NIỀM VUI CỦA LÒNG THỐNG HỐI
Mahatma Gandhi, người cha của dân tộc Ấn độ, đã kể lại một kỷ niệm mà ông nhớ mãi:
“Tôi phạm tội ăn cắp khi lên 15 tuổi. Vì mắc nợ, tôi đã lấy trộm chiếc vòng bằng vàng của cha tôi để trả nợ. Nhưng sau đó tôi không thể chịu được sự ray rứt trong tâm hồn.Quá xấu hổ nên tôi không thể mở miệng nói ra sự thật với ba tôi, mà phải viết lời thú tội vào một tờ giấy.
Toàn thân tôi run lên khi trao miếng giấy thú tội cho ba tôi. Ông đã đọc, nhắm mắt lại một chút, rồi xé miếng giấy đi. Ông khẽ nói và choàng tay ôm tôi: ‘Tốt lắm!’
Từ ngày đó tôi lại càng yêu ba tôi hơn.”
Lòng thống hối thường bắt đầu bằng một nỗi buồn, nỗi buồn khi ý thức được sự mất mát lớn lao do lỗi của mình. Mất mát càng nhiều thì càng buồn hơn, và càng ghét tội mình đã phạm nhiều hơn.
Buồn và ghét tội làm cho tâm hồn thấy ray rứt. Nhưng lòng thống hối không dừng lại ở sự ray rứt trong tâm hồn, mà còn thúc, còn ép người ta phải đứng lên, phải trở về để thú nhận tội lỗi, và quyết tâm chừa tội.
Mùa Chay là mùa thống hối? Đúng! Nhưng lại là mùa của niềm vui.
Sao thế?
Vì tại điểm tận cùng của nỗi buồn mất mát, người thống hối luôn gặp được người Cha nhân lành, với hai cánh tay dang rộng đầy ơn tha thứ.
Mái đầu cúi xuống càng sâu trong tâm tình sám hối, lại càng thấy rõ hơn khuôn mặt dịu hiền và nhân hậu của Thiên Chúa, người Cha trên trời.
Vì thế, Mùa Chay không phải là thời gian của âu sầu, ủ rũ: “khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6,16), mà là thời gian hồi tâm để thấy rõ những gì mình đã mất khi lìa xa Chúa, rồi quyết định, và thực hiện. “Vậy nó ra đi và trở về với cha nó”.
Tất cả qui hướng về niềm vui được sống trong tình thương bao la của Chúa, được phó thác tất cả cuộc đời cho tình yêu Chúa.
Để có sức mạnh mà lên đường trở về, chỉ cần nhìn lại tình yêu và sự chăm sóc của Chúa, người ta sẽ thấy rằng không đâu hạnh phúc hơn được sống dưới mái nhà xưa, trong vòng tay Thiên Chúa:
Kìa, hãy xem! Chính Chúa đã đưa dân Do thái vào Đất Hứa để sống tự do: “Hôm nay, Ta đã cất sự nhơ nhớp của Ai cập khỏi các ngươi!”.
Trong cuộc lữ hành đó, Chúa luôn ở bên họ, và manna là bài trường ca về sự chăm sóc liên tục của Chúa cho dân Người trong suốt cuộc lữ hành, không để họ phải thiếu gì, cho đến khi vào được Đất Hứa, đến khi “họ ăn các thức ăn địa phương”.
Cũng thế, trên đường lữ hành về quê trời tìm đến hạnh phúc thật, lúc nào chúng ta cũng có Chúa ở bên. Bao nhiêu khó nguy, bao nhiêu thử thách cũng không ngăn cản được người con muốn về với Cha trên trời, về tới Đất Hứa, dù sức họ có yếu đuối:“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Ơn Chúa và Lời Ngài là manna đem lại cho họ sức mạnh thần thiêng, và sự no đủ thiêng liêng cho đến khi về tới quê trời.
Ơn Chúa bao trùm cả cuộc sống, nhưng ma quỉ và thế gian thường nói với chúng ta đó là chuyện thường tình, để chúng ta không thấy được tình thương bao la của Chúa trong từng biến cố nhỏ nhặt trong cuộc sống:
Vâng, người ta tạ ơn Chúa khi được khỏi bệnh, nhưng lúc khoẻ mạnh thì họ lại chẳng thấy có gì đáng tạ ơn! Hơn nữa, chẳng những không thấy tình thương trong ơn Chúa, mà còn coi đó là bổn phận của Cha trên trời.
Hai người con trong ngụ ngôn “Người con hoang đàng” đều bắt đầu xa lìa cha từ suy nghĩ đó. Người em đã nói: “xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”; còn người anh thì trách cha: “bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha, mà không bao giờ cha cho con một con bê nhỏ”. Cả hai đều quên mất hạnh phúc thật, và gia sản thật của họ – rộng lớn biết bao – là tình thương của người cha: “mọi sự của cha đều là của con”.
Một người hết sức giầu có đến gặp Mẹ Têrêxa Calcutta và nói: “Con xin dâng cho Mẹ số tiền này, xin Mẹ cho ai đó đến thăm con. Con gần như bị mù, bà vợ con gần như quên lẫn, con cái chúng con thì đã ra nước ngoài cả rồi, còn chúng con thì đang chết dần mòn trong cô đơn’.
Từ chuyện đó, Mẹ Têrêxa đã nói về sự nghèo đói của những người no đủ của cải trần gian: “Những con người cô đơn như vậy đang thiết tha mong ước có được giọng nói đầy tình thương của ai đó đến thăm họ.”
Cũng vậy, người tránh xa Chúa, Đấng ở bên họ, luôn bị dằn vặt bởi cái đói trong tâm hồn: “Dầu ở đâu, dầu quay hướng nào, bạn cũng vẫn thấy khổ, bao lâu bạn không biết hướng nhìn về Chúa” (Imit. I, XXII, 1).
Vì thế “hãy giao hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5,20) để được no thoả với tình yêu của người Cha. Người luôn chạy ra ôm lấy đứa con trở về và hôn nó hồi lâu. Lòng sám hối giúp chúng ta cảm nghiệm được niềm vui bởi tình yêu Chúa: “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi”.
Cả cuộc đời khi đó trở nên một bài trường ca ngợi khen Chúa: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”.
Lm. HK
[audio:https://storage.driveonweb.de/dowdoc/f14d298ff0d2f362f5178ee8e08985ce.mp3|autostart=yes]
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.