PHÉP LẠ THÁNH THỂ OFFIDA
(Máu Thánh tuôn trào lần thứ hai ở Lancianô năm 1273)
Những nhân vật chính trong câu chuyện kỳ lạ này là một đôi vợ chồng mới cưới, Ricciarella và Giacômô (Giacôbê) Stasiô, con lừa, và một mụ phù thủy. Thật ra, hôn nhân của họ đã không được Thiên Chúa chúc phúc. Chính ra khi đã thành vợ chồng hai người phải nên một, nhưng họ đã sống riêng rẽ đơn độc. Giacômô không hề để ý chăm sóc yêu thương vợ, trái lại chàng chỉ biết đến con lừa và coi nó hơn vợ mình. Trong khi đó chị Ricciarella khao khát một đời sống lứa đôi tốt đẹp. Chị nghĩ, nếu vợ chồng chị yêu thương nhau thắm thiết thì hạnh phúc biết bao. Chị đã không bao giờ để ý đến việc trả thù về cách đối xử tàn tệ của chồng đối với chị, cho dù chị biết rằng chồng chị đã phản bội và đi ngoại tình với người khác.
Sức chịu đựng của Ricciarella có hạn và nàng mong muốn một đời sống ấm êm bên người chồng lý tưởng. Để đạt mục đích này, chị đã nhờ đến một mụ phù thủy. Mụ phù thủy này nổi tiếng trong việc mang lại sự kích thích tính dục cho những đôi vợ chồng hờ hững trong việc chăn gối. Thế rồi, mụ ta truyền cho Ricciarella như sau:
“Hãy đi rước lễ, nhưng đừng nuốt. Đem Mình Thánh về nhà, đặt lên bếp và đốt thành tro. Sau đó, lấy tro bỏ vào rượu hoặc canh rồi đưa cho chồng uống. Chị sẽ thấy chàng bị kích thích và ‘khiêu dâm cực độ như mèo cái kêu gào tìm đôi’. Xong đâu đó hãy cho ta biết hiệu quả.”
Mụ phù thủy vừa truyền lệnh xong, máu trong tim Ricciarella chạy dồn dập. Chị bị một hấp lực thúc đẩy mạnh mẽ và hành động rất nhanh lẹ việc quái ác này. Tuy nhiên, vì là người công giáo, nàng đã được dậy dỗ giáo lý cẩn thận, nên chị biết đây là một tội phạm thánh. Vì vậy, chị đã phải vật lộn với lương tâm không ít trước khi quyết định thực hiện một hành động tinh ác này.
Sau cùng, chị đã quyết định quá táo bạo và mù quáng, chị đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, và rước Chúa. Tim chị đập mạnh trong lúc chị lập đi lập lại âm mưu toan tính mình sẽ thực hiện. Tới giờ Hiệp Lễ, Ricciarella ra vẻ như một Thiên Thần nhỏ lên rước Mình Thánh Chúa. Sau khi lãnh nhận Mình Thánh, chị liền quay khỏi vị linh mục để có thể lấy Mình Thánh Chúa ra khỏi miệng. Chị còn cẩn thận liếc lia lịa xung quanh, xem có ai thấy hành động của mình không.
Xong đâu đấy, chị vội rời nhà thờ và chạy nhanh qua các đường phố Lancianô cho đến khi tới nhà. Hai bàn tay bỗng rung rất mạnh, chị vội nhóm lửa và đặt nồi đất lên. Khi nồi rất nóng, chị vất Mình Thánh vào nồi và Mình Thánh bắt đầu cháy khói. Tâm hồn bị dày vò, chị không thể nào nhắm mắt được và quên đi hành động quái ác chị đang thực hiện. Nhưng một sức mạnh vô hình thúc đẩy chị tiếp tục công việc điên cuồng này là: chị quá mơ ước được chồng sẽ thương yêu và chăm sóc mình tận tình. Bỗng nhiên, Mình Thánh Chúa hóa nên thịt đỏ tươi, và bắt đầu chảy máu quá nhiều. Lạ lùng hơn nữa, chính giữa miếng thịt đó vẫn giữ nguyên vẹn hình dạng tấm Bánh Thánh và máu tiếp tục tuôn chảy từ tấm Bánh Thánh.
Chị hốt hoảng lo sợ và không biết phải làm sao? Trong khi đó Máu Chúa cứ chảy ra đầy hết đáy nồi, và bắt đầu trào lên một cách nhanh chóng. Chị vội lấy sáp ong và đất đổ vào nồi. Sáp ong và đất đầy nồi, nhưng máu vẫn thấm qua đất và sáp ong tràn lên tới miệng nồi. Hoảng hốt, chị chộp vội lấy chiếc khăn trải bàn và bọc xung quanh nồi. Phân vân không biết phải bỏ ở đâu, chị liền chạy ra chuồng lừa, đào một lỗ dưới đống phân lừa. Chị chôn cái nồi cùng với Thánh Thể và khăn bàn.
Chiều hôm ấy, khi chồng về, Giacômô nhận thấy con lừa tỏ thái độ bướng bỉnh khác thường, nó nhất không bước chân vào chuồng. Giacômô đã dùng mọi cách, nào vỗ về, nào vuốt ve, rồi đẩy, nhưng tất cả đều không kết quả, con lừa cứ đứng sừng sững nhất định không vào chuồng. Sau cùng, Giacômô lấy roi và bắt đầu quất lừa. Lừa đau đớn rống lên thảm thiết và miễn cưỡng đưa chân vào trong chuồng. Con vật nằm xuống gần nơi đống phân, như trong tư thế tôn thờ một vật gì?
Giacômô từ trước đến nay không bao giờ trách mắng và xử tàn nhẫn với Ricciarella. Nhưng từ khi biến cố con lừa khó vâng lời xẩy ra, Giacômô trách mắng vợ vì thái độ của con lừa, đổ tội cho chị đã bỏ cái bùa mê hoặc vào chuồng lừa. Giacômô nổi khùng quật chị túi bụi bằng cây roi chàng đã dùng để quất con vật. Thế là cuộc sống hỏa ngục bắt đầu từ đây. Ricciarella cảm thấy lương tâm cắn rứt. Chị bắt đầu lấy làm lạ tại sao mụ phù thủy lại có sức mạnh tàn khốc như vậy. Những điều hứa hẹn đã không thấy, thật là “tiền mất tật mang.” Tai hại hơn nữa, sự chung thủy và yêu thương gần gủi nhau càng ngày càng trở nên tệ, trong khi đó chị mỗi ngày càng cảm thấy cắn rứt vì mang nặng tội lỗi quái gở.
Ricciarella đã sống trong tình trạng này trong bảy năm. Tính tình chị đổi khác thường và trở nên tức giận với mọi việc mọi người. Cách cư xử của chồng càng ngày đối sử với chị càng tệ. Điều này làm cho chị tin đó là một hình phạt của Thiên Chúa giáng phạt trên mình chị. Chị thất vọng cực độ. Chị không thể nhận thấy rằng Thiên Chúa sẽ mãi mãi tha thứ cho mình. Nỗi ray rứt nhất chị cảm thấy là đã xúc phạm đến Thiên Chúa, chị xúc phạm một tội không thể tha thứ. Sau cùng, chịu không được, chị ước muốn đi xưng tội để giải thoát sự đau khổ trong trái tim và linh hồn. Nhưng khổ nỗi, chị thiều tin tưởng và tự ái quá ác, chị nghĩ, mình không có can đảm chấp nhận sự hổ thẹn khi xưng thú tội tầy đình này với linh mục.
Sau cùng, trong thời gian ròng rã suốt 7 năm, chị sống như người không hồn, Ricciarella đã mạnh dạn liên lạc với vị tu viện trưởng của tu viện Augustinô gần nhất ở Lancianô. Vị tu sĩ này quê quán ở Offiđa, chính ngài đã giúp đỡ chị tận tình và gỉai thoát chị. Thế rồi Ricciarẹlla đã xưng thú hết trọng tội của mình với vị linh mục. Ngài đi theo Chị về nhà. Họ đi thẳng vào chuồng lừa, đào qua lớp phân đã bị chất đống lại hơn bảy năm. Khi vị tu sĩ này thấy chiếc khăn và mở ra, ngài thấy dưới đáy nồi Mình Chúa Chúa đang chảy máu nhưng không hề bị hư hỏng chút nào trong mấy năm qua.
Ngài lấy khăn và chiếc nồi đất chứa đựng Mình Thánh Chúa mang đi. Ngài không nói cho ai biết đến biến cố này. Ricciarella cảm thấy khuây khỏa vì tội ác của mình không bị tiết lộ ra bên ngoài. Nhờ vậy, hai vợ chồng chị cảm thấy gắn bó và thông cảm với nhau hơn. Trong khi đó, để tránh liên lục đến Ricciarella, vị tu sĩ đó mang Phép Lạ Thánh Thể ra khỏi thành phố Lancianô. Ngài muốn sự vinh hiển của Phép Lạ Thánh Thể sẽ được tôn vinh mãi mãi, không muốn bị quên lãng, nên ngài đã đưa về thành phố Offiđa, quê hương của ngài?
Cũng vì lý đó, vị linh mục xin phép các Bề trên rời khỏi tu viện. Vài ngày sau, ngài rời Lancianô cách âm thầm. Ngài mang Mình Thánh Chúa đến Cha Michael Mallicani, tu viện trưởng tu viện Thánh Augustinô ở Offiđa. Cha Mallicani ôm lấy Phép Lạ như sản nghiệp vô giá của Offiđa, và lập tức xây một nhà thờ để tôn kính Phép Lạ Thánh Thể này. Đây là năm 1280, bảy năm sau khi Ricciarella đã phạm tội phạm thánh.
Cha Mallicani di chuyển rất nhanh. Cũng trong năm đó, Ngài và một tu sĩ khác đến Venice đặt mua một mặt nhật mà sau này trở thành nhà chứa đựng Phép Lạ Thánh Thể. Họ thuê một người thợ vàng làm việc đó trong bí mật. Sau khi làm xong, cha Mallicani đã đặt Phép Lạ Thánh Thể vào và hai tu sĩ khác liền trở về Offiđa bằng thuyền. Nhưng lúc đó, người thợ vàng quyết định tiết lộ cho Công Tước thành Venice, tức là chính địa phương tại đó biết bí mật. Rất ước ao lấy lại Phép Lạ Thánh Thể cho riêng tỉnh của mình, Công Tước ra lệnh lấy thuyền đuổi theo và chận lại chiếc thuyền đang đưa hai tu sĩ và Phép Lạ Thánh Thể trở về Offiđa.
Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp! Trong lúc thuyền của Công Tước đuổi gần tới thuyền chở hai tu sĩ, thình lình biển Adriatic động mãnh liệt và hai tu sĩ thoát nạn. Hai tu sĩ tạ ơn Chúa và họ đổ bộ lên bến Ancôna, an toàn trở về tu viện tại Offiđa. Mặt nhật được đặt trong nhà thờ Offiđa, và Phép Lạ Thánh Thể còn gữi nguyên vẹn cho đến ngày nay.
4. PHÉP LẠ THÁNH THỂ WALLDURN NƯỚC ĐỨC (GERMANY) NĂM 1330
(Trong Máu Thánh có hình Chúa)
Vào thế kỷ 14, Chúa Giêsu đã cho chúng ta nhiều Phép Lạ Thánh Thể để đối phó với những nhóm rối đạo “Chống Thánh Thể” khắp cả Âu Châu. Mỗi lần Ngài bày tỏ chính mình trong hình thức này, phép lạ kéo theo sau một sự kính cẩn đổi mới với Thánh Thể, và sự trở lại đại thể với Giáo Hội và các Nhiệm Tích.
Năm 1330, ở phố nhỏ Walldurn nằm giữa Frankfurt và Wurzburg, Chúa đã ban cho chúng ta một trong những ơn đặc biệt này. Dù vậy, chút xíu nữa Walldurn cũng hòng chống lại Ngài. Lần kia, một vị Linh Mục cao niên, tên Heinrich Ottô, đang dâng Thánh Lễ tại Nhà Thờ Thánh George ở Walldurn. Sau khi giơ cao Mình Thánh và Chén Thánh để truyền phép, ngài va mạnh vào Chén Thánh và làm đổ Máu Cực Thánh Chúa Giêsu lên chiếc khăn thánh. Ngài lo ngại vì sự vụng về của mình, nhưng sự lo ngại trở thành sửng sốt khi xem thấy những gì xuất hiện trên khăn thánh. Rượu đã trở thành Máu thật, làm thành một hình Chúa Kitô Tử Giá. Hình Chúa Giêsu Tử Giá được 11 đầu Chúa Giêsu đội mão gai bao quanh.
Cha Ottô mất bình tĩnh. Toàn thân ngài run lên. Theo bản năng, ngài muốn che dấu sự sai lầm của mình là đã làm đổ Máu Thánh Chúa Giêsu trên chiếc khăn thánh. Ngài không nghĩ ra sự rủi ro này là một ơn trên được ban xuống. Đúng ra ngài phải giơ Chiếc Khăn Thánh Lạ Lùng lên cao cho cộng đồng thấy, chúc tụng Chúa vì đã ban ơn này cho giáo dân thuộc Nhà Thờ Thánh George qua cách thực hiện bất xứng của mình. Nhưng ngài đã không làm thế. Ngài đẩy tấm khăn thánh qua một bên và tiếp tục dâng Thánh Lễ. Chúng ta thực không biết vị Linh Mục đã có những xúc cảm nào ngoài sự xấu hổ và hối hận vì đã gây nên tai biến ấy.
Khi Thánh Lễ bế mạc và cộng đồng đã ra về, Cha Ottô mở tấm khăn thánh ra một lần nữa để xem khi sự vô ý xảy ra cặp mắt mình có đáng tin cậy không. Cảnh tượng được Chúa Giêsu miêu tả trên bức họa huyền diệu này càng hiện lên rõ ràng hơn lúc ban đầu. Đó là hình Chúa Giêsu trên Thánh Giá, ở thế bị đóng đinh. Quanh Ngài là 11 đầu Chúa Kitô Tử Giá, tất cả đều quấn mão gai. Vị Linh Mục nhìn chằm chằm vào Hình Ảnh Thiên Quốc vì dường như nó mang vẻ vĩnh cửu. Ngài nhìn quanh Ngôi Giáo Đường. Xem ra chỉ có mình ngài. Ngài lấy chiếc khăn thánh và dấu trong cái bàn bên dưới Bàn Thờ. Ngài rất cẩn thận trong việc che dấu này để không ai có thể tìm ra.
Vì sao có 11 đầu Chúa Giêsu đội mão gai chung quanh hình Chúa Kitô Tử Giá? Đây là Phép Lạ Thánh Thể duy nhất được Thiên Chúa ban cho chúng ta với sứ điệp huyền nhiệm hoặc tượng trưng. Có hai lối giải thích: 1)Mười một Tông Đồ lìa bỏ Chúa Giêsu khi Ngài chịu đóng đinh. Dưới chân Thánh Giá, chỉ có Gioan, Môn Đệ Chúa Yêu, khóc thương Ngài. Mười một trong mười hai Tông Đồ chịu Tử Đạo vì Chúa Giêsu. Chỉ có Gioan, Môn Đệ Chúa Yêu chết già.
2) Lý do thứ hai là từ lúc sự lạ xảy ra đến khi ngài đành tỏ lộ bí mật, vị Linh Mục phải chịu sự dằn vặt tâm trí cả thể. Ít lâu sau biến cố ấy, ngài lâm bệnh. Ngài không thể làm phai nhạt Hình Ảnh tấm khăn thánh khỏi tâm trí. Đêm, ngày Hình Ảnh ấy cứ ám ảnh ngài. Vị Linh Mục biết rằng mình không nên che dấu phép lạ này. Tuy nhiên, càng bị dằn vặt, ngài nghĩ tình trạng càng tệ hơn nếu cuối cùng ngài khai thú. Tuy nhận ra rằng phép lạ phải được chia sẻ cho toàn thể Giáo Hội, nhưng ngài vẫn do dự.
Giờ lâm chung đã đến. Vị Linh Mục biết rằng mình không thể chết nếu không gỡ mình khỏi tội chểnh mảng này, nó đã ám ảnh ngài từ ngày biến cố ấy xảy ra. Ngài mời một Linh Mục bạn và xưng thú đầu đuôi câu chuyện cho Linh Mục ấy. Cha Ottô xin Linh Mục kia chờ khi mình đã chết mới lấy tấm khăn thánh ra khỏi chỗ ẩn giấu. Phép lạ phải được chia sẻ cho tất cả mọi người để nhờ đó họ được củng cố trong đức tin vào sự Hiện Diện Thể Lý của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Cha Ottô cảm thấy rằng làm như thế ngài sẽ được tha tội. Vị Linh Mục bạn ban phép giải tội cho Cha Ottô. Sau khi làm việc đền tội, Cha Ottô qua đời bình an.
Linh Mục đã giải tội cho Cha Ottô và vài Linh Mục bạn chạy vào Thánh Đường để nhìn tận mắt phép lạ Cha Ottô đã nói. Họ tiến đến cái bàn bên dưới bàn thờ là nơi cất giấu phép lạ và đã tìm thấy tấm khăn thánh mang vết máu. Sự việc y như Cha Ottô đã thuật lại cho họ. Vết máu và hình Chúa Kitô Tử Giá vây quanh bởi 11 đầu đội mão gai vẫn còn đó. Họ quì xuống tôn kính phép lạ vĩ đại mà Chúa Giêsu đã ban cho họ.
Trong một nghi lễ trang trọng, tấm khăn thánh được phô bày để các tín hữu tôn kính. Walldurn trở thành nơi hành hương của dân Đức cũng như dân Âu Châu. Hàng ngàn khách hành hương đến Walldurn để kính viếng tấm khăn thánh. Về phần Chúa Giêsu, Ngài ban thưởng cho khách hành hương nhiều phép lạ, chữa nhiều bệnh tật và làm nhiều người trở lại. Kết quả là một sự trở về đại thể với các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể.
Năm 1445, Phép Lạ Thánh Thể Walldurn được gửi sang Roma để được những nhà chức trách Roma điều tra. Đức Thánh Cha Eugenê IV, Đấng 3 năm trước đây đã xác nhận một Phép Lạ Thánh Thể khác ở Ferrara, nước Ý, rất thích thú cho điều tra phép lạ này. Các Linh Mục ở Walldurn đem ra tất cả văn kiện viết về tấm khăn thánh từ giây phút họ lấy nó ra khỏi chiếc bàn bên dưới Bàn Thờ. Vị Linh Mục giải tội cho Cha Ottô đã viết lại tất cả những gì Cha Ottô nói với ngài về phép lạ.
Đức Thánh Cha Eugenê IV phê chuẩn, xác nhận Phép Lạ Thánh Thể Walldurn và ban Đại Xá cho ai tôn kính khăn thánh trong tuần bát nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khăn thánh được đưa về Walldurn trong hân hoan. Một thánh đường xinh đẹp được kiến thiết để tôn kính Phép Lạ Thánh Thể. Khăn thánh được đặt trên bàn thờ chính của thánh đường cho người ta tôn kính. Qua bao thế kỷ, những tội nhân cứng lòng bước vào nhà thờ liền ăn năn thống hối và, trong nước mắt họ tìm gặp cha giải tội.
5. PHÉP LẠ THÁNH THỂ LÀNG SANTAREM, NƯỚC BỒ (PORTUGAL)
(Mình Thánh Tỏa sáng)
Santarem, một làng nhỏ tại Bồ Đào Nha, tọa lạc giữa Fatima và thủ đô Lisbon, cách Fatima chừng 35 dặm. Vào khoảng giữa năm 1225 hay 1247, có một phụ nữ cư ngụ tại Santarem. Bà là người quá bất hạnh và luôn yên trí rằng: chồng không thương yêu và đã thất trung thất tín với mình. Thế rồi bà ta đã dùng mọi mưu mô mánh khóe để chồng chiều chuộng và để ý đến mình. Nhưng bà ta hoàn toàn thất bại! Đau khổ quá, bà tìm đến với một mụ phù thủy như một giải pháp cuối cùng. Mụ phù thủy hứa rằng, chồng chị sẽ cải thiện và sống yêu đương chị nếu chị hứa mang cho mụ một tấm Bánh Thánh.
Điều kiện này đã làm cho bà rất lo sợ, vì bà biết rằng đây là một sự quái gở phạm sự thánh. Tuy nhiên, vì quá đau khổ, cuối cùng bà đành chấp nhận. Bà đi dự lễ và lên rước Thánh Thể tại Thánh Đường Thánh Stêphanô. Nhưng thay vì nuốt Mình Thánh, bà lập tức rời thánh đường, lấy Mình Thánh khỏi miệng và gói vào một chiếc khăn, rồi lanh lẹ đem nộp cho mụ phù thủy!
Nhưng lạ chưa, dọc đường, Mình Thánh bắt đầu rỉ máu. Tuy nhiên, bà không hề hay biết, cho đến khi những người qua đường nhìn bà chằm chằm, vì họ tưởng bà bị xuất huyết. Quá hoảng sợ, bà vội vã trở về nhà, bỏ khăn ra và đặt Mình Thánh vào một đáy rương. Suốt ngày hôm đó cho đến tối, bà chờ đợi chồng trong lo sợ. Đến khuya chồng về nhưng bà giấu không hề hé môi, sau cùng hai vợ chồng đã đi ngủ. Cả đêm đó, bà không sao ngủ được, tâm hồn bà bị dày vò vì tội phạm sự thánh và bà luôn nghĩ rằng, không biết Mình Thánh có còn chảy máu nữa hay không?
Tảng sáng, hai vợ chồng tỉnh giấc vì những tia sáng chói lòa từ chiếc rương. Không giấu nổi nữa, người vợ đành thú tội với chồng. Thế rồi cả hai đã quì thờ lậy Thánh Thể cho tới sáng. Sáng sớm, ánh sáng càng rực rỡ từ chiếc rương đã thu hút bao khách qua đường đến chật nứt ngôi nhà của bà. Tất cả mọi người đã chứng kiến phép lạ cách tỏ tường. Thế rồi phép lạ đã đến tai cha xứ. Ngài vội vã đến nơi xẩy ra phép lạ và đã nghe bà kể lại tỉ mỉ. Xong đâu đó, cha xứ long trọng rước Thánh Thể về nhà thờ. Ngài đặt Thánh Thể vào trong một hộp tráng sáp và đặt trong Nhà Tạm.
Tưởng thế là xong, một phép lạ khác lại xảy ra. Lần kia khi cha xứ mở cửa Nhà Tạm, hộp tráng sáp đựng Thánh Thể đã bị vỡ tung thành trăm mảnh. Thế vào đó, ngài đã làm một hộp pha lê đựng Máu Thánh. Hộp đó đã được giữ cẩn thận ở ngôi thánh đường này cho đến ngày nay. Từ đó, ngôi thánh đường đã được đổi là: “Thánh Đường Phép Lạ”. Từ ngày phép lạ xảy ra, hằng năm, vào Chuá Nhật thứ hai trong Tháng Tư, dân địa phương đã diễn lại sự kiện trên, và Phép Lạ Thánh Thể đã được long trọng cung nghinh từ ngôi nhà xảy ra phép lạ về nhà thờ chính. Từ năm 1684, căn nhà này đã trở thành nhà nguyện để cho khách thập phương kính viếng.
Phép Lạ Thánh Thể Santarem chỉ rời thành một lần vào lúc quân đội Napôlêon chiếm Bồ Đào Nha vào năm 1810. Vì dân làng lo sợ sự phạm thánh do tay những người Pháp, nên Thánh Thể đã được Đức Giám Mục Lisbon chuyển đi nơi khác. Ngài đã đặt Thánh Thể để các giáo hữu Lisbon tôn kính. Có người cho rằng ngài muốn giữ Thánh Thể vĩnh viễn tại thánh đường Pacao. Dân thành Santarem hay tin đã nổi giận và mở một cuộc biểu tình quá gây cấn. Thế rồi, Phép Lạ Thánh Thể đã được đem về Santarem cách bí mật trong ngày 2/12/1811 nhưng dân Lisbon không hay biết gì. Phép Lạ Santarem được cất giữ cẩn thận và ít khi được đem ra trưng bày. Tuy nhiên, khách hành hương dễ dàng đến kính viếng và chiêm ngắm Máu Thánh. Mình Thánh được đặt trong một mặt nhật bằng vàng có 33 tia sáng cho tới ngày nay.
Bánh Thánh có hình khác thường với những đường máu chảy từ trên xuống dưới và người ta đã thu được một số lượng máu ở hộp đựng Bánh Thánh.
Bác sĩ Hoagland ở New Jersey đã đến viếng Bánh Thánh nhiều lần và nhận thấy rằng có nhiều lúc máu có mầu như máu tươi, có những lúc như máu chết.
Máu Thánh vẫn còn ở thể lỏng tới 750 năm sau khi Phép Lạ xảy ra vào đầu thế kỷ 13.
Sau khi được sự chuẩn nhận của giáo quyền Nhà Thờ Thánh Stêphanô được đổi tên là “Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể.”
6. PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LÀNG BOIS ISAAC, NƯỚC BỈ (BELGIUM)
(Mình Thánh Chúa dính chặt vào khăn)
Ở nước Bỉ có một làng nhỏ được gọi là Ittre, cách Brussels 15 dặm về hướng Nam. Ittre không có tên trên bản đồ. Tất nhiên nó không phải là trung tâm du lịch. Năm 1405, Chúa Giêsu đã chọn nơi này để ban cho chúng ta món quà đặc biệt của chính Ngài trong một Phép Lạ Thánh Thể.
Chàng thanh niên Chúa đã chọn để tuôn đổ ơn phúc của chính Ngài trong Phép Lạ Thánh Thể Bois Isaac (Rừng của Chúa Isaac) là Gioan đệ Bois (Gioan Rừng cây). Chàng là một thanh niên quí tộc và là người thừa kế của Chúa Isaac. Đời chàng thì đủ chuyện: trai gái, ăn chơi hội hè, cỡi ngựa, nhiều sự sang trọng khác của một người thuộc hạng quí tộc, không làm chi cả và lôi thôi đủ điều. Ngày nay ta sẽ liệt anh ta vào hạng trụy lạc. Đối với ta, tất nhiên đây không phải là hạng người đáng lãnh nhận phép lạ cả thể của Chúa Giêsu. Chàng ta không có một đức tính nào, đối với suy luận loài người, cần phải có để đáng lãnh nhận ơn cao cả này. Sự vớt vát duy nhất ta thấy nơi anh là chàng Gioan này cũng có những điểm như Thánh Phanxicô Assisi. Anh đã thừa hưởng một gia sản thiêng liêng của các tổ tiên tức lãnh chúa Isaac, người có mối tương quan đặc biệt với Đức Mẹ; lúc bấy giờ lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn còn chìm lắng.
Vào thế kỷ thứ 11 lãnh chúa Isaac đã bỏ tiền xây một nhà nguyện tôn kính Đức Mẹ. Một tượng Mẹ được đặt trong ngôi nhà nguyện, dưới tước hiệu “Mẹ Ơn Sủng và Niềm An ủi.” Ngôi nhà nguyện đã trở nên Đền Thánh Đức Mẹ cho nhiều người dân địa phương. Nhiều phép lạ và những cuộc lành bệnh đã được nhận như do sự cầu bầu của Đức Mẹ tại đền thánh này. Rồi năm 1336, một cơn dịch thảm khốc phát ra, thúc đẩy lòng dân rỡ tượng Mẹ khỏi căn nhà nguyện. Họ rước kiệu cùng với tượng Mẹ đi khắp cả nước, khẩn xin Mẹ cầu bầu cho họ trước nhan Chúa nhân từ, xin Chúa chặn đứng cơn dịch. Mặc dầu lời cầu xin của họ được nhậm lời cơn dịch đã chấm dứt nhưng tượng Mẹ không trở về ngôi nhà nguyện nữa. Trong 69 năm tiếp đó căn nhà nguyện không được dùng làm đền thánh, cho đến khi Phép Lạ Thánh Thể xảy ra.
Miêu duệ lãnh chúa Isaac tức Gioan Bois không phải là người xấu. Anh vẫn giữ đạo Công giáo của tổ tiên. Nhưng cũng như những người khác, nhất là hàng quí tộc, chàng chỉ mang danh Công Giáo thôi. Đối với chàng tinh thần và Đức Tin cũng là quá đủ rồi. Lúc ấy đương mùa Xuân, một tốt để chàng nghĩ đến những vấn đề của con tim hơn là tôn giáo. Vào ngày Thứ Ba trước Lễ Hiện xuống, khoảng nửa đêm, chàng đang ngủ say trên giường. Ta không đoán được chàng đã mơ thấy gì, nhưng chắc rằng giấc mơ chẳng liên quan gì với những gì sắp xảy ra. Có tiếng nói êm dịu, hùng hồn đánh thức chàng. Khi mở đôi mắt ngái ngủ ra, chàng thấy trước mặt một thanh niên trạc 30 tuổi, mang chiếc áo khoác màu xanh có viền bằng lông chồn. Một làn sáng toát ra và bao quanh Người Thanh Niên ấy. Khuôn mặt Ngài xịu xuống. Cặp mắt Ngài đăm chiêu nhìn Gioan, khiến chàng tỉnh ngủ mau chóng. Gioan giật mình vì làn sáng và sự hiện diện khó hiểu của Người Thanh Niên trong phòng ngủ của mình.
Gioan hỏi xem Ngài cần gì. Trước khi trả lời Chàng Thanh Niên mở chiếc áo khoác ra. Thân hình Ngài đầy những vết sẹo, vết bầm và thương tích rỉ máu. Gioan muốn ngoảnh mặt đi nhưng mắt chàng không thể rời khỏi hình ảnh đáng thương của thân hình người ấy. Ngài đã bị đánh đập dã man. Một lần nữa đôi mắt Người Thanh Niên xuyên thấu lòng Gioan. Cuối cùng Ngài nói:
“Hãy nhìn xem họ bạc đãi tôi như thế nào. Hãy kiếm cho tôi một lang y và một quan tòa, người sẽ biện hộ cho tôi.”
Gioan hoảng hốt hoang mang. Tâm trí chàng rối bời. Chàng cảm thấy một sự buồn sầu khó hiểu khi nhìn vào thân mình bị hành hạ quá dã man của Người Thanh Niên này. Chàng lắp bắp, xin lỗi vì không thể tìm lang y đến vào giữa lúc đêm khuya như thế. Về việc tìm một quan án hay vị quan chức nào đó giúp đem những kẻ gian ác ra trước pháp luật, Gioan không thể giúp mặc dầu chàng nhớ mình luôn hãnh diện với người ta vì mình có ảnh hưởng đến những bậc vị vọng. Tuy nhiên, lúc này chàng buộc phải nói lên sự thật về địa vị của mình. Chàng không biết làm cách nào để giúp vị khách không mời mà đến này lãnh nhận được công lý.
Người khách không tỏ ra dấu gì bất mãn. Ngài nói tiếp như chưa hề nghe Gioan trả lời.
“Anh đã có thể tìm thấy lang y cách dễ dàng nếu anh biết chỗ tìm.” Ngài nói tiếp: “Làm sao tôi lại không bị bao phủ bởi những vết thương? Mỗi ngày họ đều lại gây nên những vết mới.” Rồi Người Thanh Niên mở rộng chiếu áo khoác ra và chỉ vào vết thương lớn nhất ở cạnh sườn, bên dưới trái tim. Ngài nói, “Vết thương này giầy vò tôi nhiều nhất.”
Gioan không nói lên lời. Chàng tiếp tục nhìn Người Thanh Niên đang đứng trước mặt mình. Người Thanh Niên khép áo vào. “Nếu anh không tìm được thuốc cho tôi, ít là hãy đặt bàn tay anh lên các thương tích để xoa dịu tôi. Hãy làm những gì anh có thể. Tôi sẽ biết ơn anh cho đến khi anh có thể giúp tôi nhiều hơn… và tôi đã tha thứ cho thế gian.” Nói đến đây, Ngài biến mất.
Không có sự gì chứng tỏ Gioan đã đặt tay lên những thương tích Người Thanh Niên. Chúng tôi không được biết ngày hôm sau chàng có nói với ai về chuyện này hay không. Chúng tôi chỉ biết chắc rằng tối hôm sau Gioan lại đi ngủ, và lại gặp Người Thanh Niên trẻ tuổi.
Người Thanh Niên hiện ra với Gioan cũng cách thức như đêm trước. Ngài lại chỉ cho Gioan những vết thương của mình. Ngài tỏ ra phật lòng vì Gioan đã không làm gì để giúp phần chữa trị những vết thương trên mình Ngài. Ngài cũng nói với Gioan, “Chẳng lẽ tôi phải nổi cơn thịnh nộ với thế gian bịt tai lại trước những lời rên xiết của tôi?” Gioan không đáp lại. Có lẽ vì chàng chưa biết được vị khách ấy là ai, và Ngài muốn nói gì với mình.
Tuy nhiên, ngày hôm sau chàng bắt đầu phản ứng. Anh ta chia sẻ sự việc ấy với những người trong gia đình. Thật dễ đoán được phải ứng của họ. Hầu hết họ gạt câu chuyện ấy đi bằng những lời lẽ cho rằng vì chàng đã ăn chơi nhiều quá, hay đã ăn phải những thứ không hợp tì vị. Họ chẳng tin một lời nào anh nói. Cả chính anh cũng chẳng thâm tín. Nhưng anh ta không thể quên được hình ảnh Người Thanh Niên với những vết thương. Hình ảnh ấy ám ảnh chàng suốt ngày hôm ấy. Tối hôm đó chàng bảo người em trai cùng ngủ với mình. Chàng cần thêm vài sự chứng thực. Sự việc này có thật sự xảy ra không hay vì chàng là nạn nhân của tâm trí mình.
Đêm hôm ấy, Người Thanh Niên lại hiện ra với Gioan. Lần này được phấn khích do sự hiện diện của em trai, Gioan mạnh dạn nói với Bóng Người: “Nếu tôi gọi lang y, tôi phải bảo ông ta đến nơi nào? Tôi không biết Ngài là ai, cư ngụ ở đâu.” Cuối cùng Người Thanh Niên biết mình đã chiếm được lòng Gioan. Ngài trả lời, “Hãy lấy chìa khóa nhà nguyện và vào đấy. Ở đấy anh sẽ gặp tôi, và sẽ biết tôi là ai.”
Rồi một sự lạ xảy ra. Gioan cảm thấy mình ngất trí. Ngày nay ta gọi là “xuất thần”. Chàng thấy mình lìa khỏi xác, được di chuyển đến nhà nguyện bởi những năng lực bởi trời. Sự chú ý của chàng gắn chặt vào Tượng Chịu Nạn của Chúa Cứu Thế treo phía trên bàn thờ. Tượng ấy để lộ hình Chúa Giêsu đầy thương tích, vết thương lớn nhất ở nơi nương long, bên dưới trái tim. Tượng này rất giống với hình ảnh Người Thanh Niên đã 3 lần hiện ra với chàng. Cuối cùng, anh ta hiểu ra rằng chính Chúa Giêsu đã đến với mình. Lòng chàng được tràn đầy Thánh Thần của Chúa Giêsu, và đã hiểu được tất cả những gì Chúa muốn nói với mình.
Tình trạng xuất thần chấm dứt. Anh ta được đem trở lại giường. Tim anh đập thình thịch. Anh quay sang hỏi xem em trai mình đã thấy gì. Em chàng đang ngủ say. Gioan không chia sẻ được gì về những sự việc đã xảy ra với người em. Chàng đánh thức người em, và sau khi quở trách vì đã không thức để bảo vệ chàng, Gioan chia sẻ với em trai những gì đã xảy ra. Giờ đây tình thế đảo lộn trên Gioan. Chàng thấy mình ở cương vị Người Thanh Niên, cố gắng giải thích cho em mình, đang nửa mơ nửa tỉnh, chẳng hiểu tí gì Gioan đang nói với anh ta.
Suốt đêm hôm ấy tâm hồm Gioan rạo rực. Anh không thể ngủ được nữa. Anh ta không biết ngày hôm sau mình phải làm gì, nhưng chàng biết mình phải làm điều gì đó. Chàng hoàn toàn phó mình cho Chúa trong tất cả những gì Ngài muốn về chàng. Chàng đã trở lại và được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Khi Chúa muốn chuyển động thì trái đất và mọi sự trên mặt đất cũng chuyển động. Các sự việc bắt đầu thành hình. Mọi thành phần đều nằm vào đúng chỗ. Đêm ấy cha sở, Phêrô Ost, nghe thấy một tiếng gọi thầm kín bên trong. Một giọng phát từ trời nói “Hỡi Phêrô, sáng mai ngươi hãy đến Nhà Nguyện Bois Isaac và dâng Thánh Lễ tôn kính Thánh Giá.” Ngài không buộc phải dâng Thánh Lễ ban sáng, vì Ngài dự định dâng lễ tại chính thánh đường Ngài vào buổi chiều. Hơn nữa 3 ngày trước đây Ngài đã dâng Thánh Lễ tại ngôi nhà nguyện ấy. Vì thế việc này quả là chuyện bất thường. Nhưng Cha Phêrô Ost là con người của đức tin và tuân phục. Sự Ngài không biết rõ đây là việc gì không quan trọng. Ngài cảm thấy Chúa đang nói với mình, và Ngài đã tuân theo.
Cha Phêrô Ost dậy sớm, và bắt đầu cuộc hành trình vượt qua rừng cây đến Nhà Nguyện Bois Isaac. Đến nơi, Ngài mở cửa nhà nguyện, rung chuông báo cho dân địa phương biết Thánh Lễ sắp được cử hành. Giáo dân lần lượt tiến vào thánh đường. Nhưng người đầu tiên bước vào, mặc dầu không phải khách lạ đối với dân chúng, nhưng là người xa lạ đối với ngôi thánh đường. Người đó là Gioan Bois, chàng cũng chẳng hiểu vì sao mình lại hiện diện ở đây.
Khi vị Linh Mục bắt đầu dâng bánh rượu, Ngài mở chiếc khăn thánh ra và đặt vào vị trí để dâng hiến. Lúc Ngài cầu nguyện, Ngài thấy một miếng của tấm Bánh Thánh lớn nằm trên tấm khăn thánh mà Ngài đã dùng dâng lễ Thứ Ba vừa rồi. Hôm đó cũng chính là ngày Chúa Giêsu hiện ra với Gioan lần thứ nhất.
Một luồng sợ hãi xuyên thấu thân mình Ngài. Vị Linh Mục nghĩ rằng chắc trong Thánh Lễ mình đã làm rớt mụn Bánh Thánh xuống trên khăn thánh và đã gấp lại sau Thánh Lễ. Ngài tìm cách nhặt Bánh Thánh khỏi tấm khăn thánh. Cha Phêrô định sẽ chịu Mình Thánh sau khi truyền phép. Tuy nhiên, xem như Mình Thánh dính chặt vào khăn thánh, không chịu rời ra. Khi Ngài cố sức kéo ra, Máu tươi từ Bánh Thánh bắt đầu chảy ra nhỏ giọt. Bánh Thánh vẫn không đổi hình dạng, vẫn màu trắng, nhưng Máu Thánh vọt ra chung quanh Mình Thánh.
Vị Linh Mục cảm thấy đôi chân mình quị xuống. Ngài thấy sinh lực mình tan biến. Căn phòng bắt đầu quay cuồng. Ngài vịn bàn thờ để giữ thăng bằng. Gioan thấy sự việc xảy ra và chạy đến bên bàn thờ. “Cha đừng sợ. Phép Lạ này đến từ Thiên Chúa.” Ban đầu vị Linh Mục nghi ngờ nhìn Gioan; nhưng Ngài thấy trong đôi mắt Gioan một ánh nhìn và một sức mạnh nội tâm phát ra từ chàng. Cha Phêrô lấy lại tự chủ và tiếp tục dâng Lễ. Ngài gấp chiếc khăn thánh có mang Mình Thánh rỉ máu, và dùng khăn mới dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, trong lúc dâng Lễ Ngài cứ chú ý đến tấm khăn thánh ấy và nhận thấy vết máu càng lúc càng lớn hơn.
Sau Thánh Lễ, Cha Phêrô mở khăn thánh kia ra để xem máu từ Bánh Thánh còn chảy ra không. Bánh Thánh vẫn màu trắng, nổi trên vũng máu. Mọi người dự Lễ đều chứng kiến Phép Lạ.
Vị Linh Mục đau buồn vì nghĩ rằng đó là tại lỗi lầm của mình. Nếu Ngài chịu hết Bánh thánh và không chừa lại mảnh vụn trên khăn thánh khi dâng Lễ 3 ngày trước thì đâu có việc gì xảy ra.
Trong 5 ngày Máu Thánh vẫn tiếp tục chảy ra từ Mình Thánh, cho đến Thứ Ba sau Lễ Hiện Xuống. Máu không tuôn chảy nhưng từ từ và đều đặn chảy ra. Khi ngừng chảy, Máu Thánh chiếm một khoảnh diện tích rộng độ 3 inches và dài 6 inches trên tấm khăn thánh. Trong vòng vài tuần sau, Máu Thánh đã khô hoàn toàn.
Lúc này đây, những vị chức trách giáo quyền địa phương đã lấy làm hứng thú với tấm khăn kỳ lạ ấy và mang khỏi Thánh Đường Bois Isaac để điều tra. Giám Mục Thành Cambrai, Đức Cha Phêrô đệ Ailly, đã thí nghiệm khăn lễ bằng những cuộc thử nghiệm ghê sợ, trong đó có cả sự ngâm vào rượu, sữa, và kền. Ơn phép lạ của Chúa vẫn đứng vững dưới tất cả những cuộc thí nghiệm này. Sức mạnh đức tin của bao nhiêu người trong nhóm điều tra, hay những nhân viên văn phòng giám mục được hồi phục do kết quả của việc Chúa Giêsu đành chịu để chính mình bị ngâm, đâm chọc và ăn mòn trong kền?
Đúng lúc ấy, sự gì đã xảy ra cho anh chàng bê bối Gioan Bois? Chàng trở nên sốt sắng. Trong 6 năm trời chàng dùng thế lực của một người thuộc hàng quí tộc, lồng lộn tìm đủ mọi cách cầu xin đức giám mục trả tấm khăn thánh về Nhà Nguyện Bois. Gia đình và bạn hữu cho rằng chàng lập dị, bị mất hồn vì chiếc khăn dính máu này. Đức Giám Mục biết rằng mình không thể yên thân cho đến khi làm theo lời Gioan yêu cầu. Ngày 3.5.1411, vị Phó Giám Mục đã thánh hiến nhà nguyện để tôn kính Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, tôn kính Đức Mẹ cũng như Thánh Gioan Tẩy Giả. Phép Lạ Thánh Thể được trả về nhà nguyện.
Gioan Bois rất hài lòng, nhưng xem ra chàng chẳng bao giờ có thể tha thứ cho mình vì đã không nhạy cảm với Chúa Giêsu trong 2 lần đầu tiên Ngài hiện ra dưới hình Người Thanh Niên. Nhìn lại quá khứ, chàng không thể hiểu được vì sao mình lại không hiểu được đó chính là Chúa Giêsu đang khẩn xin sự giúp đỡ của mình. Gioan tiếp tục làm phiền Giám Mục Ailly, sau này thành Hồng Y. Sau hơn 2 năm bị Gioan nài nỉ, ngày 23.09.1413, Đức Hồng Y mở một cuộc điều tra để công khai xác nhận tính cách xác thực của phép lạ.
Đức Hồng Y gọi mình là một tín hữu đơn sơ, cá nhân Ngài hoàn toàn tin rằng sự can thiệp của Chúa đã làm nên Phép Lạ Thánh Thể tại Bois Isaac. Nhưng Ngài muốn tiến hành theo như Giáo Luật. Vì thế sự thử thách dành cho Chúa Giêsu và Gioan lại được bắt đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không cho phép thời gian thử thách quá lâu vì chỉ 17 ngày sau, ngày mồng 10.10.1413, một Tông Chiếu được ban hành, xác nhận tính cách xác thực của Phép Lạ. Đức Hồng Y cũng ban lệnh mỗi năm phải rước kiệu Thánh Thể cùng với sự tôn kính Mẹ Maria đã được ban chuẩn cho Nhà Nguyện trước biến cố phép lạ xảy ra. Từ đó đến nay mỗi năm đều có tổ chức rước kiệu, trừ trong thời gian Cách Mạng Pháp, và có lẽ thời gian Quân Đức Quốc Xã chiếm đóng tại Bỉ.
Phép Lạ Thánh Thể vẫn còn được phô bày trong thánh đường ở xã nhỏ Ittre, nước Bỉ. Khách hành hương khắp cõi Âu Châu đến đền thờ này để kính viếng ơn đặc biệt Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
(Minh Ngọc trích dịch từ cuốn THIS IS MY BODY, THIS IS MY BLOOD)
7. THÁNH THỂ BIẾN MẤT, TẠI XỨ BÙI THÁI, VIỆT NAM
(Chúa không muốn ngự vào lòng kẻ còn thù hận nhau)
Tại Xứ Bùi Thái, tỉnh Biên Hòa, giáo phận Xuân lộc, Việt nam, có một gia đình làm nghề giết và bán thịt chó. Nhiệm vụ của ông chồng là giết chó, còn nhiệm vụ của bà vợ là đem thịt ra chợ bán. Vào quãng năm 1984 bà nhà lâm trọng bệnh. Cha chính xứ Bùi Thái lúc ấy là Cha Bách, được mời đến để ban các phép cuối cùng và cho chịu Của Ăn đàng. Cha xứ tới ban phép Giải tội và Xức dầu xong, khi trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt thì không thấy Mình Thánh trong hộp đựng Mình Thánh đâu! Ngài tưởng mình quên, nên chỉ khuyên bảo bệnh nhân đôi lời rồi ra về.
Ngày thứ Hai, trước khi tới nhà bà ấy, Cha Bách đã nhắc mình nhớ lấy Mình Thánh Chúa. Ở tại nhà kẻ liệt, khi ngài làm các lễ nghi xong, tới lúc mở hộp đựng Mình Thánh Chúa ra, Ngài cũng chẳng thấy Mình Thánh đâu. Thật lạ lùng, chẳng hiểu tại sao. Sau đó, ngài cũng lại âm thầm trở về.
Tới lần thứ ba, Cha Bách mới nói với Ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ biết hôm trước ngài đem Mình Thánh đến nhà kẻ liệt mà thấy Mình Thánh Chúa biến mất. Lần này ngài xin ông ấy làm chứng ngài đã lên nhà Thờ lấy Mình Thánh Chúa để đem tới nhà kẻ liệt. Nhưng kết quả lần thứ ba này cũng như hai lần trước: khi mở hộp Mình Thánh Chúa ra thì cũng chẳng còn Mình Thánh Chúa nữa. Cha Bách và Ông Chủ Tịch trở về đầy kinh ngạc.
Tới lần thứ tư, Cha Bách cùng với ông Chủ Tịch đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt như 3 lần trước. Lần này trước khi mở hộp đựng Mình Thánh Chúa ra thì Cha Bách hỏi bệnh nhân:
– Đã ba lần cha đem Mình Thánh cho con, mà cả 3 lần Mình Thánh Chúa đều biến mất. Vậy để lần này Chúa khỏi biến mất đi như trước thì con xét mình lại xem con có điều gì ngăn trở cho được chịu lễ chăng?…Trong những lần xưng tội vừa qua con có xưng tội nên không? Có giấu tội không?
– Thưa cha, con không giấu tội.
– Vậy không hiểu tại sao Mình Thánh Chúa biến đi? Bà nhớ coi, trong gia đình có sự hòa thuận yêu thương nhau không?
– Thưa Cha, không có hòa thuận, vì trước đấy có mấy lần con đi bán thịt về, bán không được giá, phải bán rẻ, nhưng nhà con không hiểu lại hồ nghi con giấu tiền hay làm thế này thế nọ nên giữa con và chồng con từ đó không tin tưởng và yêu thương nhau nữa!
– Nếu vậy thì con hãy làm hòa với ông ấy để xứng đáng Chúa ngự vào lòng con. Chúa không muốn ngự vào những tâm hồn giận ghét nhau.
Cha xứ cho mời ông chồng đến bên giường. Hai vợ chồng làm hòa cùng nhau. Sau đó ngài mở hộp đựng Mình Thánh Chúa ra thì Mình Thánh Chúa vẫn còn. Bệnh nhân đã được Rước lễ, sau đó mấy ngày thì qua đời.
Chính Ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ Bùi Thái kể lại câu truyện này khi ông ấy lên dự tuần tĩnh tâm tại Thủ đức, tỉnh Gia định để gia nhập Gia Đình Đồng Công do Linh mục Trần đình Thủ, Bê trên Sáng lập Dòng cho tổ chức.
(Tu sĩ Kim Ngân, CMC. thuật truyện)