Đi tìm chiên lạc

Đi tìm chiên lạc
Kí sự về vùng truyền giáo Ba Hòn – Kiên Giang

« Thường ơi…i, Cúc ơi…i, dậy đi lễ… ! ». Giọng anh khàn khàn vang lên trong màn đêm rồi tan loảng vào không gian im vắng. Bổng từ bên kia con kênh có tiếng vọng lại trả lời anh : “Bố ơi…i, con dậy rồi…i”

Sáng nào cũng vậy. Cứ 4 giờ là anh đã thức. Khoác vội bộ đồ tàu, vừa đi tập thể dục vừa réo gọi giáo dân dậy đi xem lễ sáng. Tôi bước theo anh. Trời tối như mực. Hai bên những con đường đất viền những “duông” tôm (duông tôm= đìa tôm) , chỉ có tiếng sóng rì rào và tiếng lá dừa nước tỉ tê trong đêm. Đường đi hẹp, gồ ghề, bước chân anh vẫn mạnh dạn, vững chắc. Đất với người dường như đã quá quen hơi, còn tôi, bám sát lưng anh mà bước đi vẫn hụt hững.

Anh tự nguyện về vùng Ba Hòn nầy đã mấy tháng nay. Một vùng nước mặn đồng chua. Bốn bề bát ngát kênh lạch, ao đìa, và rừng dừa nước. Đất nối liền trời, nước cuốn theo mây, mênh mông một vùng trời duyên hải. Bóng cây đã hiếm, bóng nguời lại thưa. Giáo dân ở đây như những con chiên lạc đàn, vừa nghèo cơm áo vừa khô héo tâm linh. Tha phương cầu thực, bến lạ bờ xa, họ trôi dạt về đây như đám lộc bình trôi theo giòng nước.

Anh vốn là cha sở của giáo xứ Kiên Lương, một thị trấn sầm uất, cách đó 8 cây số. Khách thập phương đi tham quan thắng cảnh Hà Tiên đều phải đi qua Kiên Lương và không khỏi để lại trong ký ức mình một vài hình ảnh thân thương của một xứ đạo nằm sát bên vệ đường. Nhà thờ, nhà xứ, tháp chuông, đài Đức Mẹ…cấu trúc nhẹ nhàng mà mang tâm hồn và sắc thái Việt Nam.Trên một phần tư thế kỷ anh đã để lại nơi đây biết bao dấu ấn ! Và cái đậm sâu nhất vẫn là tình nghĩa cha con giữa anh với non bốn ngàn giáo dân ở đó. Người dân miền Nam chất phác, bộc trực mà rất thật lòng. Trẻ cũng như già, họ thích gọi anh là bố hơn là gọi cha. Nghe thân tình hơn. Những tháng năm gian khổ, anh đã chia sẽ với họ vừa cả Lời Chúa vừa cả manh áo miếng cơm. Họ che chở anh, anh đùm bọc họ. Kế tiếp các vị tiền bối từ năm 1978, anh là người đã gắn bó lâu dài nhất với con chiên và xứ đạo của mình. Nhưng anh nghĩ, đã đến lúc mình phải ra đi, như vị chủ chăn giấc ngủ chẳng yên khi ngoài kia vẫn còn những con chiên lạc đàn đang kêu bầy gọi bạn.

Về vùng truyền giáo Ba Hòn nầy, nhà nguyện còn là mấy tấm tồn che nắng che mưa, vài tấm bạt lè tè chắn gió. Nhà xứ là một gian nhà thủy tạ lợp lá thưng phên. Ngày đêm gió trời lồng lộng. Khỏi cần máy lạnh cũng chẳng cần quạt gió. Về sống với anh ở đây, xa rời thế giới « văn minh », lòng trần chợt thấy như mình vừa được rửa sạch nợ đời, tâm hồn thanh thoát !

Anh trở về với thiên nhiên, với cảnh sống đạm bạc. Trong anh cái nhu cầu «trở về nguồn » và « làm lại cuộc đời » vẩn luôn tiềm ẩn dù tuổi đời đã cao. Gặp anh hôm nay, tôi chợt nhớ lại hai mươi tám năm về trước…

Hồi đó, anh còn là một cha dòng Phước Sơn ở Thủ Đúc. Bề trên dòng sai anh xuống Rạch Đùng, một vùng biển Hà Tiên, nơi chân trời góc bể, để gầy dựng một cộng đoàn tại đó. Chưa được bao lâu thì miền Nam mất. Cộng đoàn của anh giải toán. Còn anh, chính quyền địa phương chưa nắm rõ thực tình lầm bắt giam anh vì tội « đại úy ngụy quân không ra trình diện ».

Trong tù, anh chơi thân với một thượng tọa Phật giáo. Mẹ tôi từ miền Trung cực khổ vào thăm nuôi. Được mẹ cho cái gì anh cũng « ăn chia » với ông thầy cái đó. Lâu ngày thiếu nước, tắm rửa không đầy đủ, ông thầy bị ghẻ mọc đầy mình. Vậy là ông cha cứ ngày ngày lau chùi, chăm sóc. Ông thầy « phải lòng » ông cha nên một ngày kia đã xin học đạo. Và rồi cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến, ông thầy đã xin ông cha rửa sạch nợ trần của tổ tiên Adong và Eva kiếp trước ! Hiện nay gia đình tôi còn giữ xâu chuỗi bồ đề mà ông thầy đã trao tặng anh tôi ngày đó.

Đầu năm 1978, khi tôi về thăm anh thì anh đã được trả lại tự do và về lại Rạch Đùng. Đi thăm anh ở chốn đèo heo hút gió này tôi chợt thấy thương anh bằng một mà thương mẹ tôi bằng mười. Từ miền Trung, tay đùm tay xách, mền trời chiếu đất, qua hết bến xe miền Trung lại đến bến xe miền Tây. Xuống xe lại còn phải đi đò dọc theo mấy con kênh mà hai bên bờ rắn lục đeo lũng lẳng. Trong nắng ban chiều lấp lánh một màu xanh bạc, ấn tượng đó, mỗi lần nhớ lại, tôi còn thấy rợn người!

Một chuyến theo mẹ đi vào vùng sâu vùng xa, tôi bổng thấy mình thật yếu đưối trước những tấm thân tuy gầy mà sức chịu đựng lại thật dẽo dai. Dẽo dai hơn cả chiều dài khắt khe của định mệnh !

Lên bờ, trước mặt tôi là ruộng đồng mênh mông. Theo ngón tay mẹ chỉ, lòng chợt bồi hồi khi nhìn thấy đàng xa một túp lều tranh đang toả khói lam chiều . Nơi đó, có một cuộc đời đang được lột xác, một sự sống mới đang được thành hình : « Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con người không chỗ dựa đầu » ! Đoạn Tin Mầng trên đây của Thánh Luca (9-58) anh tôi thật đã thấm thía trong cuộc đổi đời hôm nay. Anh trở về đây, trên nền nhà cũ của cộng đoàn ngày xưa, giờ chẳng còn chi, để sống một cuộc sống mới mà chính anh cũng chưa biết ngọn gió Thánh Linh sẽ đưa đẩy về đâu.

Tối hôm đó, dưới túp lều tranh, « ba quả tim vàng » mầng mầng tủi tủi! Anh vẫn như ngày nào, vẫn cái lạc quan biểu hiện qua giọng cười ròn rã dù khuôn mặt đã ngang dọc nhiều nét phong sương : « Bên Tây làm chi em có được cái « chaumière » nầy mà ở ! ». Anh khôi hài so sánh túp lều của anh với những gian nhà làm bằng tranh mây của giới thượng lưu bên Pháp.

Bữa ăn tối, anh đãi mẹ và tôi món cá lóc nướng bùn mà chính tay anh đã tát được hồi chiều. Bữa cơm thanh đạm mà hương vị thật dạt dào! Ngọt bùi như tình mẫu tử, đậm đà như tình anh em ! Trong cuộc đời của ba mẹ con chúng tôi, cuộc sống đã chia cách mỗi người một phương, mẹ thì ở miền Trung, anh thì ở miền Tây, còn tôi thì bôn ba hải ngoại, những giây phút được sống bên nhau như thế nầy thật là hiếm quý !

Đêm xuống, chúng tôi nhường « căn phòng » cho bà cụ, còn hai anh em thì ra nằm « khách sạn ngàn sao » đàm đạo suốt sáng.

Về « ẩn tu » ở đây chưa được bao lâu thì Giám Mục giáo phận Long Xuyên gọi anh về coi xứ Kiên Lương. Từ chiếc áo hai màu đen trắng của một cha dòng phải khoác lên mình chiếc áo chùng thâm, vấn đề thật không đơn giản cho anh. Nhưng đã là linh mục thì dù ở hoàn cảnh nào cũng chỉ một câu trả lời, đó là hai tiếng : « xin vâng », xin vâng vô điều kiện, xin vâng đến tận cùng.

Đi coi xứ, để làm kim chỉ nam, anh đã chọn quan thầy là một cha xứ người Pháp đã từng sống dưới thời những cuộc cách mạng lớn (1786-1859) : một người có dáng vóc bé nhỏ, bình dị nhưng lại là một chuyên gia khai hóa các tâm hồn; một chiến sĩ của Tin Mầng luôn biết kết hợp hai mặt « động- tĩnh » của đời sống linh mục : ngày thì sinh hoạt mục vụ, ngồi tòa giải tội cả chục giờ , xả thân cho con chiên trong công việc từ thiện bác ái; đêm thì quỳ cầu nguyện hàng giờ và lắm khi thức trắng cả đêm trước Mình Thánh Chúa, trong nhà chầu. Đó là Cha Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở của xứ Ars, người đã được Đức Thánh Cha Piô XI phong thánh năm 1925 và được phong làm « Cha Xứ của tất cả các cha xứ trong hoàn vũ » năm 1929.

Trong anh trộn lẫn hai nguồn tu đức vừa chiêm niệm vừa hoạt động. Cái nọ củng cố cái kia và hỗ trợ lẫn nhau. Chiêm niệm đã giúp anh vững bước vào đời. Vào đời đã giúp anh nhận diện được cái Tâm của Đạo, cái Đạo vào đời. Đã nhiều lần về thăm xứ đạo của anh ở Kiên Lương thú thật tôi đã phải mất đi nhiều năm mới hiểu được anh, hiểu được cái quan điểm và lối mục vụ táo bạo của anh.

Nhà xứ của anh cửa mở suốt ngày đêm cũng như phòng riêng của anh ai vô ra cũng được. Phòng trực của Ban Hành Giáo luôn sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai, lương cũng như giáo, giàu cũng như nghèo. Khuôn viên giáo xứ suốt ngày đêm rộn tiếng sinh hoạt các đoàn thể và tiếng trẻ nô đùa . Nhà chầu Thánh Thể cửa không bao giờ đóng và đã không thiếu những giáo dân đêm đêm ôm cả gối mền đến ngủ luôn trong nhà chầu, như để Chúa bớt lạnh lẽo cô đơn ! Anh muốn xứ của mình phải thật là « một mái nhà chung » , chỉ tội cho Ban Hành Giáo cứ phải điên đầu giải quyết những rắc rối liên quan đến an ninh xã hội…

Anh tin người đến liều lĩnh. Người lường gạt anh cũng đã nhiều. Thế nhưng anh vẩn luôn duy trì một quan điểm : « thà mình bị gạt còn hơn để lỡ một cơ hội không cứu giúp người cùng khổ ». Ăn uống thì kham khổ, cô bõ nấu ăn cứ phải tính toán « nát óc » mỗi lần đi chợ, còn làm công việc từ thiện, bác ái thì bạc tiền anh tôi lại không biết đếm. Có lần đi thăm kẻ liệt về, trên người chỉ còn cái quần xà lỏn !

Noi gương Thánh Biển Đức mà quy luật sống là : «hãy lắng nghe», giữa những ngã ba đường, khi mỏi nản, hoang mang, ngờ vực bao phủ tâm hồn, anh thường tìm ánh sáng và sức mạnh trong cầu nguyện. Về sống với anh ở đây , ngủ cùng phòng, mỗi đêm tôi thường bị thức giấc vào lúc một giờ sáng. Đó là giờ anh vào nhà nguyện tâm sự với Chúa.

Quản lý các tâm hồn anh còn phải quản lý cuộc sống, quản lý vật chất và tiền bạc. Vai trò của một cụ xứ thật không phải là đơn giản ! Và có lẽ cái khó nhất là làm sao đừng để mình bị trói buộc bởi những định luật thông thường của tiền bạc vật chất. Vốn là một cha dòng khổ tu đã từng có ba lời khấn : vâng lời, trong sạch và khó nghèo. Những cam kết đó, đặc biệt là lời khấn khó nghèo còn vang vọng trong cuộc sống hôm nay, bởi thế anh đã dễ dàng dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng một « sự nghiệp hai mươi tám năm » để mạo hiểm vào vùng truyền giáo Ba Hòn này ở cái tuổi mà bình thường người ta chỉ cầu xin hai chữ « bình an ».

Ước mơ gầy dựng giáo xứ Ba Hòn, anh đã ôm ấp từ nhiều năm qua, khi thấy giáo dân từ xa về đây mỗi ngày một đông. Và đa số họ là dân làm thuê cuốc mướn, mặt bán cho đất, lưng bán cho trời. Mỗi lần về xứ anh đi lễ ngày chủ nhật là mỗi lần tiền xe ôm đã xén mất đi phần ăn của gia đình họ.

Sau nhiều năm tháng đợi chờ, dự án thành lập giáo điểm Ba Hòn của anh đã được chính quyền chấp thuận. Anh cho tôi xem dự án và đưa tôi ra xem khu đất mới mua trên đó anh sẽ xây cất nhà thờ, nhà xứ. Đó là một lô đất bùn sình dài 200 thước, rộng 40 thước, hai phía bao bọc bởi hai con kênh. Muốn xây cất phải đắp đường, lấp kênh, bắc cầu, vét bùn, bơm cát, đổ đất…

Tôi rùng mình hỏi anh : « Anh sẽ lấy tiền ở đâu ra mà thực hiện dự án này ? ». Bỏ hai tay vào túi áo, ngước mắt lên trời anh vừa cười vừa nói : « Một phần ở trong túi, một phần nữa ở trên kia. Anh làm phần của anh, Chúa sẽ làm phần còn lại » !

Tôi đứng lặng im trước câu trả lời của anh và thầm nghĩ mọi hạch toán kinh tế đều không đứng vững trước « niềm tin liều lĩnh » của anh ! Tôi lo cho anh, còn anh, nét mặt vẫn lạc quan tin tưởng. Anh và tôi, mỗi người một tư duy, mỗi người một cuộc sống. Tôi không có được niềm tin lớn mạnh như anh, tâm hồn quảng đại như anh. Và tôi cũng không có được cái « vô tư » của anh. Về giáo điểm nầy, Ban Hành Giáo thì manh nha, giáo dân thì xơ xác, mọi chuyện trong ngoài anh đều phải xử lý. Thế nhưng, ban đêm, hễ đặt lưng xuống giường là chỉ năm phút sau đã nghe anh ngáy ngon lành.

Tôi thèm giấc ngủ của anh. Tôi thèm cái bình an trong tâm hồn của anh. Và tôi nghĩ Chúa sẽ không bỏ anh và bạn bè của anh ở khắp năm châu bốn bể cũng sẽ không bỏ anh. Bởi vì anh đang « xông pha trong sa mạc » để tìm về cho Chúa, cho Giáo Hội, nghĩa là cho tất cả chúng ta, những con chiên xa đàn .

Đường của Chúa mấy ai hiểu thấu ! Rồi đây, từ khu đất bùn sinh nầy, sớm chiều sẽ vang vọng vào không gian, bay thẳng lên chín tầng mây những lời kinh tiếng hát để ca tụng Đấng Tối Cao.

Tôi thầm cầu xin cho giấc mơ nầy của anh tôi sớm thành hiện thực.

Paris, mùa Phục Sinh 2006
Nguyễn Songlam
KienLuong

 BaHòn

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.