Thắp nén nhang ngày Mồng Hai Tết nhớ đến ông bà tổ tiên.
Nhìn làn hương quyện bay trong nắng xuân, lòng bùi ngùi hồi tưởng chuyện năm xưa, rồi xao xuyến nghĩ đến chuyện ngày mai.
Chợt thấy nỗi sợ hãi thường bắt đầu bằng việc ngoái nhìn về quá khứ hay ngóng nhìn về tương lai mà quên mất khoảnh khắc
hiện tại là nơi ta có một cái nhìn trong sáng, không bị che phủ bởi lớp mây mù của sự sợ hãi.
Patrul Rinpoche là một vị thầy Tây Tạng của thế kỷ 19 đã diễn tả chân lý ấy như sau :
“Đừng kéo dài quá khứ. Đừng mời gọi tương lai. Đừng để bị lừa gạt bởi vẻ bên ngoài. Cứ an trú trong tỉnh thức của hiện tại.”
Tất nhiên khi ta cố gắng để sống một cách bình thản như không có việc gì xảy ra, trong lúc mọi việc đang sụp đổ dưới chân ta, đang “tan rã” chung quanh ta… quả không phải là một việc dễ dàng. Không dễ dàng chút nào. Nhưng rồi những ngày ấy cũng trôi qua… “ngày buồn rồi cũng qua mau”!
Mắt chợt cay cay, nhớ đến các bậc tiền nhân đã trải qua biết bao khó nhọc thử thách mà vẫn giữ vững lòng tin.
Tự nhủ mình phải có sự nỗ lực vượt bực trong năm mới này, và phải có một tinh thần kỷ luật “thép” để nhắc nhở mình cần trở về với khoảnh khắc hiện tại, nhất là khi có thể thấy rằng những quyết định được thực hiện trong hiện tại có thể gây hại cho người khác, hoặc sẽ có những hậu quả tệ hại trong tương lai.
Chỉ khi nào được giải thoát khỏi “tham-sân-si” ta mới có khả năng thấy được tình thế cách rõ ràng, nhận thức trọn vẹn sự việc và quyết định đúng đắn điều gì cần làm và nên làm,không mảy may lo nghĩ những hành động ấy có mang lại thành công hay không.
Thế là ta đã có cách sống an bình giữa giòng đời biến dịch.
Sống trọn vẹn giây phút hiện tại như là hồng ân Chúa trao ban.