Thánh Phanxica Rômana, Quả Phụ Nữ Tu (1384-1440)
Thánh Phanxica sinh năm 1384 tại kinh thành La Mã trong gia đình quý tộc và đạo đức. Ngay từ buổi thiếu thời, thánh nhân đã có được nhiều đức tính như nhu mì, đơn sơ, trầm lặng, nết na, và không để cho mình bị lôi kéo theo cuộc sống thác loạn xa hoa của người đời. Ngài thường lui tới các bệnh viện và các trại tế bần để an ủi và chăm sóc các bệnh nhân, vì ngài thường nói: “Chính ở đó, Chúa dạy tôi nhiều bài học”.
Khi lớn, Phanxica vâng lời cha mẹ đi kết hôn và sinh hạ được hai trai một gái. Trong cuộc sống gia đình, thánh nữ luôn tỏ ra là một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền và tận tâm.
Sau khi đã chu toàn bổn phận gia đình, thánh nữ đã dâng mình cho Chúa trong nhà dòng do chính ngài sáng lập. Ngài qua đời ngày 09/3/1440, hưởng thọ 56 tuổi. Xác người được mai táng trong nhà thờ của tu viện. Nơi đây, Chúa đã làm nhiều phép lạ do lời cầu bầu của thánh nữ.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1608.
————————————————————————
9/3 – Thánh Frances Rôma (1384-1440)
Cuộc đời của thánh Frances kết hợp nhiều phương diện của đời và đạo. Là một người vợ tận tụy và yêu thương, bà muốn sống đời cầu nguyện và phục vụ, cho nên bà nhóm họp một số phụ nữ để phục vụ nhu cầu của dân nghèo ở Rôma.
Dù cha mẹ là người giàu có, Frances lại thấy mình bị thu hút vào đời sống tôn giáo từ hồi còn trẻ. Nhưng cha mẹ bà phản đối và chọn chồng cho bà là một đàn ông quý tộc. Khi đã quen với những người thân mới, Frances thấy rằng người vợ của anh chồng cũng muốn sống cuộc đời phục vụ và cầu nguyện. Thế nên hai người, Frances và Vannozza, được chồng cho phép đi giúp người nghèo.
Frances bị bệnh một thời gian, nhưng điều này càng làm bà cảm thương những người chịu đau khổ mà bà gặp. Nhiều năm trôi qua, Frances sinh hai cậu con trai và một cô con gái. Với nhiều trách nhiệm gia đình, người mẹ trẻ này chú tâm hơn vào công việc gia đình. Gia đình êm ấm nhờ bàn tay chăm sóc của bà, nhưng trong vài năm, bệnh dịch bắt đầu hoành hành nước Ý. Bệnh càn quét cả Rôma dữ dội và con trai thứ hai của bà bị chết. Cố gắng vượt qua đau khổ, bà lấy hết số tiền và bán tài sản để mua những thứ mà người bệnh có thể cần dùng. Khi cạn kiệt, Frances và Vannozza đi xin từng nhà. Sau đó, con gái của Frances cũng chết, bà mở rộng cửa nhà như một bệnh viện.
Frances càng tin rằng cách sống như vậy rất cần cho mọi người, không lâu trước khi bà được phép thành lập nữ tu hội (society of women) không giữ lời khấn. Đơn giản là họ dâng mình cho Chúa và dấn thân phục vụ người nghèo. Khi tu hội được thành lập, bà không sống trong cộng đoàn mà vẫn ở nhà với chồng. Bà sống như vậy 7 năm. Khi chồng mất, bà đến sống chung với chị em, phục vụ những người nghèo khổ nhất.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Vatican.va)
——————————————————————————-
Thánh Francesna Romana, một đấng thánh luôn có thiên thần hộ mệnh ở bên.
Roma, ngày 5 tháng 3 năm 2009 (Zenit.org) – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ đến viếng mộ và tu viện của Thánh Francesna Romana ở Forum Romain, ở giữa Colosseum và Capitol vào ngày 9 tháng 3 sắp đến, là một đấng thánh luôn có được một thiên thần hộ mệnh kề bên. Để tránh xa mọi cám dỗ, bà được một ân sủng đặc biệt là nhìn thấy vị thiên thần luôn ở bên cạnh cho đến lúc qua đời.
Nữ thánh là con gái của Paolo de Bussi và Giacobella de Roffredeschi. Bà sinh tại Roma vào năm 1384. Từ thuở nhỏ, bà đã quen thuộc với việc đền tội, bà bắt đầu học hỏi về đời sống của các nữ thánh và mỗi ngày bà thường đi viếng các thánh dường trong vùng để lãnh nhận những ân xá. Mẹ của bà nhờ Cha Antonio di Savello, một linh mục Dòng Biển Đức ở Santa Maria Nuova, làm linh hướng
Từ nhỏ bà đã muốn sống cuộc đời tận hiến, muốn vào tu trong một tu viện, nhưng đến năm 12 tuổi thì cha của bà đã hứa gã bà cho Lorenzo Ponziani, nên ước vọng của bà không thành tựu. Nhưng bà luôn được nhà chồng giúp đỡ để toại ý nguyện. Người chị dâu là bà Vanozza vợ của người anh cả Lorenzo luôn khích lệ bà sống cuộc đời đạo hạnh ăn chay và hãm mình. Bà được Cha Antonio di Monte Savello hướng dẫn và cho bà chịu phép giải tội mọi ngày thứ tư, còn đức tin thì được thụ huấn với cha viện trưởng Saint Clement thuộc Dòng Đa Minh vào mỗi ngày thứ bảy.
Francesna bị bệnh nặng bất thình lình và tình trạng quá trầm trọng giữa sự sống và sự chết suốt một năm trường. Bà tỏ ra luôn rất bình tĩnh, nhưng gia dình bà và nhất là cha của bà thí quá lo lắng và cho đây là một hình phạt dành cho ông vì ông đã ngăn cản không cho phép bà đi tu.
Một vị thánh khác ở Roma là thánh Alexis đã hiện ra với bà và hỏi bà có muốn lành bệnh không, và lần thứ hai thì nói với bà là Chúa muốn bà còn ở lại thế gian để làm vinh danh Chúa.Thánh Alexis đã lấy chiếc áo choàng khoát cho bà và sau đó thì biến mất, và bà đã hoàn toàn bình phục. Bà đến gặp Vanozza và kể lại tất cả mọi sự việc và hối hã thúc dục cùng người chị dâu đến thánh đường Thánh Alexis ở Santa Maria Nuova để cầu nguyện và tạ ơn.
Sau đó, hai người đàn bà này cùng quyết định từ bỏ mọi thú vui vô ích của những mệnh phụ quí phái, dành trọn thì giờ để cầu nguyện và làm các công việc từ thiện. Dân chúng ở Roma xem hai bà như những đấng thánh và ước ao bắt chước gương sáng của hai bà. Ma quỷ đánh phá quyết liệt nên Chúa đã cho bà Francesna nhìn thấy thiên thần hộ mệnh của mình hòng làm lắng dịu các cơn cám dỗ và khích lệ các công việc bác ái.
Bà sinh con đầu lòng là Gioan Baotixita vào năm 1440. Bà nuôi nấng và dạy dỗ theo truyền thống công giáo, sửa chữa lỗi lầm và răn đe tính nóng giận của Gioan. Năm kế tiếp, mẹ chồng bà qua đời, bà phải thay thế cai quản sự nghiệp dòng họ Ponziani bằng gương sáng nhân từ và đạo đức.
Khi nạn đói và bệnh dịch lan tràn ở Roma, Francesna và Vanozza làm mọi công việc cứu trợ đến kiệt quệ cả thể xác lẫn tài sản đến nổi họ phải đi ăn xin để giúp đỡ những kẻ nghèo khổ bệnh tật. Chúa cũng khuyến khích các bà bằng một vài phép lạ. Lorenzo, chứng kiến công việc của bà với nhiều ngạc nhiên nên ông đã dành quyền cho bà tự do làm điều bà mong muốn. Bà đem bán tất cả những áo đẹp, những nữ trang, phân phát cho người nghèo và mặc áo vải thô màu xanh xấu xí. Khi bà được 20 tuổi thì sinh người con thứ hai là Gioan Evangelista, tứ lúc nhỏ Gioan đã tỏ ra có nhiều đưc tính thánh thiện. Ba năm sau thì bà còn sinh thêm được một người con gái, đặt tên là Agnes cũng có đức tánh giống mẹ từ tuổi nhỏ.
Vào năm 1409, Roma trở nên loạn lạc, Lorenzo chồng bà đứng ra bảo vệ Giáo Hội, ông bị bọn phiến loạn đâm bằng dao nhưng thoát chết, một thời gian sau ông bị bắt cầm tù và chúng đòi bà Francesna phải đưa người con trai lớn làm con tin, không thể từ chối bà phải đưa Gioan Baotixita đến Capitol và đi vào trong nhà thờ Ara Coeili cầu nguyện; quỳ trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, bà nghe: “Con đừng sợ, mẹ ở đây để bảo vệ con”; khi tên phiến loạn bồng Gioan bỏ lên ngựa thì con ngựa đứng tại chổ không chịu đi, sau đó chúng đành trả Gioan Baotixita lại cho bà Francesna đang cầu nguyện trong nhà thờ.
Trong năm kế tiếp, Ladislas Durazzo đánh chiếm được thành Roma, Francesna vẫn tiếp tục công việc từ thiện của bà trong khi gia đình đã phải chạy đi lánh nạn khỏi thành Roma. Bà quá đau khổ khi người con thứ Gioan Evangelista chết, nhưng sau một năm Gioan hiện về báo cho mẹ mình biết cảnh hạnh phúc và vinh quang trên thiên đàng và cũng báo cho bà biết là Agnes cũng sắp về thiên đàng với Gioan trong một ngày rất gần.
Trong lúc đó thì Francesna lại bị lây bệnh truyền nhiểm vì săn sóc người bệnh, mọi người đều xa lánh bà, chỉ trừ có Vanozza luôn bên cạnh bà mà thôi. Chinh lúc này bà thấy nhiều hình ảnh khủng khiếp về hỏa ngục.
Sau khi Ladislas Durazzo chết thì thành Roma trở lại hòa bình; gia đình Ponziani trở về lại Roma và nhận lại mọi tài sản; Lorenzo từ chối moị chức quyền trở vê sống cuộc đời đạo hạnh. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1425, ở Santa Maria Nuova, bà Francesna cùng với chín bà mệnh phụ ở Roma, thành lập Hội Dòng Đức Bà Maria, liên hệ với Dòng Biển Đức ở Mont Olivet. Hội Dòng này được Đức Giáo Hoàng Eugène IV công nhận vào năm 1444. Tuy là đấng sáng lập Dòng, bà phải đợi cho Lorenzo chồng bà qua đời bà mới thực thụ trở thành nữ tu sống trong nhà Dòng.
Bà qua đời ngày 9 tháng 3 năm 1440 và lời cuối cùng của bà như sau: “Cửa trời đang mở rộng, các thiên thần đang bay xuống, tổng lãnh thiên thần đã hoàn tất nhiệm vụ, ngài đang đứng trước mặt tôi và ra dấu bảo tôi đi theo ngài.”
Pt Huỳnh Mai Trác