Năm Quý Tỵ mới toanh đang chờ đón mỗi chúng ta bước tới. Quý vị và các bạn có những mơ ước nào hay những dự định nào cho năm mới chưa?
Trước thềm năm mới, người Tây phương có truyền thống đưa ra “New Year’s Resolutions” hay “Những Cam Kết Đầu Năm”, là những lời hứa nguyện từ bỏ những thói hư tật xấu của năm cũ, rồi ra sức rèn tập và thực hiện những điều tốt đẹp trong năm mới, với hy vọng sẽ làm cho đời sống được đổi mới và thăng tiến.
Trong thực tế, có rất nhiều người hăng hái làm cam kết vào ngày đầu năm, nhưng trong năm thì chẳng có mấy ai thực hiện nổi các ước nguyện của mình.
Tạp chí Times, số đầu năm 2012, có tường trình về 10 lời cam kết đầu năm dễ bị “bỏ cuộc” nhất:
1. Lời cam kết “tập thể dục để giảm cân”, để cho thân thể được gọn gàng và khỏe mạnh. Đây là điều ước nguyện đầu năm phổ biến nhất. Sau một năm ăn uống thả giàn, người ta cảm thấy cần phải kiêng cử trở lại, rồi tập thể dục để giảm cân. Tháng giêng, các câu lạc bộ tập thể dục đầy ắp người đến; nhưng chỉ đến vào giữa tháng hai, thì trở lại cảnh vắng lặng đìu hiu như xưa, với khoảng 60% người bỏ cuộc. Vì sao vậy? Chỉ vì đa số có khuynh hướng lười biếng, có vậy thôi!
2. Dứt khoát “bỏ tật hút thuốc lá”. Cái tật xấu này tốt tiền quá sức, lại làm răng vàng, áo quần đầu tóc ám khói hôi hám, gây tổn hại sức khỏe và làm phiền đến nhiều người chung quanh nữa. Hiện nay, có nhiều phương cách giúp bỏ thuốc lá như thuốc dán, kẹo nhai, thậm chí thuốc lá giả vv. Tuy vậy, chỉ có khoảng 15% ít ỏi từ bỏ được thói quen nghiện chất nicotine mà thôi.
3. Ước muốn “học một kỹ năng gì mới” như học tiếng Anh, học tiếng Pháp, học nấu ăn, học chụp hình, học đàn piano, học hát. Có quá nhiều điều thú vị để học hỏi và tận hưởng. Tuy vậy, khi vào học, mới thấy phát âm tiếng Anh sao “chua” quá, còn văn phạm tiếng Pháp sao “rối rắm” quá. Đàn piano đòi hỏi phải tập dượt thường xuyên mỗi ngày. Trở ngại trong học hỏi khiến không ít người cụt hứng rồi bỏ ngang.
4. Cương quyết “ăn kiêng”. Bớt thịt thà, thay vào cá, lại thêm nhiều rau trái. Ăn uống có chừng mực trở lại. Nhưng có một số người, ban đầu quá hăng hái, tự xử mình quá khắt khe, để rồi phải “đầu hàng” sau đó.
5. Ước nguyện “trút bỏ nợ nần và dành dụm tiền bạc”. Thời buổi kinh tế chao đảo, công ăn việc làm khó khăn; phải thanh toán cho hết nợ nần, rồi dành dụm đề phòng cho tương lai. Nhưng sao cái áo kiểu mới nhìn thanh lịch quá! Nhưng sao chiếc xe đời mới nhìn thấy tuyệt quá! Hay thôi, hãy dời chuyện tiết kiệm thanh toán nợ nần qua thêm một năm nữa đi!
6. Mong được “dành nhiều thời giờ hơn cho gia đình và họ hàng”. Đầu năm, vợ chồng con cái xúm xít bên nhau, rồi cùng thăm viếng ông bà cha mẹ chú bác dì dượng anh chị em trong dòng họ, thật là vui. Máu mủ huyết thống mà, tự nhiên là quyến luyến thôi. Nhưng ngày đầu năm qua đi, rồi thì công ăn việc làm cũng đâu giảm bớt chút nào. Thế là lại tất bật, bù đầu bù cổ y như từ nào đến giờ; con cái còn không có thời giờ, nói chi ra tới họ nội họ ngoại.
7. Muốn được “đi du lịch đó đây”. Đi chơi, thưởng ngoạn và tận hưởng những điều lạ mắt vui tai, ai mà không thích. Nhưng công việc dày đặc. Tiền bạc eo hẹp. Kinh tế suy thoái. Vợ chồng con cái chưa chắc rãnh rỗi một lúc để cùng đi.
8. Cầu mong “được giảm thiểu căng thẳng” trong cuộc sống. Có thể đây là điều cầu mong khó thực hiện nhất, trong thế giới đầy xáo động thay đổi như hiện nay, khi một người phải luôn gánh vác nhiều trách nhiệm, từ trong gia đình ra đến công ăn việc làm mỗi ngày.
9. Muốn “được tham gia vào các việc thiện nguyện”. Muốn giúp người già, cứu tế người đói, giúp đỡ trẻ em mồ côi hay người khuyết tật, góp một bàn tay xây sửa trường học công viên vv. Nhưng thực tế cuộc sống là, kiếm tiền còn dễ hơn là kiếm thời giờ rãnh. Cuối cùng, nhiều người góp tiền hơn là có mặt.
10. Ra sức “để giảm bớt rượu bia”. Uống ít thì đỡ bệnh tật, đỡ tốn tiền, đỡ phiền hà dọn dẹp, đỡ gây gỗ, lại được “bà xã” thương. Nhưng, như người mình có nói rằng “rượu vào lời ra”. Nhậu nhẹt có bè có bạn, hơi men ngà ngà, lời ra tiếng vào ôm sồm sôi động, không sao từ chối được.
Các bạn thân mến,
Trong thực tế, muốn từ bỏ thói hư tật xấu cũ, muốn xây dựng một lối sống mới lành mạnh thành công, không phải là chuyện dễ dàng, không chỉ nương nhờ vào ý chí hay nghị lực bản thân mà làm được đâu.
Thế thì, bạn và tôi cần điều gì, mới có thể đổi thay, mới có thể trở nên mới, mới đủ sức thực hiện những ước mơ nguyện vọng tốt lành của mình?
Nói về sự giằng co giữa cái cũ và cái mới, Kinh Thánh, sách Lu-ca 5:37-38, có ghi lời nói của Chúa Cứu Thế Giê-xu rằng:“không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Làm như thế, rượu mới sẽ làm nứt bầu, rượu đổ ra mất mà bầu cũng bị hư. Rượu mới phải đựng trong bầu da mới”
Chúa Cứu Thế Giê-xu là ai và Ngài nói như vậy với ngụ ý gì?
Để hiểu lời nói này, chúng ta cần điểm sơ qua cách làm rượu ngày xưa ở xứ Trung Đông.
Đầu tiên, người ta lấy chân trần để đạp nho trong các chậu gỗ. Nước ép từ trái nho được gạn lọc để lấy ra xác nho cùng đất cát; rồi được chế vào các thùng để lên men. Trung Đông là xứ nóng, nên nước nho ép lên men rất nhanh. Sau quá trình lên men sơ khởi này, nước nho được lọc một lần nữa qua những tấm vải, để loại ra những cặn cáu và các chất men chết. Sau đó, người ta đổ nước rượu nho mới này vào những bầu lớn bằng da để tiếp tục quá trình lên men.
Để có bầu da đựng rượu cho quá trình lên men lần hai, người ta giết một con dê, lấy lòng và xương đi, cũng như chặt cả tay lẫn chân của con dê. Sau đó, da con dê được hơ lửa để thuộc, rồi được khâu kín lại, chỉ trừ phần cổ, là nơi người ta rót vào bầu da dê nước rượu nho mới được lên men sơ khởi. Cổ bầu sau đó cũng được cột kín lại. Quá trình lên men tiếp diễn bên trong bầu, tiết ra nhiều thán khí, khiến bầu da bị phồng lên tối đa và làn da dê thuộc bị căng cứng đến tột độ.
Sau khoảng từ hai đến bốn tháng, quá trình lên men giảm lại từ từ và cuối cùng chấm dứt, để hoàn tất chất rượu. Bầu da dê đã bị kéo giãn đến mức tối đa và dưới tác động của chất rượu đã hình thành trong bầu, da bị giòn đi, mất hẳn khả năng đàn hồi và không thể còn sử dụng để đựng rượu mới còn đang lên men được nữa.
Do vậy, Chúa Giê-xu có nói: “không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Làm như thế, rượu mới sẽ làm nứt bầu, rượu đổ ra mất mà bầu cũng bị hư”, với ngụ ý, cái cũ và cái mới không để đi chung, không thể song hành với nhau được, vì cái này sẽ phá cái kia.
Tương tự như vậy, với một con người cũ, với bản tính cũ, với cái nhìn cũ, với ý chí nghị lực đã cũ mòn, bạn và tôi chẳng bao giờ tự vượt thắng những trở ngại và thử thách mới, để đạt tới những thói quen mới hay lối sống mới trong năm mới được.
Sứ đồ Phao-lô, trước khi được Chúa Giê-xu biến đổi ông, đã kinh nghiệm sự yếu đuối của bản thân trước tội lỗi, nên đã kêu cầu rằng “Tôi muốn làm điều phải mà tôi lại không làm. Điều thiện mình muốn làm, thì không làm, nhưng lại làm điều ác mà mình không muốn… Thật khốn cho tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể chết nầy?” (Rô-ma 7:18, 19, 24)
Cách đây vài năm, người viết bài này có về thăm lại quê hương Việt Nam. Đường phố Sài Gòn vẫn như xưa, nhưng số dân tại đây nay đã tăng lên gấp bốn hay năm lần, khiến giao thông luôn luôn tắc nghẽn. Chỉ cần một cơn mưa có thể khiến những con đường ở Sài Gòn bỗng trở ngập nước lênh láng như sông, vì hệ thống thoát nước để lại từ thời Pháp đã quá cũ kỹ lỗi thời. Để có một thành phố mới, với tiềm năng mới, sẵn sàng vươn lên với một nền kinh tế khỏe khắn tươi mới, điều đầu tiên trọng yếu hơn hết, là cần phải có một hạ tầng cơ sở mới phù hợp.
Để có được một lối sống mới với những thói quen mới, bạn và tôi cần được đổi mới từ bên trong; cần được thay đổi từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, cần được tái tạo từ tận cùng của tâm linh, là phạm vi thuộc về quyền hạn của Đấng Tạo Hóa là Đấng đã dựng nên mỗi chúng ta.
Biết mỗi chúng ta đều bất lực trước sức mạnh của tội lỗi, cho nên cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tình nguyện giáng trần, hạ sinh làm người trong một con người mang tên Giê-xu.
Chúa Cứu Thế Giê-xu hạ sinh để sau đó bằng lòng bị đóng đinh, bị treo trên cây thập tự cho đến chết, làm của lễ chuộc tội cho muôn người; hầu cho bất kỳ ai biết ăn năn tội, tin vào tình thương và sự chết thế của Con Một của Thiên Chúa, thì người đó được tha tội, được xóa bỏ mọi vi phạm, được khôi phục địa vị làm con của Đấng Tối Cao và hưởng được đời sống phước hạnh đời đời.
Một khi bạn và tôi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, Thánh Linh của Thiên Chúa sẽ ngự vào tâm linh và thực hiện cuộc đổi mới bạn và tôi từ trong ra ngoài. Cuộc đổi mới này là chắc chắn, liên tục và trọn vẹn, vì không do ý chí cũ mòn hay cố gắng yếu ớt của bạn và tôi, nhưng do quyền năng tái tạo của Đấng Tối Cao, như lời Kinh Thánh, sách II Cô-rinh-tô 5:17-18 có khẳng định:
“Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới: cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới. Tất cả cuộc đổi mới đều do Thượng Đế thực hiện”.
Các bạn thân mến,
Rượu mới làm nứt bầu da cũ.
Khi tâm linh của bạn được Thiên Chúa đổi mới, bạn bỗng trở nên vô cùng “dị ứng” và không thể chịu đựng nỗi những thói quen cũ lười biếng, ích kỷ, luông tuồng, bậy bạ, rầy rà, vô bổ, lãng phí, vô trách nhiệm.
Khi tâm linh của bạn được Thiên Chúa tái tạo, bạn chẳng cần phải gắng gượng ép uổng, nhưng tự động muốn vứt xa đi “cái bầu da cũ”, để rồi say mê đeo đuổi những điều mang đến “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ”; sẵn sàng cho một đời sống hoàn toàn đổi mới, ngay từ năm mới nay cho đến cõi đời đời vô tận.